Khởi nghiệp bằng công nghệ là con dao hai lưỡi. Ứng dụng tốt sẽ giúp doanh nghiệp đột phá nhưng ngược lại nó cũng có thể giết chết doanh nghiệp.
Thể hiện tầm nhìn bằng công nghệ
Theo TS. Ngô Tấn Vũ Khanh – Giám đốc KASPERSKY Việt Nam, một doanh nghiệp muốn thành công thì phải biết toàn bộ quy trình để sản phẩm đến được với người mua: khách hàng nhận biết sản phẩm, mua sản phẩm, doanh nghiệp chăm sóc khách hàng và lặp lại vòng đời. Toàn bộ điều này được thể hiện bằng một phần mềm – tức là sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng doanh nghiệp. Rất nhiều công nghệ làm thay đổi tư duy kinh doanh, thay đổi doanh nghiệp nhờ việc áp dụng hiệu quả.
Khởi nghiệp bằng công nghệ là con dao hai lưỡi. Ứng dụng tốt sẽ giúp doanh nghiệp đột phá nhưng ngược lại nó cũng có thể giết chết doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức – CEO Innovation Capital Management cho biết, công nghệ theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm yếu tố “cứng” như bí quyết, bằng sáng chế, sản xuất và hoặc công nghệ mang tính chất kỹ thuật – vật lý – tự nhiên mà còn bao gồm cả công nghệ quản trị, công nghệ bán hàng, công nghệ marketing và công nghệ phát hiện vấn đề.
Hầu hết yếu tố công nghệ mới, có khả năng thay đổi một phần lớn hoặc trọn vẹn quy trình sản xuất – bán hàng – thói quen tiêu dùng, là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định vị một ngành hàng. Điều này không chỉ tạo lợi thế cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn tạo lợi thế nên năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bằng chứng là các công ty lớn tại Mỹ (hoặc bất kỳ một quốc gia nào) khi nhượng quyền hoặc thu mua doanh nghiệp tại Việt Nam thì việc đầu tiên họ làm, sẽ là áp dụng toàn bộ công nghệ ở công ty của họ sang công ty này. Vì công nghệ thông tin và hệ thống thông tin doanh nghiệp là “huyết mạch” và là linh hồn của công ty. Cho nên áp dụng công nghệ thông tin từ nước sở tại là cách để đưa toàn bộ chiến lược, tầm nhìn, gốc gác về kinh tế… đến một thị trường khác để nhân rộng ra.
“Họ đã mặc định và thể hiện bằng công nghệ thông tin, áp dụng vào công ty mà họ M&A. Nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển theo cách họ muốn. Tức là dùng công nghệ thông tin chi phối, thể hiện tầm nhìn của họ”, TS. Ngô Tấn Vũ Khanh cho biết.
Công nghệ: con dao hai lưỡi
Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ trong kinh doanh cũng như bổ trợ cho quá trình tạo lập doanh nghiệp cũng buộc các start-up phải tỉnh táo, thông minh. Bản thân công nghệ không có yếu tố hạn chế hay không, mà chỉ có yếu tố phù hợp hay không. Việc áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành là một điều cần thiết, tạo ra năng lực cạnh tranh chiến lược của công ty nhưng cũng thể hiện được tầm nhìn của nhà quản lý.
Cụ thể, bản thân công nghệ là một sự hỗ trợ cho việc giảm thiểu các bước thừa trong các quy trình đã được định danh và hình thành trước đó. Điều này giúp cho việc chuẩn hóa quy trình và tín hiệu quản trị. Xét theo góc này, nếu có một sự không đồng bộ giữa quy trình mà công ty mong muốn với công nghệ thì sẽ không phù hợp. Ngay cả khi có công nghệ, việc tự kỷ luật trong áp dụng công nghệ cũng do người dùng tự định đoạt để có thể phát huy hết tài nguyên công nghệ (hay không).
T.S Vũ Khanh cũng chia sẻ thêm, hầu hết các start-up luôn mắc phải sai lầm là không nắm được nội tại của doanh nghiệp, trong khi có rất nhiều công cụ, phần mềm giúp theo sát những vấn đề của doanh nghiệp như nhân công, doanh thu, mặt hàng, marketing…
“Nếu các bạn nghĩ rằng các bạn giỏi công nghệ và điều này giúp bạn thành công thì cần suy nghĩ lại. Bởi vì nó có thể là phép màu tuy nhiên nó cũng có thể giết chết công ty của bạn”, ông Vũ Khanh đánh giá.
Hạn chế này cũng là một trong những vấn đề đau đầu khiến các start-up vuột mất các cơ hội từ các nhà đầu tư lớn.
Nói thêm về điều này CEO Innovation Capital Management nhận định, khi tiếp cận với một doanh nghiệp non trẻ, nhà đầu tư hướng tới tính chính xác của những thông số vừa được đề cập. Nhưng thực tế tại Việt Nam, khi tiếp cận các dự án để tìm phương án đánh giá trước khi tiến hành đầu tư, dữ liệu luôn là một thách thức cho các nhà đầu tư.
Lý giải điều này, ông Đức nhận định nguyên nhân nằm ở nhận thức của các founder từ lúc tiến hành thành lập công ty, tiến hành các công tác đầu tư, khởi nghiệp… đã không có một ý thức về việc ghi chép tài chính, ngược lại, chỉ tập trung vào vấn đề sản phẩm.
“Lời khuyên cho tình huống này là, thực tế với một start-up, việc theo dõi phát sinh nhiều chi phí/ khoản đầu tư là không phức tạp, chỉ cần có ý thức cho việc đó và lập chứng từ đơn giản, dùng excel để theo dõi hoặc mời gọi một người hợp tác đi cùng có kiến thức về kinh tế tài chính là bạn đã có thể thực hiện tốt công tác theo dõi các lộ trình đầu tư, phát triển và nhìn nhận được toàn cảnh việc triển khai ý tưởng của mình từ đó có các chỉnh sửa cần thiết để ra được các quyết định chỉnh sửa bộ máy và kế hoạch, chiến lược cho phù hợp”, ông phân tích.
Ngoài ra, sử dụng công nghệ cũng nên phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty; khả năng mở rộng – tích hợp của công nghệ và tính an toàn trong thông tin người dùng, thông tin công ty.
“Cuối cùng và quan trọng nhất – người điều hành phải tỉnh táo. Dùng công nghệ phải sát sao vào từng chức năng để sử dụng một cách khôn khéo, không thừa thãi”, ông Vũ Khanh nói thêm.