Root Letter: Last Answer là bản cải tiến của tựa game visual novel Root Letter lần đầu phát hành vào năm 2016 với nhiều cập nhật mới đáng chú ý. Đây cũng là phần chơi đầu tiên trong series Kadokawa Games Mystery.
Lần cuối bạn nhận một lá thư tay là khi nào? Với công nghệ thông tin phát triển vùn vụt như ngày nay, có lẽ rất hiếm ai còn viết thư tay cho nhau. Tuy nhiên, với những người “già đầu” như tôi thì đó là những lá thư viết tay đong đầy kỷ niệm vô cùng đặc biệt mà tôi vẫn cất giữ cẩn thận từ đó đến nay. Lần cuối đó có lẽ là một câu trả lời khó với nhiều người trẻ hiện nay, nhưng với anh chàng Takayuki “tuổi băm” thì đó là khoảng 15 năm về trước với Fumino Aya. Hai người đã gửi cho nhau khá nhiều lá thư tay, nảy sinh tình cảm nhưng rồi “cô gái đến từ hôm qua” ấy đột ngột cắt liên lạc.
Ở thời điểm hiện tại, khi soạn lại đồ đạc thì nhân vật chính phát hiện một lá thư còn nguyên phong bì, không có dấu bưu điện nằm lẫn trong số những lá thư do Aya gởi. Nội dung lá thư xuất hiện đầy bất ngờ khiến Takayuki nhớ lại những kỷ niệm mà cả hai từng trao nhau qua từng lá thư tay của một thời học trò trong sáng. Điều đó thôi thúc nhân vật chính tìm đến thành phố Matsue thuộc tỉnh Shimane, nước Nhật để đi tìm cô bạn gái chưa từng gặp nhau một lần trong đời, ngoài một bức ảnh duy nhất gởi kèm trong một lá thư. Cho những bạn nào chưa biết, Shimane là một tỉnh ven biển có dân cư thưa thớt ở phía tây đảo Honshu đất nước mặt trời mọc. Tỉnh này được bao bọc bởi bờ biển Nhật Bản ở phía bắc và nổi tiếng với lâu đài Matsue thời Tokugawa và Izumo Taisha, một trong những đền thờ Shinto lâu đời nhất Nhật Bản.
Với thâm niên chơi visual novel “không phải dạng vừa đâu”, Root Letter: Last Answer gây ấn tượng cho tôi ngay từ câu chuyện ban đầu về ý tưởng những lá thư viết tay đầy hoài niệm. Cuộc điều tra của nhân vật chính còn gây nhiều bất ngờ hơn khi nút thắt này tiếp nối nút thắt khác. Đội ngũ biên kịch đã xây dựng chắc tay một câu chuyện kể gợi nhiều sự tò mò. Từng manh mối liên tiếp đi vào ngõ cụt rồi mở ra một manh mối mới, cuốn người chơi vào “tiểu thuyết trực quan” này. Không những vậy, trò chơi còn cung cấp rất nhiều thông tin “đem chuông đi đánh xứ người” thú vị cho mục đích quảng bá du lịch, văn hóa ở tỉnh Shimane khá hay, cung cấp nhiều thông tin chi tiết về những địa danh có thật thông qua Guidebook của nhân vật chính.
Chưa kể, tất cả hình ảnh trong game đều trông khá giống ảnh chụp các địa danh ngoài đời thật, nhưng tôi không dám khẳng định vì chưa đến tỉnh Shimane bao giờ. Thậm chí các nhân vật trong game cũng là hình chụp người thật. Theo chia sẻ của nhà phát hành thì đây là tính năng mới trong Root Letter: Last Answer so với tựa game gốc. Nếu muốn, bạn vẫn có thể chuyển sang đồ họa vẽ tay cũ nguyên bản trong Root Letter nhưng hơi mất thời gian vì người chơi phải thay đổi Graphics Mode trong mục Options ở menu chính trước khi vào trò chơi, chứ không có tùy chọn này khi vào Options truy cập từ Smartphone trong trải nghiệm.
Khác biệt giữa Drama Mode và Original Mode trong tùy chọn Graphics Mode là Drama Mode sẽ sử dụng hình người thật và có lẽ cả ảnh thật của những địa điểm trong game. Trong khi đó, Original Mode sẽ đưa đồ họa về với những hình vẽ nguyên bản trong tựa game gốc Root Letter, từ cảnh cho tới cả nhân vật. Khó có thể nói chế độ nào mang đến hiệu quả hình ảnh tốt nhất cho trải nghiệm visual novel của trò chơi, nhưng một vấn đề không nhỏ của Drama Mode là biểu cảm của các nhân vật đôi khi không khớp với tình huống, dẫn đến cảm giác khá lạt quẻ và kém duyên trong không ít hoàn cảnh nhất định.
Mặt khác, chất lượng hình ảnh trong chế độ mới Drama Mode cũng không cao, nhất là hình ảnh của các nhân vật sử dụng ảnh chụp “full không che” từ các diễn viên người thật tuy vẫn nét ở chế độ dock trên máy Nintendo Switch, nhưng tóc nhìn cứ bết vào nhau chứ không có chi tiết. Yếu tố này tuy không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm, nhưng khiến chế độ hình ảnh này trở nên thua kém hơn so với những nét vẽ của các họa sĩ trong Original Mode vốn được đánh giá khá cao từ tựa game gốc. Tuy nhiên, vì vấn đề này có thể thiên về “gu” của mỗi người nên tôi cũng không đặt nặng và không xem đây là một điểm trừ đáng chú ý.
Bên cạnh yếu tố visual novel khá hấp dẫn và lôi cuốn về mặt nội dung, một điểm nhấn khác của Root Letter: Last Answer là trò chơi hướng đến yếu tố tương tác khá nhiều, mang chút cảm giác giống như những tựa game point and click cùng với một vài yếu tố khác cho mục đích này. Phần lớn ý tưởng trong đó đều mang đến cảm giác mới mẻ cho trải nghiệm visual novel vốn từ trước đến nay chỉ thiên về đọc chữ và tùy vào ý đồ của nhà phát triển mà có thể là ngắm nữa. Dù vậy, không phải ý tưởng tương tác nào cũng hấp dẫn trong trải nghiệm. Một trong số điểm trừ đó là tương tác thông qua tùy chọn Check.
Check cho phép người chơi tương tác với khung cảnh của địa điểm để tìm kiếm thông tin. Ý tưởng này nghe có vẻ thú vị về mặt lý thuyết, nhưng kỳ thực đôi lúc khiến tôi vô cùng ức chế vì giống như đi dò pixel trên màn hình vậy. Một số địa điểm đòi hỏi người chơi phải tương tác đôi lần ở một vị trí nhất định để “mở khóa” cho tình tiết mới diễn ra, đơn cử như phân đoạn tìm gặp nhân vật Misaki. Sau hơn 15 phút loay hoay thử mọi ý tưởng với hy vọng giải quyết vấn đề, nhưng tôi vẫn không tài nào qua được. Ban đầu, tôi thậm chí còn tưởng game bị lỗi ở đoạn đó vì đã “check” rất kỹ mọi điểm tương tác trên màn hình.
Vậy mà, trò chơi lại bất ngờ chuyển sang tình tiết mới sau khi tôi bực tức nhấn liên tục loạn xạ vào một điểm tương tác trước khi quyết định chơi lại từ đầu. Tuy nhiên, ở thời điểm này tôi vẫn chưa hình dung ra lý do tại sao lại có thể qua được đoạn “bế tắc” nói trên, đến khi một phân đoạn tương tự ở một địa điểm mới với nhân vật Omori, vấn đề mới thông suốt. Đây có vẻ là lỗi game chứ không phải tính năng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người chơi. Thậm chí, ban đầu tôi còn nghĩ đó là do trải nghiệm bản Nintendo Switch ở chế độ handheld màn hình quá nhỏ, nhưng khi gắn máy vào dock thì tình hình vẫn không thay đổi.
Tất nhiên, yếu tố tương tác không chỉ dừng lại ở “tìm pixel” nói trên mà còn có MAX Mode giống như một kiểu QTE đơn giản. Trong đó, người chơi phải bấm vào lựa chọn tương ứng cho mục đích tương tác với nhân vật. Tuy nhiên, các phân đoạn QTE này thường diễn ra quá nhanh khiến tôi không đọc kịp những dòng chữ dài trên đó trước khi quyết định bấm, khá là phiền hà. Dù vậy, Root Letter: Last Answer không đặt nặng yếu tố trừng phạt nên khi chọn sai, bạn có thể chọn lại bao nhiêu lần cũng được. Đây là thiết kế rất đáng khen ngợi mà lần đầu tiên tôi thấy có game visual novel áp dụng vào trải nghiệm để thuận tiện trải nghiệm hơn.
Thú vị nhất là những phân đoạn Investigation có lẽ lấy cảm hứng từ lối chơi “phiên tòa công lý” của series Phoenix Wright: Ace Attorney. Người chơi sẽ phải tìm vật chứng hoặc đưa ra câu hỏi phù hợp để chứng minh một điều gì đó cho mục đích khai thác thông tin, mang đến cảm giác khá mới mẻ và hấp dẫn trong trải nghiệm visual novel so với các tựa game cùng thể loại khác trên thị trường. Tuy nhiên, lựa chọn sai trong cả sáu lượt mà trò chơi đưa ra cũng không đưa bạn về màn hình game over như minigame Fantasize trong Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa. Trò chơi chỉ bắt người chơi phải thực hiện lại từ đầu như QTE nói trên.
Sau cuối, Root Letter: Last Answer mang đến một trải nghiệm visual novel khá hấp dẫn ở câu chuyện kể và pha trộn nhiều yếu tố gameplay khác, mang đến tương tác nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần đọc chữ như thường thấy. Đặc biệt, thiết kế Think khá thú vị khi hoạt động như một tính năng gợi ý những lúc bạn không biết phải làm gì tiếp theo, cũng vừa là hành động tương tác trong một số tình huống trải nghiệm để thúc đẩy tình tiết nội dung tiến triển. Với nhiều điểm cộng đáng chú ý và giá trị chơi lại cao do có nhiều kết thúc khác nhau tùy vào lựa chọn của người chơi, thật khó để những ai yêu thích visual novel có thể bỏ qua cái tên đáng chú ý này.
Root Letter: Last Answer được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác