Với số người dùng smartphone Android đông đảo như hiện nay thì thuật ngữ root hẳn không phải xa lạ, cũng giống như với iOS gọi là jailbreak, “hack” với Windows Phone.
Vậy root là gì? Người dùng có nên root hay không?
Nói nôm na dễ hiểu, root là giành quyền kiểm soát hệ thống của thiết bị, giúp người dùng tùy chỉnh cài đặt vượt qua rào cản bảo mật cao của nhà sản xuất.
Tại sao lại root? Bởi vì có nhiều người dùng luôn không muốn đóng khung với những gì mà nhà sản xuất cung cấp sẵn. Họ muốn khám phá tận cùng công nghệ, thích mày mò “vọc” đến cùng chiếc smartphone mà họ sử dụng hàng ngày. Thường thì những người vọc smartphone này luôn có nhu cầu tìm hiểu sâu vào hệ điều hành, họ muốn vượt qua những hạn chế của nhà sản xuất cài đặt sẵn và hoàn toàn làm chủ thiết bị.
Khi đó, người dùng có thể cài đặt một bản ROM đã được tùy biến (custom ROM), điều chỉnh xung nhịp và điện thế cho CPU (Overclocking – chỉnh xung nhịp và Undervoltage – chỉnh điện thế) nhằm tăng tốc độ xử lý hoặc tiết kiệm pin, bổ sung các tính năng mà mặc định trong máy không hỗ trợ (ví dụ cài thêm Beats Audio, xLoud…) hoặc gỡ bỏ hoàn toàn những ứng dụng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên smartphone Android mà bạn chẳng bao giờ dùng tới (bloatware) để tiết kiệm bộ nhớ và cải thiện tốc độ.
Phương pháp root dành cho mỗi hãng sản xuất smartphone là khác nhau, một số smartphone Android có thể root dễ dàng chỉ với một vài click chuột và đợi trong vài phút, nhưng cũng có những smartphone muốn root thành công cần phải trải qua rất nhiều bước trước đó và thời gian hoàn tất cũng khá lâu.
Một trong những cách root smartphone đơn giản nhất hiện nay là sử dụng một công cụ (tool) root máy tự động mang tên Kingroot hoặc Unlock Root. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng không phải tất cả smartphone Android trên thị trường đều được tool này hỗ trợ mà chỉ có một số smartphone được hỗ trợ. Ngoài ra, cũng có một số máy Android mặc định đã bị nhà sản xuất khóa bootloader (như HTC, Motorola) vì thế root những smartphone của các hãng này thường sẽ phức tạp hơn khi bootloader bị khóa.
Dĩ nhiên, người dùng sẽ không có bất kỳ tài liệu hướng dẫn root máy nào từ nhà sản xuất mà thường là những công cụ root máy và các hướng dẫn root đều do các lập trình viên nghiên cứu, phát triển. Điều này có nghĩa là nếu roor máy, người dùng phải chấp nhận và sẵn sàng đối diện với những tình huống rủi ro nhất định, chẳng hạn mất bảo hành từ nhà sản xuất.
Do vậy, song song với việc tìm ra cách root, các lập trình viên cũng tìm được cách thức gỡ root (unroot) để đưa máy trở về tình trạng như ban đầu giúp bạn dễ dàng mang máy đi bảo hành hoặc vì lý do nào đó bạn không cần tới root nữa nên bạn cũng đừng quá lo lắng.
Mặc dù không phải quá đáng lo ngại, nhưng người dùng chỉ nên root máy sau khi đã đọc kỹ và hiểu rõ phương pháp root và đồng thời nắm được cả cách gỡ bỏ root (unroot) để trong trường hợp cần thiết có thể khôi phục lại máy về tình trạng ban đầu.