Rising Hell là game hành động đi cảnh chặt chém với sự kết hợp thú vị của yếu tố roguelike. Thay vì đi cảnh màn hình ngang như thường thấy, trải nghiệm game diễn ra ở màn hình dọc đầy hào hứng và không kém phần bất ngờ. Ban đầu, người chơi chỉ có thể nhập vai nhân vật Arok với lối tấn công cận chiến nhưng khi “đủ lông đủ cánh”, bạn có thể mở khóa thêm ba nhân vật điều khiển mới. Mỗi nhân vật đều có ưu và khuyết điểm riêng tạo nên giá trị chơi lại khá cao.
Cụ thể, Arok có “máu trâu” nhất so với hai nhân vật còn lại, cộng với tốc độ di chuyển và khả năng gây sát thương ở mức trung bình. Đây là lớp nhân vật cân bằng và dễ tiếp cận nhất với phần lớn người chơi do ‘moveset’ đơn giản. Ngược lại, Zelos có khả năng bắn từ xa nên khá linh loạt nhưng HP ít hơn. Lợi thế của nhân vật này là có thể bắn khi đang lơ lửng, trong khi khuyết điểm lớn nhất lại là không thể vừa bắn vừa chạy và sát thương gây ra thấp hơn Arok.
Sydna mang đến trải nghiệm thử thách nhất do có HP rất “hẻo” cũng như tốc độ di chuyển chậm và kém linh hoạt nhất trong bốn nhân vật điều khiển. Bù lại, nhân vật nữ duy nhất này có khả năng vừa lơ lửng vừa bắn như Zelos, đồng thời cũng có thể vừa chạy vừa quăng bom. Ưu điểm lớn nhất của Sydna là sát thương gây ra khủng nhất, trong khi khuyết điểm lớn nhất là buộc người chơi phải hiểu rõ nhân vật và kẻ thù để sử dụng kỹ năng quăng bom của cô nàng một cách hiệu quả.
Nhân vật cuối cùng là Val với lai lịch khá phức tạp, được nhà phát triển giới thiệu trong bản cập nhật Bloodline phát hành sau khi Rising Hell ra mắt chính thức khoảng nửa năm. Do nhân vật này là thử nghiệm thành công duy nhất của Mephistopheles sau rất nhiều lần thất bại để tạo nên “chiến binh hoàn hảo”. Val có lối chiến đấu cận chiến tàn bạo mang tính bản năng và thiên về tốc độ nên rất linh hoạt. Tuy nhiên, khả năng gây sát thương của Val không thể sánh bằng Arok.
Về cơ bản, các nhân vật không có moveset khác biệt hay sáng tạo hơn các game cùng thể loại. Cơ chế chiến đấu của mỗi nhân vật chủ yếu xoay quanh tấn công, nhảy đúp, bám tường và thi triển tuyệt kỹ Hellbreak. Đây là đòn tấn công rất mạnh nhưng nó cũng rất dễ vô tình bị kích hoạt trong quá trình trải nghiệm. Người viết tin rằng đây là chủ ý thiết kế của nhà phát triển Tahoe Games nhằm tăng mức độ rủi ro, khiến trải nghiệm chiến đấu có tính tưởng thưởng cao hơn.
Ở góc độ người chơi, tôi khá hào hứng với nhân vật Sydna vì khả năng tấn công đa dạng trong nhiều tình huống hơn Arok và Zelos. Tuy nhiên một khi bạn tìm được “chén thánh” cho Zelos, nhân vật này lại mang đến trải nghiệm hào hứng và dễ thở hơn rất nhiều so với các nhân vật còn lại. Val tuy có khả năng tấn công linh hoạt với nhịp độ nhanh, nhưng đáng tiếc là lối chiến đấu của nhân vật này không phù hợp với phong cách trải nghiệm game chậm mà chắc của người viết.
Điều thú vị là lối chơi của tôi lại có phần lạc quẻ trong trải nghiệm game. Rising Hell sử dụng những bản nhạc có tiết tấu sôi nổi, khoáy động bầu không khí game trở nên khá cuồng loạn. Chính vì vậy mà người chơi rất dễ bị cảm xúc thao túng và chuyển sang lối chơi liều ăn nhiều thay vì chậm mà chắc như tính cách. Kỳ thực, không hiếm lần người viết bị cuốn vào trải nghiệm game đầy hấp dẫn xoay quanh khả năng phản xạ hơn là quan sát kẻ thù cẩn thận và phản công.
Cũng như bao tựa game xây dựng trải nghiệm cốt lõi quanh yếu tố roguelike, Rising Hell để lại dấu ấn thú vị với hệ thống hỗ trợ và thăng cấp khá độc đáo, sử dụng lần lượt các loại “tiền tệ” Red Soul, Green Soul và Blight. Về cơ bản, mỗi lượt chơi đều có những điều chỉnh mang đến lợi thế cho bạn như tăng sát thương cũng như HP của nhân vật hoặc tỷ lệ rơi soul và dùng Red Soul để mua. Green Soul thì dùng để hồi máu nhưng rất ít khi xuất hiện đúng lúc.
Blight thì như bạn có thể đoán ra từ cái tên rất đặc biệt của nó. Đây là loại tiền tệ dùng để mở khóa nhiều thứ trong Rising Hell. Trong các lượt chơi, Blight có thể thay đổi ngẫu nhiên các điều chỉnh mang đến lợi thế mà bạn phải mua bằng Red Soul nói trên. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thứ tiền tệ này còn dùng để mở khóa các nhân vật khác ngoài Arok có sẵn, cộng với những thánh tích mang đến lợi thế hoặc bất lợi cho trải nghiệm của bạn ở mỗi lượt chơi.
Bên cạnh các nhân vật khác nhau góp phần mang đến giá trị chơi lại khá cao, Rising Hell còn có chế độ chơi Gauntlet với tính thử thách từ vừa phải đến bất ngờ và gắn liền với nhiều achievement/trophy. Nếu nhiêu đó chưa đủ khiến bạn hào hứng với mức giá vô cùng hạt dẻ, game còn có các màn chơi Agony với độ khó tăng vọt. Thú vị hơn, trò chơi cũng có Redemption Mode ít thử thách hơn, nhưng giảm điểm kinh nghiệm lẫn Blight thu thập được và không mở khóa màn chơi Agony.
Sau cuối, Rising Hell mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh màn hình dọc khá hào hứng trong khoảng thời gian giải trí ngắn hạn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là sự thiếu đa dạng kẻ thù dù điều này có thể chấp nhận được với mức giá hạt dẻ. Bù lại là những trận đánh boss hoành tráng cực kỳ hấp dẫn trên khía cạnh nghe nhìn bắt mắt và sôi nổi. Nếu bạn lần đầu đến với dòng game được xây dựng trên yếu tố roguelike đầy bất công do thiết kế đặc trưng, đây chắc chắn là ứng cử viên cực kỳ sáng giá.
Rising Hell hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!