Rhythm Fighter là game hành động “chặt chém” 2D với đồ họa dễ thương, vui nhộn, nhiều màu sắc cùng yếu tố âm nhạc sôi nổi và roguelike đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gameplay. Mặc dù ý tưởng khá đơn giản và không thể gọi là sáng tạo so với nhiều cái tên khác trên thị trường, nhưng trải nghiệm game rất hào hứng nhờ vào sự kết hợp thú vị nói trên. Một phần của sức hấp dẫn còn đến từ lượng nội dung phong phú, được xây dựng nhằm mang đến giá trị chơi lại cao và không kém phần thử thách. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là cơ thế điều khiển thiếu trực quan.
Về cơ bản, trò chơi có nhiều nét tương đồng Mad Rat Dead về cơ chế gameplay bấm nút theo nhịp nhạc. Khác biệt lớn nhất là tựa game của nhà phát triển Echo Games thiên về lối chơi chặt chém theo nhịp nhạc, trong khi “chuột điên chết” xoay quanh yếu tố đi cảnh đầy khổ ải với yếu tố thời gian hạn chế. Trong Rhythm Fighter, người chơi điều khiển nhân vật theo nhịp nhạc trong mọi hành động từ di chuyển cho đến tấn công. Bạn có thể di chuyển, lăn tròn để né tránh, sử dụng vật phẩm hỗ trợ và tất nhiên không thể thiếu công kích kẻ thù bằng vũ khí rất đa dạng.
Phong cách đồ họa kiểu hoạt hình nhiều màu sắc có lẽ là điểm cộng đầu tiên của Rhythm Fighter. Tạo hình các nhân vật điều khiển của người chơi đều mang hình dạng thú dễ thương được nhân cách và có thể mở khóa bằng trophy thông qua trải nghiệm. Mỗi nhân vật sở hữu các chỉ số khác biệt tạo nên ưu và khuyết điểm riêng trong chiến đấu. Trophy ở đây là một loại tiền tệ trong game có được khi bạn đạt thành tích nhất định trong trải nghiệm. Đó có thể là hoàn thành màn chơi, thu thập số lượng đồng tiền vàng cụ thể hay tiêu diệt một loạt kẻ thù nào đó.
Mỗi cột mốc trophy đạt được sẽ mở khóa tính năng hoặc nhân vật mới hỗ trợ cho bạn tốt hơn trong trải nghiệm game. Đơn cử như “máy bán hàng tự động” Automat có bán các loại “thực phẩm chức năng” giúp cải thiện khả năng chinh chiến. Đó là chưa kể đến tính năng khác chẳng hạn Daily Challenges với nhiều yêu cầu thử thách hàng ngày, hay Special Training hỗ trợ bạn “mài dao” phục hận cho lượt chơi mới. Thế nhưng, quan trọng và hữu dụng nhất có lẽ là Laboratory giúp bạn cải thiện nhiều khía cạnh trải nghiệm, từ tăng hiệu quả vật phẩm cho tới giao dịch ít tốn kém hơn.
Đó có thể là giúp vật phẩm hồi được nhiều HP hơn, đồ trong Automat bán rẻ hơn và tất nhiên không chỉ dừng ở đó. Cả Automat và Laboratory sử dụng một loại tiền tệ riêng từ thu thập hay chính xác hơn là “cày cuốc” trong trải nghiệm chiến đấu. Cũng đa dạng không kém nhân vật điều khiển là kẻ thù với phần lớn mang tạo hình các loại hoa quả và trái cây quen thuộc trong cuộc sống, đa dạng kỹ năng tấn công. Trong khi đó, boss có sự khác biệt nhiều hơn không những trong xây dựng hình ảnh, máu trâu mà cả hàng loạt tuyệt kỹ nhanh như chớp đầy thử thách khi đối mặt.
Nói vậy không có nghĩa khía cạnh đi cảnh khám phá trong Rhythm Fighter không thử thách mà ngược lại là khác. Trải nghiệm khám phá thường pha trộn giữa nhiều kẻ thù với các đòn tấn công khác nhau trong một cảnh. Có con thì tấn công từ xa với tốc độ lề mề, trong khi con khác thì “gài hàng” bạn tiếp cận gần. Phần lớn chúng không tấn công riêng lẻ mà hay có xu hướng “đánh hội đồng” khiến bạn rất khó quan sát tình hình. Đó là chưa kể một số chướng ngại vật từ môi trường màn chơi và kẻ thù có thể gây ra những vụ nổ gây sát thương không nhỏ nếu bạn không chú ý.
Kỳ thực, Rhythm Fighter cũng có vài điểm trừ đáng tiéc. Đầu tiên là cốt truyện vui là chính nếu không nói là có phần hơi nhảm nhí. Thế nhưng, mức độ thử thách của trò chơi khiến nó không phải là trải nghiệm casual dành cho số đông. Bù lại, phần âm nhạc sôi động phần nào giải tỏa vấn đề nói trên của trò chơi. Gây ngạc nhiên nhất là hai cơ chế điều khiển Standard Mode và Advanced Mode phức tạp một cách không cần thiết. Như cái cách đặt tên đã gợi ý, Standard Mode điều khiển đơn giản với ít thao tác hơn nhưng điểm trừ lớn nhất là bạn phải xoay hướng nhân vật khi cần.
Ngược lại, Advanced Mode phức tạp hơn khi sử dụng tất cả nút bấm trên tay cầm cho các thao tác từ di chuyển, tương tác cho tới chiến đấu. Dãy nút bấm bên trái tay cầm thực hiện các hành động phía trái và dãy nút bên phải thực hiện các hành động bên phải. Advanced Mode cho phép người chơi “động thủ” ở cả hai phía bằng nút bấm tương ứng thay vì phải điều khiển nhân vật đảo hướng thủ công như Standard Mode. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của hai cơ chế điều khiển này là cảm giác thiếu trực quan, đặc biệt khó chịu khi bạn không thể tùy biến lại cho phù hợp với thói quen.
Trên phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm, điều khiển nhân vật di chuyển sang trái và phải tương ứng với ZL và ZR. Nhân vật lăn tròn né tránh bằng hai nút L và R nhưng lại tấn công bằng Dpad trái và A. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu dùng Dpad <- và Dpad -> để di chuyển trái và phải, còn chiến đấu bên trái và bên phải thì thiết lập tương ứng với hai nút Y và A hoặc ZL và ZR. Cảm giác như nhà phát triển Echo Games cố ý thiết kế điều khiển rắc rối nhằm gây khó cho người chơi trong trải nghiệm hơn là vì bất kỳ lý do gì khác.
Mặt khác, yếu tố roguelike không đa dạng cũng là điểm trừ nhỏ trong xây dựng màn chơi. Phần lớn chỉ xoay vòng vài chủ đề, trong khi độ khó được thiết kế tăng cao đến bất ngờ một cách có chủ ý trong trải nghiệm về sau. Ức chế nhất là sự thay đổi vô lý của kẻ thù. Chúng vẫn tấn công bạn bằng những đòn đánh quen thuộc, nhưng “chặt chém” mạnh tay hơn nên nhân vật của người chơi rất mau “về thành dưỡng sức”. Lối thiết kế này buộc bạn phải liên tục nâng cấp trong Laboratory nhằm giảm độ khó hơn là trông cậy vào kỹ năng điều khiển thượng thừa của bản thân.
Ở góc độ người chơi, việc tăng độ khó bằng cách tăng sát thương gây ra bởi kẻ thù không phải ý tưởng hay nếu không nói là bất công. Đó là chưa kể về sau, người chơi còn mở khóa được Remixer giúp tăng độ khó và đổi nhạc trong trải nghiệm. Nếu tôi không lầm thì bản PC còn cho phép bạn sử dụng các bài nhạc yêu thích có sẵn trong máy tính, nhưng điều này là bất khả thi trên các hệ console mà cụ thể là bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Điều an ủi là Rhythm Fighter có giá trị chơi lại khá cao, nhưng khó tránh khỏi cảm giác cày cuốc trong trải nghiệm về sau.
Sau cuối, Rhythm Fighter mang đến một trải nghiệm hành động “chặt chém” 2D rất hào hứng. Mặc dù vậy, cơ chế điều khiển thiếu trực quan là điểm trừ lớn nhất của trò chơi, nhất lên trên các hệ máy sử dụng tay cầm cho trải nghiệm game. Nếu muốn tìm một trải nghiệm dễ thương, nhiều màu sắc dựa trên nhịp nhạc với giá trị chơi lại cao và không kém phần thử thách, đây chắc chắn là cái tên đáng cân nhắc nếu bạn có thể bỏ qua điểm trừ trong xây dựng cơ chế điều khiển thiếu tinh tế của trò chơi.
Rhythm Fighter hiện có cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!