Resident Evil 2 là bản remake cực kỳ ấn tượng của tựa game kinh dị sinh tồn kinh điển cùng tên được phát hành lần đầu cách đây tròn 21 năm.
Resident Evil 2 phiên bản gốc là một trong những tựa game hiếm hoi mà tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Không phải vì tôi là fan của series game này nói chung hay phần chơi này nói riêng. Kỳ thực, đây là một trong những tựa game hiếm hoi mà tôi có cơ hội được trải nghiệm trên gần như tất cả nền tảng phát hành, bao gồm cả phiên bản Nintendo 64 luôn được xem là thành tựu kỹ thuật ở thời điểm đó. Nhà phát triển đã “hô biến” một tựa game gồm hai compact disc gọn gàng vào một cartridge dung lượng 512 Megabit, tức chỉ 64 Megabyte.
Có lẽ vì vậy mà thông tin Resident Evil 2 được remake khiến tôi khá hào hứng. Ban đầu chỉ tò mò là chính, thế nhưng sau khi trải nghiệm thì phiên bản làm lại này khiến tôi hoàn toàn ấn tượng. Đó là một cuộc phiêu lưu kinh dị sinh tồn hết sức thú vị và rùng rợn nhờ vào đồ họa sử dụng RE Engine từng được sử dụng để phát triển Resident Evil 7. Không chỉ vậy, phần điều khiển cũng được làm lại hoàn toàn mới và mang nhiều cảm giác hiện đại. Camera cũng thay đổi sang góc nhìn xuyên qua vai nhân vật từ trên xuống thay cho camera cố định cực kỳ khó chịu cũ. Đi kèm với đó là hàng loạt những cải tiến và điều chỉnh, mang đến một trải nghiệm mới mẻ hết sức tuyệt vời cho đối tượng người chơi cũ lẫn những ai chưa từng trải nghiệm phiên bản gốc của trò chơi.
Phiên bản làm lại của Resident Evil 2 vẫn tiếp tục đưa người chơi quay lại với hai nhân vật Lenon Kennedy và Claire Redfield. Một thảm họa virus đã biến Raccoon City thành một thành phố chết với số lượng zombie cực lớn và những con quái vật kinh hoàng khác. Câu chuyện của hai nhân vật chính tuy vẫn tương tự nhau và diễn ra ở cùng những địa điểm giống nhau, nhưng trải nghiệm của mỗi nhân vật sẽ là những cuộc đụng độ khác biệt, cùng với thử thách dành riêng không giống nhau và các nhân vật phụ hoàn toàn khác. Điểm thú vị trong phiên bản này là Second Scenarios, một tính năng xuất hiện sau khi bạn hoàn toàn phần chơi của một nhân vật.
Tính năng này cho phép người chơi trải nghiệm phần cốt truyện ở một góc nhìn nhân vật khác. Bên cạnh các tình tiết đã được đảo vị trí hoặc mở rộng hơn, trò chơi còn mang đến một số nút thắt bất ngờ dành cho những người chơi cũ của tựa game gốc. Ở góc độ người chơi, đây là một cách thú vị để kéo dài thời gian trải nghiệm và tăng giá trị chơi lại mà không gây nhàm chán. Chưa kể, Second Scenarios cũng là cách duy nhất để bạn lấy được kết thúc thật sự của game và tìm hiểu thêm các tình tiết nội dung mà lần đầu trải nghiệm chưa xuất hiện.
Đó cũng là cảm giác trải nghiệm mà Resident Evil 2 mang đến. Trò chơi là sự pha trộn tuyệt vời giữa các yếu tố thiết kế hiện đại trong những tựa game sinh tồn ngày nay và cảm giác hoài cổ quen thuộc từ tựa game gốc với những người chơi cũ. Yếu tố quản lý tài nguyên và hành trang hạn chế, kết hợp cùng với kẻ thù ngày càng đáng sợ và nguy hiểm hơn, tạo nên một cảm giác trải nghiệm khá rùng mình. Dù cho bạn từng “chơi nát” phần chơi cũ đến mức thuộc nằm lòng cấu trúc màn chơi trong lòng bàn tay, phiên bản làm lại vẫn mang tới nhiều ngạc nhiên lẫn thích thú trong trải nghiệm.
Các địa điểm quen thuộc cũ vẫn xuất hiện trong phiên bản làm lại, nhưng được nhà phát triển xáo trộn vị trí, bổ sung thêm khu vực và kẻ thù mới để mang đến cảm giác trải nghiệm khác biệt hơn. Không khí căng thẳng của trò chơi vẫn được tái dựng rất tốt. Những khoảnh khắc chờ tải dữ liệu khi mở cửa với tiếng cọt kẹt đáng sợ trước đây được loại bỏ, nhưng âm thanh ám ảnh đó vẫn được giữ lại và thay thế bằng một hình thức khác cũng khiến người chơi không kém phần đau tim. Thậm chí, các màn hù dọa của Resident Evil 2 phiên bản làm lại còn khiến tôi cảm thấy rùng mình hơn phiên bản gốc của trò chơi, vì chúng luôn xuất hiện ở những khoảnh khắc mà bạn không ngờ nhất.
Đồ họa đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo không khí rùng rợn và đáng sợ trong trải nghiệm. Điểm khác biệt lớn nhất là phiên bản làm lại của Resident Evil 2 không còn sử dụng cảnh nền được dựng sẵn để tạo cảm giác không gian 3D nữa. Toàn bộ màn chơi đều được dựng hình hoàn toàn bằng phần cứng của các hệ máy chơi game hiện đại ngày nay. Đi kèm đó là hiệu ứng ánh sáng hết sức ấn tượng, nhất là ánh đèn pin phản chiếu trước mặt không ít lần khiến tôi giật mình. Chuyển động và biểu cảm của các nhân vật đều trông rất thật và cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là zombie trông đáng sợ thật sự chứ không mang cảm giác giả giả như tựa game gốc.
Thiết kế âm thanh tiếng động cũng làm rất tốt vai trò của nó trong trải nghiệm. Thay vì sử dụng những bản nhạc nền để tạo cảm giác kinh dị, trò chơi tận dụng triệt để những phần âm thanh tiếng động đặc trưng để mang tới cảm giác căng thẳng và sợ hãi trong trải nghiệm. Yếu tố này kết hợp hết sức tuyệt vời với đồ họa của trò chơi trong suốt trải nghiệm giống như một cặp đôi hoàn hảo. Từ tiếng mở cửa kẽo kẹt cho tới tiếng sấm giật hay mưa rơi, rồi tiếng rên rỉ của zombie ở đâu đó vang lên hay tiếng bước chân của Mr. X khó ưa ở phòng bên cạnh, tất cả đều “hùa nhau” mang đến một bầu không khí khá căng thẳng trong trải nghiệm game.
So với game gốc, điểm nổi bật trong cơ chế sinh tồn của bản remake nằm ở những màn truy sát hết sức khó chịu giống như trong game Resident Evil 3: Nemesis của Mr. X. Hắn liên tục xuất hiện vào những lúc bạn đang bận rộn giải một câu đố hoặc theo kịch bản của trò chơi, đúng kiểu một kẻ gây rắc rối khó ưa. Vấn đề ở chỗ, việc bỏ chạy vào một căn phòng khác không giúp bạn trốn được hắn. Điều này cũng đúng với đám zombie thông thường vì chúng nay đã khôn hơn, biết phá cửa để tìm và tấn công người chơi. Thậm chí, chạy trốn hắn cũng gián tiếp trở thành một mối đe dọa mới nếu chẳng may bạn “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” một đám zombie nào đấy “đứng tụ tập đông người”. Không nơi đâu trong Resident Evil 2 phiên bản làm lại là thật sự an toàn cả.
Yếu tố quan trọng nhất trong trải nghiệm kinh dị sinh tồn vẫn là quản lý hành trang khá hạn chế số lượng vật phẩm mà người chơi có thể mang theo. Trò chơi vẫn tiếp tục duy trì số lượng đạn và thảo dược hồi máu khá hạn chế quen thuộc, buộc người chơi phải suy nghĩ cẩn thận những gì có thể mang theo hoặc gởi lại trong rương chứa đồ. Việc tiếp tục duy trì cơ chế này trong phiên bản làm lại của Resident Evil 2 có thể dẫn đến ý kiến khá trái chiều. Một mặt, tính năng này giúp giữ lại cảm giác hoài cổ của tựa game gốc. Ngược lại, nó cũng là một cách thiết kế để buộc người chơi phải chạy đi chạy về mất thời gian ở những địa điểm cũ. Không gì khó chịu hơn trong trải nghiệm khi bạn được một vật phẩm quan trọng, nhưng lại bị đầy hành trang. Cá nhân tôi không thích điều này lắm.
Phiên bản làm lại của Resident Evil 2 cũng có một số điều chỉnh đáng hoan nghênh so với tựa game gốc của trò chơi. Chẳng hạn như Combat Knife và Flash Grenade mang đến tính chiến thuật mới trong trải nghiệm, vừa là vũ khí phụ đắc lực nhưng cũng vừa là “thần hộ mệnh” hữu dụng trong những tình huống hiểm nghèo. Đáng chú ý nhất là bản đồ giờ đây hiển thị thông tin hữu ích nhiều hơn, cho phép bạn biết được chính xác những gì mà bạn đã bỏ lỡ ở một khu vực nào đó. Dù trò chơi vẫn đếm số lượt save của bạn, nhưng save game ở máy đánh chữ cũng không còn giới hạn như trước đây trong độ khó Easy và Normal. Tuy nhiên, nếu bạn chơi ở độ khó Hardcore thì save game sẽ khá hạn chế, phụ thuộc vào lượng mực in máy đánh chữ mà bạn tìm được trong suốt thời gian trải nghiệm, không còn save thoải mái như Easy và Normal.
Sau cuối, Resident Evil 2 phiên bản làm lại là một trải nghiệm gây nhiều bất ngờ, nhất là với những người chơi cũ của tựa game gốc. Trò chơi xây dựng gần như hoàn hảo mọi khía cạnh quan trọng của một tựa game kinh dị sinh tồn, từ đồ họa, gameplay cho tới âm thanh tiếng động. Thậm chí phần lồng tiếng khá tốt, tạo được sức sống mới cho dàn nhân vật cũ quen thuộc cùng với hàng loạt nội dung mở khóa, đều là những điểm cộng đáng chú ý. Nếu yêu thích thể loại kinh dị sinh tồn thì đây chắc chắn là một tựa game mà bạn không thể bỏ qua.
Resident Evil 2 được phát hành cho Windows, PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Resident Evil 2.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác