Relicta là game giải đố thiên về câu chuyện kể với lối chơi góc nhìn thứ nhất trên nền đồ họa đẹp mắt. Tuy trải nghiệm game khá thỏa mãn ở khía cạnh giải đố kết hợp cùng câu chuyện kể hấp dẫn, nhưng một số vấn đề của trò chơi có thể để lại cảm nhận trái chiều tùy vào mức độ khó tính của bạn. Trò chơi lấy bối cảnh năm 2120 tại khu nghiên cứu khoa học thuộc căn cứ Chandra trên mặt trăng. Căn cứ này trước đây do Aegir Labs xây dựng làm nơi sản xuất các công nghệ đi trước thời đại đến khi sự kiện ‘cuộc chiến 72 phút’ xảy ra.
Cuộc chiến nói trên biến phần lớn trái đất thành bình địa và chôn vùi tập đoàn Aegir Labs. Cơ quan chủ quản không còn nữa. Chandra trở thành nơi nghiên cứu khoa học chung giữa các phe đã tham chiến trước đó. Đoàn khoa học gia do tiến sĩ Aengelica Patel đứng đầu đã thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau nhằm tìm ra bí mật công nghệ của Aegir Labs tại căn cứ này. Họ khám phá ra thứ vật chất gọi là Relicta, dẫn đến nhiều câu hỏi chờ người chơi tìm câu trả lời thông qua các câu đố đầy thử thách của trải nghiệm game.
Khía cạnh giải đố trong Relicta xoay quanh việc điều khiển các khối kim loại đến cuối màn nhằm vô hiệu hóa trường năng lượng ngăn người chơi tiếp cận màn chơi mới. Ý tưởng giải đố chủ yếu xoay quanh cơ chế đẩy lẫn hút nhau của nam châm cùng và trái cực. Nhờ vào bộ đồ đặc biệt của nhân vật chính, người chơi có thể thay đổi màu sắc giữa xanh và đỏ các khối kim loại để tương tác với những trường năng lượng mang màu sắc tương ứng. Khi đặt cạnh nhau, hai khối kim loại cùng màu sẽ đẩy nhau và khác màu thì hút nhau.
Mô tả đơn giản nhưng trải nghiệm Relicta khá thử thách và mang đến cảm giác thỏa mãn mỗi khi bạn hoàn thành câu đố. Bên cạnh ý tưởng hút và đẩy nhau kể trên, người chơi còn có thể điều khiển trọng lực tác động lên các khối kim loại, dễ dàng dịch chuyển chúng đến những vị trí nhất định cho mục đích giải đố. Thế nhưng, cơ chế vật lý này ít nhiều để lại cảm giác ức chế trong trải nghiệm. Nhiều câu đố lạm dụng việc kết hợp giữa các cơ chế gameplay, buộc bạn phải thực hiện những thao tác giống nhau để tạo ra kết quả khác nhau.
Ở góc độ người chơi, thiết kế nói trên khiến trải nghiệm Relicta dần trở nên nặng tính lặp lại về sau. Không những vậy, tuy cốt truyện mở đầu hấp dẫn nhưng lại quá phân mảnh và được chấp bút có phần dài dòng, thiếu tương xứng với khía cạnh giải đố. Mặt khác, hai yếu tố giải đố và cốt truyện không có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để cuốn hút người chơi đào sâu vào trải nghiệm game. Thậm chí nếu khó tính, bạn khó tránh khỏi cảm giác các câu đố có phần khiên cưỡng do thiếu ngữ cảnh phù hợp để hợp lý hóa mục đích giải đố.
Đó cũng là điểm trừ lớn nhất của Relicta ở khía cạnh thiết kế. Mỗi màn chơi đều riêng biệt và được truy xuất từ khu vực trung tâm liên thông trong căn cứ Chandra. Kỳ thực, đây cũng là vấn đề mà nhà phát triển Shifting Tides từng mắc phải khi thiết kế màn chơi The Sojourn độc lập, thiếu động lực để thúc đẩy người chơi tiếp tục trải nghiệm. Yếu tố này có thể là câu chuyện kể cuốn hút từ đầu đến cuối, khiến bạn tò mò muốn biết nguyên nhân và cái kết hoặc lời gợi ý nhỏ để người chơi hào hứng khi cảm thấy thông minh đột xuất.
Đáng chú ý, trải nghiệm game tuy có nhiều nét tương đồng với series Portal kinh điển hay gần đây nhất là Faraday Protocol, nhưng đội ngũ phát triển Mighty Polygon vẫn tạo được dấu ấn cá nhân nhờ vào thiết kế môi trường khá ấn tượng. Phần lớn bối cảnh đều diễn ra ngoài trời và được kiến thiết vô cùng tỉ mỉ. Mặc dù vậy, màn chơi chỉ rộng về cảm giác nhìn. Kỳ thực, không gian trải nghiệm nhỏ hơn nhiều và sử dụng những bức tường vô hình làm rào cản, không vì mục đích giải đố thì cũng là chủ đích của đội ngũ phát triển.
Chưa kể, khía cạnh nghe cũng không được đội ngũ phát triển chú trọng trong xây dựng trải nghiệm. Các diễn viên lồng tiếng làm khá tốt việc thổi hồn nhân vật, nhưng nhạc nền rất hạn chế đến mức gần như không có. Điều này trái ngược hoàn toàn với bối cảnh đa dạng, tận dụng tốt những gam màu tươi sáng được chăm chút ấn tượng từ đội ngũ phát triển Mighty Polygon chỉ khoảng 5 nhân sự. Thế nhưng, đáng tiếc là điểm cộng đồ họa lại không thể phát huy trên Nintendo Switch, khiến hệ máy này là lựa chọn kém hấp dẫn nhất cho trải nghiệm Relicta.
Nhiều bối cảnh trong phiên bản Switch phải hy sinh độ phân giải thấp đến mức hình ảnh trở nên khá mờ, gây không ít khó khăn khi trải nghiệm game. Đáng nói, tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình cũng không hề hiếm gặp trong các phân cảnh khác nhau khi trải nghiệm Relicta trên hệ máy của Nintendo. Tuy vấn đề này không tới mức mang đến cảm xúc tiêu cực trong trải nghiệm game, nhưng nó gián tiếp làm mất luôn điểm cộng về đồ họa của trò chơi trên Nintendo Switch khi so với các nền tảng khác có nhiều ưu thế về sức mạnh phần cứng.
Mức độ thử thách cũng là điểm trừ mà tôi không thể đề cập, dù nó có thể thiên về cảm nhận cá nhân của người chơi nhiều hơn. Cụ thể, thay vì giới thiệu lần lượt các yếu tố giải đố cho bạn làm quen rồi tăng dần mức độ kết hợp nhằm điều chỉnh độ khó cao hơn như phần lớn game giải đố khác, Relicta lại để người chơi tự lực cánh sinh tìm hiểu các ý tưởng mới trong cơ chế gameplay. Thiết kế này khiến bạn gần như khó tránh khỏi lối chơi thử sai, đặc biệt khi trò chơi không cung cấp ngữ cảnh và gợi ý trong suốt trải nghiệm game.
Sau cuối, Relicta mang đến một trải nghiệm giải đố góc nhìn thứ nhất khá đặc sắc, nhưng mắc phải nhiều vấn đề khá đáng tiếc nhất là phiên bản Switch. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là khía cạnh giải đố rất thỏa mãn trên nền đồ họa đẹp và đa dạng bối cảnh. Thế nhưng, khía cạnh giải đố nặng tính lặp lại kết hợp cùng độ thử thách hại não và thiếu gợi ý dù là nhỏ, biến trải nghiệm game trở nên khá ức chế với lối chơi thử sai đến khi đúng. Dù vậy, đây vẫn là trải nghiệm giải đố rất đáng chú ý nếu bạn chỉ quan tâm khía cạnh này.
Relicta hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và Google Stadia.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!