Re:Turn 2 – Runaway là hậu bản của game kinh dị tâm lý với lối chơi phiêu lưu giải đố Re:Turn – One Way Trip, tiếp nối sự kiện trước đó khi Saki và vị hôn thê bị mắc kẹt trên chiếc xe lửa bỏ hoang từ Thế Chiến thứ hai. Phần chơi này có vài cải tiến nhỏ nhưng đáng chú ý, giúp tăng thêm không khí căng thẳng của trải nghiệm game mà phần chơi trước đã làm rất tốt. Tuy nhiên, những vấn đề cũ của tiền bản vẫn tiếp tục được sử dụng để xây dựng trải nghiệm game mới, ít nhiều để lại cho người viết cảm giác khá lẫn lộn.
So với Re:Turn – One Way Trip, khía cạnh nghe nhìn trong phần chơi hậu bản có vài cải thiện nhỏ nhưng đáng chú ý. Re:Turn 2 – Runaway vẫn tiếp tục sử dụng phong cách đồ họa pixel kết hợp artwork được vẽ tay trong các đoạn hội thoại, thể hiện nhiều biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể của nhân vật hơn trước. Chuyển động nhân vật mượt mà. Bối cảnh trải nghiệm có phần đa dạng hơn khi không chỉ quanh quẩn trong những toa xe lửa nữa. Đặc biệt, có chi tiết nhỏ nhưng tinh tế đến cưng xỉu là bạn có thể vuốt ve bé mèo mướp trong trải nghiệm game.
Tương tự phần chơi trước, Re:Turn 2 – Runaway vẫn tiếp tục gây ấn tượng cho người viết với đồ họa pixel rất chi tiết từ hậu cảnh đến tiền cảnh. Trải nghiệm game sử dụng khung hình chiếm khoảng 1/2 màn hình, góp phần tạo hiệu ứng hình ảnh và không khí đặc trưng cho trò chơi. Giống như Re:Turn – One Way Trip, khung hình này chỉ mở rộng trọn màn hình khi nhân vật hội thoại hoặc những phân đoạn cần tạo hiệu ứng riêng, chẳng hạn khi chuyển cảnh sử dụng các hình artwork tĩnh hoặc trên nền đồ họa pixel.
Khâu xử lý âm thanh trong Re:Turn 2 – Runaway góp phần không nhỏ giúp mang đến bầu không khí căng thẳng đặc trưng. Người viết khuyến cáo bạn nên đeo tai nghe để tận hưởng cảm giác trải nghiệm rùng rợn đó. Từ tiếng gió hú, mưa rơi cho đến những thanh âm phát ra trong từng tiếng bước chân của nhân vật hay kẻ thù, tất cả đều được hòa quyện một cách xuất sắc vào trải nghiệm. Đáng chú ý, phần chơi này còn có sự góp giọng của các diễn viên lồng tiếng, giúp thổi hồn cho nhân vật và trò chơi ở khía cạnh câu chuyện kể.
Nói đâu xa, khi nghe vị hôn thê của Saki gầm lên ở đầu trải nghiệm game, tôi chỉ muốn vả hắn không trượt phát nào dù lúc đó nhân vật này đang bị ma ám. Diễn viên lồng tiếng cho Saki cũng rất thành công khi gieo vào lòng người chơi cảm giác sợ hãi của nhân vật làm tôi muốn nổi da gà. Những khoảnh khắc trốn tìm với kẻ thù luôn diễn ra khá bất ngờ và khó đoán, khiến người viết có cảm tưởng các sự kiện này là ngẫu nhiên. Kỳ thực không phải vậy mà thường liên quan đến hành động nhất định của người chơi trong trải nghiệm.
Re:Turn 2 – Runaway vẫn kế thừa lối chơi quen thuộc của tiền bản. Người chơi chỉ có thể điều khiển nhân vật di chuyển qua trái hoặc phải để tiếp cận những khung cảnh khác nhau cho mục đích khám phá và thu thập vật phẩm giải đố. Khía cạnh giải đố có sự cải tiến khi cho phép người chơi kết hợp vật phẩm để tạo nên đồ vật mới. Tuy nhiên, điều khiến tôi không tránh khỏi chút cảm giác thất vọng là vật phẩm giải đố được thiết kế chỉ có thể thu thập khi sự kiện nhất định diễn ra. Đó cũng là vấn đề của Re:Turn – One Way Trip trước đây.
Thiết kế này buộc người chơi phải di chuyển qua lại giữa các cảnh để tìm điểm tương tác mỗi khi bạn bí đường và góp phần kéo dài thời lượng chơi. Nếu không nhớ vị trí vật phẩm mà bạn từng thấy trước đó nhưng không thể tương tác, trải nghiệm Re:Turn 2 – Runaway trở nên khá ức chế vì thiết kế thiếu tinh tế nói trên. Đơn cử như Creepy Tale 2 giải quyết vấn đề khó chịu này bằng cách chia yếu tố giải đố thành từng cảnh, người chơi chưa hoàn thành giải đố thì không thể di chuyển sang cảnh mới dù các cảnh về sau có quy mô gấp đôi.
Mặt khác, yếu tố giải đố trong Re:Turn 2 – Runaway cũng được thiết kế vụng về nhằm câu giờ. Thay vì tự động sử dụng vật phẩm phù hợp mỗi khi tiếp cận điểm giải đố, người chơi phải mở hành trang lên và chọn đúng vật phẩm cần thiết. Không những vậy, trò chơi cũng khá hạn chế trong việc cung cấp gợi ý cho người chơi. Khâu quản lý chất lượng cũng chưa được sâu sát và mất khá nhiều thời gian để cập nhật sửa lỗi. Dù biết Red Ego là nhà phát triển có quy mô rất nhỏ, nhưng có những lỗi game khiến tôi vô cùng ức chế.
Ở thời điểm bài viết, lỗi nghiêm trọng nhất vẫn chưa được khắc phục là hỏng save game trên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Sau khi mất rất nhiều thời gian thử đủ cách nhưng lỗi vẫn xảy ra ngẫu nhiên, tôi đành thay đổi lối chơi bằng cách chia thành nhiều save game ở những thời điểm khác nhau. Thế nhưng trước khi đưa ra phương án tạm bợ nói trên, người viết đã phải xem đi xem lại phần mở đầu của trò chơi nhiều không kể xiết trong sự tức giận vô bờ bến. Nguyên do là Re:Turn 2 – Runaway không có tính năng “tua nhanh”.
Sau cuối, Re:Turn 2 – Runaway mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố khá hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thời lượng tương đối ngắn cộng với thiết kế mang cảm giác nhằm kéo dài thời lượng chơi hơn là lý do gì khác. Nếu có thể bỏ qua những vấn đề này khi xét ở quy mô của nhà phát triển và trò chơi, đây kỳ thực vẫn là cái tên đáng cân nhắc.
Re:Turn 2 – Runaway hiện có cho PC (Windows), Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!