Ray’z Arcade Chronology là bộ sưu tầm remaster hai game shoot’em up kinh điển RayStorm và RayCrisis cùng với nguyên bản RayForce thông qua phần mềm giả lập. Nói cách khác, đây kỳ thực là RayStorm X RayCrisis HD Collection có mức giá rẻ hơn vì lý do quá hiển nhiên nhưng kèm theo game gốc RayForce. Cả hai bộ sưu tầm này đều được phát hành bản box vật lý và digital, nhưng phiên bản “cầm nắm được” còn có thêm prototype R-Gear vốn được phát triển như hậu bản của RayForce nhưng dự án bị hủy và thay bằng RayStorm.
Tất nhiên, mô hình kinh doanh “phân biệt đối xử” như thế chắc chắn gây nhiều tranh cãi, khi bản box vật lý và digital của Ray’z Arcade Chronology có sự khác biệt lớn nhưng đây không phải lần đầu. Trước đó, Wonder Boy Collection cũng áp dụng mô hình kinh doanh tương tự khi bản box vật lý và digital của bộ sưu tầm này thậm chí còn có sự khác biệt lớn hơn rất nhiều về số lượng game. Mặc dù vậy, chất lượng của bộ sưu tầm shoot’em up này vẫn khá ấn tượng không chỉ chất lượng giả lập mà cả phần trình bày đẹp.
Dành cho bạn nào không biết, RayForce mắt lần đầu vào năm 1994 trên hệ máy “điện tử thùng” arcade và nối tiếp với các bản chuyển nền lần lượt lên nền tảng Sega Saturn năm 1995, Windows năm 1997, iOS năm 2012 và Android vào năm 2017. Nguyên bản này có khá nhiều tựa tùy vùng địa lý và khu vực phát hành do vấn đề bản quyền thương hiệu. Chúng gồm những cái tên như Layer Section, Galactic Attack và Gunlock. Trong game, phi thuyền điều khiển RVA-818 X-LAY của người chơi được trang bị hai loại vũ khí khác nhau.
Vũ khí chính trong RayForce là tia laser bắn thẳng chứ không uốn lượn đầy gợi cảm như Raiden III x MIKADO Maniax. Đặc biệt, vũ khí phụ của phi thuyền RVA-818 X-LAY có khả năng khóa tới tám mục tiêu khác nhau rồi khai hỏa tấn công cùng một lúc. Mỗi loại vũ khí được áp dụng để tấn công những mục tiêu khác nhau xen kẽ trên không và dưới đất, đòi hỏi người chơi phải sử dụng đúng vũ khí mới có thể tiêu diệt được kẻ thù, mang đến trải nghiệm bullet hell rất hào hứng. Đồ họa trong game dùng sprite nên không có gì đáng đề cập.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa RayForce không có gì khác biệt với nguyên bản mà ngược lại là khác. Bộ sưu tầm Ray’z Arcade Chronology cho phép người chơi tận dụng hai cạnh bên còn trống làm giao diện trò chơi trong trải nghiệm, không chỉ áp dụng cho RayForce mà cả hai phiên bản của RayStorm và RayCrisis. Ngoài ra còn có các tính năng quen thuộc như bộ lọc scanline hay tùy chọn pixel perfect dành cho người chơi retro cũng như tính năng xoay màn hình trải nghiệm như Raiden IV x MIKADO Remix.
Hấp dẫn hơn là RayStorm và RayCrisis bao gồm cả game gốc và bản remaster HD với chất lượng upscale ấn tượng và có cải thiện đáng kể tương tự G-Darius HD. Người viết hầu như không thấy hiện tượng răng cưa hay vỡ hình trên nền đồ họa 3D được “đại tu” của mỗi trò chơi. Thậm chí, chất lượng remaster của hai trò chơi tốt tới nỗi tôi không cảm thấy sự cần thiết phải chơi lại nguyên bản, trừ khi bạn thuộc tuýp người chơi có niềm đam mê mãnh liệt với cảm giác hoài cổ trong các tựa game retro kinh điển.
Bởi lẽ chỉ có nguyên bản của RayStorm và RayCrisis là hỗ trợ bộ lọc scanline nhằm mang đến trải nghiệm đậm cảm giác hoài cổ như game gốc. Bản remaster HD của hai trò chơi không cho phép bật tắt scaneline và tất cả phiên bản RayStorm và RayCrisis đều không hỗ trợ xoay màn hình như RayForce vì lý do quá hiển nhiên. Độ trễ nhận thao tác điều khiển của người chơi cũng gần như không có trong bộ sưu tầm Ray’z Arcade Chronology, kết hợp cùng khía cạnh nghe nhìn khá ấn tượng và mang đậm cảm giác khoa học viễn tưởng.
Khác biệt lớn nhất giữa RayForce và RayStorm lẫn RayCrisis là đồ họa được dựng 3D dù trải nghiệm game vẫn diễn ra trong không gian 2D. RayStorm được xây dựng như hậu bản của RayForce còn RayCrisis thì ngược lại, được thiết kế như tiền bản của tựa game đầu tiên trong series. Trong RayCrisis, người chơi điều khiển virus máy tính Waverider xâm nhập vào siêu máy tính Con-Human, chiến đấu chống lại các kẻ thù vốn là phiên bản số hóa của kháng thể được thiết kế mang tạo hình phi thuyền chiến đấu.
Tuy sở hữu cốt truyện có lớp có lang là điểm cộng, nhưng trải nghiệm các tựa game trong Ray’z Arcade Chronology mới là điểm cộng sáng chói nhất. Đặc biệt, RayCrisis sử dụng vũ khí mới Hyper Laser và Round Divider mang đến trải nghiệm shoot’em up vô cùng hào hứng, kết hợp cùng hệ thống Encroachment đóng vai trò như hệ thống phân loại người chơi dẫn đến kết thúc khác nhau. Trong ba tựa game, RayCrisis mang đến tính thử thách cao nhất do đồ họa khá nặng và chi tiết, khiến việc né tránh những cơn mưa đạn không hề dễ dàng.
Ở góc độ người chơi, điểm trừ lớn nhất của Ray’z Arcade Chronology là sự thiếu vắng các tính năng ‘extra’ để tạo nên bộ sưu tầm đúng nghĩa. Những thứ mà người viết mong đợi như tài liệu về lịch sử phát triển của game hay thư viện artwork đều không có. Thậm chí, tính năng thường thấy trong các bộ sưu tầm sử dụng phầm mềm giả lập là tua ngược cũng biệt tích giang hồ. Tính đa dạng của các phiên bản trên nhiều nền tảng khác nhau càng không, chỉ dừng ở bản arcade và không kèm theo phiên bản PlayStation lẫn Sega Saturn.
Đáng nói là các phiên bản console nói trên đều bổ sung những tính năng dư sức làm vui lòng những người chơi lâu năm của series game này. Bù lại, Ray’z Arcade Chronology được đầu tư hệ thống achievement cho nền tảng Nintendo Switch được kế thừa từ hệ thống trophy của bản PlayStation. Bên cạnh đó còn có bảng tổng sắp trực tuyến cộng với tính năng cho phép người chơi lưu và xem lại “bản chơi lại” replay, tính năng khá quan trọng giúp bạn tự rút kinh nghiệm khi trải nghiệm. Tuy nhiên, bộ sưu tầm này không có chế độ chơi Training.
Sau cuối, Ray’z Arcade Chronology mang đến một trải nghiệm shoot’em up 3-trong-1 vô cùng hấp dẫn, tái hiện chính xác không chỉ cảm giác trải nghiệm của những tựa game nguyên bản trên nền tảng arcade mà còn đại tu đồ họa rất tốt, xứng đáng là cái tên không thể thiếu trong thư viện game bất chấp còn nhiều thiếu sót để xứng danh cụm từ “bộ sưu tầm”.
Ray’z Arcade Chronology hiện có cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!