Ray’s the Dead là game hành động giải đố “nhẹ nhàng” với hành trình phát triển đầy gian khổ với lối chơi tương tự Pikmin nhưng là phiên bản zombie. Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa ấn tượng khi xen giữa hình ảnh 2D và xây dựng thế giới 3D, tạo nên cái nhìn rất khác biệt so với những tựa game cùng thể loại. Mặc dù được công bố trước cả thời điểm PlayStation 4 chính thức ra mắt, nhưng phải đến gần cuối vòng đời của hệ máy này thì trò chơi mới được thấy ánh dương.
Câu chuyện trong game xoay quanh nhân vật chính tên Ray được hồi sinh và đội mồ sống dậy dưới hình hài zombie. Trải nghiệm được chuyển qua lại giữa Ray zombie và khi còn là người, giúp thay đổi không khí trải nghiệm và khía cạnh minigame được nhà phát triển xây dựng. Thông qua trải nghiệm, người chơi sẽ dần khám phá cuộc đời của nhân vật chính. Thế nhưng trước hết, bạn phải vượt qua được độ khó tăng vọt vào nửa sau trải nghiệm và biết cách vận dụng khả năng độc đáo của nhân vật chính.
Kỳ thực, Ray không phải là zombie bình thường mà có khả năng biến những linh hồn vất vưởng chưa siêu thoát khắp các màn chơi thành zombie. Những “tay sai” này sẽ chịu sự điều khiển của bạn với có ưu và khuyết điểm khác nhau. Đó có thể là những zombie bình thường sai đâu đánh đó như thiên lôi hoặc có thể là những con chó zombie với khả năng đánh hơi bí mật và khống chế các zombie khác. Nguy hiểm hơn là những zombie khổng lồ có thể tung những đòn đánh lan và băng qua nước như đúng rồi.
Còn một loại zombie nữa mà bạn có thể điều khiển là zombie nhẫn giả, có khả năng vô hiệu hóa zombie khổng lồ nói trên và gây sát thương khủng. Thế nhưng, điểm yếu lớn nhất của zombie này là máu ít nên rất dễ “đi” nếu người chơi không cẩn thận. Thú vị hơn hết, các loại zombie mà bạn “chiêu mộ” không chỉ có tính chất tương khắc lẫn nhau trong chiến đấu, mà còn dùng để giải đố nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thiết kế màn chơi không thật sự tận dụng hết năng lực của chúng một cách đồng đều.
Đơn cử như các zombie chó có khả năng đánh hơi ra những vị trí ẩn nên khá hữu dụng trong suốt trải nghiệm. Thế nhưng, kỹ năng của zombie nhẫn giả gần như không có đất dụng võ hoặc có thể do tôi không tìm được cơ hội nào vận dụng kỹ năng này. Trong khi đó, các loại zombie khác đều có số lượng sử dụng khá nhiều. Cảm giác như Ray’s the Dead đã bị cắt bớt phần nội dung khiến các zombie nhẫn giả không còn cơ hội để trổ tài “hành động lén lút” như thiết kế ban đầu nữa.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Ray’s the Dead là độ khó tăng vọt khoảng nửa sau trải nghiệm. Đó là chưa kể thiết kế gameplay nhiều lúc cảm giác rất vụng về trong việc điều khiển Ray tương tác với các zombie. Đó là vì trải nghiệm game thường đòi hỏi tính chính xác cao, nhưng tôi luôn gặp khó khăn với vấn đề này khi chơi bằng tay cầm DualShock 4 trên PlayStation 4. Do không có cơ hội trải nghiệm bản PC, nên tôi không rõ vấn đề này có liên quan đến khác biệt thiết bị điều khiển so với bản PC không.
Tuy nhiên, một điều không thể không nhận thấy là điều khiển bằng tay cầm rất kém tính linh hoạt. Điều này nhận thấy rõ nét nhất là những màn chơi về sau, kẻ thù xuất hiện rất đông và thường tấn công người chơi một cách bất công khi nhiều loại zombie cùng nhảy bổ vào bạn đồng loạt. Đó là chưa kể bom xăng được kẻ thù ném khắp nơi làm hạn chế không gian di chuyển. Trong những tình huống chiến đấu như thế này, người chơi gần như không thể triển khai chiến thuật mà chỉ việc kéo đàn zombie né tránh cũng đã là kỳ tích.
Vấn đề lớn nhất của Ray’s the Dead là bạn không thể học được gì từ những “tàn tro” sau cuộc chiến thất bại đó. Cảm giác như nhà phát triển muốn mang đến một trải nghiệm “tay nhanh hơn não” chứ không phải tính chiến thuật. Ngoài yếu tố tương khắc giữa các loại zombie nói trên, trải nghiệm game có rất ít cơ hội để bạn vận dụng tính chiến thuật. Phần lớn chỉ là né tránh kẻ thù tấn công và đợi khi chúng “bật đèn xanh” mà sai đàn em lăn xả vào ăn hôi. Trải nghiệm chiến đấu cứ thế lặp lại đến khi kết thúc.
Một điểm trừ khác cũng không thể không đề cập tới là cảm giác sau khi tìm được toàn bộ các vật phẩm thu thập không hề thỏa mãn. Một phần vì trải nghiệm bất công về sau mà còn do giá trị chơi lại thấp. Ray’s the Dead được thiết kế khá tuyến tính nên gần như không có giá trị chơi lại ngoài việc thu thập vật phẩm nói trên cho những ai yêu thích sự hoàn hảo. Câu chuyện ở đây là không phải ai cũng quan tâm đến achievement/trophy đủ để hào hứng với việc đi lại một hoặc nhiều màn chơi vì lý do nói trên.
Sau cuối, Ray’s the Dead mang đến một trải nghiệm hành động giải đố khá hài hước. Trò chơi có rất nhiều tiềm năng và ý tưởng thú vị để mở rộng nhưng chưa được khai thác hết. Điểm cộng hào hứng nhất là những phân đoạn “nhắc nhẹ” rất thú vị gợi nhớ đến khá nhiều phim kinh dị của thập niên 80, nhưng không phải người chơi nào cũng đủ tinh ý để nhận ra. Nếu là fan cứng của dòng phim kinh dị thời đại nói trên, đây có thể là tựa game rất đáng cân nhắc.
Ray’s the Dead được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4. Bản Nintendo Switch sẽ được ra mắt vào năm 2021.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.