Raging Loop là tựa game visual novel khá bất ngờ về đề tài cũng như cái tên của nhà phát triển, nhưng đó là một sự bất ngờ đầy thú vị đáng chào đón.
Những bạn nào yêu thích JRPG trên di động có lẽ không thể không biết đến KECMO. Tuy nhiên, nếu thường chơi console thì đây lại là một cái tên khá xa lạ, trừ những bạn nào một thời say mê series game kinh điển Top Gear trải dài từ Super NES đến Nintendo 64. Chính vì vậy mà Raging Loop mang đến cho tôi một sự ngạc nhiên không hề nhỏ không chỉ vì thể loại, mà cả nội dung khá hấp dẫn và cuốn hút về ma sói, đề tài vốn rất hiếm được khai thác trong những tựa game hành động chứ đừng nói là thể loại “tiểu thuyết trực quan”.
Trò chơi khiến tôi nhớ đến board game ma sói với luật chơi cơ bản khá đơn giản. Trong đó, hai người sẽ đóng vai ma sói còn những người còn lại sẽ nhập vai dân làng. Cứ mỗi lượt, ma sói có thể chọn “xin hết huyết” của một dân làng, trong khi dân làng có thể biểu quyết để “bỏ thùng, ướp trà và bọc xi măng” một người bất kỳ. Tất nhiên, nhằm tránh hai ma sói bị lộ danh tánh, mọi hành động của hai phe sẽ do người quản trò đứng ra thực hiện. Trò chơi chỉ ngã ngũ sau khi ma sói tiêu diệt tất cả dân làng hoặc ngược lại. Điều khiến tôi khá bất ngờ là nhà phát triển có thể biến board game đơn giản như vậy thành một trải nghiệm visual novel hấp dẫn và cuốn hút trong Raging Loop.
Nhân vật của người chơi là Haruaki Fusaishi, một chàng sinh viên đại học Tokyo trong một chuyến đi bụi đã vô tình lạc đến ngôi làng bí ẩn Yasimuzu nằm sâu trong một khu rừng. Ngoại trừ Chiemi Serizawa, người dân ở đây vốn không có thiện cảm với người lạ. Thế nhưng, ngay cả cô gái này dường như cũng đang muốn che giấu một sự thật nào đó ở ngôi làng này. Công việc của bạn là phải khai thác thông tin từ nhiều nhân vật khác nhau trong làng để khắc họa nên một bức tranh hoàn chỉnh chuyện gì đã xảy ra và trên hết là cứu lấy bản thân thoát khỏi nơi này. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản như thế khi mọi thứ dường như vô tình hay cố ý chặn đường lui của người chơi. Cuộc điều tra bắt đầu!
Mặc dù Nhật Bản có khá nhiều câu chuyện dân gian về yokai, nhưng nếu tôi không lầm thì ma sói không nằm trong số đó mà là sản phẩm đến từ các nước phương tây. Tuy nhiên, cách mà nhà phát triển KEMCO lồng ghép “yếu tố ngoại lai” này vào trải nghiệm Raging Loop thông qua yếu tố tâm linh và đạo giáo của Nhật Bản mới là điều khiến tôi khá bất ngờ. Chưa kể, lời giải thích này khá dài dòng và rõ ràng không dễ để chuyển ngữ nhưng kết quả sau cuối lại khiến tôi cảm thấy khá hài lòng. Trò chơi kỳ thực mang đến một cảm giác mới mẻ về đề tài so với hàng loạt những cái tên in đậm dấu ấn văn hóa đất nước mặt trời mọc mà tôi trải nghiệm gần đây như Root Letter: Last Answer hay Worldend Syndrome.
Cái hay của đội ngũ biên kịch là không cần đến những màn jump scare hay máu me như những tựa game kinh dị khác lối chơi như Silver Chains, nhưng vẫn tạo dựng được không khí rùng rợn trong suốt trải nghiệm. Raging Loop gieo nỗi sợ hãi và ám ảnh cái cảm giác đó vào đầu người chơi bằng những từ ngữ hay thậm chí là những tấm hình artwork mang ám chỉ gì đó cho bạn để bộ não suy diễn rồi tự rùng mình. Tuy nhiên, cũng như bao tựa game thuộc thể loại visual novel khác trên thị trường, trải nghiệm game diễn ra khá chậm rãi ở hơn nửa đầu trò chơi, đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn dành khá nhiều thời gian trước khi câu chuyện bắt đầu thật sự lôi cuốn vì những bí ẩn chưa được giải đáp.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Raging Loop đã mang đến cảm giác hài hước và dễ thương với nhân vật Rikako được tạo hình kiểu chibi rất đáng yêu, đóng vai trò hướng dẫn cho người chơi về những nét cơ bản của game. Đây là một tính năng thú vị hiếm thấy trong những tựa game visual novel mà tôi trải nghiệm gần đây. Không những vậy, mức độ chi tiết của phần hướng dẫn cũng rất chi tiết, trải dài không chỉ về trò chơi mà trong cả những tính năng cơ bản lẫn đặc biệt khi trải nghiệm game như chia sẻ clip và quay video. Sau phần “hỏi gì đáp nấy” tận tình của Rikako, người chơi bắt đầu với trải nghiệm game. Tuy nhiên, nếu có thâm niên với thể loại visual novel, bạn cũng có thể bỏ qua phần tutorial này.
Một trong những điểm nhấn dễ thấy là game được xây dựng để mang lại giá trị chơi lại cao nhờ vào Scenario Chart. Tính năng này cho phép người chơi có thể “nhảy nhanh” đến những phân đoạn nhất định để thay đổi lựa chọn một khi bạn đã mở khóa được “chìa khóa” cần thiết. Dù vậy, thiết kế đặc trưng này cũng rất dễ khiến người chơi “rơi” vào những ending vô nghĩa chỉ vì mục đích tìm “chìa khóa” nói trên. Điều này nhiều lúc khiến tôi cảm giác như đang bị trò chơi dắt mũi chứ không phải đang thật sự trải nghiệm game. Nếu không nhờ sự cuốn hút trong câu chuyện kể và những tình tiết khơi gợi tò mò một cách khéo léo, Raging Loop khó mà giữ chân được tôi trong suốt những khoảnh khắc “restart checkpoint” khá nhiều và đáng ghét đó.
Thậm chí, lời khuyên đầu tiên mà bạn nhận được sau khi để nhân vật chết là “if you get stuck, try dying”, nghe rất vô lý nhưng lại cực kỳ thuyết phục. Hệ thống Scenario Chart giúp trải nghiệm có thể nối tiếp ngay từ bất kỳ phân đoạn nào mà bạn đã “mở khóa”, cho phép người chơi khá tự do trong việc khám phá cốt truyện với nhiều nhánh rẽ khi phải đưa ra quyết định. Điều này buộc bạn phải khai thác càng nhiều nhánh nội dung nhất có thể để lấy được tất cả “chìa khóa” sự kiện, trải dài trong những ending khác nhau mà phần lớn chỉ có thể “rút kinh nghiệm” bằng cách thử và sai quen thuộc. Sau đó, sử dụng Scenario Chart để tiếp nối trải nghiệm bị gián đoạn khiến nhân vật đi vào cửa tử trước đó và cứ thế.
Thế nhưng, điểm nhấn lớn nhất trong trải nghiệm Raging Loop là Revelation Mode, một chế độ chơi chỉ được mở khóa sau khi bạn lấy được “true ending” của game. Chế độ chơi này vẫn diễn ra mạch truyện giống như ban đầu, nhưng cho phép người chơi đọc được suy nghĩ ở góc nhìn và quan điểm của các nhân vật mà bạn tương tác. Không những vậy, nó còn giúp mở ra thêm những artwork cảnh nền mới trong game và giúp người chơi hiểu rõ hơn động cơ của mỗi nhân vật, mang đến cái nhìn toàn diện hơn về nội dung và suy nghĩ của mỗi nhân vật trong những tình tiết nội dung. Đây mới chính là yếu tố tạo nên giá trị chơi lại cao cho trò chơi mà có lẽ chưa tựa game visual novel nào mà tôi trải nghiệm từng làm.
Mặc dù làm quá tốt khía cạnh chính là nội dung, nhưng Raging Loop lại khiến tôi có đôi chút thất vọng ở khía cạnh hình ảnh, âm thanh và nhạc nền. Tạo hình các nhân vật mang cảm giác hơi già dặn chứ không trẻ trung hay nhí nhảnh, bất chấp độ tuổi của các nhân vật. Các cảnh nền trong game cũng khá hạn chế, có cảm giác nhà phát triển chủ ý hạn chế những cảnh máu me trong trải nghiệm, tập trung vào câu chữ nhiều hơn. Bù lại, dàn diễn viên lồng tiếng đã thực hiện quá tốt công việc của họ, giúp thổi hồn cho hàng loạt nhân vật trong trải nghiệm game. Tiếc là phần âm thanh tiếng động và nhạc nền mang cảm giác khá trái chiều, chủ yếu do những lần lặp lại nhạc và âm thanh làm giảm bớt cái không khí căng thẳng của trải nghiệm game.
Sau cuối, Raging Loop mang đến một trải nghiệm visual novel rùng rợn với lựa chọn khai thác đề tài độc đáo. Đi kèm với đó là những tính năng thú vị như Scenario Chart hay Revelation Mode, giúp game có giá trị chơi lại cao mà vẫn giữ được sự hấp dẫn như lần đầu trải nghiệm. Nếu yêu thích thể loại này và muốn đổi gió với đề tài mới mẻ, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không muốn bỏ lỡ.
Raging Loop được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch. Tuy nhiên, bản PC không có tiếng Anh như bản console mà chỉ có tiếng Nhật.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game”]