Quest for Infamy là trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click lấy cảm hứng từ series game vô cùng kinh điển Quest for Glory. Như bạn có thể thấy ngay từ cái tựa, ý nghĩa của từ ‘Infamy' hoàn toàn trái ngược với ‘Glory' và mang hàm ý xấu. Điều này cũng thể hiện ở nhân vật chính phản anh hùng Roehm là kẻ xấu xa. Sau khi bị bắt quả tang tằng tịu với con gái của ngài Baron, hắn bỏ trốn vào thị trấn Volksville tìm thầy dạy để trở thành con người mới. Trải nghiệm của người chơi bắt đầu từ đây.
Cốt truyện Quest for Infamy mở đầu khá hấp dẫn, xoay quanh loạt sự kiện lên quan đến cái chết của một gia đình bị cho là dính lời nguyền. Với xuất thân không còn gì để mất, Roehm nhanh chóng trở thành người phù hợp nhất để giải quyết lời nguyền này. Ở góc độ người chơi, vấn đề lớn nhất của Quest for Infamy là cơ chế điều khiển không phù hợp trải nghiệm bằng tay cầm. Có lẽ vì vậy mà dù phát hành trên PC cách đây gần một thập niên, đến thời điểm bài viết thì trò chơi mới rụt rè ra mắt trên các hệ console.
Phiên bản Switch tuy có hỗ trợ điều khiển cảm ứng ở chế độ chơi handheld, nhưng màn hình nhỏ của hệ máy này khiến việc trải nghiệm game không hề dễ dàng. Tương tự, trải nghiệm bằng tay cầm để lại cảm giác khá vụng về do giao diện game được thiết kế cho PC. Bỏ qua vấn đề đó, Quest for Infamy mang đến trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click gợi nhiều cảm giác hoài cổ, từ phong cách đồ họa pixel rất đẹp và chi tiết cho đến xây dựng câu đố. Trò chơi có giá trị chơi lại khá cao khi trải nghiệm ban đầu rẽ nhánh thành ba hướng đi.
Cụ thể, Brigand có cách giải quyết vấn đề manh động hơn, trong khi Rogue thiên về hướng tiếp cận lén lút và tinh tế hơn. Con đường Sorcerer thì mang nhiều màu sắc bí hiểm. Mỗi hướng đi đều yêu cầu bạn phải hoành thành minigame khác nhau. Chẳng hạn muốn làm Sorcerer, bạn phải chơi minigame tìm hai thẻ bài giống nhau tương tự tựa game quốc dân Pikachu. Trong khi muốn làm Rogue thì Roehm phải tham gia minigame thi uống. Lựa chọn hướng đi nào là quyết định cuối cùng và không thể thay đổi trong trải nghiệm về sau.
Lối chơi của Quest for Infamy khá quen thuộc nếu bạn từng trải nghiệm bất kỳ game point-and-click nào trước đây. Ngoài yếu tố giải đố thông qua tương tác vật phẩm trong hành trang, trải nghiệm game còn có thêm khía cạnh chiến đấu. Tùy vào lựa chọn lớp nhân vật ban đầu mà trải nghiệm chiến đấu và tương tác thay đổi tương ứng. Chẳng hạn, Rogue có thể mở khóa bằng kỹ năng riêng, trong khi Sorcerer thì phải dùng phép thuật cho việc đó. Brigand thì đúng kiểu lấy thịt đè người cứ dùng sức phá tan tất cả.
Tuy nhiên, khía cạnh giải đố trong Quest for Infamy không mấy thử thách bất kể người chơi chọn lớp nhân vật nào. Phần lớn thử thách đến từ việc người viết suy nghĩ phức tạp hóa phương án giải đố khi hầu hết câu đố đều theo logic thông thường. Cơ chế chiến đấu cũng vậy. Nhân vật chính có ba hành động tấn công hay chính xác hơn là kỹ năng hoặc phép thuật khác nhau, tương ứng với điểm yếu của mỗi loại kẻ thù mà bạn đụng độ. Sử dụng kỹ năng càng nhiều thì càng hiệu quả hơn trong trải nghiệm chiến đấu về sau.
Sorcerer cũng không hề ngoại lệ. Người chơi sử dụng các phép thuật có thời gian cool down trong chiến đấu. Tùy vào mỗi loại kẻ thù mà phép thuật nào gây sát thương nhiều hơn. Khác chăng chỉ là cách thể hiện phép thuật trên giao diện game so với các kỹ năng chiến đấu kể trên. Càng sử dụng nhiều thì phép thuật càng hiệu quả hơn trong khả năng gây sát thương. Kỳ thực, chiến đấu trong Quest for Infamy khá đơn giản và không mấy thử thách. Người chơi cũng dễ dàng mua bình dược hồi máu hoặc dùng phép tương ứng cho Sorcerer.
Mỗi lớp nhân vật đều có ưu và khuyết điểm riêng trong trải nghiệm. Đơn cử Brigand thiên về sức mạnh nên cũng là lớp nhân vật thiện chiến nhất. Sorcerer thì ngược lại khi yếu thế nhất trong chiến đấu. Dù vậy, phép thuật của lớp nhân vật này khá hữu dụng cả trong lẫn ngoài cuộc chiến chứ không như Brigand chỉ giỏi tất tay với kẻ thù. Kỳ thực, chiến đấu không phải tập trung của trải nghiệm Quest for Infamy. Ngoại trừ một số nhiệm vụ bắt buộc tham chiến, người chơi có nhiều cách để bỏ qua khía cạnh này.
Khá đáng tiếc khi khía cạnh nghe nhìn để lại cho người viết cảm giác trái chiều. Mặc dù sử dụng phong cách đồ họa pixel, nhưng cảnh nền và thiết kế các địa dành đều đẹp và chi tiết. Đặc biệt, hình đại diện các nhân vật khá nổi bật khi thoại, trông như được họa sĩ cố tình chỉnh sửa từ hình người thật để tạo cảm giác pixel hơn. Phần lồng tiếng khá ổn nhưng chất lượng không cao, không rõ là chủ đích của nhà phát triển hay lý do nào khác. Nhạc nền tuy dàn trải giai điệu nhưng phù hợp với từng khung cảnh trải nghiệm.
Sau cuối, Quest for Infamy mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click khá thú vị khi kế thừa tinh thần của series game Quest for Glory kinh điển ngày xưa. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là giá trị chơi lại cao nhưng ngược lại, điểm trừ lớn nhất của game là thiết kế mang nhiều cảm giác hoài cổ khiến trải nghiệm không dễ tiếp cận với số đông người chơi. Nếu yêu thích dòng game Quest for Glory, đây là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
Quest for Infamy hiện có cho PC (Windows, Linux), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!