Đại diện Qualcomm cho biết đã giới thiệu điện thoại phổ thông 4G với các nhà mạng, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối tại Việt Nam, nhưng hiện nay các nhà mạng Việt Nam vẫn chưa đưa sản phẩm này ra thị trường.
Ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, để chuẩn bị cho sự ra mắt 3G tại Việt Nam cách đây gần 10 năm, Qualcomm đã phải làm việc với tất cả các hệ sinh thái di động tại đây trong vòng 5 – 7 năm. Và khi Việt Nam ra mắt 4G cách đây 2 năm, Qualcomm cũng làm việc với các đối tác trong hệ sinh thái di động tại Việt Nam để thương mại hóa 4G. Hiện nay, Qualcomm vẫn đang tiếp tục làm việc để thúc đẩy sự phát triển của 4G LTE tại Việt Nam.
Hiện nay, thế giới bắt đầu chuẩn bị cho 5G; tuy nhiên 4G vẫn đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và đặc biệt là tại Việt Nam. Chúng ta còn rất nhiều điều phải làm để hoàn thiện 4G với tầm nhìn đưa tốc độ gigabit trên nền tảng 4G lên bằng tốc độ cáp quang. Khi cả thế giới đang chuẩn bị cho 5G thì chất lượng 4G LTE tốt sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam sẵn sàng đi lên 5G. Vì vậy, phát triển 4G trong thời gian tới sẽ tiếp tục là trọng tâm và công nghệ 4G cũng đang được mở rộng ứng dụng, không chỉ cho smartphone truyền thống mà còn cho các ngành công nghiệp khác như xe tự lái.
“Việt Nam là thị trường rất quan trọng của Qualcomm. Việt Nam là một quốc gia dân số trẻ, ứng dụng công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ phía chính phủ và hệ sinh thái di động. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Qualcomm sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái di động của các nhà mạng phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4G LTE trong năm tới với tầm nhìn đưa tốc độ 4G LTE đạt đến tốc độ gigabit”, ông Nam cho biết thêm.
Một trong những trọng tâm của Qualcomm là làm thế nào để những người đang sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone) chuyển đổi lên 4G càng sớm càng tốt. Điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam, nếu muốn phổ biến công nghệ đến với người dùng nhiều hơn. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, tương đương 40 triệu điện thoại phổ thông. Sự chuyển đổi từ 2G lên 4G sẽ giúp các nhà mạng giải phóng băng tần 2G để đưa lên cho 4G, và sắp tới là 5G.
Tuy nhiên, đại diện Qualcomm cũng thừa nhận có những khó khăn cho người dùng khi chuyển đổi từ 2G lên 4G, đặc biệt là giá thành smartphone. Do đó, Qualcomm vẫn đang làm việc để đưa những smartphone với mức giá phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp tại Việt Nam. Và mức giá này có thể dưới 100 đô thì mọi người mới sử dụng. Một số người dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được smartphone, nhưng vì thói quen sử dụng bàn phím vật lý nên không chuyển đổi.
Được biết, năm ngoái, Qualcomm đã đưa ra nền tảng điện thoại phổ thông sử dụng 4G với mức giá khoảng 25 đô (25 đô là giá thành sản xuất thiết bị). Giá bán đến cho người tiêu dùng sẽ còn cũng tùy thuộc vào đơn vị sản xuất cũng như các nhà mạng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là khi đưa điện thoại phổ thông 4G đến với người dùng, nhà mạng thu được rất nhiều lợi ích: thứ nhất là giải phóng được băng tần 2G, thứ hai là với điện thoại phổ thông 4G, người dùng vẫn sử dụng được Facebook, Zalo; từ đó doanh thu nhà mạng được tăng lên. Vì thế khi bán điện thoại phổ thông, các nhà mạng thường có chính sách trợ giá, tức giữ nguyên giá bán là 25 đô.
Có thể thấy giải pháp điện thoại phổ thông 4G rất phù hợp với thị trường Việt Nam, giúp các nhà mạng đẩy nhanh chuyển đổi người dùng từ 2G lên 4G. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các nhà mạng Việt Nam vẫn chưa đưa sản phẩm này ra thị trường. Hy vọng trong năm 2018, người dân Việt Nam sẽ có điều kiện sở hữu những chiếc diện thoại phổ thông chạy 4G với mức giá phù hợp.