Thể loại shmup (shoot-em-up) vốn không phải là nhiều so với những tựa game chiến thuật hay hành động, nhưng cũng không phải gọi là hiếm trên thị trường. Q-YO Blaster là một trong số những cái tên “không phải gọi là hiếm” đó với khá nhiều ý tưởng độc đáo và hỗ trợ co-op hai người. Trò chơi vừa ra mắt trên nền tảng Nintendo Switch sau hơn một năm phát hành trên PC. Đây cũng là phiên bản mà tôi trải nghiệm.
So với những tựa game cùng thể loại khác, Q-YO Blaster mang đến một cảm giác rất retro với chế độ chơi Classic có độ khó ở mức tương đối, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi hơn. Tuy nhiên, trò chơi lại khiến tôi ấn tượng với khả năng tùy biến “chiến đấu cơ” của người chơi cao và phong cách đồ họa ấn tượng, khiến tôi nhớ đến những tựa game thuộc thể loại này từ nhiều thế hệ máy chơi game của Sega ngày xưa. Bạn có thể chọn giữa các nhân vật hình thú ngộ nghĩnh, cũng như khả năng chiến đấu của “chiến đấu cơ” chẳng hạn như tần suất bắn.
Điểm nhấn trong cơ chế gameplay của Q-YO Blaster là Pulse, về cơ bản cho phép người chơi “hóa ngọc” đạn bay bốn phương tứ phía trên màn hình để làm đầy thanh Power, sử dụng như giải pháp cuối cùng khi có quá đông đạn và kẻ thù xuất hiện hoặc để dành chuyên “trị” boss. Ngoài ra, còn có thêm thanh LV mang tính hỗ trợ, giúp người chơi “dọn dẹp sạch sẽ” mọi thứ trên không gian màn chơi mỗi khi thanh này đầy. Kết thúc mỗi màn, ngoài mạng ra thì người chơi được mua một nâng cấp cho “chiến đấu cơ”, mang đến trải nghiệm khá hào hứng khi kết hợp những yếu tố gameplay nói trên lại với nhau.
Về cơ bản, Q-YO Blaster là một trải nghiệm shmup khá hấp dẫn, nhưng hơi thiếu chiều sâu chủ yếu do màn chơi quá ngắn. Cũng giống như bao tựa game cùng thể loại khác, mục tiêu của bạn là tiêu diệt và “hóa ngọc” tất cả mọi thứ xuất hiện trên màn hình, phục vụ cho lợi thế chiến đấu của người chơi. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm vì trải nghiệm game kỳ thực là đẩy bạn vào những cơn mưa đạn, đòi hỏi người chơi phải nhạy bén nắm bắt tình hình và điều khiển né đạn, điều vốn không dễ dàng với tay cầm Joy-Con có bước di chuyển ngắn và thiếu tính chính xác so với tay cầm trên những nền tảng khác.
Mặt khác, “cơn mưa đạn” xuất hiện liên tiếp trên màn hình đôi lúc khá khó thấy, chủ yếu vì cảnh nền có màu khiến chúng bị chìm đi. Đã vậy, hitbox của các yếu tố này và “chiến đấu cơ” cũng không rõ ràng, khiến tôi khó xác định chính xác điểm va chạm. Trong nhiều trường hợp, viên đạn bay xuyên qua nhưng không khiến phi thuyền nổ tan xác như tôi tưởng, trong khi có những lúc đạn chỉ sượt nhẹ trúng hitbox ẩn thì phi thuyền bỗng nổ tan tành khá là ức chế. Nói thế cũng đồng nghĩa trong Q-YO Blaster không có định nghĩa “thanh máu”, mà “chiến đấu cơ” của bạn chỉ trúng một viên đạn là xong, trong khi kẻ thù thì ngược lại có thể chịu nhiều viên đạn liên tiếp mới phát nổ, khá là bất công. Boss thì khỏi nói, không khác gì “máy hút đạn” và thường tốn gấp đôi hoặc gấp ba thời gian đi màn để tiêu diệt.
Đồ họa có lẽ là điểm mà tôi ấn tượng nhất trong trải nghiệm Q-YO Blaster. Mọi thứ mang hình thù ngộ nghĩnh và có phần kỳ quái, nhưng đều có điểm chung là khá độc đáo. Bạn sẽ dần quen với những “chiếc đấu cơ” có hình thù con chuột bạch đeo ống phản lực hay con cá mập há hàm rất hài hước, hoặc những cảnh nền trông như các bức vẽ tay nghệch ngoạc nhưng kỳ thực lại đậm tính nghệ thuật. Kẻ thù cũng vậy, khá đa dạng về tạo hình từ các loại sâu bọ côn trùng vừa lạ vừa quen cho tới cây ăn thịt người, cùng rất nhiều ý tưởng lạ lùng để lại nhiều ấn tượng về phong cách mỹ thuật độc đáo của trò chơi.
Điểm trừ lớn nhất của Q-YO Blaster là thời lượng mỗi màn chơi ở chế độ Classic khá ngắn, dẫn đến trải nghiệm ban đầu chỉ tốn chưa đến một tiếng cho tổng cộng tám màn chơi. Dù vậy, trò chơi lại có giá trị chơi lại khá cao nhờ vào khả năng tùy biến ban đầu, trao cho người chơi cơ hội thử nghiệm nhiều loại “chiến đấu cơ” và ưu thế khác nhau. Đồng thời, khi hoàn thành phần chơi Classic, bạn sẽ mở khóa được chế độ chơi mới Arcade Extreme tính điểm với độ thử thách rất cao. Người chơi có 99 lần continue và mỗi lần này có tới ba mạng, nhưng mỗi lần continue sẽ trừ của bạn 100 ngàn điểm. Nếu nghĩ “quá dễ” thì bạn nhầm to vì độ khó ở phần chơi này rất cao, trải nghiệm game đúng nghĩa không khác gì những cơn mưa đạn liên hồi xuất hiện, nhất là những khi đánh boss.
Ngoài màn chơi có một số điều chỉnh đôi chút, Arcade Extreme cũng bổ sung thêm nhiều loại vũ khí mới trong màn chơi và thậm chí cả phi thuyền con mà chế độ chơi Classic không có. Tất nhiên, các nội dung mới trong phần chơi này cũng đi kèm với độ khó tăng cao bất ngờ, mang đến trải nghiệm hấp dẫn và thử thách hơn. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của chế độ này là độ khó quá cao, nhất là trận chiến với trùm cuối rất bất công đúng kiểu “nhiệm vụ bất khả thi”, cứ bắn “mưa đạn” bao phủ khủng khiếp trên màn hình với nhịp độ nhanh và nhiều đến mức gần như không có chỗ di chuyển né đạn. Đó là chưa kể tốc độ di chuyển chậm của “chiến đấu cơ” gây cảm giác khá là ức chế mỗi khi trùm cuối bắn những “cơn mưa đạn” xoay vòng tròn, không khác gì dồn người chơi vào chỗ chết không lối thoát.
Điều thú vị nhất là phiên bản Nintendo Switch hỗ trợ chơi co-op local hai người, mỗi người điều khiển một tay cầm Joy-Con. Tuy tôi chưa có nhiều thời gian để thử nghiệm phần trải nghiệm co-op, nhưng sơ bộ ban đầu thì nó khá hấp dẫn và cũng gây nhiều khó khăn hơn, chứ không khiến màn chơi dễ hơn. Lý do thì có lẽ khi trải nghiệm thực tế bạn sẽ hiểu, nhưng nói đơn giản thì nó sẽ giống trường hợp của game Cuphead khá đình đám cách đây gần hai năm. Điểm trừ khá đáng tiếc của bản Nintendo Switch là không có các tùy chỉnh đồ họa để mang đến cảm giác hoài cổ như phiên bản PC. Chưa kể, giai điệu MIDI kinh điển của những tựa game cùng thể loại ngày xưa mà Q-YO Blaster sử dụng có thể không đủ tạo cảm giác trải nghiệm cao trào cho thế hệ người chơi mới hiện nay. Dù vậy, nó vẫn là một điểm cộng dành cho những ai yêu thích cảm giác hoài cổ thể loại này ngày xưa.
Sau cuối, Q-YO Blaster mang đến một trải nghiệm shmup khá hấp dẫn và có giá trị chơi lại cao, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi. Trò chơi có hẳn một câu chuyện kể hài hước và tử tế là một điểm cộng bất ngờ thú vị so với những tựa game thuộc của thể loại này. Phong cách mỹ thuật độc đáo và ấn tượng trong đồ họa là điểm cộng lớn nhất. Thế nhưng, giai điệu nhạc nền bằng MIDI có thể mang đến ý kiến trái chiều là một sự hy sinh khá đáng tiếc khi nhà phát triển hướng đến yếu tố hoài cổ trong trải nghiệm game. Nếu yêu thích thể loại này, đây là một cái tên rất đáng xuất hiện trong bộ sưu tầm game của bạn, đặc biệt nếu bạn là người chơi có xu hướng hoài cổ. Chưa kể, trò chơi là sự kết hợp hết sức hoàn hảo với khả năng chơi game cơ động của Nintendo Switch khi hỗ trợ co-op hai người, mỗi người một tay cầm Joy-Con.
Q-YO Blaster được phát hành cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác