Punch Line đang được đề cập trong bài chính là tựa game visual novel được chuyển thể từ bộ anime cùng tên, vận dụng khá tốt yếu tố fan service để mang đến một trải nghiệm khá độc đáo, đầy những trò “chơi khăm” trong những tình huống hết sức hài hước.
Punch Line khiến tôi khá ấn tượng với màn mở đầu hấp dẫn, khá giống phân đoạn trong một phim hành động kinh điển mà tôi rất thích. Mọi chuyện xảy ra chớp nhoáng và khá kịch tính, để lại nhiều tò mò nếu bạn chưa từng xem bộ anime mà tựa game này chuyển thể. Nhân vật của người chơi là Yuta, một anh bạn trẻ với siêu năng lực có thể khiến trái đất biến thành tro bụi nếu gặp tình trạng hưng phấn hai lần liên tục. Tuy nhiên, đó không phải là một câu chuyện harem như bạn có thể lầm tưởng.
Kỳ thực, Yuta mà người chơi nhập vai là một hồn ma chứ không phải người bình thường và vì sao mọi chuyện lại xảy ra như thế thì tôi xin dành cho bạn trải nghiệm game. Tuy nhiên, Punch Line phiên bản game không hoàn toàn bám sát nội dung anime mà còn thêm thắt nhiều nội dung so với bộ anime gốc trong khoảng gần phân nửa trải nghiệm. Nhà phát triển khéo léo xây dựng trải nghiệm game giống như những tập anime trên truyền hình, với opening và ending đầy đủ cùng thời lượng chơi khoảng 30 phút mỗi episode.
Về cơ bản, mỗi episode trong Punch Line chia thành hai phần. Nửa đầu là Trick Time với một nhân vật nữ nhất định để thăng cấp linh lực cho nhân vật chính, rồi dùng sức mạnh mới tiếp tục tương tác với môi trường màn chơi thành một chuỗi hiệu ứng domino gọi là Trick Chain với toàn bộ các nhân vật khác ở Korai House. Vấn đề ở chỗ, những “trò đùa” mà bạn thực hiện đôi khi gây những hiệu ứng không mong muốn, dễ khiến các nhân vật nữ rơi vào những tình thế rất oái ăm khi bị giật mình.
Cụ thể hơn, ban đầu người chơi sẽ tương tác với các nhân vật nữ trong Korai House thông qua những trò hù dọa hoặc chơi khăm trong phần Trick Time, mục đích là để “thăng cấp” cho linh lực của Yuta. Sự kịch tính nằm ở chỗ mỗi nhân vật đều có những bí mật thầm kín riêng mà càng trải nghiệm, mọi thứ sẽ được bật mí dần dần thông qua đến những tình huống “cười ra nước mắt” trong trải nghiệm, đến mức bạn quên mất không biết là ai đang chơi khăm ai: Yuta với các nhân vật nữ khác hay nhà phát triển với người chơi?
Nửa sau, người chơi sẽ phải tương tác với môi trường màn chơi tương tự như trên nhưng đòi hỏi phức tạp hơn. Mục đích là để tạo nên một chuỗi sự kiện gọi là Trick Chain nhằm tạo nên kết quả mong muốn. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đây những khoảnh khắc dễ khiến Yuta hưng phấn do đặc trưng thiết kế. Nếu không cẩn thận, người chơi sẽ khiến nhân vật chính gây ra thảm họa diệt vong cả thế giới. Đây chính là yếu tố hài hước trong trải nghiệm mà Punch Line mang đến.
Tuy nhiên, người chơi chỉ có một số lượt thực hiện tương tác trong Trick Time hay Trich Chain, trong khi kết quả tương tác nhiều khi không thể hiện rõ ràng cho tới khi bạn thử một lựa chọn nào đó. Điều này đôi lúc khiến trải nghiệm game có phần mang tính thử và sai hơn. Thế nhưng, một khi quen dần với vài episode ban đầu, bạn cũng sẽ dần nhận ra những cái bẫy trong yếu tố tương tác này. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của trò chơi mà kỳ thực, nó nằm ở yếu tố “câu giờ” khá mệt mỏi trong trải nghiệm.
Punch Line thiết kế trải nghiệm giống như một episode của anime, có opening, tình tiết và cuối mỗi tập sẽ là ending trước khi chuyển sang episode mới. Vấn đề ở chỗ, trò chơi không cho phép người chơi bỏ qua các phân đoạn này, đặc biệt là opening và ending. Nếu trải nghiệm liên tục, bạn sẽ phải xem đi xem lại cả hai đoạn này khá là bực mình và mất thời gian. Đó là chưa kể, các đoạn chuyển cảnh bằng anime đều không cho phép tạm dừng hay bỏ qua, trong đó không ít đoạn được chiếu đi chiếu lại khi bạn sai lầm.
Dù vậy, lối chơi của Punch Line vẫn rất “nặng chữ” và đòi hỏi người chơi phải đọc rất nhiều. Bên cạnh điểm nhấn là yếu tố tương tác thú vị, trò chơi còn sử dụng phong cách đồ họa anime khá độc đáo, kết hợp giữa các đoạn chuyển cảnh anime 2D quen thuộc với toàn bộ thế giới và các nhân vật trong game được dựng hình 3D khá lạ mắt. Điều thú vị là hai phong cách này lại được nhà phát triển lồng ghép khá hài hòa trong trải nghiệm, tạo sự khác biệt so với những tựa game visual novel thuần 2D khác trên thị trường.
Đây có lẽ là điểm nhấn của trò chơi cho yếu tố fan service. Chẳng hạn như những khoảnh khắc “lộ hàng” mà các nhân vật giật mình hoặc khi bạn thay đổi camera để tương tác. Thế nhưng, với trải nghiệm buộc người chơi phải hạn chế tối thiểu những khoảnh khắc như thế nếu không muốn game over, trò chơi đã tạo nên những tình huống trớ trêu vô cùng hài hước thường thấy trong những anime mang hơi hướng ecchi. Đó cũng chính là điều hào hứng và khó khăn nhất mà người chơi phải cẩn trọng trong trải nghiệm Punch Line.
Sau cuối, Punch Line mang đến một trải nghiệm visual novel khá độc đáo khi kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố tương tác thú vị, nội dung hấp dẫn và đồ họa khác biệt. Yếu tố fan service tuy vẫn có, nhưng lại không phải là trọng tâm trong trải nghiệm nên có thể khiến một số người chơi cảm thấy không vui. Dù vậy, nếu muốn tìm kiếm một tựa game visual novel mang đến cảm giác mới mẻ và hào hứng để trải nghiệm, đây chắc chắn là một cái tên đáng chú ý.
Punch Line được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.