Psikyo Shooting Stars Bravo là bộ sưu tầm gồm sáu tựa game rất đặc biệt. Năm trong số đó là những cái tên đã giúp nhà phát triển Psikyo thành danh từ những ngày đầu “khởi nghiệp” trên máy arcade. Những chiếc thùng “cao to đen hôi” này chắc chắn là thứ rất quen thuộc với bạn nào từng một thời “lê lết” chơi game ở các tụ điểm trò chơi điện tử vào thập niên 90.
Nếu như Psikyo Shooting Stars Alpha khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm xưa một thời “mê Strikers 1945 hơn mê trai” thì Psikyo Shooting Stars Bravo không để lại nhiều dấu ấn sâu đậm như thế. Lý do đơn giản là những cái tên đáng chú ý trong bộ sưu tầm này ít được người chơi trong nước biết đến. Danh sách đầy đủ gồm có ba phần thuộc series Samurai Aces, hai phần chơi của series Gunbird và cuối cùng là “kẻ lạc loài” Gunbarich. Mặt khác, những tựa game shmup của nhà phát triển Psikyo đều khá nổi tiếng về độ “nuốt” xu hay còn gọi là xèng hay thẻ tùy vào mỗi địa phương. Thế nên, tiệm trò chơi điện tử gần nhà tôi chỉ nhập về “thăm dò thị trường” một thời gian ngắn rồi “tống tiễn” không thương tiếc vì chẳng mấy ai muốn “đốt tiền” với nó.
Trong số những tựa game nói trên, đáng chú ý nhất là series Gunbird với lối chơi bắn súng theo phương dọc, mang đến trải nghiệm hấp dẫn không chỉ về bối cảnh mà cả số lượng nhân vật điều khiển đông đảo trong một tựa game shmup. Mỗi nhân vật đều có hệ thống vũ khí độc đáo khác nhau, tính thử thách ở mức vừa phải với nhiều thiết lập, từ rất dễ đến rất khó nên đáp ứng được nhiều trình độ người chơi khác nhau. Một điểm cộng khác của series này là thiết kế màn chơi có độ dài vừa phải, mang đậm tính khoa học viễn tưởng với rất nhiều khí tài quân sự có tạo hình khá ấn tượng và không kém phần sáng tạo nếu tính ở thời điểm phát hành ban đầu. Tương tự, thiết kế boss cũng tiếp tục là mang dấu ấn riêng với nhiều lần “biến hình”.
Mặt khác, khâu lồng tiếng các nhân vật nữ khá vui tai, nhiều khi đang tức chết vì bị kẻ thù “thủ tiêu” nhưng cứ nghe giọng “chảy nước” của nhân vật khi thu thập được power-up là hết bực ngay. Thế nhưng, trải nghiệm Gunbird sẽ khá hoàn hảo nếu tôi không gặp một vài vấn đề khó lý giải là thiết kế chủ ý của nhà phát triển hay lỗi game. Đầu tiên là tình trạng vũ khí khi thu thập power-up lên mức “max” tuy rất mạnh, nhưng sau một thời gian sẽ tự hạ xuống mức thấp hơn. Nói một cách khác, nó đòi hỏi người chơi phải thu thập các power-up liên tục trong một khoảng thời gian nhất định để duy trì mức độ “max” nói trên. Nếu đây là chủ ý thiết kế, rõ ràng nhà phát triển đang cố tình làm khó người chơi một cách bất công.
Bởi lẽ, thay vì di chuyển đến các cạnh màn hình rồi “dội tường” lại, các power-up chỉ di chuyển đến đường ngang giữa màn hình rồi tự động bật ngược lên trên. Muốn thu thập, người chơi phải liều lĩnh vượt lên chiến tuyến là khu vực nguy hiểm mà kẻ thù lẫn “mưa đạn” có thể bất ngờ xuất hiện bất cứ lúc nào. Không những thế, tôi còn gặp một vấn đề khác là thỉnh thoảng có tình trạng “chiến đấu cơ” tự động chạy thẳng lên trên có kẻ thù đang lao đến rồi ngừng lại. Ban đầu tôi cứ tưởng cần analog Joy-Con trái của máy Switch bị trôi, nhưng sau đó phát hiện khả năng cao đây là lỗi game, do vấn đề này chỉ xuất hiện duy nhất trong trải nghiệm Gunbird.
Đáng nói, cả hai vấn đề nói trên đều không xảy ra khi trải nghiệm Gunbird 2 hay các tựa game Samurai Aces trong bộ sưu tầm Psikyo Shooting Stars Bravo. Tuy không dám khẳng định chắc chắn, nhưng từ thực tế đó khiến tôi thiên về quan điểm là lỗi game hơn. Dẫu thế, vấn đề lớn nhất lại thuộc về phần chơi đầu tiên trong series Samurai Aces và cũng đồng thời là tựa game đầu tay của nhà phát triển Psikyo. Độ khó của nó thật sự là cơn ác mộng ngay cả ở thiết lập dễ nhất. Đáng nói, trải nghiệm game với thiết lập này khiến “chiến đấu cơ” di chuyển khá chậm, trong khi “mưa đạn” lại nhiều khủng khiếp nên rất dễ bị kẻ thù “bắn rụng”.
Đã vậy, nếu bạn sử dụng “continue”, trải nghiệm sẽ quay lại từ đầu màn chơi với bao thử thách mà người chơi vô cùng chật vật để vượt qua trước đó, kỳ thực mang đến một sự ức chế không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi tôi đổi sang thiết lập khó nhất thì “chiến đấu cơ” lại di chuyển khá nhanh, dễ né “mưa đạn” nên mang cảm giác trải nghiệm dễ dàng hơn. Không biết đây có phải là lỗi game hay không nữa? Ở góc độ người chơi, series Samurai Aces mang đến cảm giác khá đặc biệt khi mỗi phần chơi đều sở hữu tựa độc lập và gameplay có nhiều thay đổi, tạo cảm giác như chẳng liên quan gì với nhau.
Đơn cử như Samurai Aces còn có tựa khác là Sengoku Ace, trong khi Tengai và Samurai Aces III có khi được nhiều người chơi biết hơn qua những cái tên lần lượt là Sengoku Blade và Sengoku Cannon. Vấn đề ở chỗ, những gì mà series này mang đến trong bộ sưu tầm Psikyo Shooting Stars Bravo khó tránh khỏi quan điểm trái chiều từ phía người chơi. Trong số này, đáng chú ý nhất là phần chơi thứ hai Tengai với sự thay đổi trải nghiệm shoot ’em up từ phương dọc sang phương ngang, sở hữu nhịp độ chơi nhanh hơn, tạo hình nhân vật vừa đẹp vừa khiêu gợi hơn mà số lượng nhân vật điều khiển cũng nhiều hơn.
“Yếu” nhất trong số này là Samurai Aces III. Phần chơi này có vẻ phô diễn công nghệ không đúng chỗ khi thay cảnh nền 2D đẹp mắt trong hai phần chơi cũ bằng hình dựng 3D, vừa xấu vừa không ăn nhập gì tới không gian chiến trường trong game. Không những vậy, bomb mà người chơi có thể sử dụng trong trải nghiệm Samurai Aces III khá vô dụng, không có khả năng bảo vệ nhân vật “vô địch” trong thời gian ngắn như hầu hết những tựa game cùng thể loại khác từ bộ sưu tầm Psikyo Shooting Stars Bravo. Sử dụng bomb đồng nghĩa nhân vật hoặc kẻ thù phải trong bán kính phát nổ mới có tác dụng bảo vệ nhân vật hoặc gây sát thương cho kẻ thù, khá là vô dụng trong phần lớn trường hợp khẩn cấp.
Một vấn đề khác cũng không thể không nói đến là trải nghiệm cả năm tựa game trong hai series Samurai Aces và Gunbird luôn tạo cho tôi cảm giác có tình trạng input lag khá cao, ít nhất cũng phải 100ms trở lên trên Nintendo Switch. Tôi thường xuyên gặp tình trạng đạn của kẻ thù sắp bay đến, dù đã bấm sử dụng bomb trước đó để tạo trạng thái “vô đối” nhưng gần như không bao giờ tránh được viên đạn oan nghiệt của kẻ thù, dẫn đến những lần mất mạng cực kỳ ức chế. Cảm giác nút bấm luôn ghi nhận trễ hơn thời điểm hình ảnh xuất hiện trên màn hình khá thường trực, chắc chắn là điểm trừ không nhỏ khi xét đặc trưng của thể loại shoot ’em up vốn luôn đòi hỏi phản xạ điều khiển nhanh nhạy từ người chơi.
Ngược lại với tất cả, Gunbarich lại là một trải nghiệm “ngạc nhiên chưa” khi chuyển sang thể loại giải đố bằng hình thức bắn banh. Trò chơi sở hữu gameplay khá giống tựa game kinh điển Arkanoid nhưng với một số cải tiến hấp dẫn, nhiều màu sắc và nhịp độ chơi cũng “quá nhanh quá nguy hiểm” hơn. Chẳng hạn như người chơi có thể bấm nút tương tác để “giáng những cú đập sấm sét” khi tiếp xúc với banh, tạo lực bay nhanh và mạnh hơn. Các “viên gạch” ở phía trên cũng lắm “chiêu trò” hơn, mang đến trải nghiệm khá kịch tính với mục tiêu không thay đổi: đập bỏ không chừa bất cứ “viên gạch” nào.
Vấn đề lớn nhất của Gunbarich là mỗi màn chơi đều có giới hạn thời gian, trong khi kẻ thù sẽ xuất hiện lai rai làm nhiệm vụ “cản địa” đường banh của người chơi. Cùng với đó là các power-up mang tính hỗ trợ, nhưng đôi khi cũng khiến trải nghiệm “đập banh” đơn giản trở nên phức tạp hơn dù không kém phần hấp dẫn. Mặc dù có cảm giác là “kẻ loại loài” khi mang đến trải nghiệm khác biệt, nặng tính lặp lại so với năm tựa game còn lại, thế nhưng đây lại là trải nghiệm mang đến nhiều bất ngờ nhất, thậm chí rất dễ khiến không ít người chơi bị nghiện lúc nào chẳng biết.
Thế nhưng tương tự Psikyo Shooting Stars Alpha, toàn bộ những tính năng quen thuộc như chế độ TATE cho phép trải nghiệm game theo chiều dài máy Nintendo Switch vẫn không có cải thiện nào trong Psikyo Shooting Stars Bravo. Toàn bộ những điểm trừ của các tính năng này vẫn “sao y bản chính” từ bộ sưu tầm cũ, không chút thay đổi. Nhà phát triển dường như có ý định cố gắng duy trì trải nghiệm hoài cổ hơn là hỗ trợ thêm cho thế hệ người chơi mới bằng những tính năng “cheat” quen thuộc ngày nay, như save state hay đổi region để có những phiên bản khác biệt mang tính “địa phương và nền tảng hóa” như SNK 40th Anniversary Collection hơn.
Ở góc độ người chơi, đây là điều khá đáng tiếc khi bốn trong tổng số sáu game trong bộ sưu tầm này đều có bản console với với một số khác biệt đáng chú ý. Mặt khác, việc nhà phát triển không có tính năng “viện bảo tàng” hay nhiều nội dung phụ mang tính chất một bộ sưu tầm hoài cổ tương tự cũng là một điểm trừ nhỏ đối với những ai yêu thích các bộ sưu tầm đậm tính hoài cổ như tôi. Tuy nhiên, vì vấn đề này hơi thiên về cảm nhận cá nhân nên tôi cũng không xem là điểm trừ đáng chú ý.
Sau cuối, Psikyo Shooting Stars Brave mang đến năm trải nghiệm khá hấp dẫn dành cho những ai yêu thích thể loại shoot ’em up, đi kèm một chút đổi gió với Gunbarich. So với Psikyo Shooting Stars Alpha, bộ sưu tầm mới dường như có dấu hiệu đuối sức không chỉ về chất lượng nội dung mà cả một số vấn đề chưa rõ là lỗi game hay thiết kế “sai trái” của nhà phát triển, mang cảm giác kém tinh tế hơn. Dù vậy, với những bạn nào muốn hoài niệm về một thời “tuổi thơ dữ dội”, bộ sưu tầm này chắc chắn là những trải nghiệm hoài cổ cực kỳ đáng cân nhắc.
Psikyo Shooting Stars Bravo hiện chỉ có trên Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác