Psikyo Shooting Stars Alpha là bộ sưu tầm gồm sáu tựa game shoot ’em up kinh điển từ những chiếc thùng máy arcade “bự chà bá” ngày xưa, mang nhiều nét hoài cổ quen thuộc với những ai từng một thời “lê lết” chơi game ở các tụ điểm trò chơi điện tử.
Nhắc đến arcade có lẽ tôi nhớ nhất đến Strikers 1945, tựa game từng một thời đình đám vào những năm thập niên 90 ở các tụ điểm trò chơi điện tử trong nước. Lúc đó, dòng game shmup vốn không phải “khẩu vị” của tôi đơn giản chỉ vì nó “khó quá mức cần thiết”. Tuy nhiên, do sát nhà có một tiệm “điện tử thùng” như cách gọi “ngày xưa ta còn bé” nên tôi thường hay xem các anh lớn chơi một cách ngưỡng mộ. Cái âm thanh tiếng đồng xu lọt khe giống như một phần tuổi thơ vào năm đó, đến giờ tôi vẫn nhớ. Trong số những người đến chơi, có một anh dáng vẻ thư sinh, mặc đồ rất bụi và thường chơi solo tựa game nói trên. Khi đó, tôi là “khán giả” trung thành nhất của anh, luôn đứng xem một cách say mê và phụ họa đầy phấn khích.
Có lẽ nhờ vậy mà tôi và anh thỉnh thoảng có những dịp chơi game chung một cách rất hào hứng, dù là vô tình hay cố ý. Thế nhưng, kỷ niệm nào rồi cũng tan khi hiện thực xuất hiện. Một ngày đẹp trời, tiệm trò chơi điện tử sát nhà bất ngờ đóng cửa rồi treo bảng bán nhà xuất cảnh, chôn vùi vĩnh viễn một thời kỷ niệm đẹp của tôi. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Khi Psikyo Shooting Stars Alpha bất ngờ ra mắt, bao nhiêu cảm xúc ngày xưa chợt ùa về giữa bộn bề cuộc sống. Bộ sưu tầm này mang một phần tuổi thơ của tôi trong đó, với sáu tựa game shmup vô cùng kinh điển: ba phần Strikers 1945 “tuyệt đỉnh”, Dragon Blaze, Zero Gunner 2- và Sol Divine.
Trong bộ sưu tầm này, Sol Divine mang đến cảm giác trải nghiệm khác biệt và gameplay có phần phức tạp, nhưng điều này dường như cũng là điểm yếu của game. Đây là một trong những cái tên hiếm hoi ngày xưa thuộc thể loại shmup được đầu tư cốt truyện và lựa chọn hướng đi nội dung. Đã thế, người chơi không chỉ lo né đạn như những tựa game khác trong bộ sưu tầm Psikyo Shooting Stars Alpha, mà còn phải vận dụng triệt để các loại phép thuật từ việc thu thập những vật phẩm hồi mana rơi ra khi tiêu diệt kẻ thù. Ngay cả kẻ thù cũng “không phải dạng vừa đâu” khi thường xuyên tiếp cận tấn công cận chiến rất khó né tránh.
Vấn đề lớn nhất của Sol Divine là gameplay được thiết kế phức tạp, đòi hỏi nhiều thao tác hơn thay vì chỉ tập trung né đạn như thông thường. Ở góc độ người chơi, tôi cảm thấy thiết kế này không phù hợp với dòng game shmup. Nó tạo quá nhiều việc để bạn phải làm trong khi trải nghiệm đặc trưng luôn cần tập trung “luồn lách” giữa cơn mưa đạn khắp màn hình. Dù vậy, không thể phủ nhận đây là một thiết kế thú vị, ít nhiều đều mang đến cảm giác mới mẻ cho một thể loại game lâu năm không có nhiều đổi mới ở thời điểm ra mắt vào thập niên 90. Tuy nhiên, điều này thiên về cảm nhận cá nhân nhiều hơn nên tôi không xem là điểm trừ, nhưng cũng không thể coi là điểm cộng.
Tương tự, Zero Gunner 2- cũng là một sự ngạc nhiên thú vị với góc nhìn top-down, đi kèm với lối chơi bắn máy bay cho phép người chơi quay hướng bắn 360 độ. Bạn sẽ điều khiển một trong số ba máy bay trực thăng chiến đấu với khả năng xoay hướng bắn khá tự do. Vấn đề ở chỗ, phần điều khiển trong game lại tạo cảm giác kém linh hoạt do thiết kế xoay hướng khá chậm chạp và phải bấm kèm thêm nút, trong khi nhịp độ chơi tương đối nhanh nên làm giảm đi lợi thế của người chơi trên mặt trận. Không những vậy, những ai yêu thích “sự thuần khiết” hoặc nguyên bản sẽ cảm thấy chút thất vọng với tựa game này.
Kỳ thực, Zero Gunner 2- chỉ là bản được phát triển lại gần như toàn bộ do phiên bản gốc bị thất lạc dữ liệu phát triển. Đó là lý do mà phiên bản này có thêm dấu trừ cách điệu trong tựa game và mang một số khác biệt so với khi phát hành lần đầu trên máy Dreamcast và thế hệ arcade NAOMI của Sega. Cụ thể, texture có tông màu sáng hơn phiên bản gốc và nhiều hình dựng các vật thể hay kẻ thù trong màn chơi cũng có sự khác biệt về màu sắc hiển thị cũng như tỷ lệ màn hình thuần 16:9 thay vì vuông 4:3. Khác biệt lớn nhất trong gameplay là các vật phẩm nâng cấp không dội ngược màn hình để quay lại như phiên bản gốc mà sẽ trôi luôn khỏi màn hình, xem như mất luôn nếu người chơi không kịp thu thập.
Sáng nhất bộ sưu tầm Psikyo Shooting Stars Alpha là bộ ba Strikers 1945 kinh điển. Đến nay, tựa game này vẫn luôn là một trong những series game biểu tượng của thể loại shmup và cũng là cái tên mang đến danh tiếng cho nhà phát triển Psikyo. Sở dĩ tôi phải nói tên nhà phát triển vì sợ nhiều bạn có thể nhầm lẫn với series game 19xx của Capcom trên các hệ arcade CPS. Cả hai đều cùng chủ đề Thế Chiến thứ hai, nhưng các game arcade thuộc hệ CPS thông dụng và được nhiều người chơi trong nước biết đến ở thời điểm cách đây vài chục năm hơn. Tuy nhiên, ở góc độ người chơi thì Strikers 1945 hấp dẫn hơn do số lượng chiến đấu cơ đa dạng và hệ thống vũ khí khá độc đáo, mang đến cảm giác bắn “đã” hơn.
Strikers 1945 II tiếp nối thành công này với các chiến đấu cơ mới và khác biệt so với phần đầu của series. Chưa kể, những chiến đấu cơ này đều dựa trên các thiết kế ngoài đời thật, kết hợp với tinh chỉnh chỉ số “ảo tung chảo” nên mang cảm giác thú vị hơn nếu bạn có chút đam mê về máy bay cổ. Tạo hình các con boss vẫn “ngầu lòi” với khả năng thay hình đổi dạng khi chiến đấu, cũng tiếp tục là điểm nhấn của tựa game này. Hấp dẫn nhất vẫn là Strikers 1945 III với thiết kế chiến đấu cơ và khí tài của kẻ thù mang cảm giác hiện đại hơn, nhịp độ chơi cũng nhanh và kịch tính với những “cơn mưa đạn” thử thách hơn. Chưa hết, đây cũng là phần chơi có thiết kế tạo hình boss “ngầu như trái bầu”, để lại cho tôi một cảm giác ấn tượng khó phai.
Bên cạnh Strikers 1945 III “quá đỉnh”, cái tên cuối cùng cũng tạo cho tôi cảm giác tương tự không hề kém cạnh. Dragon Blaze không chỉ có bối cảnh viễn tưởng và ma thuật khác biệt so với bất kỳ tựa game shmup nào trong Psikyo Shooting Stars Alpha, mà còn đi kèm với gameplay hấp dẫn, mang cảm giác khá mới mẻ cho thể loại này. Nhân vật của người chơi có thể cưỡi rồng để tăng sức mạnh tấn công từ cả hai mà cũng có thể tách riêng “mỗi người một nơi” cho mục đích chiến thuật nhất định, tùy theo tình hình chiến sự kịch tính ra sao. Thậm chí, bạn cũng có thể sử dụng phép thuật, tuyệt kỹ hoặc “chiêu rồng tát” để tăng khả năng chiến đấu các trận đánh boss hay giữa một biển kẻ thù.
Ở khía cạnh đồ họa, Psikyo Shooting Stars Alpha vẫn mang đến đồ họa mang nhiều cảm giác hoài cổ trên màn hình HD của máy Switch nhờ vào việc sử dụng các bộ lọc hình ảnh. Tuy nhiên, khi xuất hình ra ti vi lớn thì hình ảnh bộc lộ điểm yếu pixel khá rõ. Trừ Zero Gunner 2- ra, nhà phát triển vẫn cố gắng duy trì cảm giác đồ họa hoài cổ của mỗi tựa game. Điểm nhấn đáng chú ý là chế độ trải nghiệm game theo chiều dài của Nintendo Switch hay còn gọi là chế độ TATE. Đó là tên gọi theo thông tin do nhà phát triển cung cấp chứ tôi không tìm thấy chữ này trong game. Chế độ này cho phép người chơi có thể xoay hình ảnh hiển thị để tận dụng toàn bộ màn hình trong những tựa game shmup theo phương dọc như Dragon Blaze hay series Strikers 1945.
Tuy vậy, tính năng thú vị này vẫn chưa cho phép xoay menu theo, ít nhiều đều gây cảm giác khó chịu mỗi khi tạm dừng game để tinh chỉnh lại thiết lập. Mặt khác, Psikyo Shooting Stars Alpha cũng không có menu tổng hoặc phím tắt để thiết lập trải nghiệm phương ngang hay phương dọc cho tất cả các game ở launcher. Người chơi buộc phải thiết lập riêng cho từng game mỗi khi chơi, khá là bất tiện. Có lẽ nhà phát triển cho rằng khả năng cơ động cao của Nintendo Switch khiến thao tác này không mất nhiều thời gian, nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề nên cân nhắc và cải thiện thông qua bản vá để mang đến trải nghiệm thuận tiện hơn cho người chơi. Chưa kể, phần thiết lập điều khiển bằng tay cầm Joy-Con ở chế độ TATE cũng chưa được trực quan.
Sau cuối, Psikyo Shooting Stars Alpha mang đến sáu trải nghiệm shoot ’em up tuyệt vời nếu yêu thích thể loại này. Ngoại trừ Sol Divine có thể gây ý kiến trái chiều do phức tạp hóa gameplay ra, những cái tên còn lại đều để lại dấu ấn riêng trong thiết kế game. Chưa kể, so với mua lẻ từng game và Strikers 1945 III không được bán riêng như năm tựa game còn lại, đây rõ ràng là bộ sưu tầm hoài cổ cực kỳ đáng giá và phải có dành cho thế hệ người chơi mới hoặc những ai muốn hoài niệm về một thời “tuổi thơ dữ dội”.
Psikyo Shooting Stars Alpha hiện chỉ có trên Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác