Poison Control là game hành động nhập vai gây ấn tượng đầu tiên cho người viết với cách phối màu vô cùng sặc sỡ. Điều này thể hiện ngay từ menu của trò chơi với tông hồng rực mắt. Tuy nhiên, tựa game của nhà phát triển Nippon Ichi Software không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác mà còn sở hữu trải nghiệm độc đáo, kết hợp giữa lối chơi bắn súng góc nhìn thứ ba và khử độc chốn địa ngục. Đó là chưa kể cốt truyện game cuốn hút, dàn nhân vật rất có cá tính riêng và đặc biệt là khía cạnh nghe nhìn tuyệt vời.
Poison Control mở đầu trải nghiệm bằng việc tùy biến nhân vật. Trò chơi giới thiệu nhân vật chính bằng cách… chẳng giới thiệu gì cả. Thay vào đó, bạn chỉ biết nhân vật được đưa đến địa ngục và bị tấn công bởi sinh vật gọi là Klesha, dẫn đến tình huống cả hai hợp nhất thành Soul Mate. Như cái tên gợi ý, đó là hai linh hồn trong một cơ thể và Klesha nói trên giờ có danh xưng là Poisonette. Nhờ sự hợp nhất này mà nhân vật chính có khả năng tự vệ trước những quái vật khác tấn công bạn tương tự như Klesha nói trên đã làm ban đầu.
Nếu câu chuyện kể khiến bạn cảm thấy lùng bùng thì đừng lo, vì tôi cũng có tâm trạng đó ở thời điểm đầu trải nghiệm. Mọi thứ sẽ dần được hé lộ thông qua những đoạn hội thoại giữa các nhân vật trong suốt trải nghiệm về sau. Về cơ bản, thế giới mà cặp nhân vật chính phải chiến đấu được gọi là địa ngục của Belle. Không gian này được tạo ra bởi cảm xúc tiêu cực và tăm tối nhất của một cô gái. Nhiệm vụ của bạn là dọn dẹp sạch sẽ những thứ độc hại đang xâm chiếm ở đây, thể hiện qua những tầng (level) địa ngục trong suốt trải nghiệm.
Ở góc độ người chơi, Poison Control khiến tôi khá thích thú với câu chuyện kể hấp dẫn. Cái gọi là địa ngục của Belle được chấp bút dí dỏm và dễ hiểu dù không kém phần tăm tối, để lại trong tôi nhiều cảm xúc không hề nhẹ nhàng. Cốt truyện tuy không tránh khỏi một số tình tiết không quen vì quá quen thường thấy trong anime, nhưng tôi không xem đây là điểm trừ vì nó phù hợp với chủ đề của trò chơi. Dù vậy, hướng xây dựng này có thể khiến những thông điệp đáng suy ngẫm mà game truyền tải trong trải nghiệm bị xem nhẹ và giảm giá trị.
Poison Control sở hữu đồ họa cel-shade với phần dựng hình 3D do đội ngũ người Việt của phân nhánh Nippon Ichi Software Việt Nam đảm nhận. Tuy tạo hình các nhân vật có phần gợi cảm một cách cố ý, nhưng tôi không thấy nó phản cảm vì rất được tiết chế để không mang đến cảm giác nói trên. Dù vậy, một số phân đoạn được nhân vật Poisonette đề cập đến câu chuyện “banh và bưởi” có thể gây khó chịu với những bạn nào nghiêm túc. Ngoài vấn đề đó ra, trò chơi sở hữu đồ họa khá đẹp ngay cả trên phần cứng của Nintendo Switch.
Thế nhưng, tông màu quá rực với độ tương phản cao có thể gây mỏi mắt trong trải nghiệm kéo dài. Điều này thường là điểm trừ đối với thể loại nhập vai, nhưng Poison Control thì ngược lại. Một phần vì mỗi màn chơi đều không dài, phần còn lại là do trải nghiệm có phần nặng tính lặp lại trong khi số lượng kẻ thù không quá đa dạng. Chỉ có thiết kế màn chơi là nhìn đa dạng nếu xét trên phối màu, nhưng chỉ tính riêng cảm giác trải nghiệm thì cũng không đủ đa dạng. Chưa kể, hiệu năng phiên bản Switch cũng không tốt khi đông kẻ thù xuất hiện.
Lối chơi của Poison Control khá giống Sword Art Online: Fatal Bullet về cơ chế gameplay, nhưng có thêm ý tưởng gợi nhớ đến Splatoon. Về cơ bản, cặp đôi nhân vật chính mỗi người một việc. Mỗi khu vực ngoài kẻ thù còn có các vũng độc. Trong khi Poisonette có khả năng thanh tẩy những vũng độc, nhân vật còn lại có khả năng chiến đấu với các Klesha bằng nhiều loại vũ khí tầm xa khác nhau. Đáng chú ý, nếu bạn để nhân vật này di chuyển trên các vũng độc sẽ bị mất máu, nhưng đây cũng là nơi chứa những bí mật chờ thanh tẩy và khám phá.
Về cơ bản, mỗi màn chơi đều có rất nhiều rương đồ ẩn chờ bạn tìm ra. Trong đó thường chứa tiền, máu và huy hiệu dùng để mở khóa các nâng cấp giúp tăng khả năng chiến đấu của nhân vật chính. Phần lớn các loại súng đều có thể nâng cấp và mở thêm kỹ năng mới, nhưng số tiền để nâng cấp đòi hỏi bạn phải chịu khó cày nhiệm vụ cũ một chút nếu thường xuyên đổi vũ khí. Tương tự, người chơi cũng có thể tăng chỉ số cho nhân vật dựa trên những lựa chọn lời thoại, giúp mở khóa thêm kỹ năng mới cho nhân vật trong trải nghiệm.
Vấn đề lớn nhất của Poison Control chủ yếu ở phiên bản Switch. Trò chơi có hiệu năng rất tốt ở nửa đầu game, nhưng nửa sau mà đặc biệt là những nhiệm vụ cuối thì tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình dễ nhận thấy đến mức gây khó chịu. Không những vậy, cảm giác bắn khá tệ với tay cầm Joy-Con vì hành trình analog ngắn, khiến việc nhắm chính xác rất khó khăn ngay cả khi đã bật trợ nhắm ở mức tối đa. Chưa kể, phiên bản Switch cũng không hỗ trợ khả năng nhắm bắn bằng con quay hồi chuyển như Sword Art Online: Fatal Bullet.
Bù lại, Poison Control mang đến cảm giác tràn đầy năng lượng với những bản nhạc nền “cực đỉnh”, kết hợp rất hài hòa với trải nghiệm game. Dù vậy, dường như phần hòa âm của trò chơi có vấn đề trong việc điều chỉnh âm lượng hợp lý. Nhạc nền không những lấn áp hiệu ứng âm thanh mà còn vô tình làm mất luôn uy lực của những cú bắn. Nó góp phần làm tệ hơn cái cảm giác bắn với tay cầm Joy-Con, khiến bản Nintendo Switch gần như không còn lợi thế chơi game cơ động so với nền tảng khác nữa. Đây là vấn đề khá đáng tiếc của phiên bản này.
Sau cuối, Poison Control mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá độc đáo với cốt truyện hấp dẫn và cơ chế gameplay đủ hào hứng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm có thể nặng tính lặp lại và một số vấn đề về hiệu năng của phiên bản Switch. Mặc dù vậy, đây vẫn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc với lối chơi hấp dẫn và khá có chiều sâu. Đó là chưa kể khía cạnh nghe nhìn đều xuất sắc.
Poison Control hiện có cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác