Được giới thiệu tại PAX East cách đây vài tháng, Planet Alpha đã lập tức thu hút được sự chú ý của tôi không chỉ vì đồ họa mà còn cả gameplay gợi nhớ đến một game kinh điển mà tôi từng được chơi lúc nhỏ. Đến khi được chính thức trải nghiệm trò chơi thì tôi lại càng tin chắc là mình đã không nhìn lầm.
Có thể bạn không biết nhưng Another World là một tượng đài rất lớn trong ngành game, không chỉ vì thiết kế đầy sáng tạo trong lối chơi mà còn là cảm hứng cho rất nhiều tượng đài khác như Ico, Metal Gear Solid hay Silent Hill trong thiết kế gameplay. Chính vì vậy không có gì lạ khi tựa game này cũng là nguồn cảm hứng của rất nhiều cái tên phát hành trên thị trường hiện nay, và Planet Alpha là một trong số đó.
Planet Alpha đưa người chơi đến với lối chơi cinematic platform, một thể loại phụ trong dòng game phiêu lưu đi cảnh. Với khởi đầu khá mông lung không đầu không đuôi, bạn chỉ biết rằng nhân vật chính là một phi hành gia bị mắc kẹt trên một hành tinh, phải tự tìm đường sống sót. Vấn đề ở chỗ, trong khi những cinematic platformer khác còn cung cấp cho bạn vũ khí hoặc cơ chế đặc trưng để tự vệ trước kẻ thù nguy hiểm trong các màn chơi như Prince of Persia hay Flashback, thì Planet Alpha lại không có tất cả những điều đó. Nhân vật của người chơi hoàn toàn không có công cụ gì để chiến đấu và đặc biệt rất dễ tổn thương.
Ngoài những trò chạy nhảy, leo trèo quen thuộc của thể loại game đi cảnh, trò chơi buộc người chơi phải tận dụng môi trường màn chơi làm lợi thế để đưa nhân vật vượt qua những trở ngại đó. Đây chính là những câu đố nhẹ nhàng mà người chơi phải vượt qua, không những tạo thêm sự hấp dẫn trong trải nghiệm mà còn giúp thay đổi nhịp độ chơi rất bất ngờ như một “cái bẫy” khiến người chơi bị “ăn hành” với diễn biến xảy ra trên màn hình. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ đây là điểm yếu của trò chơi vì lối chơi thử và sai mới chính là yếu tố đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn của dòng game cinematic platform.
Thế nhưng, Planet Alpha không chỉ lấy cảm hứng từ Another World mà trò chơi cũng bổ sung đặc trưng riêng. Một trong những yếu tố đó là khả năng thay đổi thời gian, giữ một vai trò không nhỏ trong việc giải các câu đố khá nhẹ nhàng của trò chơi. Kỳ thực, nói là nhẹ nhàng nhưng đó là khi bạn đã nắm vững được những yếu tố cơ bản và biết cần phải làm gì trong những trường hợp đó. Còn nếu trải nghiệm lần đầu và không có bất kỳ chỉ dẫn nào thì khả năng cao là trán của bạn sẽ hằn nếp nhăn, và đầu có thể móp vì bóp mãi trước một câu đố tưởng chừng rất đơn giản đó.
Yếu tố còn lại cũng là điều khiến khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất ở Planet Alpha: đồ họa tuyệt vời. Ngay từ đầu trò chơi, bạn đã có thể thấy rõ điều này khi nhân vật chính lê từng bước chân nặng nề trên quang cảnh trông như vùng đất bị sa mạc hóa. Sau đó, trò chơi chuyển sang một khu vực mới khiến tôi cảm thấy choáng ngợp trước phong cảnh của trò chơi. Có thể là một sự so sánh quá lời nhưng nó giống như hệ sinh thái trong phim Avatar vậy, với rừng cây trù phú và những sinh vật có hình thù rất kỳ lạ chia thành nhiều tầng nhiều lớp. Mỗi lớp mỗi tầng như vậy đều có phần chuyển động rất riêng với mức độ chi tiết cực cao, mang đến thế giới sinh vật và thảm thực vật cực kỳ sống động.
Nhạc cũng bổ trợ rất tốt cho phần trải nghiệm, mang đến giai điệu rất thư giãn tâm trí người chơi nhưng tuyệt đối không gây buồn ngủ, dù thời điểm đó sắp đến giờ mà tôi đi ngủ hằng ngày. Chưa kể, trong khi suốt toàn bộ trải nghiệm, tôi để nhân vật chết rất nhiều lần nhưng lại không cảm thấy bực bội hay cay cú vì điều đó, hoàn toàn trái ngược với cảm giác trong nhiều tựa game khác từng chơi trước đây. Một phần cũng nhờ nhạc tạo cảm giác rất thoải mái, và phần còn lại thuộc về thiết kế quá tốt của trò chơi. Điều này chứng tỏ nhà phát triển rất chịu khó chăm chút kỹ lưỡng cho đứa con tinh thần của họ, khiến tôi càng có niềm tin rằng Planet Alpha sẽ là một tựa game rất đáng mong đợi, nhất là fan của thể loại game cinematic platform.
Planet Alpha dự kiến ra mắt vào ngày 4/9/2018 sắp tới cho nền tảng Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.