PesterQuest là tựa game visual novel khá độc đáo khi chia làm nhiều tập “tiểu thuyết trực quan” ngắn với câu chuyện và dàn nhân vật vừa hài hước vừa hấp dẫn.
Kỳ thực, PesterQuest chỉ mới phát hành phân nửa trong tổng số 14 cuốn “tiểu thuyết trực quan” ở thời điểm bài viết. Không những thế, trò chơi còn đòi hỏi sự hiểu biết của người chơi từ trải nghiệm Hiveswap Friendsim do đây là phần tiếp theo của tựa game nói trên. Tuy không nhất thiết, nhưng nếu bạn từng xem truyện tranh mạng Homestruck nổi tiếng thì sẽ có trải nghiệm tốt hơn. Dẫu vậy, dựa trên những gì đã phát hành thì nội dung đã khá cuốn hút, kịch bản được biên kịch chấp bút tốt càng về sau càng hấp dẫn. Những lựa chọn của người chơi đều ảnh hưởng đến cốt truyện và dàn nhân vật cũng khá có chiều sâu.
PesterQuest mở đầu với trải nghiệm “tôi là ai? đây là đâu? điều gì đã xảy ra?” và trong suốt từng cuốn “tiểu thuyết trực quan” sẽ dần dần dẫn dắt người chơi đến với các nhân vật mới và những khía cạnh chưa từng “phát tiết” của nhân vật. Yếu tố hài hước được biên kịch pha trộn rất hài hòa vào cốt truyện, khai khác câu chuyện của từng nhân vật khá thú vị. Chẳng hạn như câu chuyện của Jade được xoáy sâu vào cảm giác đơn độc của nhân vật này theo một cách mà chưa từng khai thác trong truyện tranh Homestuck và Hiveswap Friendsim. Hay như Karkat, tuy là vấn đề cũ nhưng được mang ra “xào lại” ở một góc nhìn khác mới mẻ hơn.
Cách dẫn dắt như vậy mang đến nhiều sự bất ngờ lẫn thích thú cho người chơi, đặc biệt với những ai có hiểu biết nhất định về các nhân vật trong vũ trụ Hometruck. Dù vậy, ngay cả khi bạn chưa từng chơi Hiveswap Friendsim và không có chút khái niệm gì về vũ trụ Hometruck, trải nghiệm cũng chỉ kém hào hứng trong các khía cạnh khai thác nhân vật. Đây có thể là vấn đề lớn nhất của trò chơi vì tôi không chắc nhiều người chơi trong nước biết đến bộ truyện tranh mạng Hometruck khá nổi tiếng của tác giả kiêm họa sĩ người Mỹ Andrew Hussie. Thậm chí, nó nổi đến mức có cả bản in giấy từ một nhà phát hành truyện tranh lớn của Mỹ.
Điều khiến tôi khá bất ngờ là mức độ chi tiết mà đội ngũ biên kịch và phát triển của trò chơi đã xây dựng trong trải nghiệm visual novel đặc trưng, khiến việc chờ đợi các tập mới phát hành càng thêm phần hấp dẫn. Mặt khác, trò chơi có một số tính năng thiết kế khá tinh tế, chẳng hạn khi bắt đầu một hướng đi đều có cảnh báo và có hẳn hệ thống theo dõi trải nghiệm của người chơi, giúp bạn biết được đã hoàn thành tất cả hướng đi hay chưa. Tính năng này khá hữu dụng với những ai muốn mở khóa mọi kết thúc để hiểu biết sâu sắc hơn về các tập tiếp theo, ít nhiều cũng mang đến giá trị chơi lại cho PesterQuest.
Dù vậy, một vấn đề có thể không nhỏ với một số bộ phận người chơi là game không có achievement và trading card. Chính vì vậy, trừ khi bạn có ý định trải nghiệm đọc “tiểu thuyết trực quan” đúng như thiết kế, còn không thì cảm giác trải nghiệm sẽ bớt cảm giác thỏa mãn. Tôi thì không quan trọng các vấn đề achievement và trading card nói trên nên không xem đó là điểm trừ của trò chơi, nhưng một số người chơi quan tâm đến khía cạnh này sẽ cảm thấy thất vọng. Thế nhưng, nếu không quan tâm vấn đề nói trên thì PesterQuest có vô số điểm cộng khác rất đáng chú ý.
Trò chơi không chỉ có nội dung từ vũ trụ Hometruck với nhiều góc độ khai thác nhân vật hấp dẫn hơn, mà ngay cả nhạc nền và phong cách đồ họa cũng là những điểm nhấn đáng chú ý với những ai yêu thích series Hometruck. Nhà phát triển What Pumpkin Games đã khá thành công trong việc tái hiện cái cảm giác quen thuộc từ bộ truyện tranh rất được yêu thích này vào trải nghiệm PesterQuest. Kỳ thực, đây là điều mà không ít tựa game cùng thể loại thường hay “hụt hơi” khi chuyển thể từ một môn nghệ thuật khác sang trải nghiệm game mà không tạo cảm giác “sao y bản chính” và đội ngũ phát triển và biên kịch đã làm quá tốt.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là nội dung nối tiếp Hiveswap Friendsim. Nếu bạn chưa từng trải nghiệm tựa game này thì sẽ mất một số thông tin về các nhân vật, trong khi truyện tranh Hometruck thì có thể xem trên mạng hoàn toàn miễn phí hoặc mua bản in giấy cho mục đích sưu tầm nếu muốn. Một thay đổi tuy nhỏ nhưng đáng chào đón là PesterQuest không chia các tập thành nhiều DLC khác nhau như phần trước của series này. Người chơi chỉ cần mua game một lần và chờ các tập mới được phát hành giống chờ đọc truyện tranh phát hành hàng tháng vậy.
Đây là một thay đổi nhỏ nhưng khá đáng giá, cho thấy đội ngũ phát triển khá tự tin vào chất lượng game. Điều quan trọng là biên kịch sẽ giải quyết những vấn đề về chuyện gì đang xảy ra như thế nào. Tuy nhiên, câu trả lời này sẽ phải dành lại cho bạn chờ đợi khi PesterQuest phát hành đầy đủ các tập. Dù kết cục như thế nào hay những câu trả lời đó có thỏa mãn người chơi hay không thì rõ ràng nó cũng không nằm trong khuôn khổ của bài viết, nhất là với thể loại visual novel đặc trưng thiên về câu chuyện kể và có mối quan hệ “dây mơ rễ má” với một tựa game khác như trường hợp này.
Sau cuối, PesterQuest mang đến một trải nghiệm visual novel khá cuốn hút với những ai yêu thích vũ trụ Hometruck của tác giả người Mỹ Andrew Hussie. Sự kết hợp khá hoàn hảo của âm nhạc, phong cách mỹ thuật đặc trưng và khía cạnh hài hước khiến trò chơi dễ dàng trở thành một bộ “tiểu thuyết trực quan” hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất là những ai không biết đến Hometruck có thể gặp đôi chút khó khăn để làm quen với dàn nhân vật “tưởng lạ mà quen” của trò chơi.
PesterQuest hiện chỉ được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác