Persona 5 Strikers là JRPG với hệ thống chiến đấu kiểu musou của nhà phát triển Omega Force. Trò chơi khiến người viết gặp nhiều khó khăn trong việc định vị đây là hậu bản của Persona 5 hay chỉ đơn thuần là spin-off. Sau khi hoàn tất trải nghiệm, tôi có thể xác định đây chỉ đơn thuần là bản spin-off, nhưng có nội dung tiếp nối nhẹ nhàng như hậu bản của tựa game nói trên. Đáng chú ý, trò chơi cũng không có bất kỳ mối liên hệ nào về nội dung mới trong Persona 5 Royal vừa mới phát hành và bạn cũng không nhất thiết phải trải nghiệm Persona 5 trước.
Thế nhưng, điều đó còn tùy thuộc vào mức độ cảm nhận của mỗi người chơi. Tôi chỉ có thể chia sẻ ở góc độ người đã từng chơi Persona 5 là bạn không cần phải trải nghiệm tựa game này trước để hiểu các sự kiện trong Strikers. Dù vậy, người chơi có sự đồng cảm tốt hơn với nhân vật trong một số trường hợp nếu đã từng trải nghiệm Persona 5. Chẳng hạn, sự đồng cảm của cô nàng Panther với vai phản diện đầu tiên có liên quan đến tình tiết diễn ra trong phần chơi nói trên, nhờ đó mà bạn có thể hiểu rõ hơn động cơ của nhân vật phản diện này.
Ở góc độ người chơi, định hướng xây dựng trải nghiệm Persona 5 Strikers dường như nhằm mục đích cuốn hút người chơi mới vào các tựa game Persona 5 nói riêng và series Persona nói chung hơn. Phần chơi này có thời lượng ngắn hơn rất nhiều, cộng với hệ thống chiến đấu kiểu musou không có tính thử thách bằng những game Persona khác. Điều này còn được hậu thuẫn ở động thái phát hành trên hai nền tảng mới toanh chưa từng nhận bất kỳ tựa game Persona 5 nào. Chưa kể, trải nghiệm game cũng không có tóm tắt nội dung trước đó vì điều đó cũng không thật sự cần thiết.
Persona 5 Strikers lấy bối cảnh vài tháng sau cái kết của Persona 5. Thời điểm này Joker trở về nên cả hội Phantom Thieves lên kế hoạch nghỉ dưỡng. Không ngờ là kế hoạch chưa kịp lập thì vướng vào thế giới muôn hình vạn trạng Metaverse khiến cả đám “thay lòng đổi dạ”. Lần này, câu chuyện mở rộng vùng phủ sóng trên khắp nước Nhật và lối chơi có sự thay đổi đáng kể trong hệ thống chiến đấu. Bạn vẫn tiếp tục chinh chiến trong các “hầm ngục” và sống cuộc sống đời thường giống như các phần chơi trước, nhưng cảm giác trải nghiệm có nhiều khác biệt.
Hệ thống chiến đấu theo lượt quen thuộc từ bao phần chơi Persona trước đây được thay bằng trải nghiệm tương tự các game musou. Tuy nhiên, chiến đấu trong Persona 5 Strikers không mang cảm giác giống những cái tên xây dựng theo lối chơi này mà tôi từng chơi như One Piece: Pirate Warriors 4 hay Hyrule Warriors: Age of Calamity. Thay vào đó, người chơi vẫn sử dụng các persona để dùng phép, khai thác điểm yếu thuộc tính của kẻ thù và triển khai các đòn tấn công dồn combo kiểu chặt chém musou, nhưng mang đậm dấu ấn của series Persona từ trước đến nay.
Bạn vẫn rón rén tiếp cận từng kẻ thù đơn lẻ như Persona 5. Tuy nhiên, cuộc chiến không diễn ra theo cách cũ nữa mà bạn bị đẩy vào không gian rộng lớn với lượng kẻ thù đông đảo đúng kiểu game musou. Khác biệt rõ nét với những tựa game musou mà tôi đề cập ở trên là “vùng chiến sự” không rộng bằng. Mọi hành động chiến đấu của người chơi vẫn mang nhiều cảm giác quen thuộc từ các phần Persona trước nhưng thiếu chiều sâu hơn. Dù vậy, trải nghiệm game không đến mức chỉ cần tay nhanh hơn não là thắng như phần lớn những cái tên musou có lối chơi hao hao nhau trên thị trường.
Đáng chú ý, Persona 5 Strikers có sẵn đội hình 8 thành viên Phantom Thieves ngay từ đầu trải nghiệm, không mất thời gian này nọ lọ chai giới thiệu bạn gặp gỡ từng nhân vật như trước đây. Người chơi có thể xây dựng đội hình chiến đấu gồm bốn thành viên và chuyển đổi qua lại bất kỳ lúc nào trong trận chiến để khai thác sức mạnh của từng thành viên. Mỗi nhân vật đều có hệ thống combo đơn giản đặc trưng với điểm sáng là nút Special. Nó hoạt động dựa trên số combo được bạn thi triển trước khi bấm nút này để nhân vật tung những đòn tuyệt kỹ tương ứng.
Kỳ thực, hệ thống chiến đấu còn vài trò nữa, nhưng không có gì sáng tạo hơn so với những game musou mà tôi từng chơi để đề cập. Phần lớn trải nghiệm chủ yếu xoay quanh hệ thống combo sử dụng hai nút bấm quá sức quen thuộc nếu bạn từng kinh qua bất kỳ trải nghiệm musou nào của cùng nhà phát triển Omega Force. Khác biệt lớn nhất là hệ thống tương khắc thuộc tính quen thuộc trong Persona 5 vẫn được áp dụng trong chiến đấu, đôi lúc có thể dẫn đến những trận đấu boss xui xẻo nếu party của bạn không thể khai thác điểm yếu của chúng vì chọn sai đội hình.
Hệ thống lịch sự kiện cũng “bay màu” trong Persona 5 Strikers. Sự thay đổi này cũng khiến nhịp độ của trò chơi khác biệt so với phần chơi Persona 5 hơn. Người chơi có thể đi đi về về trong mỗi không gian Metaverse với rất ít hạn chế và gần như không bị sức ép về thời gian như trước đây, giúp trải nghiệm game dễ dàng tiếp cận với số đông người chơi hơn. Tính thử thách trong chiến đấu cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều, đặc biệt khi so với những JRPG được phát hành trong vài năm gần đây chứ không riêng gì các game Persona 5 đã phát hành.
Tương tự, nhiều hệ thống gameplay hấp dẫn trước đây cũng được thiết kế đơn giản hóa. Tôi không nghĩ những người chơi lâu năm của series Persona sẽ yêu thích sự thay đổi này. Bản thân tôi không phải fan cứng của dòng game này, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng trước sự thay đổi có tính mời gọi người chơi mới đến với series này này thông qua trải nghiệm Persona 5 Strikers hơn. Ngay cả nội dung trong phần chơi này cũng có sự thay đổi theo hướng tiết giảm. Mặc dù cốt truyện chính vẫn khá hấp dẫn nhưng đó là tất cả những gì về câu chuyện kể trong game.
Những tình tiết bên lề về mối quan hệ tạo sự gắn kết giữa các nhân vật không còn nữa. Ngoài hai gương mặt mới toanh, yếu tố phát triển nhân vật gần như không có giữa hội Phantom Thieves. Điều này không hẳn là điểm trừ của game nếu bạn đã từng chơi Persona 5 trước đây. Chứng kiến sự trưởng thành của các thành viên trong nhóm tỏa sáng trong phần chơi mới khiến tôi bất giác mỉm cười khi nhận ra chút gì đó đồng cảm. Kỳ thực, dòng game Persona luôn có những thông điệp đáng chú ý về đối nhân xử thế và Persona 5 Strikers cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào trò chơi cũng khiến tôi hào hứng với thông điệp của nó. Vẫn có không ít tình huống được xử lý khá vụng về nếu không nói là nông cạn hay tệ hơn là sáo rỗng về mặt ý nghĩa, tạo sự bất nhất trong cách xây dựng nội dung. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Persona 5 Strikers vẫn là người chơi. Sự thay đổi và đơn giản hóa trong nhiều khía cạnh gameplay từng làm nên dấu ấn riêng cho series Persona từ trước đến nay, dễ khiến không ít người chơi lâu năm cảm thấy hụt hẫng khó tránh khỏi khi trải nghiệm hướng đến người chơi mới nhiều hơn.
Ngược lại, bất chấp cảm giác đi lùi trong xây dựng cơ chế gameplay, những khía cạnh khác như nghe nhìn vẫn tiếp tục là điểm cộng không thể phủ nhận của Persona 5 Strikers so với những phần chơi trước vốn đã làm quá tốt. Hướng đi khá thú vị của câu chuyện kể trong game cũng vậy, nhưng tất cả những điểm cộng này vẫn để lại chút cảm giác nuối tiếc khi nhìn ở tổng thể của trò chơi. Nếu bạn yêu thích hệ thống chiến đấu của trò chơi thì tốt nhưng sau khi kinh qua quá nhiều trải nghiệm musou trong vài năm gần đây, tôi lại bắt đầu có cảm giác chán cơm thèm hủ tiếu hơn.
Sau cuối, Persona 5 Strikers mang đến một trải nghiệm JRPG khá hấp dẫn, đặc biệt là những người chơi mới của series game lâu năm này. Thế nhưng ngoài những khía cạnh xuất sắc như artwork, chuyển động nhân vật, lời thoại và lồng tiếng cùng nhạc nền “cực đỉnh” kế thừa từ các phần chơi trước, sự thiếu vắng những tính năng đã làm nên cái hồn cho dòng game này có thể khiến một số người chơi thất vọng. Dù vậy, đây vẫn là khởi đầu rất đáng cân nhắc nếu bạn chưa từng chơi bất kỳ tựa game Persona nào trước đây.
Persona 5 Strikers hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Game được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!