Persona 4 Golden là phiên bản hoàn chỉnh nhất của tựa game thứ năm trong series JRPG Persona, một series con của dòng game Megami Tensei nổi tiếng từ thời đại PlayStation 2 đến nay.
Persona 4 có “tuổi thơ” khá dữ dội khi được phát hành lần đầu trên PlayStation 2. Từ việc dự định cắt bớt nội dung để có thể phát hành cho máy game cầm tay PlayStation Portable, cho đến quyết định chuyển sang ra mắt trên hệ máy cầm tay mạnh hơn của Sony và bổ sung nội dung mới. Nếu tính từ phiên bản đầu tiên, tựa game này đã tròn 12 năm tuổi. Phiên bản Golden tuy “ít tuổi” hơn khi ra mắt trên PlayStation Vita vào năm 2012, nhưng với người chơi PC thì đây là cái tên “cũ người mới ta”.
Sau Catherine Classic, đây là tựa game thứ hai vô cùng kinh điển của nhà phát triển Atlus được lên PC. Phiên bản này cũng không có bất cứ cập nhật gì về mặt nội dung hay cơ chế gameplay. Thay vào đó, Persona 4 Golden chỉ là bản chuyển nền “sao y bản chính” cho nền tảng PC. Điểm khác biệt duy nhất là đồ họa đã được “đại tu” nên đẹp và sắc nét hơn ở độ phân giải cao. Những cảnh nền mờ ảo do hạn chế phần cứng trên PlayStation 2 và PlayStation Vita ở thời điểm phát hành ban đầu giờ đây sắc nét hơn và chỉ có thế.
Persona 4 Golden là câu chuyện của một nhân vật nam do người chơi tự đặt tên, chuyển trường từ thành phố Tokyo hoa lệ đến thị trấn Inaba ảm đạm, với mưa và sương mù quanh năm suốt tháng. Thế nhưng, ngay khi nhân vật chưa kịp làm quen với trường lớp và bạn mới, một vụ án mạng chấn động đã bất ngờ diễn ra ở nơi đây. Sống cùng người chú làm thám tử thường xuyên vắng nhà để điều tra án mạng, nhân vật chính đã cùng nhóm bạn phát hiện siêu năng lực của bản thân và dùng nó để cứu lấy những số phận và truy tìm kẻ sát nhân giấu mặt.
So với nhiều JRPG mà tôi từng chơi, Persona 4 Golden gây ấn tượng về câu chuyện kể nhuốm màu trinh thám đầy bí ẩn, tình tiết và nút thắt kịch tính. Đội ngũ biên kịch khai thác khía cạnh nhân vật rất có chiều sâu, thể hiện được điểm mạnh và những góc khuất trong tâm hồn của mỗi con người. Cách mà trò chơi khai thác nội tâm giúp người chơi hiểu thêm về các nhân vật mà bạn tương tác, phảng phất đâu đó cảm giác quen thuộc từ bạn bè ngoài đời vì không ai hoàn hảo. Dù vậy, diễn biến câu chuyện mới là tâm điểm của trò chơi.
Bạn không những phải tìm ra kẻ đứng đằng sau những vụ án, mà điều tra sai lầm có thể dẫn đến ending xấu. Đội ngũ biên kịch đã xây dựng câu chuyện kể xuất sắc, từ những khoảnh khắc đau lòng hay thậm chí bị phản bội cho đến tình huống phải sát cánh cùng kẻ thù vì mục tiêu lớn hơn. Tất cả những lựa chọn này khiến cốt truyện trở thành một trong những điểm cộng lớn nhất của Persona 4 Golden. Chỉ có điểm trừ nội dung về cách xử lý vụng về trong câu chuyện của hai nhân vật Kanji và Naoto, nhưng tôi xin nhường lại cho bạn phán xét.
Đồ họa trong bản PC tuy được cải thiện sắc nét hơn, nhưng không có nhiều điều để nói vì nó giống như các bản remaster thường thấy của những tựa game cũ hay kinh điển mà thôi. Dù không đòi cấu hình mạnh so với mặt bằng chung hiện nay, các texture đều có sự cải thiện rất nhiều về mặt chất lượng trên phần cứng mạnh mẽ hơn của PC. Mọi thứ đều sắc nét hơn, kể cả những thứ vô cùng mờ ảo trong các phiên bản gốc trước đây như cảnh nền hay những vật dụng nội thất trong nhà cũng như các biển hiệu ngoài phố.
Lối chơi của Persona 4 Golden chia làm hai khía cạnh: chiến đấu và Social Link. Nếu từng chơi bản tiếng Nhật gốc, bạn sẽ thấy có sự khác biệt trong bản phát hành quốc tế khi dùng Social Link thay cho “cộng đồng”. Ở góc độ người chơi, bản chuyển ngữ có chất lượng rất tốt vì cách dùng từ thể hiện rõ nét mối quan hệ của nhân vật người chơi với các nhân vật khác. Điều thú vị là trò chơi có sự gắn kết với nhau một cách độc đáo giữa hai yếu tố này, khiến bạn không thể lơ là bất kỳ khía cạnh nào trong trải nghiệm game.
Về cơ bản, mỗi khi nhân vật chính có tiến triển về mối quan hệ với các nhân vật khác thông qua tương tác của người chơi, persona hay tạm gọi là hộ thần của nhân vật trong chiến đấu cũng mạnh hơn. Bạn thậm chí có thể hợp thể (fusion) hai persona và sử dụng các Skill Card để tùy biến nên hộ thần mạnh vượt trội trong chiến đấu. Tuy nhiên, chiến đấu diễn ra trong các hang động được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán lại là điểm trừ lớn nhất của Persona 4 Golden về thiết kế màn chơi.
Hầu như các hang động này đều là những mê cung nhàm chán, mang nặng cảm giác lặp lại trong khía cạnh khám phá. Chỉ có chiến đấu là hấp dẫn với những cơ chế gameplay kết hợp đặc sắc, từ vận dụng yếu tố tương khắc thuộc tính của mỗi nhân vật và kẻ thù, cho tới những khoảnh khắc cả party tấn công đánh hội đồng kẻ thù “đột quỵ” vô cùng hài hước. Thậm chí, bạn sẽ càng hào hứng hơn khi biết rằng hệ thống chiến đấu theo lượt của trò chơi tuy không có nhiều sáng tạo, nhưng luôn mang đến cảm giác kịch tính và phần thưởng hào hứng.
Người chơi điều khiển nhân vật chính, trong khi các nhân vật khác do AI đảm nhiệm theo chiến lược do bạn thiết lập hoặc điều khiển thủ công cả party như phần lớn các JRPG khác. Thế nhưng, lựa chọn sau sẽ khiến trải nghiệm chiến đấu mất nhiều thời gian không cần thiết, nhất là khi các trận đánh chiếm một phần không nhỏ trong trải nghiệm. Thay vào đó, quan trọng nhất là tận dụng điểm yếu của kẻ thù để giành thêm lượt tấn công, nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra khi kẻ thù nắm được điểm yếu của nhân vật trong party.
Hấp dẫn không kém là Social Link, trao cho người chơi trải nghiệm mô phỏng cuộc sống. Về cơ bản, bạn hoàn toàn quyết định những hoạt động sau giờ học trong thời gian cho phép. Nó không có gì phức tạp do rất giống ngoài đời thật mà những ai từng trải qua tuổi học trò đều cảm thấy quen thuộc. Đó có thể rủ cô bạn mà người chơi “tình thương mến thương” đi ăn beefsteak hay tham gia vào các hoạt động ngoại khóa trong trường như tập cùng ban nhạc hay đá bóng và nhiều nữa. Tối đến, bạn cũng có thể ở nhà học bài, đi dạo hoặc ăn đêm v.v…
Kỳ thực, khía cạnh mô phỏng cuộc sống cũng là một điểm cộng khác của trò chơi. Mặc dù phần thưởng nhận được là nâng cao các chỉ số của nhân vật cho các mối tương tác khác, nhưng những chỉ số này cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khá năng chiến đấu của các nhân vật mà bạn tương tác cùng. Chưa kể, thỉnh thoảng trò chơi còn đưa ra những câu “hỏi xoáy đáp xoay” về kiến thức trong các môn học hay “nhắc bài” cho bạn bè rất thú vị mà tuổi học trò nào cũng từng trải qua.
Cả hai khía cạnh nói trên được nhà phát triển kết hợp rất độc đáo. Cảm giác trải nghiệm nặng tính lặp lại trong chiến đấu cũng vì thế mà vừa giữ được tính thử thách, vừa trao cho người chơi rất nhiều việc để làm mà không tạo cảm giác dài lê thê vốn là điểm yếu thường thấy của những tựa game nhập vai nói chung và JRPG nói riêng. Đó là chưa nói đến phần nhạc nền quá đỉnh và khâu lồng tiếng xuất sắc của các diễn viên tham gia lồng tiếng cho các nhân vật trong Persona 4 Golden.
Phiên bản PC cũng hỗ trợ cả trải nghiệm bằng bàn phím với thiết lập phím bấm khá trực quan. Không những thế, cả hai khía cạnh chiến đấu và mô phỏng đều có thể “tua nhanh” theo một chừng mực nào đó. Chẳng hạn, nếu không thích “cày cấp” trong các hang động, bạn có thể chỉnh độ khó thành Very Easy để tập trung vào khía cạnh Social Link hay mô phỏng cuộc sống. Ngược lại, người chơi cũng có thể “tua nhanh” phần đọc chữ giống như các game visual novel và quyết định các lựa chọn “tình duyên” hay tương tác một cách ngẫu nhiên.
Sau cuối, Persona 4 Golden mang đến một trải nghiệm JRPG vô cùng xuất sắc. Nếu yêu thích thể loại nhập vai nói chung và dòng game nhập vai của Nhật nói riêng, đây là cái tên phải có trong thư viện game của bạn, nhất là những ai chưa từng chơi tuyệt phẩm Persona 4 hay Persona 4 Golden trước đây.
Persona 4 Golden hiện chỉ có cho PC (Windows) và PlayStation Vita.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!