Peaky Blinders: Mastermind là game phiêu lưu giải đố khá độc đáo và thành công khi được xây dựng từ loạt phim truyền hình ăn khách Peaky Blinders của đài BBC.
Peaky Blinders: Mastermind đưa người chơi theo chân các thành viên trong gia đình Shelby rất quen thuộc, nếu bạn có theo dõi loạt phim truyền hình này. Tuy nhiên, trò chơi chỉ mượn dàn nhân vật chứ nội dung lấy bối cảnh diễn ra trước các sự kiện trong Season 1 của phim. Lựa chọn này khá giống Desperados III, cho phép nhà phát triển thoải mái sáng tạo và chấp bút mà không phụ thuộc vào nội dung nguồn. Dù bạn có xem phim hay chưa thì vẫn có thể trải nghiệm game mà không gặp khó khăn trong việc tìm hiểu cốt truyện.
Tâm điểm của câu chuyện kể là nhân vật Tommy Shelby. Tuy nhiên, đây không phải là nhân vật duy nhất mà người chơi có thể điều khiển. Trong phim, Tommy từng nói khá sâu sắc về một phút định mệnh là tất cả những gì mà người lính có được trong trận chiến. Trước và sau một phút đó chẳng là gì cả. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho đội ngũ phát triển FuturLab xây dựng nên trải nghiệm game. Kỳ thực, một phút hay nói khác đi là khoảnh khắc 60 giây mang đến cho bạn mọi thứ hoặc không thứ gì cả.
Yếu tố cốt lõi trong lối chơi của Peaky Blinders: Mastermind xoay quanh khả năng điều khiển thời gian. Mặc dù nghe có vẻ vô lý nhưng trải nghiệm game lại vô cùng thuyết phục. Mỗi nhiệm vụ đều buộc bạn phải chạy đua với thời gian, giải quyết một cơ số yêu cầu cụ thể trong khung thời gian nhất định. Mọi hành động của người chơi đều phải đối mặt với kẻ thù lớn nhất là thời gian, kế đó mới đến kẻ thù và những chướng ngại vật được nhà phát triển xây dựng trong trải nghiệm game.
Ban đầu, bạn chỉ điều khiển nhân vật Tommy nhưng những màn chơi về sau, người chơi sẽ phải điều khiển nhiều nhân vật trong loạt phim Peaky Blinders để giải quyết các câu đố được đặt ra. Mỗi nhân vật sẽ có những kỹ năng riêng để tăng độ phức tạp gameplay về sau. Đơn cử như Tommy có tài thuyết phục, Ada có khả năng đánh lạc hướng kẻ thù, Polly giỏi “bẻ” khóa v.v… Thú vị ở chỗ, yếu tố điều khiển thời gian vừa là cơ chế giải đố, vừa là giải pháp mà người chơi có thể lạm dụng để khắc phục những sai lầm trong trải nghiệm.
Peaky Blinders: Mastermind có cách tăng dần độ khó khá thú vị, nhưng đến hai màn cuối cùng thì gần như vượt quá khả năng đa nhiệm của tôi. Thử tưởng tượng điều khiển không phải một mà là nhiều nhân vật cùng một lúc, tận dụng tất cả kỹ năng riêng của họ và cơ chế điều khiển thời gian, bạn sẽ hiểu mức độ phức tạp tăng như thế nào. Ban đầu chỉ là giải quyết vấn đề đơn giản theo tình huống diễn ra, nhưng các màn chơi về sau đòi khỏi bạn phải có kế hoạch và rà soát cẩn thận, tương tác đúng người đúng thời điểm.
Đơn cử như nhiệm vụ đầu tiên chỉ yêu cầu bạn theo dõi đối thủ cất mấy chai champagne ở đâu, nhưng không lâu sau đó là rất nhiều việc phải cùng giải quyết. Từ đánh lạc hướng lính gác cho đến tìm chìa khóa, “bẻ” khóa rồi bật công tắt, tất cả đều phải được thực hiện suôn sẻ và liền mạch, không mắc phải sai lầm nhờ vào cơ chế điều khiển thời gian. Bạn gần như không bao giờ “game over”, nhưng không có nghĩa là trải nghiệm luôn dễ dàng như “thuở ban đầu”. Quan trọng là vận dụng kỹ năng nhân vật trong từng khoảnh khắc như thế nào.
Cơ chế điều khiển thời gian buộc người chơi phải quan sát các NPC cẩn thận trước khi hành động. Trò chơi có tính thời gian hoàn thành để đánh giá kỹ năng qua màn của bạn nhưng muốn đạt con dấu Gold, người chơi phải thực thi hành động hiệu quả và nhanh nhất có thể. Điều này đòi hỏi rất nhiều công sức với yếu tố thử và sai, nhưng rất hiếm khi tạo cảm giác ức chế trừ hai màn cuối. Nói một cách khác, bạn phải lên kế hoạch và hành động như một “mastermind” thật sự như cái tựa của trò chơi.
Chính vì thế mà hoàn thành một màn chơi mang đến cảm giác tưởng thưởng rất lớn. Chỉ tiếc là với số lượng chỉ tổng cộng 10 màn, trải nghiệm không đủ dài khi cuộc vui sớm tàn. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Peaky Blinders: Mastermind là trải nghiệm game rất tuyến tính và có giá trị chơi lại thấp. Một khi bạn đã “học thuộc bài” khía cạnh tương tác trong màn chơi, gần như không có lý do gì để chơi lại trừ những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, muốn kiếm con dấu Gold hay các vật phẩm thu thập.
Đồ họa cũng là một điểm cộng khác của trò chơi vì nó mang đến cái nhìn khá đặc biệt. Các đoạn chuyển cảnh trông như những bức tranh vẽ bằng màu nước, trong khi phần dựng hình trong trải nghiệm game sử dụng màu sắc nhìn khá bắt mắt. Chuyển động nhân vật tự nhiên và khá đẹp ngay cả trên phần cứng của Nintendo Switch, tạo được cái hồn cho dàn nhân vật. Thế nhưng, cũng hệ máy này thỉnh thoảng lại bị tình trạng hiệu năng giảm đột ngột rồi bình thường. Nhạc nền và âm thanh khá tốt hay chính xác hơn là khâu nghe nhìn quá tuyệt vời.
Sau cuối, Peaky Blinders: Mastermind mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố hấp dẫn hiếm hoi và không kém phần thử thách khi được xây dựng từ nguồn phim, điều mà rất nhiều tựa game khác dễ “thọt”. Mặc dù thời lượng ngắn và lối chơi tuyến tính là điểm trừ đáng tiếc, nhưng những gì mà trò chơi mang đến kỳ thực rất xứng đáng để góp mặt trong thư viện game của bạn.
Peaky Blinders: Mastermind được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.