Sau Alcatel, Nokia và BlackBerry, đến Pantech lâm vào bước đường cùng, buộc phải rao bán mình vì không thể cạnh tranh nổi.
Năm nay có thể nói là một năm đầy sóng gió của Pantech. Hồi tháng 2, hãng này đệ đơn xin triển khai chương trình tái cơ cấu nợ lần thứ 2. Đến tháng 7, hãng đề nghị được gia hạn thanh toán các khoản nợ lớn. Nhưng sang tháng 8, bất chấp việc thuyết phục được các hãng tín dụng nới thời hạn thanh toán thêm 2 năm không tính lãi, Pantech lại tiếp tục đệ đơn xin bảo hộ phá sản ở Hàn Quốc. Cuối cùng, đến cuối tháng 9 hãng công khai rao bán chính mình.
“Những vụ kiện tụng kéo dài tại Mỹ khiến cho nguồn lực của Pantech trở nên khô cạn. Chúng tôi cũng bị phân tâm, không thể tập trung cho các nỗ lực cải tổ”, Tổng giám đốc Joonwoo Lee giải trình trong hồ sơ nộp lên Tòa án Phá sản. Để hậu thuẫn cho nguyên do của mình, Pantech đã liệt kê ra tổng cộng 14 vụ kiện vẫn chưa khóa sổ mà hãng này đang phải đeo đuổi tại Mỹ, tất cả đều liên quan đến tranh chấp bằng sáng chế.
Phần lớn doanh thu của Pantech là do thị trường Hàn Quốc đóng góp, nhưng sân nhà này đang vấp phải sự cạnh tranh nặng nề từ các đại gia hùng mạnh như Samsung, LG, cộng thêm nguy cơ thị trường đã bắt đầu bão hòa. Pantech cũng là nạn nhân của các quy định hạn chế nhà mạng trợ giá cho điện thoại mà Chính phủ Hàn Quốc ban hành gần đây. Theo quy định này, ba nhà mạng Hàn đã bị phạt nặng, bao gồm cả việc không được phép bán điện thoại trong thời hạn 45 ngày.
“Pantech phải gánh chịu sự sụt giảm nặng về doanh số nội địa vì Ủy ban Truyền Thông Hàn Quốc áp đặt lệnh treo đối với các nhà mạng – vốn là những khách hàng lớn của Pantech hồi tháng 3 vừa qua”, Hồ sơ nói thêm. Trên thực tế, tháng 3 cũng chính là thời điểm Pantech bắt tay vào đại phẫu công ty.
Được thành lập từ năm 1991, Pantech trải qua đợt đại phẫu đầu tiên trong giai đoạn tháng 12/2006 cho đến hết tháng 12/2011. Cho đến tận năm ngoái, Pantech vẫn còn bán được nhiều điện thoại hơn Apple tại Hàn Quốc và vững chắc ở vị trí số 3 thị trường, chỉ sau Samsung, LG. Các cổ đông lớn của Pantech gồm có Qualcomm và Samsung. Tuy nhiên, tình hình xấu đi rất nhanh. Cuối năm tài khóa 2013, Pantech thông báo hãng lỗ tới 297 tỷ won, cao gấp 3,5 lần so với khoản lỗ 78 tỷ won của năm 2012. Mức thua lỗ nặng này khiến cho Pantech rất khó tìm được người mua lại, bởi theo hồ sơ nộp lên Tòa án Phá sản Mỹ thì tổng tài sản của hãng hiện chỉ dao động trong khoảng 100 500 triệu USD, trong khi các khoản nợ lên tới 1 tỷ USD.
Đây đúng là cái kết đáng buồn cho thương hiệu Pantech khi mà cách đây khoảng gần chục năm, số người biết đến cái tên Pantech không phải là ít.