Paint the Town Red là game hành động chặt chém góc nhìn thứ nhất, sở hữu lối chơi “solo cân cả thế giới” đậm tính giải trí trên nền đồ họa voxel độc đáo. Thậm chí, trải nghiệm game chính xác như mô tả ngắn gọn nói trên trong chế độ đầu tiên Scenarios. Người chơi chọn màn chơi và điều khiển nhân vật làm loạn bằng bất kỳ vũ khí nào bạn tìm được đến khi chẳng còn NPC nào. Trợ lực cho người chơi ngoài phi cước và nhảy còn có hàng loạt vũ khí, trải dài từ thô sơ rất đời thường cho đến súng ống và không chỉ dừng ở đó.
Vấn đề ở chỗ, một khi bạn động thủ thì tất cả mọi người trong màn chơi đều xem bạn là kẻ thù. Trong khi đó, nhân vật chính chỉ có lượng HP ít ỏi trước khi ‘game over’ gục ngã. Kỳ thực, Paint the Town Red không chỉ là trải nghiệm chặt chém đơn thuần, mà nó còn đòi hỏi khả năng phản xạ chiến đấu lẫn xây dựng và thực thi các chiến thuật khác nhau cho mục đích trải nghiệm. Đó là chưa kể các điều chỉnh mang đến lợi thế cho nhân vật của người chơi trong trải nghiệm, tạo nên cuộc chiến vui là chính nhiều hơn cảm giác bạo lực.
Chẳng hạn, bạn có thể điều chỉnh kẻ thù trở nên yếu đi, giúp dễ dàng làm chủ trận chiến bằng những pha tấn công ‘1 hit 1 kill’ thần sầu. Ngược lại, người chơi cũng có thể điều chỉnh cho nhân vật chính “cùi bắp” hơn, tạo nên trải nghiệm bội phần thử thách. Đó chỉ là vài tùy chỉnh đơn giản nhất mà tôi có thể tiết lộ và còn nhiều nữa. Trải nghiệm Paint the Town Red có rất nhiều thứ hay ho mà tôi hạn chế bật mí trong bài, để dành cho bạn trải nghiệm. Thậm chí, người chơi cũng dễ dàng hô biến các NPC thành zombie nữa.
Hơi đáng tiếc khi Scenarios chỉ có 6 màn chơi, khá ít so với trải nghiệm hấp dẫn mà chế độ chơi này mang đến. Hào hứng không kém và khác biệt nhất là chế độ chơi Beneath được thiết kế như trải nghiệm nhập vai, kết hợp cùng yếu tố roguelike. Về cơ bản, người chơi quẹo lựa giữa bốn lớp nhân vật khác nhau. Mỗi lớp nhân vật đều có tính đặc thù về kỹ năng và chỉ số chiến đấu, mang đến giá trị chơi lại rất cao khiến tôi khá bất ngờ. Trải nghiệm diễn ra ở căn cứ ngầm dưới lòng đất, đưa người chơi chiến đấu với đủ loại kẻ thù khác nhau.
Đáng chú ý, chế độ chơi này có cả câu chuyện kể được thuật lại thông qua trải nghiệm, cụ thể là môi trường màn chơi. Điều đó đồng nghĩa bạn phải chú ý các chi tiết trong cảnh nền nếu muốn tìm hiểu cốt truyện. Ngược lại, khía cạnh gameplay vẫn đậm tính giải trí và hấp dẫn tương tự Scenarios. Trải nghiệm Beneath đưa người chơi vượt qua các hang động và đường hầm, chiến đấu với kẻ thù và tất nhiên không tránh khỏi đụng độ những con boss. Tạo hình kẻ thù cũng rất đa dạng, không chỉ quanh quẩn vài khuôn mặt đáng thương như Scenarios.
Tuy thử thách nhưng kém hấp dẫn nhất lại là Arena. Người chơi tham gia vào đấu trường đúng như cái tên của nó. Điểm khác biệt của chế độ này là màn chơi đủ mọi cạm bẫy chỉ chực chờ lấy mạng nhân vật chính. Chỉ sơ sẩy cũng đủ “bay màu”. Nhiệm vụ của bạn là tìm cách vượt qua các chướng ngại vật ngày càng tăng độ khó, nhưng vẫn bảo toàn mạng sống của nhân vật điều khiển. Ở góc độ người chơi, tuy nó không cuốn hút bằng Scenarios và Beneath, nhưng vẫn mang đến giá trị chơi lại tương đối bên cạnh hai chế độ chơi nói trên.
Đồ họa của Paint the Town Red không có gì nhiều để nói khi sử dụng phong cách voxel rất quen thuộc từ Minecraft hay gần đây nhất là Earth Defense Force: World Brothers. Thiết kế màn chơi khá hút mắt về mặt thị giác, đặc biệt là cảnh tượng sau khi cuộc hỗn chiến diễn ra. So với các màn trong Scenarios phong phú về bối cảnh, chế độ chơi Beneath lại gây ấn tượng cho người viết về không khí đặc trưng và tạo hình kẻ thù. Thậm chí, biểu cảm của nhân vật trên đồ họa voxel khi trúng đòn còn khiến tôi thấy hài hước hơn là tội nghiệp.
Nhạc cũng là điểm cộng khác của Paint the Town Red và mang đến cảm giác rất hào hứng. Thế nhưng, trải nghiệm hấp dẫn là thế vẫn để lại cho tôi chút cảm giác khó chịu. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là sự khác biệt nội dung giữa bản PC và console. Một trong số đó là sự thiếu vắng hỗ trợ co-op trên các hệ console, ít nhất là bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Đây có lẽ là lý do mà chế độ chơi Beneath cho phép bạn lựa chọn bốn lớp nhân vật khác nhau, khá lý tưởng cho trải nghiệm co-op 4 người hỗ trợ nhau chiến đấu.
Thế nhưng, đó không phải khác biệt duy nhất của Paint the Town Red bản PC và console. Dù tôi không dám khẳng định, nhưng có lẽ do quy định riêng của các cơ quan chủ quản console, người chơi các nền tảng này không thể truy xuất vào lượng nội dung đồ sộ do người chơi tạo dựng trong suốt khoảng thời gian game được phát hành Early Access từ năm 2015 đến khi chính thức ra mắt ở thời điểm bài viết. Thậm chí nếu không tính hỗ trợ co-op, đó vẫn là lượng nội dung thua thiệt khá đồ sộ giữa người chơi các hệ console so với PC.
Sau cuối, Paint the Town Red mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động vô cùng hấp dẫn và đậm tính giải trí. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là sự khác biệt về mặt nội dung giữa bản PC và console. Mặc dù vẫn là cái tên đầy hào hứng mà bạn không nên bỏ qua, nhưng điểm trừ nói trên khiến PC trở thành lựa chọn ưu tiên hơn trước khi cân nhắc các hệ console.
Paint the Town Red hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 5, Xbox Seris X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!