Override 2: Super Mech League là game song đấu đối kháng với ý tưởng đơn giản và nặng tính giải trí giống cốt truyện của trò chơi. Khác với phần chơi đầu tiên mất hơn một năm mới được phát hành trên nền tảng Switch, phần chơi này được phát hành đồng loạt với các hệ máy khác và có hiệu năng khá tốt so với phần chơi đầu tiên. Mặc dù vẫn có sự hy sinh nhất định về chất lượng đồ họa, nhưng bù lại là khả năng chơi game cơ động trên hệ máy của Nintendo. Đây có lẽ cũng là điểm cộng lớn nhất của phiên bản này so với các hệ máy cồng kềnh và to xác khác.
Ở góc độ người chơi, Override 2: Super Mech League mang nhiều cảm giác như game party lên đến bốn người chơi điều khiển các người máy khổng lồ “choảng” nhau. Nhìn từ khía cạnh này, trò chơi cung cấp trải nghiệm có tính giải trí rất cao. Đó là chưa kể sự xuất hiện của “siêu nhân điện quang” Ultraman dưới dạng DLC dành cho những ai cảm thấy chưa “đủ đô” với số lượng các đấu sĩ người máy mà game có sẵn. Cơ chế chiến đấu cũng được đơn giản hóa hơn. Mỗi nhân vật đều có cùng điều khiển cơ bản, chỉ có tuyệt chiêu và đòn tấn công là khác biệt.
Mặc dù không quá “khủng” về số lượng như nhiều tựa game song đấu đối kháng “hạng nặng” trên thị trường, nhưng Override 2: Super Mech League không hề kém cạnh sự khác biệt và đa dạng về phong cách “đánh lộn đánh lạo” giữa các đấu sĩ. Mỗi nhân vật người máy đều có sở trường và sở đoản riêng, dễ dàng đáp ứng được phong cách đối kháng đa dạng của người chơi. Tuy nhiên, trò chơi vẫn chưa điều chỉnh tốt vấn đề cân bằng giữa các đấu sĩ người máy, dễ dẫn đến những trận đấu bất công bất kể trình độ giữa người chơi ngang cơ hay chênh lệch nhau.
Kỳ thực, vấn đề này từng gây nhiều bức xúc trong phần chơi trước, nhất là khi đấu tay đôi với những người chơi khác. Thế nhưng, xem ra Override 2: Super Mech League vẫn không tránh khỏi vết xe đổ của tựa game tiền nhiệm. Không những vậy, phần chơi này cũng loại bỏ hoàn toàn các yếu tố tạo nên sự khác biệt so với những cái tên song đấu đối kháng trên thị trường hiện nay. Một trong số đó là chế độ chơi co-op cho phép mỗi người chơi điều khiển bộ phận của người máy, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của hai người chơi nhưng nó đã hoàn toàn biến mất một cách bất ngờ.
Phần chơi theo cốt truyện vốn không để lại nhiều ấn tượng về câu chuyện kể cũng chung số phận. Thay vào đó là chế độ chơi Leagues hoàn toàn mới với thiết kế nội dung nhàm chán và nặng tính cày cuốc. Về cơ bản, bạn phải tham gia vào các trận đấu để kiếm từng đồng bạc lẻ về mua người máy mới hoặc tùy biến cho nhân vật điều khiển của mình. Ban đầu, người chơi chỉ được phép chọn một số lượng người máy hiếm hoi, khiến chế độ chơi này nặng tính cày cuốc với những thử thách tẻ nhạt và có tính lặp lại cao, không dành cho những ai thích chơi game kiểu mì ăn liền.
Điểm cộng lớn nhất của trò chơi thuộc về chế độ chơi Versus. Điều mà tôi thích nhất ở chế độ này là số lượng đấu thủ đầy đủ nếu không tính DLC, cũng không đòi hỏi “cày cuốc” để mở khóa. Trên hết là khả năng chơi game cơ động của Nintendo Switch, cho phép tôi có thể “so găng” người máy với bạn bè bất kỳ lúc nào. Kỳ thực, ở thời điểm trò chơi mới phát hành thì Override 2: Super Mech League phiên bản Switch gần như không có bất kỳ điểm cộng nào. Khi đó, trò chơi còn giới hạn trải nghiệm chỉ dành cho người dùng gói dịch vụ Nintendo Switch Online và bắt buộc kết nối internet.
Yêu cầu vô lý này cũng đồng nghĩa bạn không thể trải nghiệm game trên máy Switch ở chế độ handheld lẫn gắn dock nếu máy không có kết nối internet và đăng ký dịch vụ Nintendo Switch Online. Điều này dù là vô tình hay cố ý cũng làm mất đi khả năng chơi game cơ động trên hệ máy của Nintendo. Chỉ đến bản cập nhật 1.4 sau phát hành một thời gian thì giới hạn khó chịu này mới được gỡ bỏ. Thế nhưng, Override 2: Super Mech League phiên bản Switch vẫn luôn kiểm tra dịch vụ NSO mỗi khi vào game và nhắc bạn về điều đó khiến tôi cảm thấy khá phiền phức.
Điều này đặc biệt khiến tôi thêm bực mình hơn khi trải nghiệm multiplayer gần như không hoạt động. Bạn khó có thể tìm được đối thủ người ở thời điểm hiện nay bài viết, không biết do tình trạng “đứt cáp đầu năm” hay không có ai chơi. Vì tình trạng tương tự cũng xảy ra trên các hệ máy còn lại nên tôi đoán vấn đề là do không có người chơi hơn. Không những thế, càng tệ hơn khi Override 2: Super Mech League không hỗ trợ trải nghiệm cross-platform giữa các nền tảng khác nhau, khiến phần chơi multiplayer tuy vẫn hoạt động nhưng chẳng khác nào đã ngừng hoạt động.
Bù lại, Override 2: Super Mech League phiên bản Switch có hiệu năng rất tốt. Mặc dù đồ họa có chút “sa sút phong độ” so với các hệ máy khác, nhưng vẫn mang đến cái nhìn khá tốt nhờ vào môi trường màn chơi có quy mô nhỏ tương tự như phần trước. Tạo hình các nhân vật người máy nhìn vẫn khá sắc nét. Chỉ có quang cảnh đấu trường nhìn hơi mờ khi xuất hình ra ti vi nhưng chất lượng ở chế độ handheld vào mức khá. Nhịp độ chơi tuy nhanh hơn nhưng cơ chế điều khiển cũng đơn giản hóa hơn nhiều, khiến cảm giác “đập nện” giữa các người máy không có sức nặng bằng phần trước.
Sau cuối, Override 2: Super Mech League phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm “người máy đại chiến” rất hấp dẫn và có tính giải trí cao. Nếu bạn chỉ quan tâm đến chế độ “song đấu đối kháng” Versus thì đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý, nhất là khi đi kèm với khả năng chơi game cơ động của Nintendo Switch. Ngược lại, nếu đó không phải trải nghiệm bạn tìm kiếm thì xem ra nó không phải tựa game dành cho bạn rồi.
Override 2: Super Mech League được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox Series X|S, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác