Override 2: Super Mech League không biết nên xem là game song đấu đối kháng giống phiên bản tiền nhiệm hay là trải nghiệm mech đại chiến nhưng mang màu sắc của những tựa game “đập nó đi” beat ’em up. Kỳ thực, phần chơi mới nhất trong series Override có sự thay đổi về công thức gameplay theo hướng mang tính giải trí nhiều hơn như nội dung của trò chơi. Chế độ chơi theo cốt truyện trước đây tuy nặng tính lặp lại đã “bay màu”. Người chơi cũ không còn được tận hưởng những khoảnh khắc cười ra nước mắt khi hai người cùng điều khiển một con mech chiến đấu nữa.
Thay thế cho phần chơi Story trong Override: Mech City Brawl là Leagues, một chế độ chơi để lại cho tôi không ít thì nhiều cảm giác trái chiều vì mức độ “cày cuốc” khá nặng nề của nó. Còn lại vẫn tiếp tục là những chế độ chơi quen thuộc với người chơi cũ của series: Quick Play, Versus và Training. Những chế độ chơi này quá quen thuộc trong rất nhiều tựa game khác nên tôi nghĩ không cần phải giải thích. Trong khi đó, khía cạnh nội dung đến từ lời kể của Zoe. Thế nhưng, sự xuất hiện của nhân vật này cũng không cần thiết lắm vì chẳng tác động gì đến trải nghiệm.
Điều bất ngờ là Zoe lại được nhà phát triển Modus Studios Brazil lồng tiếng không sót lời thoại nào, dù phần lớn trải nghiệm tôi thường tua nhanh để khỏi nghe cô gái tưởng dễ thương mà thương không dễ này luyên thuyên. Qua lời kể của Zoe, tôi được biết cuộc chiến với bọn kaiju trong Override: Mech City Brawl đã kết thúc. Phần thắng nghiêng về loài người và nảy sinh tình trạng đôi dư rất nhiều con mech trong biên chế. Rảnh rỗi sinh nông nổi, nhân loại tổ chức đại hội “mech hỗn chiến” bằng những cỗ máy từng là anh hùng giải cứu thế giới để mua vui và có cả nhà tài trợ.
Buồn ơi là sầu là cảm giác đầu tiên khi tôi trải nghiệm chế độ chơi Leagues. Toàn bộ những gì tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo của Override: Mech City Brawl đã không còn, nhất là cảm giác ấm ức khi không được điều khiển mech đầy hào hứng như phim Pacific Rim nữa. Ban đầu, bạn chỉ được chọn giữa 5 con mech và tham gia vào các giải đấu 1v1, 2v2 và “loạn chiến” Brawl giữa 4 đấu thủ mech đến khi tìm được người chiến thắng cuối cùng. Mỗi chế độ chơi là một giải đấu khác nhau, pha trộn lẫn lộn giữa online và offline nếu bạn có kết nối internet khi trải nghiệm game.
Tuy nhiên, có hai vấn đề với trải nghiệm Leagues. Một là các trận đấu online có chất lượng không tốt như tôi mong đợi. Hai là ở thời điểm bài viết, không dễ để tìm người chơi online trong khi Override 2: Super Mech League chưa hỗ trợ cross-platform, một trong những tính năng quan trọng và có tính chất sống còn với những tựa game như thế này. Mặc dù vậy, cũng có khả năng không phải do netcode của trò chơi khi tốc độ mạng internet đi quốc tế trong nước ta hiện nay rất chập chờn vì lý do ai cũng biết là gì đấy. Chỉ là tôi không thể xác định được nguyên nhân chính xác.
Về cơ bản, mỗi chế độ chơi trong Leagues là giải đấu có luật chơi khác nhau. Dù vậy, mục tiêu của bạn luôn là trở thành người chiến thắng cuối cùng để kiếm tiền. Thỉnh thoảng, các nhà tài trợ sẽ “ném” cho bạn vài thử thách để thưởng thêm khi hoàn thành. Những thử thách này khá vô chừng nhưng phần lớn đều nhạt nhẽo và không đáng công thực hiện, nhất là những thử thách có giới hạn thời gian thực hiện ngắn. Tiền này dùng để mua thêm mech mới từ Garage để chọn làm nhân vật điều khiển trong Leagues. Bạn cũng có thể dùng tiền để tùy biến mech nhưng chúng chỉ là yếu tố trang trí.
Đáng chú ý, sau mỗi trận đấu trong Leagues lại là giải đấu mới giữa 3 chế độ chơi ngẫu nhiên 1v1, 2v2 và Brawl nói trên. Bạn không có lựa chọn nào để thay đổi ngoại trừ chấp nhận với sắp đặt của trò chơi dù muốn hay không. Đây là điểm trừ lớn nhất của chế độ chơi này. Đó là chưa kể, sau mỗi trận thì Override 2: Super Mech League lại dò tìm đối thủ online để đấu với bạn, nhưng người chơi hoàn toàn có thể chọn bỏ qua và đấu với AI cho nhanh. Vấn đề ở đây là tôi gặp khó khăn trong việc tìm đối thủ chơi online mà không rõ nguyên nhân sâu xa là gì.
Nếu bỏ qua chế độ chơi Leagues để lại nhiều thất vọng, bạn cũng đừng trông đợi gì nhiều ở Quick Play vì đây là chế độ chơi thuần online. Điểm sáng duy nhất chỉ còn lại chế độ chơi Versus được nhà phát triển Modus Studios Brazil xây dựng khá tốt. Trong chế độ này, bạn được quyền chọn lựa giữa 18 con mech rồi chọn màn chơi như phần lớn những tựa game song đấu đối kháng khác. Trải nghiệm Versus trong Override 2: Super Mech League gợi nhớ đến tựa game kinh điển Tech Romancer rất hào hứng ngày xưa trên Dreamcast vào những năm cuối thập niên 90.
Tuy nhiên, cơ chế điều khiển trong Override 2: Super Mech League được đơn giản hóa so với tựa game đầu tiên, mang nhiều cảm giác beat ’em up hơn. Mặc dù sự thay đổi này giúp trải nghiệm game dễ tiếp cận hơn với phần lớn người chơi, nhưng nó cũng đi kèm với điểm trừ rất khó chịu. Vấn đề ở chỗ, mỗi con mech tuy có từ bốn đến sáu tuyệt chiêu khi chưa tính đến đòn “tất sát” ultimate, nhưng không thể kết nối các đòn tấn công thành chuỗi combo dài hơi như trong Street Fighter V. Thậm chí mech ra đòn cũng không tự động hóa đẹp mắt và hấp dẫn như Under Night In-Birth Exe:Late[cl-r].
Nói đâu xa, dù chưa đủ chiều sâu như những cái tên song đấu đối kháng 3D trên thị trường hiện nay, nhưng ngay cả tựa game kinh điển như Tech Romancer cũng có chuỗi combo hấp dẫn kia mà? Chính vì thiết kế “thiếu trước hụt sau” như vậy mà tôi không biết nên xếp Override 2: Super Mech League vào dòng game gì. Một điểm cộng cũng hấp dẫn không kém của trò chơi là nhân vật “siêu nhân điện quang” Ultraman cũng góp mặt trong dàn “đấu sĩ” mech. Thế nhưng, đây cũng đồng thời là điểm trừ vì bạn chỉ có được nhân vật này thông qua DLC thu phí. Tức ghê!
Thiết kế màn chơi cũng có vài điểm đáng bàn. Kỳ thực, điều tôi kỳ vọng màn chơi rộng lớn hơn Override: Mech City Brawl đã không xảy ra. Đấu trường trong game vẫn được thiết kế không gian nhỏ và phần lớn nhìn khá giả chứ không có tính chân thực để cuộc chiến trở nên hấp dẫn hơn dù chỉ về mặt cảm giác. Bù lại, phần điều khiển khá nhạy nút nhưng lại không hỗ trợ “phản hồi cảm xúc” trên tay cầm DualSense khiến tôi khá thất vọng. Những gì tôi “cảm” được trong trải nghiệm chỉ là tính năng rung bình thường hệt như tay cầm Xbox One hay PlayStation 4 mà thôi.
Ở góc độ người chơi, Override 2: Super Mech League dường như tập trung vào trải nghiệm multiplayer giống như người tiền nhiệm hơn. Thế nhưng, nhà phát triển Modus Studios Brazil vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ của những tựa game thiên về multiplayer online là không hỗ trợ cross-platform. Trong khi đó, thiết kế trải nghiệm ở khía cạnh này lại không đủ sức cuốn hút và nặng tính cày cuốc. Ngay cả khi vượt qua được cảm giác này sau khi mua được em mech yêu thích, trải nghiệm chỉ thật sự thăng hoa khi bạn chịu khó “cày” Leagues thật nhiều để sở hữu thêm các mech khác.
Đó là chưa kể hệ thống thử thách đi vào lòng đất khi đưa ra những yêu cầu nặng tính lặp lại của nhà tài trợ trong thời gian hạn chế. Đáng nói hơn là thời gian này tính theo thời gian thật chứ không phải thời gian mà bạn trải nghiệm game. Nhận là phải chạy đua thời gian để hoàn thành khá là ức chế. Kỳ thực, điểm cộng lớn nhất của Override 2: Super Mech League là số lượng mech đa dạng không chỉ về tạo hình từ siêu ngầu đến siêu ngố mà cả tuyệt chiêu riêng của mỗi mech. Thế nhưng, việc phải “cày” tiền mua mech khiến chế độ chơi Leagues kém hấp dẫn nhiều.
Một vấn đề mà tôi nghĩ hơi thiên về cảm nhận cá nhân là sự thay đổi cơ chế điều khiển được đơn giản hóa đi, khiến các nhân vật mech trở nên linh hoạt hơn và uyển chiến trong chiến đấu hơn. Ở góc độ người chơi, điều này cũng vô tình biến cảm giác điều khiển kém hào hứng hơn. Bạn không còn cảm nhận được sức nặng ngàn cân của những cú đấm hay đá từ các người máy mỗi khi ra đòn nữa. Vấn đề này ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến cảm giác trải nghiệm ở chế độ chơi Versus. Dù vậy, không thể phủ nhận chế độ chơi này vẫn là điểm cộng sáng nhất của trò chơi.
Sau cuối, Override 2: Super Mech League mang đến một trải nghiệm “mech chiến” khá trái chiều. Trong khi số lượng mech đa dạng tuyệt chiêu và tạo hình là nền tảng vững chắc cho chế độ chơi Versus, nhưng các giải đấu trong Leagues cùng những thử thách nhàm chán để lại cảm giác cày cuốc khá khó chịu và kém hào hứng nếu bạn không đủ kiên nhẫn. Nếu yêu thích mech và những trận song đấu đối kháng có tính giải trí thì đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc nhưng nếu không, chắc bạn cũng biết câu trả lời rồi đúng không?
Override 2: Super Mech League được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series S|X, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác