Ori and the Blind Forest: Definitive Edition là phiên bản nâng cấp của tựa game cùng tên, với một số cải tiến nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn so với bản game gốc.
Ngay từ những khoảnh khắc ban đầu, trò chơi đã tạo trong tôi cảm xúc mãnh liệt, sự tò mò và gây được ấn tượng mạnh nhờ vào phần đồ họa đẹp tuyệt vời. Điều này là nhờ trò chơi có sự kết hợp tuyệt vời giữa phần nhạc nền mang giai điệu buồn nhưng rất đẹp và đoạn phim được dựng bằng game engine của trò chơi với vài dòng chữ không đầu không đuôi.
Đồ họa trong Ori and the Blind Forest: Definitive Edition không những đẹp quá mức cần thiết với một tựa game indie, mà còn được nhà phát triển sử dụng khéo léo rất nhiều gam màu khác nhau, tạo cảm xúc cho người chơi trong từng khung cảnh hết sức chi tiết và rất có chiều sâu. Cảnh vật sống động đến choáng ngợp, từ những cái cây nghiêng thân mình theo từng bước di chuyển của nhân vật cho tới những con đom đóm bật sáng giữa khung hình, vừa là yếu tố trang trí cho khung cảnh và cũng là để hồi máu cho Ori. Chuyển động của các nhân vật cũng ấn tượng không kém, không chỉ là kẻ thù mà cả nhân vật chính luôn tạo cảm giác hết sức linh hoạt. Không những vậy, nếu bạn tinh mắt thì còn có thể nhận ra cảnh nền của trò chơi đều là những thành phần riêng lẻ, không có bất kỳ sự trùng lặp nào như trong các tựa game tương tự khác.
Với lối chơi phiêu lưu đi cảnh giải đố quen thuộc, Ori and the Blind Forest: Definitive Edition đòi hỏi sự chính xác trong việc nhảy qua lại giữa các nền tảng hoặc dốc dựng đứng khác nhau. Nhờ vào cảm giác điều khiển linh hoạt mà phần lớn trải nghiệm không gây khó khăn cho người chơi ở những phân đoạn này. Thế nhưng đó chỉ là sự khởi đầu vì kỳ thực Ori and the Blind Forest: Definitive Edition là một game khó, đến mức ngay cả với fan của thể loại game này cũng sẽ cảm thấy ít “đau khổ” khi trải nghiệm. Nhiều khu vực trong game thường buộc người chơi phải phản xạ nhanh nhạy trước tình huống diễn ra, phần lớn là khi tiếp xúc với những kẻ thù mới có hành động bất ngờ khó đoán trước.
Rất may là Ori and the Blind Forest: Definitive Edition đã giải quyết vấn đề này khi có đến bốn độ khó khác nhau và đáng chú ý nhất là One Life. Như cái tên của nó, đây là chế độ chơi chỉ cho bạn một mạng duy nhất và nếu để nhân vật chết, thì bạn sẽ phải chơi lại từ đầu trò chơi. Trong khi đó, Normal là độ khó tương đương với game gốc vốn không có bất kỳ lựa chọn nào về mức khó, còn Easy và Hard thì sẽ tương ứng với dễ hơn hoặc khó hơn một chút so với trải nghiệm ban đầu mà phiên bản ban đầu mà game mang đến trước đây. Đáng chú ý là Hard và One Life đều có achievement đi kèm, chắc chắn sẽ là một thử thách không nhỏ cho những ai thích săn thành tích làm “bằng chứng sống” cho trình độ chơi game của bản thân.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng và giảm độ khó để phù hợp với nhiều đối tượng người chơi khác nhau, vấn đề cũ của tựa game gốc là hệ thống Soul Link chưa được giải quyết trong bản Definitive này, vẫn tiếp tục trở thành một yếu tố “tự làm khó” do chính người chơi vô tình tạo ra trong trải nghiệm. Về cơ bản, nhân vật của người chơi có “mana” để sử dụng các chiêu thức hoặc kỹ năng tấn công, và khi thanh này đầy thì bạn có thể dùng để tạo nên Soul Link làm checkpoint trong quá trình trải nghiệm.
Vấn đề ở chỗ, việc giao khả năng tạo checkpoint cho người chơi đôi lúc khiến bạn tự đưa bản thân vào những hoàn cảnh khó đúng kiểu tiến thoái lưỡng nan, chẳng hạn như vô tình save trước khi bước vào một phân đoạn đi cảnh leo trèo nhảy nhót rất khó nào đấy. Yếu tố này nhiều khi biến trải nghiệm game trở thành một cơn ác mộng khi phải chơi đi chơi lại những đoạn khó nói trên, chỉ vì sau khi đã vượt qua “ca khó” này thì bạn lại không thể kiếm đủ mana để tạo Soul Link mới và xui xẻo khiến Ori “gặp nạn” ở đâu đó phải chơi lại phân đoạn khó nói trên.
Yếu tố giải đố trong Ori and the Blind Forest: Definitive Edition tuy không nhiều yếu tố mới so với các tựa game cùng thể loại nhưng được lồng ghép vào nhiều nội dung giải đố khá độc đáo, gợi chút cảm giác giải đố trong series Metroid nổi tiếng do có nhiều nét tương đồng. Chẳng hạn như có phân đoạn đòi hỏi bạn phải đảo ngược trọng lực mới có thể vượt qua. Kỹ năng của nhân vật cũng là một dạng chìa khóa để có thể mở ra những lối đi mới, như ban đầu game thì nhân vật không thể xuống nước nhưng một khi mở khóa được kỹ năng tương ứng thì những nơi có nước lại trở thành khu vực mới để khám phá.
Ngược lại, yếu tố đi cảnh trong trò chơi lại mang nhiều cảm giác của một game metroidvania khi phần lớn thời gian sẽ đòi hỏi người chơi tìm chìa khóa để mở các cánh cửa đóng kín. Không ít những cánh cửa này là lối tắt để người chơi có thể quay ngược lại những khu vực cũ để tìm kiếm thêm những bí mật mà bạn đã bỏ lỡ trước đó. Chưa kể, game cũng có rất nhiều bí mật chờ người chơi khám phá. Thậm chí nếu là fan của phim hoạt hình Studio Ghibli thì bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nhiều cảm giác quen thuộc, ví dụ như trong màn chơi Valley of the Wind. Màn chơi này mang nhiều dấu ấn từ phim anime Nausicaa of the Valley of the Wind rất nổi tiếng của ông Hayao Miyazaki, bậc thầy sáng tạo và cũng là huyền thoại anime Nhật Bản mà fan của anime không thể không biết.
Không may là ngoài yếu tố đồ họa ấn tượng và gameplay hấp dẫn thì Ori and the Blind Forest: Definitive Edition lại vướng phải hệ thống chiến đấu khá nhàm chán, mang đến cảm giác thiếu linh hoạt hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm đi cảnh được xây dựng quá tốt. Hầu hết các phân đoạn chiến đấu đều chỉ buộc người chơi nhấn một nút liên tục mà thôi. Trong khi đó, kẻ thù cũng không khá hơn. Dù chúng luôn đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau, nhưng sau cuối thì người chơi ngoài việc thực hiện một số hành động thêm như nhảy hay giữ nút tấn công thật lâu để thực hiện một đòn charge, công việc chính của bạn vẫn chỉ là nhấn nút tấn công liên tục và chờ kết quả. Đã vậy, mọi thứ bay hỗn loạn trong những trận chiến như các game bullet hell khiến người chơi không thể phân biệt đâu là bạn đâu là thù, mang đến một cảm giác trải nghiệm chiến đấu khá bất công.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là vấn đề duy nhất của trò chơi. Đáng chú ý nhất là khả năng leo tường của Ori thỉnh thoảng có tình trạng khó thực hiện một cách bất ngờ, cảm giác như trò chơi có một thời khắc tạm dừng nhận tương tác của người chơi giữa những pha “nhảy tường” liên tục. Nếu không nắm bắt được điều này hoặc thực hiện thao tác nhảy quá nhanh sẽ khiến nhân vật mất khả năng “bám tường” và rơi xuống từ trên cao. Một vấn đề khác tuy không nghiêm trọng nhưng cũng không thể không nhắc tới chính là thiết kế của nhân vật chính Ori khá nhỏ nên dễ chìm trong cảnh nền, nhiều khi tạm ngừng game một chút rồi quay lại chơi tiếp lại rất khó để phát hiện ra vị trí hiện tại của nhân vật.
Sau cuối, Ori and the Blind Forest: Definitive Edition là một tựa game đi cảnh khá ấn tượng, không chỉ yếu tố đồ họa và gameplay, mà còn ở câu chuyện kể đầy cảm xúc và đậm tính nhân văn. Không phải tự nhiên mà trò chơi đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng tại các giải thưởng lớn về trò chơi điện tử trên thế giới như như DICE hay British Academy Games v.v… Nếu bạn chưa từng trải nghiệm tựa game này thì thật sự là một điều đáng tiếc, nhất là fan của thể loại đi cảnh giải đố màn hình ngang.
Ori and the Blind Forest: Definitive Edition được phát hành cho Windows và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác