Đánh giá: Orcs Must Die! Deathtrap
Orcs Must Die! Deathtrap là game hành động chiến đấu góc nhìn thứ ba, kết hợp yếu tố phòng thủ tháp thông qua cơ chế đặt bẫy. So với phần chơi gần nhất Orcs Must Die! 3, trò chơi có vài điều chỉnh khác biệt trong thiết kế cơ chế gameplay. Đáng chú ý nhất là thay vì xây dựng phần chơi campaign theo cốt truyện tuyến tính như trước đây, Deathtrap chuyển sang tận dụng yếu tố roguelike trong tạo màn chơi.
Điều đó đồng nghĩa mỗi lượt chơi sẽ là một màn chơi mới được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán. Ở một góc độ nào đó, tuy thay đổi này giúp Orcs Must Die! Deathtrap có giá trị chơi lại tốt hơn các phần chơi tiền nhiệm, nhưng nó cũng mang đến rủi ro không hề nhỏ khiến trò chơi mang nặng cảm giác cày cuốc do thiết kế đặc trưng. Một khi bạn "biết orc biết ta" đủ nhiều để tạo dựng chiến thuật "trăm trận trăm thắng", trải nghiệm bắt đầu nặng cảm giác cày cuốc và lặp lại.
Ở thời điểm phát hành vào cuối tháng 1/2025, bản thân Orcs Must Die! Deathtrap cũng có khá nhiều lỗi vặt nhưng đến thời điểm bài viết, trò chơi đã vận hành tương đối ổn định ít nhất là trên nền tảng Xbox mà tôi trải nghiệm. Tuy nhiên, vì lý do gì đó mà tính năng phụ đề của game vẫn không hoạt động. Ngay cả khi bật thủ công do tính năng này mặc định tắt trong Settings, tôi vẫn không thấy phụ đề xuất hiện trong các đoạn chuyển cảnh.
![[Hình ảnh trong game Orcs Must Die! Deathtrap]](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2025/05/orcs-must-die-deathtrap-review-xbox-screenshot-1-800x451.jpg)
Bỏ qua vấn đề đó vì thật ra Orcs Must Die! Deathtrap cũng chẳng có cốt truyện gì đáng chú ý. Trải nghiệm vẫn chỉ xoay quanh các nhân vật War Mage nếu bạn từng chơi bất kỳ phần game nào trong series kinh điển từ năm 2011 này. Trò chơi đưa người chơi solo hoặc co-op cùng bạn bè, nhập vai đến 4 nhân vật khác nhau để tham gia vào các cuộc chiến chống lại các loại kẻ thù orc khác nhau, ngăn không cho chúng tiếp cận những vật thể gọi là Rift.
Nếu bạn không biết phải bắt đầu từ đâu hay chơi như thế nào, Orcs Must Die! Deathtrap có hẳn một phần tutorial được hướng dẫn thụ động và bắt buộc thông qua các đoạn clip mô tả khá chi tiết. Mỗi tội những clip hướng dẫn này cũng không có phụ đề nên trừ khi bạn nghe hiểu tiếng Anh tốt, chúng có thể không có nhiều giá trị nếu chỉ xem nhân vật hành động trong video. Đó có thể là điểm trừ không hề nhỏ của game với một số người chơi nhất định.
Điểm cộng sáng giá nhất của Orcs Must Die! Deathtrap là thiết kế màn chơi rộng lớn so phần chơi trước đó Orcs Must Die! 3, vốn cũng là điểm cộng đáng chú ý của tựa game này. Bố cục các "trận đồ" trong trò chơi có sự mở rộng với nhiều tuyến tấn công hơn, mang đến cho người chơi nhiều cơ hội đặt bẫy hơn, gần như vô tận. Người chơi chọn một trong số các nhân vật War Mage với khả năng khác nhau để tham gia vào cuộc chiến để nhận về những "phần thưởng" gọi là Thread.
Thread có tính hỗ trợ khá đa dạng trong trải nghiệm game. Từ thực tế như giảm giá các loại bẫy nhất định, tăng sát thương trong điều kiện cụ thể đến cho phép bạn chơi "tất tay", chẳng hạn dành toàn bộ tài nguyên cho một bẫy duy nhất "siêu" mạnh. Nói đơn giản, Thread là cơ chế gameplay góp phần mang đến giá trị chơi lại nhiều hơn cho Orcs Must Die! Deathtrap so với các phần chơi trước trong series game kinh điển này. Tuy nhiên, chúng không chỉ mang đến lợi ích.
![[Ảnh chụp màn hình cảnh đặt bẫy]](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2025/05/orcs-must-die-deathtrap-review-xbox-screenshot-2-800x450.jpg)
Trong mỗi màn chơi sẽ có những Thread "ăn hại", gây khó khăn cho cuộc chiến chống orc của người chơi. Đơn cử có Thread tăng gấp đôi HP cho kẻ thù nhất định, cũng như nó cho phép những kẻ thù nguy hiểm hơn xuất hiện giữa các wave. Đáng nói hơn, cơ chế Thread chỉ tồn tại giữa các wave trong màn chơi chứ một khi hoàn thành và kết thúc cuộc chiến, bạn phải "làm lại từ đầu". Thứ mà bạn có thể nâng cấp là các loại bẫy và khả năng của nhân vật điều khiển.
Tuy nhiên, quá trình nâng cấp này cũng mất khá nhiều thời gian dẫn đến nặng cảm giác cày cuốc. Orcs Must Die! Deathtrap sử dụng một hệ thống tài nguyên gọi là Orc Skull, thu thập được từ các trận chiến mà bạn tham gia. Bên cạnh đó còn có Golden Orc Skull kiếm được bằng cách hoàn thành các màn chơi trong một lượt chơi, dùng để mở khóa các loại bẫy hoàn toàn mới. Sau đó bạn có thể dùng Orc Skull để nâng cấp cho các loại bẫy mới này, nếu muốn.
Đội hình nhân vật điều khiển War Mage cũng là điểm cộng khác của Orcs Must Die! Deathtrap khi so với phiên bản năm 2021. Đáng chú ý, đội hình trong phần chơi này không chỉ khác biệt về tạo hình mà cả phong cách chiến đấu. Sáu nhân vật được mở khóa sẵn từ đầu và hai nhân vật chờ bạn khám phá điều kiện mở khóa. Tôi chỉ có thể gợi ý rằng một nhân vật có thể mở khóa thông qua việc khám phá mọi ngóc ngách ở khu vực mở đầu của trải nghiệm game.
![[Hình ảnh trong game Orcs Must Die! Deathtrap]](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2025/05/orcs-must-die-deathtrap-review-xbox-screenshot-3-800x450.jpg)
Mỗi War Mage đều được tinh chỉnh cẩn thận, đảm bảo không có phong cách chơi nào giống nhau giữa bất kỳ hai nhân vật nào. Mỗi nhân vật đều có tuyệt kỹ riêng, bẫy cũng được cá nhân hóa cùng những kỹ năng khác để tạo sự khác biệt trong chiến đấu. Thậm chí tôi cũng có lời khuyên bạn nên trải nghiệm Orcs Must Die! Deathtrap với tất cả nhân vật để cảm nhận được sự hào hứng mà mỗi War Mage mang đến trong cuộc chiến chống lại lũ orc.
Vậy nếu bỏ qua vấn đề cày cuốc có thể gây khó chịu, Orcs Must Die! Deathtrap đang chỉ toàn những điểm cộng trong gameplay? Không hẳn và tôi cảm thấy rất tiếc khi phải thừa nhận điều này. Khó chịu đến khó hiểu là thiết kế giới hạn số lượng barricade, điều vốn không có trong các phần chơi trước. Thử tưởng tượng màn chơi rộng lớn hơn nhưng người chơi không thể đặt barricade vô hạn để ngăn kẻ thù thì đúng là thảm họa.
Trong các phần chơi trước, barricade có thể được mua với số lượng vô tận miễn là bạn đủ tài nguyên. Nhưng Orcs Must Die! Deathtrap thay đổi điều này. Bạn chỉ được cung cấp một số lượng rất hạn chế và không thể tăng thêm ngoài việc tận dụng Thread phù hợp. Nói cách khác, bạn phải phụ thuộc vào sử dụng các loại bẫy. Thay đổi này cũng vô tình khiến trải nghiệm game solo trở nên ức chế hơn nhiều so với khi chơi co-op cùng bạn bè.
Thế nhưng phụ thuộc vào bẫy cũng có vấn đề của nó. Đó là bạn không thể tạo thành mê cung dẫn dụ kẻ thù vào tròng "tổng tấn công" được. Tệ hơn là khi chơi một mình, diễn biến của cuộc chiến thường khiến bạn khó solo kiểm soát được tình thế. Đó là chưa kể barricade cũng không thể ngăn mọi kẻ thù mà một số vẫn có thể bay lướt qua, đòi hỏi bạn phải dùng 'deathtrap' đúng như cái tựa của trò chơi. Ai bảo do chơi dở thì tôi cười duyên thôi.
![[Hình ảnh trong game Orcs Must Die! Deathtrap]](https://trainghiemso.vn/wp-content/uploads/2025/05/orcs-must-die-deathtrap-review-xbox-screenshot-4-800x450.jpg)
Sau cuối, Orcs Must Die! Deathtrap mang đến một trải nghiệm hành động kết hợp phòng thủ tháp vô cùng hấp dẫn nếu người chơi có bạn bè để co-op hỗ trợ và cùng nhau tác chiến. Vấn đê lớn nhất của trò chơi là khả năng chơi solo dễ để lại nhiều ức chế thay vì hào hứng, chủ yếu do thiết kế có phần thiên vị co-op từ chính nhà phát triển. Đơn cử số lượng barricade bị giới hạn sẽ tăng theo số lượng người chơi co-op.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.