One Piece Odyssey là trải nghiệm nhập vai khá đặc biệt khi được chuyển thể từ bộ manga One Piece của tác giả Eiichiro Oda, xây dựng câu chuyện kể và trải nghiệm game hướng đến những người hâm mộ lâu năm của bộ manga này. Trò chơi sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt truyền thống, trái ngược với thế giới của bộ manga gốc vốn nặng yếu tố hành động. Đáng chú ý là trải nghiệm hoàn toàn không thân thiện với những người không biết về One Piece.
Điều này được thể hiện ở cách xây dựng trải nghiệm mang nhiều cảm giác như đang xem anime với chất lượng đồ họa rất cao trên những nền tảng có phần cứng đủ mạnh. Điều này cũng vô tình là điểm trừ nhỏ của trò chơi. Có quá nhiều phân đoạn chuyển cảnh mang cảm giác được thiết kế như một giải pháp nhằm kéo dài thời lượng chơi không cần thiết. Dù vậy, đây vẫn là trải nghiệm nhập vai mang đến cảm giác thỏa mãn bất ngờ hơn cả One Piece: Pirate Warriors 4.
Như đề cập ở trên, One Piece Odyssey là trải nghiệm dành cho người hâm mộ của bộ manga One Piece. Do vậy nếu không thuộc nhóm đối tượng này, trừ khi không quan tâm đến cốt truyện và dàn nhân vật chính, đây không phải trải nghiệm game dành cho bạn vì lý do quá hiển nhiên. Trò chơi dẫn dắt câu chuyện kể khi mặc định người chơi đã biết rõ về Luffy và các nhân vật trong nhóm hải tặc Mũ Rơm, không giải thích bất cứ điều gì liên quan.
Câu chuyện của One Piece Odyssey bắt đầu khi tàu của băng Mũ Rơm đột nhiên bị mắc kẹt trên hòn đảo Waford bí ẩn. Tại đây, cả nhóm đụng độ hai nhân vật Lim và Adio. Sau cái chạm tay đầy thân thiện của Lim, mọi người quên sạch toàn bộ tuyệt kỹ và cuộc hành trình hồi tưởng, tìm lại các kỹ năng bắt đầu. Và để khiến mọi chuyện tệ hơn, băng Mũ Rơm phải cố gắng giúp Adio và Lim đánh bại các Colossi nguyên tố gây ra cơn bão quanh đảo Waford.
Mặc dù cốt truyện của One Piece Odyssey có vài chi tiết khác biệt so với nguyên tác manga, nhưng có lẽ vì vậy mà câu chuyện diễn ra thế nào rất dễ đoán. Thậm chí ngay từ thời điểm trải nghiệm ban đầu, tôi đã nhận ra ngay đâu sẽ là nhân vật phản diện. Sự khác biệt với nguyên tác này thể hiện ở những cuộc phiêu lưu diễn ra ở Memoria, thế giới ký ức được tạo ra bởi năng lực đặc biệt của Lim, đưa băng Mũ Rơm trải nghiệm lại những cuộc phiêu lưu cũ.
Thế nhưng nếu kỳ vọng một cốt truyện nguyên bản trong trải nghiệm One Piece Odyssey, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng giống như tôi. Mặc dù có một số tình tiết hơi khác nhưng những điểm cơ bản trong cuộc phiêu lưu mà người chơi đã biết thông qua manga hoặc anime vẫn diễn ra tuần tự. Tôi từng kỳ vọng sự tương tác hoàn toàn mới giữa các nhân vật vốn không có trong nguyên tác, thế nhưng điều đó không bao giờ xảy ra trong trải nghiệm game.
Yếu tố phát triển nhân vật cũng gần như không có trong One Piece Odyssey, ngoại trừ nhân vật Lim. Đây là nhân vật mới của trải nghiệm game và là sự bổ sung thú vị cho dàn nhân vật quen thuộc. Thậm chí cũng không sai khi nói đây là nhân vật hiếm hoi có sự phát triển thấy rõ nhất trong game. Từ một người cực kỳ cảnh giác và lạnh lùng với các thành viên trong băng hải tặc, Lim đã dần dần bị thu hút và ngạc nhiên trước cá tính của những người bạn mới.
Ý tưởng “nếu như… thì sao” có lẽ không mới trong trò chơi điện tử, nhưng chính nó lại trở nên thú vị khi được xây dựng trong trải nghiệm One Piece Odyssey. Bạn sẽ được nhìn lại những khoảnh khắc quan trọng trong manga với góc nhìn mới. Chẳng hạn như phản ứng của cả nhóm khi nhìn thấy tàu Going Merry cập cảng Alabasta rất thú vị. Phần lớn những khoảnh khắc như thế sẽ là điểm cộng với không ít người hâm mộ One Piece khi bước vào trải nghiệm game.
Tuyệt vời hơn khi những khoảnh khắc đó được tái hiện dưới nền đồ họa 3D đẹp tuyệt trên những phần cứng đủ mạnh. Cảm giác như đang thưởng thức anime với đồ họa nâng cấp toàn diện vậy. Từ những đoạn chuyển cảnh in đậm phong cách anime cho đến những khi nhân vật thi triển các tuyệt kỹ cá nhân ngầu lòi trong chiến đấu. Nhắc đến khía cạnh này thì One Piece Odyssey lại xây dựng hệ thống chiến đấu tương đối truyền thống và đơn giản dù đã có sự điều chỉnh.
Cảm giác nó giống như phiên bản lite của game nhập vai Lost Oddysey từ thời Xbox 360 vậy. Cụ thể, tối đa bốn nhân vật trong party sẽ được chia thành các khu vực chiến đấu khác nhau trong trận đánh. Nhân vật ở khu vực này không thể di chuyển sang khu vực khác khi chưa tiêu diệt tất cả kẻ thù ở khu vực của mình. Tuy vậy, bạn lại có thể thay đổi nhân vật từ khu vực này sang khu vực khác thông qua tính năng chuyển đổi giữa bảy nhân vật trong băng Mũ Rơm.
Cơ chế chiến đấu trong One Piece Odyssey xoay quanh tam giác tương khắc gồm Power, Speed, Technique. Mỗi nhân vật sẽ được chỉ định yếu tố này khác nhau. Tùy vào điểm yếu tương tự của kẻ thù mà người chơi có thể thay đổi nhân vật phù hợp để chiến đấu với chúng. Thế nhưng trong phần lớn trải nghiệm chiến đâu, tôi hầu như không cần sử dụng đến chiến lược gì. Chủ yếu bật tăng tốc độ trận chiến và chuyển Tactics sang tự động chiến đấu rồi chờ tin chiến thắng.
Ngay cả khi đánh boss, hầu hết các thành viên đều có thể giải quyết ổn thỏa với khả năng sử dụng tuyệt kỹ và vật phẩm hồi máu cũng như hồi sinh khi cần. Quan trọng là bạn phải đủ số lượng vật phẩm có sẵn để họ sử dụng. Những vật phẩm này thường có được thông qua nấu nướng, sử dụng các nguyên liệu làm bếp thu thập được từ môi trường màn chơi. Do đó, chúng có giới hạn chứ không thể tùy tiện sử dụng, dù điều này không quan trọng trong game.
Hỗ trợ cho người chơi còn có hệ thống Dramatic Scene, ngẫu nhiên đưa ra một số yêu cầu trong trận chiến với phần thưởng thường giúp trải nghiệm chiến đấu đỡ tính cày cuốc hơn. Kết hợp với tăng tốc và tự động chiến đấu, hầu như trải nghiệm chiến đấu trong One Piece Odyssey đều không khiến tôi bận tâm nhiều như phần lớn các RPG khác trên thị trường. Cá nhân tôi phải thừa nhận đây là thiết kế dễ gây tranh cãi nhất, nhưng hiệu quả với trải nghiệm đặc trưng.
Khía cạnh khám phá trong One Piece Odyssey chủ yếu vẫn là thu thập nguyên liệu nấu nướng, làm các nhiệm vụ săn thưởng cũng như thực hiện những nhiệm vụ phụ ở các địa điểm khác nhau. Tuy thế giới trong game được xây dựng tương đối rộng và tuyến tính, nhưng dành nhiều không gian cho khám phá thông qua khả năng riêng của mỗi nhân vật. Chẳng hạn Chopper thấp bé nên có thể chui lọt các khe nhỏ, còn Luffy có thể thu thập vật phẩm từ xa nhờ Gum-Gum Rocket.
Tuy nhiên, nếu bạn mong chờ những phân đoạn lạc đường đầy hài hước của Zoro thì không có đâu. Trò chơi hầu như không xây dựng những tình tiết như thế trong trải nghiệm game. Đơn cử Nami cũng mê kho báu và tiền, nhưng tính cách này chỉ thể hiện ở khả năng của nhân vật là có thể thấy được tiền giấu trong môi trường màn chơi. Nhưng chỉ khi chuyển sang nhân vật này mới thấy. Tương tự, chỉ Usopp mới có thể bắn rơi các vật phẩm trên cao như tổ chim.
Trong không ít trường hợp, việc phải chuyển đổi giữa các nhân vật chỉ để thu thập vật phẩm cũng hơi phiền phức. Mỗi lần chuyển mất khoảng 5 giây. Tuy diễn hoạt không tới mức lâu như Sand Land, nhưng cũng đôi lần khiến tôi cảm thấy ức chế vì thiết kế một số địa điểm đòi hỏi phải chuyển qua lại giữa hai hoặc ba nhân vật trong thời gian ngắn. Dù vậy, không thể phủ nhận đây là vấn đề nhỏ như con thỏ và chỉ gây khó chịu với những ai ít kiên nhẫn thôi.
Yếu tố “tự động” cũng được áp dụng trong hệ thống trang bị dành cho nhân vật. Thay vì tìm vũ khí hoặc giáp như thường thấy, bạn sẽ thu thập các accessory có kích thước và hình dạng khác nhau để lắp vào một hệ thống dạng lưới chia ô ngày càng mở rộng thông qua trải nghiệm game. Người chơi có thể dễ dàng thay đổi để tập trung vào một chỉ số nào đó của nhân vật. Với mục tiêu đánh nhanh rút gọn, tôi thường chọn Attack cho tất cả, đặc biệt là Nami.
Đây là nhân vật có khả năng tấn công khá toàn diện, vừa có thể gây sát thương lớn đến tất cả khu vực vừa có thể khiến kẻ thù trong khu vực riêng phải khiếp sợ với các tuyệt kỹ tấn công đám đông. Thế nhưng, hệ thống tuyệt kỹ của các nhân vật trong One Piece Odyssey khá nhàm chán khi chỉ xoay quanh hai loại gồm tấn công đơn lẻ và tấn công số đông trong khu vực. Các tuyệt kỹ về sau chẳng khác nào phiên bản nâng cấp của chúng và thiếu sự đa dạng.
Giải pháp “chữa cháy” cho cảm giác này của tôi là thỉnh thoảng đổi nhân vật tham gia vào quá trình tự động chiến đấu để tạo cảm giác mới mẻ. Đơn cử Zoro và Usopp có những tuyệt kỹ rất thú vị trái ngược nhau khi ra đòn. Zoro lúc nào cũng ra đòn nhìn rất ngầu, còn Usopp thì ngược lại khi nào cũng tạo sự hài hước. Phê nhất là nhìn Luffy tung các tuyệt kỹ Gear 3 và Gear 4 với mức độ tàn phá vô cùng khốc liệt, cho thấy nhà phát triển rất chú ý từng tiểu tiết.
Nhưng nếu bạn cho rằng xem diễn hoạt của những tuyệt kỹ này hào hứng thế nào, hãy tưởng tượng thời lượng khoảng 40 tiếng với hơn phân nửa là chiến đấu. Với tôi thì đó là cảm giác mất dần sự hào hứng, đặc biệt khi bật tự động chiến đấu thì trận chiến do AI điều khiển chủ yếu xoay quanh một hay hai tuyệt kỹ của nhân vật đó, ít khi sử dụng nhiều hơn. Đó là chưa kể các trận chiến hiếm khi mang đến sự kịch tính ngoài việc xem đi xem lại tuyệt kỹ.
Dù vậy, tôi khá thích sự tương tác của các nhân vật trong chiến đấu mỗi khi họ sử dụng vật phẩm. Chẳng hạn khi Nami cảm ơn Shinji đã hồi máu thì anh chàng đổi thái độ ngay lập tức. Thế nhưng cũng vì thời lượng chơi dài và chiến đấu quá nhiều, sự tương tác này cũng dần trở nên nặng cảm giác lặp đi lặp lại hết trận chiến này đến trận đấu khác và dần trở nên nhàm chán về sau. Bù lại là đồ họa rất đẹp, nhất là khu vực Water Seven nhìn cực kỳ ấn tượng.
Các khu vực khác cũng không hề kém cạnh khi được xây dựng đẹp rạng ngời trên nền đồ họa 3D, trừ khu vực đầu tiên Alabasta thiết kế nhiệm vụ vừa dài lê thê vừa bắt chạy việc vô cùng mệt mỏi từ đầu đến cuối cả chapter. Qua được chapter này là trải nghiệm lên mây luôn. Tuy nhiên, One Piece Odyssey không có Photo Mode và cũng không cho tắt phụ đề. Thế nên tôi hầu như không chụp được tấm hình nào đáng chú ý khi lời thoại dính quá nhiều vào screenshot.
Sau cuối, One Piece Odyssey mang đến một trải nghiệm nhập vai vô cùng hấp dẫn với những người hâm mộ bộ manga và anime One Piece. Đội ngũ phát triển ILCA làm rất tốt việc tận dụng cốt truyện phong phú, thế giới đa dạng, dàn nhân vật cá tính cũng như yếu tố hài hước của nguyên tác để tạo nên trải nghiệm rất thú vị. Dù vậy, thời lượng quá dài ở Alabasta sẽ là trở ngại lớn nhất trước khi những người yêu thích băng Mũ Rơm nhận được quả ngọt từ trò chơi.
One Piece Odyssey hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox One, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 5.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!