Oculus VR đã gây bất ngờ tại hội thảo nhà phát triển Connect khi giới thiệu mẫu headset thực tế ảo Quest hoàn toàn mới với khả năng hoạt động độc lập không cần kèm thiết bị khác như Rift. Thế nhưng thiết bị này thậm chí còn hơn thế nữa khi được nhà sản xuất định vị như một game console thực tế ảo.
Quest là thành quả của Oculus trong 5 năm phát triển. CEO Mark Zuckerberg thậm chí còn gọi nó là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đưa một tỉ người tiếp cận thực tế ảo. Tuy nhiên theo giám đốc công nghệ John Carmack của Oculus, nhà thiết kế game huyền thoại trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử và đồng thời chịu trách nhiệm tạo ra những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất nổi tiếng như Wolfenstein, Doom và Quake, thì Oculus Quest đích thực là một nền tảng chơi game.
Theo ông John, nếu như mẫu headset thực tế ảo Oculus Go có 80% media và 20% game thì Oculus Quest hoàn toàn tập trung vào game. Trên thực tế, đây là mẫu headset thực tế ảo đầu tiên mang đến các trải nghiệm nhằm thu hút người dùng của các đối thủ Microsoft, Sony và Nintendo đến với sản phẩm. Ông còn cho biết đây là sản phẩm để cạnh tranh với Nintendo Switch.
John cho rằng Oculus Quest cũng giống như Nintendo Switch, nó tái định nghĩa lại cách thức, nơi và mức độ mở rộng mà bạn có thể thưởng thức trò chơi điện tử. Oculus không có ý định thay thế mẫu headset Rift cao cấp của họ, cũng giống như Nintendo không có ý định thay thế PC chơi game hay chiếc Xbox của người dùng. Thay vào đó, nó được xây dựng cho khả năng cơ động và thân thiện với người dùng, trong khi vẫn mang đến cùng trải nghiệm ở một số khía cạnh nào đó mà bình thường bạn chỉ có thể tìm thấy ở những thiết bị mạnh mẽ hơn.
Nhìn chung, Oculus Quest mang đến cho người dùng nhiều lợi ít giống như một game console truyền thống: khả năng cắm vào là chơi, nền tảng phần mềm gắn kết và thư viện nội dung tích hợp, cuối cùng là ngoài tivi ra thì không tốn thêm chi phí nào khác. Để so sánh, PlayStation VR tuy mang đến một số lợi ích nói trên nhưng nó được định vị là một phụ kiện cho game console chứ không phải là một game console. Hay như HTC Vive chẳng hạn, các tựa game của thiết bị này trải dài trên nhiều dịch vụ dựa trên nền tảng PC. Trong khi đó, Oculus Quest thì lại có sẵn màn hình giống như Nintendo Switch vậy.
Nate Mitchell, người đứng đầu mảng phần cứng Rift của Oculus cũng đồng tình với quan điểm này và hy vọng rằng Quest sẽ mang đến trải nghiệm ở cấp độ game console cho mọi người. Ông cũng cho rằng đối tượng người dùng Oculus Quest sẽ tương tự như người dùng game console. Theo Nate, nhiều người dùng quan tâm đến thực tế ảo không phải vì sự mới lạ trong trải nghiệm mà do nội dung của chúng, nhưng việc phải có thiết bị phần cứng như cỗ máy PC thật mạnh để trải nghiệm chính là rào cản lớn nhất khiến họ quay lưng. Quest hướng tới những đối tượng người dùng này.
Tất nhiên vẫn còn quá sớm để nói liệu Quest có thành công và trở thành sản phẩm chủ đạo của Oculus hơn cả Rift hay không. Theo quan điểm của Nate thì Rift là tiêu chuẩn vàng cho trải nghiệm thực tế ảo, nhưng Quest lại là headset đầu tiên mang đến gần như mọi lợi ích mà Rift có mà không đòi hỏi những trang thiết bị đắt tiền để sử dụng như Rift. Mặt khác, Quest cũng mang đến khả năng trải nghiệm thực tại ảo cơ động, cho phép bạn có thể mang nó theo bất cứ nói nào và sử dụng mà không vướng bất kỳ hạn chế nào.
Với giá bán lẻ gần 400USD, đắt hơn một chút so với PlayStation hay Switch nhưng Quest có thật sự tỏa sáng trên thị trường, còn tùy thuộc vào việc có những tên tuổi lớn nào phát triển game cho thiết bị này hay không. Có như vậy, Quest mới thật sự trở thành một tân binh game console đủ sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay với nhóm đối tượng khách hàng của riêng nó.
Tham khảo The Verge