Vậy là sau một thời gian dài phát hành trên các nền tảng khác, đến nay thì người chơi Nintendo Switch mới có dịp được trải nghiệm tựa game kinh dị sinh tồn Observer độc đáo lấy nhiều cảm hứng từ phim khoa học viễn tưởng kinh điển Blade Runner phiên bản năm 1982.
Nội dung trong game đưa người chơi đến với là thám tử điều tra Daniel Lazarski với khả năng “xâm nhập” vào tâm trí của người khác để truy tìm thông tin cần thiết cho mục đích điều tra. Mọi chuyện bắt đầu khi Daniel nhận được cuộc gọi bất thường từ người con trai đã lâu không còn liên lạc. Lo lắng sự an nguy của con, nhân vật truy tìm cuộc gọi đến một đầu mối là một khu chung cư và bất ngờ bị mắc kẹt lại không thể thoát ra. Từ đây, người chơi sẽ nhập vai Daniel để tiếp tục cuộc điều tra truy tìm con trai trước khi quá muộn.
Để hỗ trợ người chơi trong cuộc điều tra, nhân vật Daniel được trang bị Electromagnetic Vision dùng để quét các thiết bị điện tử và Bio Vision dùng để quét các bằng chứng sinh học. Bên cạnh đó, bạn còn có thể sử dụng thiết bị gọi là Dream Eater để có thể xâm nhập vào ký ức của NPC, giúp nhìn lại những gì đã diễn ra trước đó dưới góc nhìn của nhân vật đó, đào sâu thêm các thông tin cần thiết cho vụ án. Đây chính là những phân đoạn hấp dẫn nhất trong trải nghiệm mà Observer mang đến cho người chơi.
Vấn đề ở chỗ, Observer không phải là game điều tra đơn thuần. Trò chơi thuộc thể loại kinh dị sinh tồn và được trải nghiệm ở góc nhìn thứ nhất. Chính vì thế nên game “ném” vào rất nhiều thứ “hại tim” để ngăn cản bước chân tìm hiểu sự thật của bạn. Điều bất ngờ là yếu tố này lại được kết hợp hoàn hảo với tính năng HD Rumble trên hệ máy Nintendo Switch, rất dễ khiến những người chơi “yếu tim” bị giật mình đánh rơi cả máy như trường hợp của game Yomawari: The Long Night Collection.
Những phân đoạn xâm nhập tâm trí của kẻ tình nghi là những khoảnh khắc “hoàn hảo nhất” để Observer thực hiện những pha jump-scare “hại tim” này. Đó là những phân đoạn trải nghiệm khá dài nhưng cũng không kém phần căng thẳng khi bạn điều khiển nhân vật di chuyển và xem xét lại những gì đã diễn ra trong ký ức của kẻ tình nghi. Thế nhưng, đây cũng chính là điểm trừ của trò chơi vì mang cảm giác được nhà phát triển thiết kế kéo dài một cách cố ý để tăng thời gian trải nghiệm.
Phần lớn phần trải nghiệm này đều mang bầu không khí rùng rợn khá nặng nề. Từ những khu văn phòng, nơi “lắc lư quay cuồng” ở discotheque cho tới các khu rừng đều có một sự kết nối với nhau. Những hình ảnh kỳ quái, ánh đèn chớp tắt cùng mọi thứ hỗn loạn trong ký ức của các NPC luôn tạo thành những màn gây sợ hãi khá ấn tượng với hình ảnh siêu thực, mang đậm dấu ấn riêng của trò chơi. Tuy nhiên, tùy vào mỗi người chơi mà bạn có thể thích hoặc không thích cách xây dựng những câu đố này.
Đơn cử như có một phân đoạn khi nhân vật tìm cách đến gần một cái vòi hoa sen nhưng càng đến gần nó lại càng thấy nó xa hơn. Hay như một phân đoạn khác bạn sẽ thấy chiếc muỗng (thìa) bị xích vào cái bàn, nội việc suy nghĩ hay thậm chí suy diễn được ý nghĩa của nó cho mục đích giải đố cũng khá là hại não. Không những vậy, bên cạnh phần nội dung chính thì Observer lại lồng ghép trong đó nhiều câu chuyện cuộc sống riêng về các NPC khá thú vị, có thể để lại ít nhiều suy ngẫm cho người chơi.
Một ví dụ rõ nét nhất là câu chuyện về một NPC chỉ biết chìm đắm vào thế giới thực tế ảo, hoàn toàn chẳng để ý gì đến cuộc sống thực. Nếu không có quy trình “nội bất xuất, ngoại bất nhập” diễn ra ở khu chung cư mà bạn điều tra khiến anh ta không chơi game được nữa, nhân vật này có lẽ vẫn tiếp tục sống trong thế giới ảo của trò chơi điện tử. Những hình ảnh này rõ ràng không phải là một ngoại lệ ở thế giới thực hiện nay. Tiếc là nhà phát triển không bổ sung thêm nhiều những câu chuyện nhỏ như thế nhằm mang nhiều thông điệp ý nghĩa đến với người chơi trong trải nghiệm hơn.
Bên cạnh các phân đoạn xâm nhập ký ức khá ấn tượng và sợ hãi, người chơi sẽ phải tìm kiếm manh mối xung quanh hiện trường vụ án, xem xét các dữ liệu email hay tài liệu trên PC và chơi những minigame cũng như tương tác với cư dân ở đây thông qua hệ thống liên lạc nội bộ. Nhiều yếu tố tương tác quen thuộc từ game Layers of Fear của cùng nhà phát triển cũng được đưa vào game, chẳng hạn như mở cửa từ từ bằng cách sử dụng cần analog phải hay di chuyển thường xuyên ở những khu vực hành lang nhiều lối rẽ.
Tuy nhiên, không phải yếu tố gameplay nào trong Observer cũng đáng chào đón. Ở góc độ người chơi, tôi không thích lắm cơ chế quét đồ vật dựa trên hai thiết bị Electromagnetic Vision và Bio Vision, chủ yếu vì nó mang đến cảm giác quá tỉ mẫn khi thực hiện và mất nhiều thời gian để tìm kiếm những chi tiết vụn vặt. Nếu nhà phát triển sử dụng bổ sung thêm nhiều câu đố mang tính thực tế và không cần thiết sử dụng máy quét, trò chơi có lẽ sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với tập trung vào những câu đố dạng này.
Đã vậy, các phân đoạn hành động lén lút gây nhiều ức chế hơn là hào hứng. May mắn là nhà phát triển không lạm dụng quá nhiều đến mức có thể làm hỏng toàn bộ trải nghiệm. Yếu tố thu thập mang nặng yếu tố câu giờ nhằm kéo dài thời gian trải nghiệm cũng là một điểm mà tôi không thích. Mang đến cảm giác lẫn lộn nhất là các minigame, cảm giác có gì đó sai sai khi một nhân viên thi hành công vụ lại ngồi chơi game giết thời gian.
Phần trải nghiệm khám phá khu chung cư thì ngược lại, không mang đến cảm giác hấp dẫn và đáng sợ như khi xâm nhập vào tâm trí của người khác. Về cơ bản, người chơi có thể tự do khám phá khu chung cư nhưng đó vẫn là một không gian hạn hẹp khá hạn chế. Điều này tuy có thể là điểm cộng trong phần thiết môi trường màn chơi khá chi tiết, nhưng lại không giúp phiên bản Nintendo Switch có tốc độ khung hình ổn định hay chất lượng đồ họa có thể sánh với các nền tảng console khác.
Khi chơi ở chế độ dock, vấn đề độ phân giải thấp khá dễ nhận thấy trong trải nghiệm dù đây không phải là chuyện xa lạ với bất kỳ tựa game nặng về đồ họa nào trên Nintendo Switch. Điều thú vị là do đặc trưng trải nghiệm thường buộc người chơi phải di chuyển liên tục, cộng với việc nhà phát triển cũng sử dụng một số kỹ thuật để che giấu vấn đề này, nên bạn sẽ không dễ thấy nó trừ khi chịu khó quan sát thật kỹ. Ở chế độ handheld thì mọi thứ đỡ hơn rất nhiều, có lẽ phần lớn nhờ độ phân giải giảm đi nên không đòi hỏi hiệu năng cao và kích cỡ màn hình máy tương đối nhỏ, che đi được nhiều khuyết điểm trong đồ họa của trò chơi.
Sau cuối, Observer là một tựa game kinh dị sinh tồn với một số dấu ấn rất riêng. Tuy nhiên, trò chơi có hơi lạm dụng một số yếu tố để kéo dài thời gian trải nghiệm là một điểm trừ không nhỏ. Nếu yêu thích thể loại này thì đây là một tựa game khá thú vị để bạn cân nhắc, đặc biệt khi khả năng chơi game cơ động trên nền tảng Nintendo Switch và thể loại khá hiếm hoi trên nền tảng này cũng đã là một điểm cộng không nhỏ.
Observer được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác