Ngày nay mọi người đều dễ dàng chụp ảnh, chụp rất nhiều ảnh, nhưng ít khi xem ảnh, ngắm ảnh. Do vậy, “trong tương lai, chúng ta sẽ chụp ảnh mọi thứ và không nhìn thấy thứ gì”. Đó là nỗi buồn của một nhà nhiếp ảnh.
Trong bài báo “In the future, we will photograph everything and look at nothing” (The New Yorker, 4/4/2016), nhà nhiếp ảnh, nhà báo công nghệ Om Malik quan sát trào lưu thiết bị di động với nỗi buồn man mác. Sinh trưởng tại nước Ấn, nay sinh sống tại nước Mỹ, Malik dường như vừa mừng vui, vừa u hoài khi chứng kiến những bước tiến vũ bão của công nghệ trong thời gian chưa hết một đời người. Chắt chiu từng bức ảnh để có một tác phẩm nghệ thuật tưởng như là niềm vui vĩnh cửu, nhưng nay gần như chỉ là sự loay hoay của một số ít người trong góc hẹp của mình, tựa như con dã tràng tẩn mẩn, bất kể cơn sóng hình ảnh trào dâng mỗi ngày trên Internet. “Nhiếp ảnh số” vốn là thú vui thời thượng nhưng cũng đang trôi đi do những cơn sóng mới. Có lẽ không chỉ Malik mới có tâm trạng ngổn ngang như vậy…
Tôi bắt đầu yêu thích chụp ảnh từ khi tôi đăng ký dùng Instagram. Trước đó, tôi không quan tâm đến nhiếp ảnh lắm, đơn giản vì tôi lười mua máy ảnh và tôi không hiểu giá trị của những cảm xúc bên trong bức ảnh. Khi tôi lớn lên, gia đình tôi không có điều kiện để mua máy ảnh. Mỗi năm một lần, chúng tôi diện bộ đồ đẹp nhất và đi đến một tiệm chụp ảnh trong vùng. Chỉ thế thôi. Có khi chúng tôi được chụp ảnh trong vài dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc đám cưới, nhờ một người bạn hoặc một người trong họ mang máy ảnh đến, hoặc ai đó mời thợ chụp ảnh.
Mặc dù ký ức của tôi về thời thơ ấu, về tuổi thiếu niên và những tháng năm đại học vẫn còn rất sống động, chỉ một số rất ít kỷ niệm được lưu lại bằng những bức ảnh. Hầu hết kỷ niệm của tôi được gợi nhớ bởi một bài hát đã từng nghe, một phim truyện đã từng xem hoặc một nơi chốn nào đó. Vì ngày trước tôi không có máy ảnh, hầu hết kỷ niệm chỉ tồn tại trong ký ức của tôi.
Hiện giờ ở đây, mọi người đều có thể chụp ảnh. Từng khoảng khắc trong cuộc sống đều được ghi lại bằng bức ảnh. Đối với tuổi thiếu niên, như mấy cháu gái của tôi, chuyện “dàn hàng trước ống kính để chụp ảnh” là quá lỗi thời. Bọn trẻ mở Snapchat suốt ngày và chia sẻ ảnh chụp hầu như mỗi phút. Chúng lớn lên trong thời đại Internet tốc độ cao, điện thoại chụp ảnh chất lượng cao và dung lượng lưu trữ ảnh vô hạn trên mạng. Đối với bọn trẻ, giá trị của một bức ảnh chỉ là phù du.
Mỗi ngày có 60 triệu bức ảnh mới được chia sẻ ở Instagram. Riêng ở Facebook, có 300 triệu bức ảnh được chia sẻ mỗi ngày. Hiện nay nhân loại có khoảng hai tỉ điện thoại thông minh, nếu tạm giả thiết một cách rất khiêm tốn rằng mỗi người dùng điện thoại thông minh chỉ đưa lên mạng hai bức ảnh mỗi ngày thông qua các dịch vụ khác nhau, vậy là mỗi ngày có thêm bốn tỉ bức ảnh mới. Tôi chợt nhớ đến một câu trong quyển sách “Bàn về nhiếp ảnh” (“On Photography”) năm 1977 của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Susan Sontag: “Ngày nay, bất cứ thứ gì tồn tại cuối cùng sẽ được giữ lại trong một bức ảnh”.
Lời khẳng định của Sontag cũng đến trong đầu tôi khi tôi đọc tin nói rằng Google quyết định cho dùng miễn phí bộ công cụ xử lý ảnh Nik Collection. Nik Collection vốn có giá 149 USD, là bộ công cụ bổ sung cho Adobe Photoshop và Adobe Lightroom được những người chụp ảnh rất yêu thích.
Trước khi Google mua Nik vào năm 2012, Nik Collection có giá đến 500 USD, gồm bảy công cụ chuyên dùng cho phép người chụp ảnh có thể tạo được các hiệu ứng giống như khi xử lý ảnh chụp bằng phim trong phòng tối ngày trước. Do khả năng xử lý tinh tế của Nik Collection, tôi cũng như nhiều nhà nhiếp ảnh khác đã không ngần ngại trả giá đó để mua Nik Collection. Nik Collection có thể làm cho bức ảnh trung bình trở nên đẹp tuyệt vời. Cũng như nhiều người, tôi tự hỏi vì sao Google lại cho không bộ công cụ Nik Collection?
Tôi đoán rằng Google muốn loại bỏ Nik Collection nhưng ngại người dùng phản đối. Còn nhớ, khi Google quyết định loại bỏ dịch vụ Google Reader, người dùng Google Reader đã phản đối quyết liệt. Những người say mê Nik Collection thậm chí sẽ phản đối dữ dội hơn. Bằng cách cho không Nik Collection, Google có thể loại bỏ bộ công cụ này một cách nhẹ nhàng, không phải cập nhật chúng nữa và không bị ai phản đối. Như Google đã giải thích khi công bố quyết định miễn phí Nik Collection, họ muốn “tập trung đầu tư dài hạn cho việc xây dựng các công cụ xử lý ảnh tuyệt vời trên thiết bị di động”. Có lẽ Google muốn tập trung vào Google Photos và ứng dụng Nik Snapseed trên điện thoại. Tôi nghĩ, theo thời gian, Nik Collection sẽ dần biến mất giống như máy ảnh dùng phim vậy.
Lời giải thích gây thất vọng của Google phản ánh sự dịch chuyển của công nghệ trong thực tế. Chắc chắn mọi người đều thích nghe nhạc bằng đĩa nhựa, nhưng điều này không có nghĩa nghe nhạc từ dịch vụ trực tuyến như Spotify là tệ hại. Chỉ đơn giản là nhạc trực tuyến thích hợp hơn cho cuộc sống hiện tại. Tôi yêu quý giấy và mực, nhưng tôi cũng thấy những ích lợi của iPad và Apple Pencil. Nghệ thuật nhiếp ảnh số (digital photography) đang có những đổi thay tương tự. Phải thừa nhận Google đã có quyết định sáng suốt khi tập trung vào việc xử lý ảnh nhanh gọn trên thiết bị di động.
Để hiểu được quyết định của Google, phải hiểu được sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta với những bức ảnh. Từ máy ảnh dùng phim chuyển qua máy ảnh số, rồi đến iPhone, việc chụp ảnh và lưu trữ ảnh ngày càng dễ hơn. Ngày nay thậm chí chúng ta bấm máy không một chút cân nhắc. Khoảng hai năm trước, anh bạn tôi, Peter Neubauer, người sáng lập công ty Neo Technology ở Thụy Điển chuyên về cơ sở dữ liệu, nói với tôi rằng đang có sự dịch chuyển giá trị của nghệ thuật nhiếp ảnh: từ cảm xúc thẩm mỹ của một nghệ sĩ riêng lẻ chuyển qua sự kết nối cảm xúc của nhiều người thông qua mạng xã hội như Facebook và Instagram. Anh ấy nói rằng trong tương lai “giá trị sáng tạo của nhiếp ảnh đến từ sự sắp đặt nhiều bức ảnh cùng với nhau để diễn đạt một điều gì đó hoàn toàn khác”.
Có lẽ bạn tôi có lý vì hiện nay mọi người chụp quá nhiều ảnh đến mức còn rất ít thời gian để thưởng thức ảnh. Bức ảnh chỉ còn là phương tiện ghi nhớ, không hơn gì việc đánh dấu một trang mạng khi dùng trình duyệt. Và cũng giống như việc đánh dấu trang mạng trong trình duyệt, chỉ vài tháng sau, thật khó tìm lại một bức ảnh nào đó đã chụp, tìm lại một khoảnh khắc nào đó đáng nhớ. Google đã làm cho việc đánh dấu tạm bợ một trang mạng trở nên thừa. Mỗi khi chúng ta nghĩ đến điều gì đó, chúng ta chỉ đơn giản dùng Google để tìm. Đối với những bức ảnh đã chụp, chúng ta cũng bắt đầu ứng xử như vậy.
Do hiện nay mọi người đều say mê chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh selfie, việc sắp xếp, chỉnh sửa những bức ảnh đã chụp vượt khỏi tầm tay của mỗi người, nên phải phó thác cho máy móc. Dịch vụ như Google Photos có khả năng xem xét từng bức ảnh, tự động loại bỏ các ảnh giống nhau, phân loại ảnh, tập hợp các ảnh của một chuyến đi và tạo luôn ảnh động GIF để bạn chia sẻ với người khác. Chức năng Assistant của Google Photos thậm chí còn chỉnh sửa ảnh giùm bạn. Facebook cũng rất thông minh trong việc sắp xếp các bức ảnh theo thời gian và phân loại theo các mối quan hệ. Con người chỉ đơn giản chất đống những bức ảnh của mình và máy móc làm mọi việc còn lại.
Google, Facebook và Instagram chủ động dời việc xử lý ảnh khỏi máy tính để bàn, chuyển qua các thiết bị di động kết nối Internet liên tục. Phần mềm trên các thiết bị như vậy được xây dựng để hoạt động trong môi trường mạng, chứ không phải để làm việc trên một máy tính riêng lẻ. Chính vì vậy mà phần mềm như Nik Collection trở nên không cần thiết. Ngày nay, mọi người đều dễ dàng chụp được bức ảnh tử tế, dễ dàng tìm ảnh và chia sẻ, không cần chút cố gắng nào.
Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trong tôi vui sướng vì những dịch vụ mạng thông minh, phần mềm thông minh cho phép xử lý ảnh nhanh chóng ngay trong chuyến đi. Nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp trong tôi tự hỏi: có phải việc xử lý ảnh trên máy tính rồi sẽ giống như sự sống sót của việc chụp ảnh bằng phim hiện nay, chỉ còn là thú vui xa xỉ, chỉ còn là nỗ lực đầy hoài niệm để giành lại cho mình những việc mà máy móc đã lấy đi? Tôi tự hỏi nhà nhiếp ảnh Sontag sẽ làm gì với tương lai như vậy.
Hoàng Ngọc Giao lược dịch