No Place for Bravery là game hành động nhập vai được chấp bút từ những câu chuyện có thật ngoài đời. Trải nghiệm game được xây dựng trên nền đồ họa pixel khá ấn tượng, kết hợp cùng hệ thống chiến đấu đậm tính thử thách lấy cảm hứng từ Sekiro: Shadows Die Twice. Thế nhưng, đây cũng là vấn đề lớn nhất của trò chơi vì trải nghiệm chiến đấu chưa thỏa mãn, cộng với thiết kế game mang nặng cảm giác bất công, đẩy người chơi vào những khoảnh khắc bất đắc kỳ tử đầy ức chế.
Trải nghiệm No Place for Bravery đưa người chơi đến với Thorn. Trước đây, nhân vật chính từng là thành viên của đội hộ vệ nhưng nay đã gác kiếm, mở quán rượu lấy công làm lời để nuôi sống gia đình. Bi kịch bắt đầu khi Thorn đi săn cùng con gái thì Leaf bị tên pháp sư bí ẩn bắt cóc. Sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, Thorn bất ngờ thu được manh mối và cùng con trai nuôi lên đường thực hiện giải cứu, trả thù cho những năm tháng cha con chia cắt và cái kết bất ngờ.
Điểm cộng lớn nhất của No Place for Bravery là trò chơi xây dựng cốt truyện rất tốt, có đầy đủ những truyền thuyết về thế giới trong game thông qua phần mô tả vật phẩm, các mảnh giấy ghi chép, giai thoại, thậm chí huyền thoại và truyện dân gian. Khía cạnh này được đội ngũ phát triển chăm chút khá tinh tế, không tạo cảm giác khiên cưỡng trong việc tiếp nhận lượng thông tin liên tục thông qua trải nghiệm game, nhưng đáng tiếc nó cũng không được xây dựng hoàn hảo.
Người viết có cảm giác nhà phát triển muốn phô diễn đồ họa thông qua khám phá và chinh chiến nhiều hơn. Nhiều tình tiết xảy ra thiếu sự kết nối liền mạch với nhau, nếu không nói có phần tách rời khỏi ngữ cảnh đang diễn ra trong trải nghiệm game. Ngược lại, hai yếu tố khám phá và chiến đấu mang tới cho người viết khá nhiều cảm nhận trái chiều. Cụ thể, khám phá không tạo cảm giác tưởng thưởng khi phần lớn những gì bạn thu thập cho việc đi lòng vòng chỉ là tiền.
Tiền tuy cần thiết để mở khóa kỹ năng mới của nhân vật, nhưng ở thời điểm đầu trải nghiệm nó khá vô dụng và bạn cũng không cần cày cuốc nhiều vì nó. Không những vậy, khía cạnh chiến đấu dù mang nhiều màu sắc soulslike, nhưng khoảnh khắc cho người chơi phản xạ bấm nút lại cực ngắn. Đơn cử phản đòn (parry) đòi hỏi bạn phải có phản ứng nhanh như chớp trước đòn tấn công của kẻ thù. Thế nhưng trong phần lớn trường hợp, người viết gần như không thể thực hiện parry khi cần.
Vấn đề nằm ở thiết kế hệ thống chiến đấu không ưu tiên cho những kỹ năng quan trọng, chẳng hạn né tránh hay parry. Thay vào đó, mỗi hành động của Thorn đều phải thi triển hết số khung hình (frame) nhất định thì nhân vật mới có thể thực hiện hành động khác. Thế nhưng khoảnh khắc đó lại rất dễ trúng đòn tấn công và kẻ thù cũng tương tự. Thú vị hơn là chúng cũng có thể vô tình tấn công lẫn nhau nếu đứng trong tầm đánh của đồng bọn, nhưng lợi thế hiếm khi thuộc về bạn.
Không những vậy, No Place for Bravery còn thiết kế kẻ thù thường đánh hội đồng người chơi cả tầm gần lẫn tầm xa. Đáng nói, nếu kẻ thù bắt đầu “chạy” các khung hình diễn hoạt tấn công, ngay cả khi bạn công kích thì chúng vẫn đánh trúng bạn mà không bị hủy đòn rất vô lý. Vấn đề ở chỗ bạn chỉ có một mình, trong khi kẻ thù thường dùng chiến thuật hèn hạ là tấn công từ xa khuất góc nhìn lẫn cận chiến với số lượng áp đảo. Đã vậy, nhiều đoạn còn chủ ý thiết kế để đẩy bạn vào cửa tử.
Đó là những phân đoạn đi cảnh đòi hỏi người chơi phải len lỏi giữa các điểm nhảy để tìm đến công tắc và xung quanh là kẻ thù đứng khắp nơi bắn bạn liên tục. Chỉ cần trúng đòn đúng khoảnh khắc đang nhảy là Thorn rơi thẳng xuống vực mất máu và điều này rất thường xảy ra. No Place for Bravery còn gây ức chế khi kẻ thù thường tấn công theo số đông khiến ngay cả chơi phòng thủ, bạn cũng khó lòng trở tay kịp trước cái chết từ những mũi tên bay tá lả và kiếm chém đúng kiểu bất ngờ chưa bà già.
Mặc dù hệ thống chiến đấu của No Place for Bravery lấy cảm hứng từ Sekiro: Shadows Die Twice, nhưng trải nghiệm chiến đấu lại không mang tới cảm giác thỏa mãn như cái tên kể trên do cân bằng game chưa được chú trọng. Đơn cử khi bạn tấn công khiến kẻ thù cạn stamina và mất thế tấn, thay vì gây choáng đủ lâu để bạn thực hiện một đòn chí mạng thì tựa game của nhà phát triển Glitch Factory chỉ gây choáng không tới ba nốt nhạc. Thời gian này hiếm khi đủ để tiếp cận kẻ thù chứ đừng nói ra đòn.
Đặc biệt ức chế là thanh stamina trong No Place for Bravery ít và chờ hồi khá lâu. Nó tới mức nhiều khi bạn phá được thế tấn của kẻ thù thì Thorn cũng cạn stamina và không thể tận dụng cơ hội đó để đảo ngược trận chiến. Cơ chế đỡ đòn trong game cũng có vấn đề về khoảnh khắc, thường khiến tôi có cảm giác độ trễ của nút đỡ đòn rất cao. Tôi nghĩ vấn đề là do trò chơi thiết kế diễn hoạt tấn công theo số lượng khung hình nhất định, khiến đỡ đòn chỉ khả thi một khi nhân vật “đi” hết bài quyền.
Những vấn đề kể trên hợp lại với nhau cộng với đòn tấn công không tạo cảm giác có uy lực, rất dễ khiến Thorn trúng đòn khi đang đi bài quyền liên hoàn. Nó khiến người viết khó lòng cảm nhận được thời khắc nào cần tấn công và khi nào nên đỡ đòn. Khó hiểu nhất là khả năng né tránh của nhân vật chính dường như chỉ phục vụ cho mục đích đi cảnh là chính. Trong chiến đấu, kỹ năng cơ bản này gần như không có tác dụng gì vì độ trễ thực thi cao và kẻ thù lúc nào cũng “trên cơ” người chơi.
Đó là tôi đang nói đến vấn đề kẻ thù luôn nhắm rất chính xác vào hướng bạn di chuyển, buộc người chơi phải bấm nút đỡ liên tục hoặc thường xuyên di chuyển và phản công theo chiến thuật đánh du kích rất mất thời gian. Kẻ thù thông thường đã thế chứ miniboss và boss còn lợi hại hơn rất nhiều. Đòn tấn công của chúng có hitbox rất rộng, khiến việc né tránh gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Khi đó, quan sát thật kỹ và chiến thuật du kích lại tiếp tục phát huy.
Ngoài ra vẫn còn một số vấn đề mà tôi không thể không đề cập. Đầu tiên là thiết kế nút bấm của No Place for Bravery rất thiếu trực quan và rườm rà không cần thiết. Thế nhưng, trò chơi lại không cho phép bạn tùy biến nút bấm theo thói quen. Hiệu năng của game cũng không tốt, cụ thể là trên hệ máy của Nintendo. Tuy không biết có bù đắp nổi không, nhưng ít nhất trò chơi cũng xây dựng khía cạnh nghe nhìn khá ấn tượng. Đồ họa mang phong cách rất riêng với mức độ chi tiết rất cao.
Tuy nhiên, hình ảnh trong No Place for Bravery lại có điểm trừ liên quan đến thiết kế. Trò chơi có những khoảnh khắc hình ảnh được phóng to khiến điểm ảnh nhỏ nhắn xinh xắn ban đầu trở thành cái gai trong mắt người chơi khi mọi thứ đều bị “rổ”, đặc biệt là tạo hình nhân vật. Những phân đoạn này không phải hiếm trong trải nghiệm game, nhất là khi Thorn kết liễu kẻ thù. Không những vậy, những phân đoạn kết liễu nói trên có diễn hoạt kém hào hứng, nhìn giống như dùng ảnh tĩnh ghép lại vậy.
Ngược lại, nhạc nền là điểm cộng khiến người viết cảm thấy ấn tượng và thường phải đeo tai nghe khi trải nghiệm game. No Place for Bravery sử dụng những bản nhạc có giai điệu rất đặc trưng và đặc biệt cực “chất”, mang tới bầu không khí bi ai lẫn hùng tráng và luôn phù hợp với ngữ cảnh trong trải nghiệm. Tuy nhiên, không biết có phải chủ ý của nhà phát triển hay lỗi game, nhưng thỉnh thoảnh tôi nghe thấy những đoạn nhạc như bị lặp liên tục trong khoảng mười nốt nhạc.
Sau cuối, No Place for Bravery mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động để lại cảm giác khá trái chiều. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện hấp dẫn và khía cạnh nghe nhìn xuất sắc. Tuy nhiên, hệ thống chiến đấu gây nhiều ức chế vì thiết kế bất công và cơ chế điều khiển thiếu trực quan. Chính vì thế, đây là cái tên khá đáng cân nhắc dành cho những ai thích cảm giác tự vượt qua chính mình và đủ kiên nhẫn hơn.
No Place for Bravery hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!