Nioh 2 là tựa game hành động nhập vai tiếp nối thành công từ phần đầu trong series Nioh được phát hành cách đây vài năm, sở hữu nhiều cải tiến gameplay hấp dẫn.
Kỳ thực, gọi Nioh 2 là hậu bản cũng không hẳn chính xác khi phần chơi này lấy bối cảnh thời Chiến Quốc Nhật Bản vào năm 1555, tức gần 50 năm trước khi nhân vật chính trong Nioh dong thuyền đến Nhật Bản trong thời kỳ loạn lạc này. Mục đích của việc thay đổi thời gian có lẽ để trao cho người chơi cơ hội được tùy biến nhân vật riêng trong trải nghiệm, mà không cần phải loại bỏ “trai đẹp” William vì nhiều lý do, chẳng hạn như để dành cho Nioh 3 trong tương lai. Nhân vật của người chơi là Shiftling với khả năng tùy biến cao, đến cả tạo hình sừng quỷ chứ không chỉ đơn thuần cho phép thay đổi về giới tính. Đây là cách gọi một sinh thể nửa người nửa quỷ trong game.
Ở góc độ người chơi, lựa chọn xây dựng nội dung như Nioh 2 là một bước lùi so với phần chơi trước, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến mức khiến tôi xem là điểm trừ. Phần lớn vì nội dung của Nioh cũng không để lại nhiều dấu ấn, nhất là khi phần giới thiệu William diễn ra “quá nhanh quá nguy hiểm”. Tuy nhiên, cách làm cũ khiến người chơi dễ kết nối với nhân vật chính hơn so với phần chơi mới, xét cho cùng cũng chỉ là được cái này mất cái kia. Cá nhân tôi vẫn thích khả năng được tùy biến nhân vật gắn bó với mình trong suốt trải nghiệm hơn là điều khiển một nhân vật được xây dựng sẵn. Chỉ có một điều khá rầu là tạo hình nhân vật nữ trong bộ giáp samurai nhìn không còn chút gì yểu điệu thục nữ, gần như không thể phân biệt giới tính.
Tuy hai phần chơi không chia sẻ nhiều về tuyến nội dung nên có thể trải nghiệm độc lập, nhưng sự xuất hiện của một số gương mặt quen thuộc sẽ khiến người chơi cũ ít nhiều cảm thấy hào hứng với sinh khí mới mà Nioh 2 mang đến. Chẳng hạn đồ họa ấn tượng hơn dễ dàng nhận thấy ngay từ những thước phim chuyển cảnh hay thiết kế môi trường có mức độ chi tiết rất cao. Hình dựng các nhân vật vô cùng sắc nét và tạo hình kẻ thù rất ấn tượng và đa dạng. Chuyển động của nhân vật cũng không hề ngoại lệ. Thiết lập hình ảnh vẫn cho phép người chơi lựa chọn giữa Action Mode, chấp nhận đánh đổi độ phân giải để đạt tốc độ khung hình 60fps trong khi Movie Mode thì ngược lại, duy trì tốc độ khung hình 30fps để đổi lấy độ phân giải 2K.
Có một điều khá thú vị là nhiều người chơi vẫn thường so sánh Nioh với Dark Souls. Thế nhưng, có lẽ ít người biết Ninja Gaiden phiên bản làm lại phát hành trên Xbox vào năm 2004 mới chính là “cụ tổ” mấy đời của series game nói trên. Nioh chỉ sinh sau đẻ muộn với nhiều cải tiến cơ chế gameplay cũng như đại tu mọi mặt, nhằm mục đích mang đến một trải nghiệp hấp dẫn và không kém phần thử thách hơn. Cảm giác chiến đấu linh hoạt trong Ninja Gaiden cũng chính là thứ mà Nioh 2 kế thừa rất tốt sau thành công sau phần chơi đầu tiên của series này. Tâm điểm của trải nghiệm vẫn là hệ thống chiến đấu “ác bá” có phần quen thuộc với người chơi cũ, nhưng mang nhiều tinh chỉnh cơ chế gameplay phức tạp hơn nếu bạn là người chơi mới.
Ngoài một số thay đổi, bổ sung để tạo cảm giác trải nghiệm hấp dẫn và mới mẻ hơn, hệ thống chiến đấu trong Nioh 2 vẫn giữ nguyên nhiều cơ chế gameplay cũ. Nó vẫn đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn quan sát và đọc vị được các đối thủ AI trước khi quyết định tung đòn vào thời điểm đối thủ hớ hênh. Nếu như “khoảnh khắc quyết định” đó khiến người chơi hào hứng một khi thao tác chuẩn xác, thì cái cảm giác khi đánh bại được kẻ thù sau nhiều lần “quyết tử” mới là yếu tố phần thưởng khiến bạn cảm thấy “say máu” với trải nghiệm nhất. Đó là cảm giác vô cùng thỏa mãn và rất dễ gây nghiện, kích thích người chơi tiếp tục thử sức lại một lần nữa ngay cả khi bạn đã để nhân vật chết đi sống lại nhiều lần.
Chiến đấu trong Nioh 2 vẫn xoay quanh hệ thống Ki cũng như các hành động đỡ đòn và né tránh quen thuộc. Ki tương tự như thể lực trong Sekiro: Shadows Die Twice và có thể tự hồi khi nhân vật có khoảng thời gian “nhàn rỗi”. Thế nhưng, nếu bạn để thanh này cạn thì hậu quả chẳng bao giờ tốt đẹp trong trận chiến cả. Cũng giống phần đầu của series, nhân vật chính có thể dùng thuật Ki Pulse để hồi khẩn cấp thanh này. Tuy thiết kế này khá giống tính năng Active Reload trong Gears 5 khi mang đến chút yếu tố chiến thuật và lợi thế cho người chơi khi chiến đấu, nhưng lại khiến trải nghiệm chiến đấu trở nên phức tạp không cần thiết trong một số trường hợp, nhất là khi người chơi đã có quá nhiều việc phải làm và thao tác bấm nút.
Đây cũng là điểm khác biệt so với trải nghiệm “nhẹ nhàng hơn” trong Gears 5. Ngược lại, Nioh 2 cũng có nhiều bổ sung đáng chào đón. Một trong số đó là các loại vũ khí mới, mang đến cảm giác chiến đấu rất khác biệt khi kết hợp với ba thế thủ thượng, trung và hạ quen thuộc, kế thừa từ phần chơi trước. Tư thế thượng có khả năng tấn công gây sát thương cao nhưng ra đòn chậm chạp, còn trung thì cân bằng giữa sát thương và sự linh hoạt trong chiến đấu. Cuối cùng là tư thế hạ, mang đến khả năng tấn công “nhanh gọn lẹ” bù lại cho yếu tố sát thương thấp. Tùy vào từng đối thủ cụ thể hoặc lối chơi của mỗi người mà bạn nên lựa chọn vũ khí cũng như tư thế tương ứng.
Đơn cử như gặp đối thủ linh hoạt vung kiếm nhanh như gió, rõ ràng không phù hợp để đối đầu bằng cây rìu “chà bá” ở thế thượng vốn khá “lề mề” khi ra đòn. Đó là chưa nói đến việc sử dụng vũ khí quen tay trong thời gian đủ dài còn đem đến nhiều lợi ích cho người chơi trong chiến đấu. Một điểm mới đáng chú ý trong Nioh 2 là Soul Core và sử dụng Anima khi thay vì Ki quý giá. Về cơ bản, người chơi có thể thu thập Soul Core từ việc diệt quỷ cộng với mức độ may mắn của bạn. Nói đơn giản thì nó sẽ giúp tăng khả năng chiến đấu của nhân vật và không chỉ có thế. Ở góc độ người chơi, nó có khi là cứu cánh trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” và vô cùng hữu dụng nếu được kích hoạt đúng thời điểm.
Thế nhưng, đáng chú ý nhất là Dark Realm, một “vùng tối cách ly” được thiết kế dường như để buộc người chơi phải cân nhắc việc sử dụng Ki Pulse dù muốn hay không. Về cơ bản, nó khá giống Yokai Realm mà lũ quỷ trong Nioh thường hay “phát tiết” trước đây, nhưng với quy mô lớn hơn. Trong Nioh 2, đây thường là khu vực rộng lớn và đòi hỏi cẩn thận nhiều hơn vì hồi Ki lâu hơn so với bình thường. Một sơ suất nhỏ của người chơi trong việc “điều phối” Ki cũng dễ dàng khiến nhân vật chết tức tưởi dưới bàn tay một con quỷ nhãi nhép nào đó, chứ đừng nói tới mini-boss. Không những thế, kẻ thù trong khu vực này thường có xu hướng tạo Yokai Realm và hung hăng hơn, dễ phát sinh tình huống “chạy đâu cho thoát” với người chơi hơn.
Đáng nói, mặc dù bổ sung nhiều cơ chế gameplay hấp dẫn hơn, nhưng Nioh 2 không ít lần tạo cho tôi cảm giác bất công trong trải nghiệm. Một trong số đó là góc nhìn camera được thiết kế như kẻ thù vô hình của người chơi. Không ít trường hợp tôi phải loay hoay xoay góc nhìn để bao quát không gian chiến đấu, dẫn đến sơ hở nhất thời và khiến nhân vật chết oan mạng không ít lần, vô cùng ức chế. Đó là chưa kể hầu hết boss đều có thể khiến nhân vật “nát như tương” chỉ trong một nốt nhạc, kết hợp với việc vận dụng Ki Pulse trong chiến đấu càng khiến vấn đề tưởng chừng nhỏ như con thỏ này trở nên to như cái bánh xe bò. Đã vậy, kẻ thù từ “baby” đến boss còn biết tung động tác giả để nhử người chơi tấn công sớm và lãnh hậu quả.
Không những thế, thiết kế môi trường màn chơi đôi khi khá chật hẹp chẳng khác nào những cái bẫy chết người. Kết hợp cùng góc nhìn camera “thích nhây” và các đòn tấn công cơ bản chiếm nhiều không gian di chuyển của nhân vật chính, đôi khi cũng biến “con đường màu xanh” trở thành nấm mồ xanh cỏ của người chơi trong chớp mắt. Thiết kế dường như cố ý này khiến trải nghiệm chiến đấu không chỉ đòi hỏi sự phối hợp bấm nút nhịp nhàng và đúng thời điểm của người chơi, mà còn buộc bạn phải chú ý đến môi trường xung quanh và cả góc nhìn camera “cần dũa lại cái nết” nữa, không ức chế mới lạ. Chưa hết, không có bạn chơi co-op cùng mà phải viện đến “người chơi” AI cũng là một câu chuyện đáng buồn khác.
Trong suốt trải nghiệm Nioh 2, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những oan hồn chết tức tưởi được thể hiện bằng màu đỏ và những “người chơi” AI màu xanh. Bạn có thể thách đấu linh hồn đỏ (Revenant) để kiếm Ochoko “cúng” cho linh hồn xanh (Benevolent Grave) trong trường hợp cần người hỗ trợ, chẳng hạn như đánh boss. Vấn đề ở chỗ, AI trong trường hợp này chỉ phù hợp với những trận đánh quái tép riu chứ vào đấu boss chỉ cỡ chục giây là thành “đăng tiên”, chẳng khác nào gánh nặng khi người chơi cần viện trợ. Tất nhiên, trình độ AI “bèo bọt” cũng tương tự với các Revenant để bạn dễ dàng kiếm vật phẩm Ochoko hơn, nhưng nếu thế thì triệu hồi AI để làm gì khi chúng vô tích sự trong những trận đánh boss khó nhằn vốn cần hỗ trợ hơn?
Sau cuối, Nioh 2 mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng đi kèm một số vấn đề hết sức khó chịu liên quan đến các cơ chế gameplay, có thể trở thành điểm trừ không hề nhỏ với không ít người chơi. Nếu bạn không để tâm đến những vấn đề này, đây chắc chắn sẽ là cái tên rất đáng chú ý với những ai yêu thích thử thách và thể loại này, đặc biệt là “fan cứng” của series Nioh.
Nioh 2 hiện chỉ có cho PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!