Nine Witches: Family Disruption là game phiêu lưu giải đố đồ họa pixel, gợi nhớ đến những cái tên kinh điển cùng thể loại của nhà phát triển LucasArts ngày xưa. Trò chơi sở hữu câu chuyện kể hài hước về cuộc phiêu lưu của giáo sư nghiên cứu tâm linh Alexei Krakovitz và người trợ lý Akiro Kagasawa của ông, khi cả hai cố gắng ngăn chặn âm mưu của Hitler vào thời điểm gần cuối Thế Chiến thứ hai. Nhiêu đó có lẽ cũng vừa đủ để bạn tò mò về nội dung nhuốm đầy màu sắc tâm linh khá hài hước, nhưng đáng tiếc đó không phải là điểm cộng của trò chơi.
Nội dung trong Nine Witches: Family Disruption có rất nhiều câu thoại mang tính đùa cợt không phù hợp với tính cách của tôi. Nó được biên kịch chấp bút khá lầy lội, “bựa” và có tính đùa dai quá đáng. Ban đầu những tình tiết chọc cười này cũng khiến tôi bật cười, nhưng khi các yếu tố bẩn bẩn dơ dơ gây cười xuất hiện còn kèm theo âm thanh nhạy cảm thì bắt đầu phản tác dụng. May mắn thay, nội dung game cũng không hoàn toàn bị phá hỏng bởi những yếu tố hài hước “bốc mùi” nói trên. Trò chơi xây dựng thế giới game và câu chuyện vừa hài vừa có chút gì đó rùng rợn.
Đội ngũ biên kịch chơi chữ khá nhiều dù không phải tất cả trường hợp đều đáng khen ngợi hay đủ khiến bạn bật cười khi phát hiện ra. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy phiền lòng là Nine Witches: Family Disruption không có tính năng dịch chuyển nhanh giữa các địa điểm. Vấn đề này kết hợp với nhịp độ game chậm rãi, ít nhiều cũng khiến tôi khó chịu vì thao tác đi đi về về liên tục trên ‘con đường xưa’ do lối chơi đặc trưng, đòi hỏi bạn phải di chuyển và tương tác. Nó đặc biệt khó chịu khi trải nghiệm game có rất nhiều địa điểm mà người chơi phải khám phá.
Đây là một trong những tính năng nên có trong bất kỳ tựa game point-and-click nào ở thời điểm hiện nay, nhất là những trải nghiệm có rất nhiều địa điểm tương tác như Nine Witches: Family Disruption. Đáng chú ý, tựa game của nhà phát triển Indiesruption vẫn sở hữu lối chơi point-and-click quen thuộc, nhưng bổ sung một số cơ chế gameplay nhằm tạo dấu ấn riêng. Một trong số đó là những phân đoạn bắn súng, buộc bạn phải di chuyển nhân vật né tránh đường đạn của kẻ thù. Đồng thời, người chơi cũng phải tranh thủ những khoảnh khắc ngang hàng với chúng để làm điều ngược lại.
Vấn đề ở chỗ, nhân vật Akiro sử dụng súng dỏm bắn như đuổi ruồi đã đành, lâu lâu còn bị kẹt súng. Đó là chưa kể những phân đoạn này ban đầu khá dễ, nhưng càng về sau thì độ khó càng tăng cao. Kẻ thù không những nhiều máu hơn mà chúng cũng đông hơn, trong khi người chơi chỉ một thân một mình nhưng còn phải bảo vệ giáo sư Alexei. Về sau, Nine Witches: Family Disruption bổ sung nhiều vũ khí xịn gây sát thương “khủng” hơn, nhưng lại khá hạn chế về đạn dược chứ không để bạn làm rambo đi rải vỏ đạn trong các phân đoạn này như những tựa game hành động.
Mặt khác, thay vì chỉ một nhân vật thì người chơi sẽ điều khiển qua lại giữa hai nhân vật chính, nhưng chủ yếu vẫn là Akiro. Về cơ bản, giáo sư Alexei là người khuyết tật và không thể tự do di chuyển cũng như hành động nếu không có sự hỗ trợ của anh chàng trợ lý người Nhật nói trên. Dù vậy, nhân vật này lại có khả năng “lên đồng” và trò chuyện với người chết, khá hữu ích để khai thác thông tin, phục vụ cho mục đích giải đố trong trải nghiệm game. Thế nhưng, dù câu đố trong game được xây dựng khá công bằng vẫn không hoàn toàn tránh khỏi cảm giác ức chế.
Công bằng ở đây là lời giải không quá lộ liễu để bạn thấy ngay, nhưng cũng không khó quá mức khiến bạn vò đầu bứt tóc. Vấn đề ở chỗ, trò chơi vẫn vấp phải cái bẫy khó chịu của phần lớn những tựa game phiêu lưu giải đố trên thị trường. Đó là nhiều khi câu đố không có tính thực tế. Thay vào đó, không ít trường hợp giải đố chỉ tuân theo thiết kế của nhà phát triển. Chẳng hạn một vật phẩm chỉ có thể tương tác trong những trường hợp nhất định. Điều này buộc người chơi phải tìm giải pháp khác cho trường hợp tương tự, trong khi ngoài đời hoàn toàn có thể dùng đúng vật phẩm đó.
Đặc biệt, Nine Witches: Family Disruption khiến tôi ngạc nhiên vì mức độ thân thiện với trải nghiệm bằng tay cầm. Phiên bản Nintendo Switch tuy không hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng, nhưng điều này cũng không thật sự cần thiết. Trò chơi tận dụng cơ chế điều khiển trên tay cầm Joy-Con khá tốt. Người chơi điều khiển nhân vật di chuyển bằng cần analog trái và chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật bằng nút ZR. Các tương tác đều được thiết lập dãy nút ABXY nên rất thuận tiện. Mặc dù khi điều khiển Aleixei có chút khác biệt nhưng rất dễ làm quen và không gây trở ngại gì.
Đồ họa pixel của Nine Witches: Family Disruption cũng là một điểm cộng đáng chú ý. Mặc dù chỉ là khung hình từ những điểm ảnh nhỏ xíu, nhưng đội ngũ thiết kế vẫn tạo được cái không khí nhuốm màu sắc tâm linh và pha chút rùng rợn của game qua những điểm ảnh. Lựa chọn gam màu và cân chỉnh độ sáng trong từng khu vực cũng khiến tôi cảm thấy ấn tượng. Ngay cả phần nhạc nền cũng không hề bị xem nhẹ. Khúc nào cần vui tươi có tươi vui và khi nào cần sầu thảm có thảm sầu, kết hợp khá tốt với phần hình ảnh pixel vốn không phải “gu thẩm mỹ” của một số người chơi.
Sau cuối, Nine Witches: Family Disruption mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click khá hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiếu sự sáng tạo trong câu chuyện kể về gameplay, nhưng những khía cạnh còn lại đều có sự bù trừ khá tốt cho điểm trừ này. Trừ khi bạn có định kiến với đồ họa pixel, đây là cái tên vô cùng đáng cân nhắc với những ai yêu thích thể loại này.
Nine Witches: Family Disruption được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác