Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered là phiên bản “đại tu” đồ họa của JRPG cùng tên từng phát hành lần đầu trên PlayStation 3 cách đây gần tám năm.
Ở thời điểm phát hành ban đầu, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch gây được nhiều sự chú ý vì hợp tác với Studio Ghibli cho khâu nội dung và hình ảnh, trong khi âm nhạc được giao cho nhà soạn nhạc nổi tiếng Hisaishi Joe người Nhật. Dân otaku chắc hẳn hiếm ai không biết đến tên tuổi lừng danh này. Ông từng tham gia sáng tác nhạc cho rất nhiều tác phẩm anime kinh điển của Studio Ghibli, phần lớn trong số đó là những bộ phim tuổi thơ của thế hệ 8x và 9x như Laputa: Castle in the Sky, My Neighbor Totoro hay Spirited Away từng đoạt giải Oscar năm 2003 cùng rất nhiều giải thưởng danh giá khác.
Với sự bảo chứng của Studio Ghibli và nhà soạn nhạc tài ba Hisaishi Joe, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch có đầy đủ những gì cần thiết để mang đến một trải nghiệm JRPG tuyệt vời và kỳ thực đúng là thế. Bản remaster chỉ nâng tầm cho trò chơi thêm “chút chút” khi phủ một lớp đồ họa mới sắc nét và tương xứng hơn mà vẫn giữ được nét rực rỡ lẫn cái hồn đầy ấn tượng cũ. Cụ thể, bản remaster vận hành rất mượt mà với tốc độ khung hình 60fps ở độ phân giải 1080p trên PS4. Nếu sở hữu PS4 Pro, người chơi có thêm lựa chọn giữa 2160p30 hoặc 1440p60. Dù không hỗ trợ HDR do đặc trưng game sử dụng các đoạn phim chuyển cảnh bằng anime, nhưng cả hai thiết lập đều mang đến chất lượng hình ảnh rất ấn tượng trên ti vi 4K.
Đồ họa cũng là điểm khác biệt duy nhất giữa phiên bản gốc của trò chơi và bản remaster, đồng nghĩa game không có bất kỳ nội dung bổ sung gì mới. Chính vì vậy, nếu đã từng trải nghiệm bản PS3 thì bạn có thể hoàn toàn yêu tâm ngừng đọc ở đây. Thế nhưng, nếu bản remaster là lần đầu tiên bạn đến với tựa game này, chắc chắn nó là một trải nghiệm JRPG hấp dẫn và đáng chú ý, đặc biệt khi đi cùng với sự nâng cấp về đồ họa và hiệu năng để tận dụng phần cứng mạnh mẽ hơn của PS4 và PC. Chỉ có phiên bản Switch là được chuyển nền thẳng từ PS3 cũ, không có đồ họa “đại tu”. Tuy nhiên, phiên bản Switch được tối ưu hiệu năng rất tốt, chắc chắn là một lựa chọn đáng cân nhắc với bạn nào thích trải nghiệm JRPG cơ động.
Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered sử dụng đồ họa cel-shade tuyệt đẹp, được dựng hình tương đồng với hình artwork của nhân vật trong các đoạn chuyển cảnh anime. Nếu không biết trước, ngay từ những cái nhìn đầu tiên cũng dễ khiến bạn lầm tưởng đây là một bộ phim của ông Miyazaki Hayao chứ không phải là trải nghiệm game. Từ thiết kế cho đến chuyển động nhân vật đều mang dấu ấn quen thuộc từ những bộ phim anime của Studio Ghibli, với rừng xanh ngút ngàn và mức độ chi tiết cực cao trong từng khung hình rất ấn tượng. Ngay cả các hang động mà người chơi khám phá trong trải nghiệm game cũng vậy, được thiết kế rất có hồn và sức sống mà hiếm JRPG nào khác trên thị trường có thể sánh bằng.
Thế giới trong game mang cảm giác như một câu chuyện cổ tích, được kể lại qua một quyển sách tranh sống động và có thể tương tác. Ngay cả hình dựng các nhân vật cũng ấn tượng không kém. Tuy nhân vật có tạo hình khá đơn giản nhưng trông rất tự nhiên, chuyển động mượt mà, biểu cảm rất có hồn và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đậm chất cổ tích của trò chơi. Tạo hình các sinh vật trong game cũng vậy, đều mang dấu ấn rất đặc biệt, vừa dễ thương mà cũng vừa ngộ nghĩnh. Cảm giác cứ như bạn đang xem một bộ phim của Studio Ghibli vậy. Nhờ vào sự “đại tu” chất lượng hình ảnh và độ phân giải cao của các texture, tất cả những nét đặc trưng này đều được thể hiện thêm phần ấn tượng trong Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered.
Như đã nói ở trên, ngoài đồ họa được nâng cấp ra, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered hoàn toàn không có tính năng hay cập nhật gì mới trong trải nghiệm. Trò chơi đưa bạn đến với cuộc phiêu lưu cứu mẹ của nhân vật Oliver dưới sự giúp đỡ của “tiên ông” Drippy nhưng nếu muốn, bạn có thể đổi tên khác cho nhân vật chính sau khoảng nửa tiếng đầu trải nghiệm game. Tuy nhiên, khía cạnh này có vẻ là điểm yếu nhất của game hoặc có thể tôi quá kỳ vọng vào một câu chuyện có nhiều nút thắt bất ngờ hơn. Nội dung khá đơn giản so với cái tên Studio Ghibli. Bù lại, trải nghiệm game lại gây ấn tượng ở khía cạnh phát triển nhân vật và thế giới game. Không những vậy, nhờ sự “trợ lực” của những yếu tố khác như đồ họa và âm nhạc mà câu chuyện đơn giản trong game cũng trở nên quyến rũ hơn, mang thông điệp đáng chú ý về gia đình và lòng dũng cảm.
So với các JRPG khác trên thị trường, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch có hệ thống chiến đấu khá thú vị và bản remaster kế thừa tất cả những điều đó. Điểm nhấn của hệ thống chiến đấu này là Familiar, những nhân vật “thế mạng” cho Oliver trong trận chiến. Gọi là “thế mạng” vì mỗi Familiar đều có kỹ năng và chỉ số riêng, nhưng sử dụng chung thanh máu với Oliver và có thời gian “ra sân” khá hạn chế do thiết kế thể lực đặc trưng. Nếu bạn không để ý đến vấn đề này, nhân vật Familiar sẽ bị vô hiệu hóa một thời gian và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiến thuật của người chơi trong trận đấu. Bên cạnh Familiar, người chơi còn có thêm các nhân vật khác cùng chiến đấu do AI điều khiển dựa trên thiết lập của bạn, nâng tổng số nhân vật ra đứng “chiến tuyến” bằng cả một tiểu đoàn, khá là ấn tượng.
Tuy nhiên, hệ thống chiến đấu này thường chỉ phát huy hiệu quả trong các trận đánh boss căng thẳng và kịch tính nếu bạn biết tận dụng lợi thế của các Familiar. Ngoài các trận nói trên, chiến đấu trong Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered thiếu tính thử thách, mang cảm giác cày cuốc khá nặng nề và mệt mỏi do thiết kế đặc trưng của hệ thống gameplay. Đặc biệt, không hiếm trường hợp độ khó tăng cao khá đột ngột trong trải nghiệm, gây ức chế không nhỏ cho người chơi. Đây có lẽ cũng là điểm trừ lớn nhất của tựa game gốc và bản remaster. Mặc dù “cày cuốc” gần như là đặc trưng của dòng JRPG, nhưng số lượng nhân vật trong tựa game này có thể khiến bạn “thấy oải” trước cả khi nghĩ đến “chuyện đó”.
Không những vậy, hệ thống chiến đấu của trò chơi đôi lúc khiến tôi cảm thấy phức tạp không cần thiết, nhất là khi tham gia vào các trận chiến thông thường với đám “cắc ké”. Chưa kể, điều mà tôi cảm thấy phiền toái nhất là nhân vật của bạn có khả năng di chuyển tự do khi chiến đấu. Một mặt nó giúp người chơi có thể tận dụng để tính toán chiến thuật tốt và có chiều sâu hơn, nhưng mặt khác lại gây ức chế với yếu tố cooldown. Mọi hành động của bạn đều dính đến bộ đếm giờ, mang đến cảm giác hạn chế vô cùng khó chịu vì thiết kế này trong nhiều tình huống chiến đấu. Cho dù bạn có thể chạy để né đòn, nhưng kẻ thù muốn đánh trúng là không trật phát nào, khiến việc di chuyển tự do khi chiến đấu trở nên khá… tào lao. Chẳng thà cứ để nhân vật tự động di chuyển và né đòn mà không cần người chơi điều khiển như Grandia HD Collection thì tốt hơn.
Sau cuối, Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered mang đến một trải nghiệm JRPG tuyệt vời trong gần như mọi khía cạnh. Dù vậy, việc không có nội dung cập nhật mới so với game gốc khiến bản remaster có lẽ chỉ phù hợp hơn với những ai chưa từng trải nghiệm tựa game này trước đây. Đối với người chơi cũ, bạn có rất ít lý do để chơi lại bản remaster này, trừ khi là “fan cứng” và muốn tận hưởng chất lượng đồ họa mới sắc nét cùng hiệu năng tốt hơn trên thế hệ phần cứng mạnh mẽ hiện nay.
Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4. Phiên bản gốc của trò chơi được phát hành cho Nintendo Switch và PlayStation 3.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!