Với nhiều điều kiện khác nhau cũng như tùy theo nhu cầu chụp, một số kỹ thuật chụp cơ bản dưới đây là khá cần thiết dành cho các bạn mới tập tành chụp ảnh.
1. Chụp đường phố
Đường phố với nhà cửa và những con người tất bật là một nguồn cảm hứng lớn trong nhiếp ảnh.
Cảnh đường phố luôn gợi ra một không khí hiện đại trẻ trung. Những người ham thích chụp ảnh cũng thường nêu ra các câu hỏi về máy ảnh nào thích hợp nhất để chụp đường phố, ý tưởng về chụp chân dung trên đường phố, các mẹo chụp đường phố, v.v..
Dưới đây là kinh nghiệm của một số nhiếp ảnh gia chụp ảnh đường phố.
Thế nào là nghệ thuật chụp ảnh đường phố?
“Chụp ảnh đường phố quả thực có sức hấp dẫn; đó chính là hội họa, ghi lại một khoảnh khắc, một nơi chốn, hay đơn giản là để chúng ta mỉm cười – tuy nhiên để đạt được điều này, trước tiên người chụp ảnh phải biết sưu tầm.
Trong trường hợp của tôi, việc liên tục sưu tầm lưu giữ những bức ảnh đường phố, quá trình đuổi theo những bức ảnh với một dòng chảy thơ ca ngầm, khó mà thờ ơ được với thế giới của nhiếp ảnh đường phố”, theo nhiếp ảnh gia Andrew Stark.
Loại ống kính nào tốt nhất cho nhiếp ảnh đường phố?
“Cá nhân tôi thích sử dụng loại ống kính rộng (24mm, 28mm, 35mm hoặc full frame 35mm) để có thể tiến sát đến chủ thể và ghi lại cái nhìn cận cảnh vào trong bức ảnh. Tôi khuyên bạn hay bắt đầu từ ống kính 75mm hoặc 50mm trước hết để giữ khoảng cách, sau đó mới tiến lại gần”, nhiếp ảnh Markus Hartel chia sẻ.
Làm thế nào để có thể chụp được những bức ảnh đường phố đẹp?
“Tôi thường dành nhiều thời gian để ngắm ảnh hơn là chụp ảnh. Giá sách của tôi cũng có vài hàng chuyên về sách dạy chụp ảnh. Cái gọi là nhiếp ảnh gia giỏi chỉ nên được coi là nguồn cảm hứng và động lực giúp bạn chụp đẹp hơn. Những nhiếp ảnh gia như Elliott Erwitt, Henri Cartier-Bresson, Mario Giacomelli, Robert Frank, Sylvia Plachy và Tony Ray-Jones có thể được kể đến”, nhiếp ảnh gia David Gibson nói.
Còn nhà nhiếp ảnh Blake Andrews cho rằng: “Theo tôi, một nhiếp ảnh gia chụp ảnh đường phố giải cần có cả sự chính xác lẫn cơ hội. Cái tôi tập trung vào không hề diễn ra tình cờ, nhưung cũng có những khoảnh khắc của số phận – thường là những giây cuối cùng – cho nhiếp ảnh gia chụp. Vì thế công việc thường xuyên của tôi là đi dạo quanh với vài chiếc máy ảnh và sự tập trung cao độ, thế nhưng không bao giờ tôi biết chính xác mình sẽ chụp gì”.
“Nhiếp ảnh đối với tôi không phải là một nghề nghiệp, nhưng nó cũng không phải là một sở thích đơn thuần. Đó là cách nhìn thế giới – thế giới ở đây là con người – và cũng là cách kết nối những gì tôi nhìn thấy. Vị trí không quan trọng bằng cảm xúc, cảm xúc càng tinh tế càng tốt. Đó chính là nhiếp ảnh, phải không?”, nhà nhiếp ảnh Lev Tsimring đúc kết.
Địa điểm tốt nhất để chụp ảnh đường phố?
“Càng ở trong đám đông thì khoảnh khắc riêng tư của mỗi người lại càng ít đi. Đồng thời, không gian của mỗi người còn phụ thuộc vào nền văn hóa. Ở một số nước mọi người có thói quen đứng nói chuyện và chạm vào nhau ở nơi công cộng trong khi ở một số nước khác lại không như vậy. Nhưng có những luật bất thành văn. Tiếp cận quá gần, ngay trước mặt họ sẽ làm cho người khác cảm thấy căng thẳng, mặc dù là họ cũng không biết vì sao.
Ở một hội chợ, giữa đường phố của lễ hội hóa trang, sự kiện thể thao, diễu hành, buổi hòa nhạc hay là một nghi lễ, mọi người thường không có nhiều không gian riêng tư. Những sự kiện như thế này kích thích cảm xúc của mọi người nên họ không cần không gian riêng cho mình. Trong hầu hết các trường hợp, mọi người đều cảm thấy rất vui vẻ nên gương mặt có vẻ rất thư giãn”, nhiếp ảnh gia Michael Reichmann chia sẻ.
Làm thế nào để chụp ảnh người lạ
“Chụp ảnh người lạ có lẽ là một trong những khía cạnh khó nhất của nhiếp ảnh đường phố. Nhiều người cho rằng chụp trộm là cách tốt nhất của nhiếp ảnh đường phố, nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng điều này trái với quy phạm đạo đức và cần phải tránh.
Thông thường một nhiếp ảnh gia đường phố sẽ chụp mà không can thiệp hay thay đổi sự tự nhiên của cảnh. Tuy nhiên, lén lút chụp người khác sẽ bị quy kết là những tay săn ảnh paparazzi.
Xin phép để được chụp ảnh ai đó không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất: Rõ ràng là đặt máy ảnh trước mặt, mọi người có xu hướng ngừng làm những việc trước đó, họ còn sửa lại tóc, cười và nhìn vào máy ảnh…”, theo nhà nhiếp ảnh Nitsa.
“Tôi cố gắng ẩn mình đi (một nhiếp ảnh gia trong bộ đồ jeans rất dễ hòa lẫn vào đám đông trên đường phố). Một khi ai đó trông thấy bạn, mọi chuyện sẽ khác đi. Bạn sẽ không chụp được cái mà bạn vừa nhìn thấy.” (Khi ai đó cảm nhận được ánh mắt của nhiếp ảnh gia này, cô ấy không hề ngại. Nếu người đó kêu lên “Đừng chụp tôi!” thì cô ấy sẽ giải thích rằng “Tôi có chụp đâu!” rồi đi mất), nhiếp ảnh gia Vivian Cherry chia sẻ.
Máy ảnh nào cho nhiếp ảnh đường phố?
Nhiếp ảnh gia Joe’s NYC chia sẻ: “Tôi đã từng trải nghiệm với các loại máy kỹ thuật số. Chiếc máy ảnh đầu tiên là khi tôi bắt đầu sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp DSLR (Nikon D70). Với loại máy ảnh này, việc chụp ảnh bỗng trở nên rất nhẹ nhàng, đó là nhờ ống ngắm qua ống kính, khả năng chụp nhanh và nhiều chức năng vượt trội khác. Cảm giác chán nản đã bay biến khi không còn bồn chồn, chờ đợi vô ích hay phải xoay sở với sự hạn chế của chiếc máy ảnh cũ. Những bức ảnh cũng trở nên tự nhiên hơn rất nhiều. Sự khác biệt rõ nét hơn khi tôi mua chiếc Nikon D700. Bộ cảm biến mạnh và khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng đã mang lại một sự thay đổi mà bản thân tôi không ngờ tới… Chiếc D700 là chiếc máy ảnh dễ chịu nhất mà tôi từng sử dụng – cùng với đó là chiếc SLR film 35mm tôi sử dụng từ cuối những năm 60”.
Philip Greenspun, một nhiếp ảnh gia khác nói: “Tôi đã từng chụp những bức ảnh rất tuyệt vời với chiếc Canonet trị giá 90 USD và những bức ảnh khá kinh khủng bằng các trang thiết bị đắt tiền. Dù là bạn đang sở hữu chiếc máy ảnh đời mới nhất hay một chiếc máy rẻ tiền không ống kính, điều quan trọng là cái đầu và trái tim đằng sau chiếc máy ảnh. Hầu hết các bức ảnh của tôi được chụp bằng Canon EOS SLR. Các bức còn lại được chụp bằng máy compact.”
“Tôi chụp bằng máy phim của Pentax và máy Mamiya…”, theo Brain Ramnath. “Tất cả các bức ảnh của tôi được chụp bằng máy Leica M9 và 50 Noctiux 0.95…”, Steve Huff nói. Còn Craig Martin: “Tôi đang sử dụng Canon Rebel Xti, mặc dù tôi cũng thường mang theo chiếc máy Canon Powershot SD800 nhỏ để chụp trộm trong các tình huống bất ngờ”.
Bạn nên chụp gì?
“Trong lớp học nhiếp ảnh đường phố, tôi thường động viên các học viên bằng cách nói rằng mọi thứ đều có thể là nguồn cảm hứng cho nhiếp ảnh. Và đúng là như vậy. Tôi động viên sinh viên, cũng là động viên bản thân, để mang máy ảnh ra ngoài thế giới, trong đầu không có một ý niệm nào làm trở ngại cho việc chụp những thứ mới mẻ.
Nhưng tôi có một ngoại lễ cho việc phá luật, đó chính là những người trên đường phố. Tôi cho rằng chụp ảnh người nghèo khổ là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của họ, có lẽ họ không tự nguyện ở đó. Vì có rất nhiều người trong cảnh màn trời chiếu đất, tôi cảm thấy rằng chụp ảnh họ là xâm phạm quyền riêng tư. Vì thế, tôi không chụp ảnh họ”, chuyên gia nhiếp ảnh Mason Resnick tiết lộ.
Có nhất thiết ảnh chụp đường phố là trắng đen?
“Giống như nhiều nhiếp ảnh gia mà tôi ngưỡng mộ, ban đầu toàn bộ bức ảnh đường phố tôi chụp là ảnh đen trắng. Tôi sớm nhận ra rằng để tạo ra sự khác biệt với các bậc tiền tôi, tốt hơn là tôi nên chụp ảnh màu. Chỉ có một vài nhiếp ảnh gia chụp ảnh màu như Joel Meyerowitz, Alex Webb và Martin Parr, tôi cảm thấy các bức ảnh của tôi cũng có những nét giống các vị này.
Làm việc ở Luôn Đôn có vẻ như không phải là điều kiện lý tưởng để chụp ảnh đường phố màu, vì thế ánh sáng không thể đẹp như ở Brazil. Nhưng với những màu sắc biến đổi không ngừng của các biển quảng cáo, đường phố Luân Đôn đã giống như như Paris và New York”, nhiếp ảnh gia David Solomons nói.
Nguồn cảm hứng đến từ đâu?
“Dù có rất nhiều nhiếp ảnh gia, nhưng tôi luôn theo chân Walker Evans, Dorothea Lange, Margaret Bourke – White, Lee Friedlander, và Robert Frank. Họ có những tác phẩm nghệ thuật mà tôi luôn thầm ước mình có thể làm được như vậy. Và tôi luôn luôn nghĩ theo cách họ nghĩ.”
Và mặc dù tôi thích các sáng tác của các nhiếp ảnh gia trên blog của họ, chỉ có một vài người trực tiếp ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi: Raul Gutierrez, Joseph Holmes, Michael David Murphy, và Peter Ross”, theo kinh nghiệm của nhiếp ảnh gia Rion Nakya.
2. Chụp phong cảnh
Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong nhiếp ảnh.
Làm sao để có những bức ảnh chụp phong cảnh đẹp luôn là câu hỏi với những người có sở thích đi du lịch và chụp ảnh. Những lời khuyên dưới đây có thể sẽ hữu ích với bạn.
1. Tối đa hóa độ sâu trường ảnh
Để cho bức ảnh trở nên sáng tạo một số người thử nghiệm chụp ảnh phong cảnh với độ sâu trường ảnh thấp, tuy nhiên phương pháp thường được dùng là lấy nét càng nhiều cảnh càng tốt. Cách đơn giản nhất là chọn khẩu độ nhỏ (thông số lớn), khâu độ càng nhỏ thì trường ảnh càng sâu.
Nhớ rằng khẩu độ nhỏ cũng có nghĩa là ít ánh sáng đi vào bộ cảm biến (sensor), vì thế bạn cần bù trừ cho “thiệt hại” này bằng cách tăng thông số ISO hoặc tăng tốc độ chụp (hoặc cả hai). Tất nhiên có những lúc bạn chụp rất đẹp với DOF rất nhỏ khi chỉnh về chế độ chụp phong cảnh.
2. Sử dụng chân máy ảnh (tripod)
Khẩu độ nhỏ, tốc độ đóng máy nhanh, điều tiếp theo là làm sao để giữ máy thật ổn định trong suốt quá trình phơi sáng. Thực ra ngay cả khi bạn có khả năng chụp với tốc độ đóng máy nhanh thì bạn vẫn nên dùng chân máy (tripod). Để máy thêm ổn định, bạn có thể sử dụng thêm dây cáp hoặc điều khiển từ xa.
3. Tìm kiếm tiêu điểm
Tất cả mọi bức ảnh đều cần một tiêu điểm và ảnh phong cảnh cũng không phải ngoại lệ. Thực tế, ảnh phong cảnh không có tiêu điểm trông rất trống rỗng, người xem không tìm được điểm dừng cho ánh nhìn.
Tiêu điểm có thể là bất kỳ điểm nào trong cảnh bạn định chụp, từ một tòa nhà, cái cây, tảng đá hay bóng, v.v… Đừng chỉ tập trung suy nghĩ tiêu điểm là cái gì mà còn phải chú ý đặt tiêu điểm ở đâu.
4. Cảnh gần
Một yếu tố làm nên một bức ảnh đẹp là cảnh gần và cách đặt vào vị trí thu hút ánh mắt của người xem. Để làm được điều này bạn nên tạo cảm giác về độ sâu trong bức ảnh bằng cách nâng đường chân trời lên hoặc tạo các đường dẫn đến độ sâu của ảnh.
5. Chú ý đến bầu trời
Một yếu tố cần để ý đến là bầu trời trong phong cảnh. Hầu hết các cảnh đều phải có cảnh gần hoặc bầu trời choán gần hết bức ảnh – bức ảnh của bạn phải có một trong hai yếu tố này, nếu không bức ảnh trông sẽ khá nhàm chán.
Nếu bầu trời không có gì đặc biệt thì đừng để nó chiếm quá nhiều chỗ trong bức ảnh, đặt đường chân trời ở 1/3 trên của ảnh (tuy nhiên phải chắc chắn rằng cảnh gần đủ hấp dẫn). Nếu bầu trời trông “hay” với các đám mây hình dạng khác nhau hoặc có màu đẹp thì hãy để nó tỏa sáng với đường chân trời đặt ở 1/3 dưới của ảnh. Tăng hiệu ứng của bầu trời bằng cách xử lý ảnh sau chụp hay là sử dụng kính lọc (ví dụ kính lọc phân cực làm tăng màu và tương phản).
6. Đường thẳng
Trước khi chụp ảnh phong cảnh bạn hãy tự hỏi “Làm thế nào để có thể dẫn dắt ánh mắt người xem vào bức ảnh?”. Có rất nhiều cách để thực hiện điều này (chụp cận cảnh là một ví dụ) nhưng một trong những phương pháp tốt nhất là tạo ra các đường thẳng thu hút cái nhìn của người xem vào bức ảnh.
Các đường thẳng tạo ra độ sâu trường ảnh, tỉ lệ và là trọng tâm của bức ảnh, bản thân nó cũng tạo nên họa tiết của tấm hình.
7. Chụp chuyển động
Khi chụp ảnh phong cảnh, hầu hết mọi người đều chụp ảnh tĩnh và bị động – tuy nhiên phong cảnh thì hiếm khi hoàn toàn tĩnh, đặt một vài chuyển động vào trong ảnh sẽ tạo ra cảm xúc và điểm nhấn. Ví dụ: gió xào xạc qua tán cây, sóng vỗ rì rào bên bờ biển, dòng nước chảy róc rách, chim bay lượn, mây trôi lững lờ.
Nhìn chung khi chụp được những chuyển động này bạn cần tốc độ đóng máy nhanh (đôi khi là vài giây). Đồng thời nhiều ánh sáng đi vào cảm biến nên phải để khẩu độ nhỏ, sử dụng kính lọc hoặc chụp vào lúc sáng sớm hoặc xẩm tối khi có ít ánh sáng.
8. Xử lý thời tiết
Một cảnh có thể thay đổi hoàn toàn khác phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Vì thế lựa chọn đúng thời điểm chụp rất quan trọng. Rất nhiều nhiếp ảnh gia mới vào nghề nghĩ rằng bầu trời đầy nắng là thời gian tốt nhất để chụp ảnh ngoài trời. Tuy nhiên nếu dự báo thời tiết báo có mưa thì bạn đang nắm trong tay cơ hội có những bức ảnh với cảm xúc thật và có gì đó hơi ảm đạm. Tìm kiếm những cơn bão, gió, sương mù, các đám mây dày, tia nắng rọi qua bầu trời tối đen, cầu vồng, bình minh, hoàng hôn, v.v… và sáng tạo các cách chụp khác nhau thì tốt hơn nhiều so với việc chờ đợi một ngày nắng vàng trời xanh khác.
9. Giờ vàng
Có một số nhiếp ảnh gia chỉ chụp vào một thời điểm nhất định nào đó trong ngày, như là lúc chạng vạng chẳng hạn, bởi vì đó là lúc ánh sáng đẹp nhất và phong cảnh trở nên sống động. Ánh sáng trong “giờ vàng” tạo ra các góc đẹp, các họa tiết lạ, các chiều không gian thú vị.
10. Đường chân trời
Mẹo cũ nhưng hiệu quả: Trước khi chụp ảnh phong cảnh, luôn đặt ra 2 câu hỏi về đường chân trời: Đường chân trời có thẳng không? Mặc dù có thể xử lý sau khi chụp, tốt hơn hết là đặt máy ảnh sao cho đường chân trời thẳng.
Đường chân trời được đặt ở đâu? Một đường chân trời tự nhiên nên được đặt ở 1/3 trên hoặc dưới của bức ảnh, không nên đặt ở chính giữa. Tất nhiên bạn có thể phá vỡ quy tắc, song định luật 1/3 tỏ ra khá hiệu quả trong phần lớn các bức ảnh.
11. Thay đổi cách nhìn
Vô số các nhiếp ảnh gia xách máy đi chụp ảnh phong cảnh, vô số các bức ảnh phong cảnh đã được chụp. Nếu chỉ làm theo các bước hướng dẫn trên, bạn sẽ có thể chụp được một bức ảnh ưa nhìn chứ chưa đến mức làm người khác phải trầm trồ. Hãy tích cực suy nghĩ trước khi chụp – tìm một tiêu điểm thật đẹp. Bạn có thể bắt đầu với việc tìm kiếm một địa điểm ít người đặt chân đến, khám phá thiên nhiên xung quanh và thử nghiệm nhiều góc chụp khác nhau.
3. Chụp ban đêm
Sử dụng tốc độ chụp chậm
Hầu hết các máy ảnh số đều có khả năng điều chỉnh tốc độ chụp. Tuy nhiên không phải máy ảnh loại phổ thông nào cũng có chế độ chụp cảnh đêm (Night Scenes) với các thiết lập mở rộng cho phép diều chỉnh tốc độ chụp tùy ý. Bạn hãy kiểm tra xem máy ảnh của mình có khả năng này hay không.
Hãy thử chụp với các tốc độ khác nhau
Chúng ta đều biết là tốc độ chụp càng chậm sẽ cho bức ảnh càng sáng hơn. Nhưng nếu chụp cảnh thành phố vào ban đêm thì có thể sẽ không có đầy đủ ánh sáng, có nghĩa là máy ảnh của bạn sẽ phải điều chỉnh khẩu độ sao cho hình ảnh có được độ phơi sáng tốt. Thông thường lúc này máy ảnh có thể sẽ giảm tốc độ chụp khoảng 20 giây. Mặt khác, thay đổi tốc độ chụp cũng cho phép chụp các vệt đèn pha kéo dài với các mức độ khác nhau. Tốc độ chụp chậm và sự điều chỉnh khẩu độ nhỏ tương ứng sẽ lấy nét được các tòa nhà ở xa.
Tìm một chỗ nào đó vững chắc
Bạn có thể chụp với tốc độ 20 giây mà không cần đến giá đỡ ba chân? Chắc là không rồi, bởi vì trong thời gian 20 giây này, trước khi máy ảnh hoàn tất việc ghi ảnh thì sẽ có rất nhiều thay đổi không mong muốn xảy ra do tay cầm máy không vững. Nếu bạn không có sẵn một giá đỡ ba chân (Tripod) thì hãy tìm một chỗ nào đó hoặc bất cứ gì vững chắc để đặt máy ảnh khi sử dụng tốc độ chụp chậm.
Giữ hơi thở bình thường và chụp
Sau khi nhấn nút chụp, hãy vẫn cứ giữ nguyên ngón tay của bạn trên nút chụp, đừng vội bỏ tay ra vì việc này có thể làm cho máy ảnh bị lúc lắc. Không cần phải nín thở mà hãy vẫn cứ thở bình thường và ổn định.
Lưu ý khi sử dụng ISO chụp cảnh đêm (thiếu sáng)
ISO có thể là bạn hay kẻ thù khi chụp cảnh ban đêm. Máy ảnh phổ thông thường không có tính năng làm giảm nhiểu hạt (noise reduction) và các tính năng này thường cũng không như mong muốn. Điều này làm cho các ảnh chụp với ISO lớn hơn 400 bị nhiểu hạt. Có người thích nhưng cũng có người không thích. Nếu bạn không thích ảnh có bị nhiễu hạt này thì hãy lưu ý khi thay đổi các thiết lập ISO.
Sử dụng tính năng giảm nhiểu nếu có thể được.
Như đã đề cập bên trên, không phải máy ảnh số nào cũng có tính năng giảm nhiểu hạt (noise reduction) khi chụp trong điều kiện thiếu sáng với thiết lập ISO cao, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nhiễu hạt khi phóng to ảnh. Tuy nhiên nếu máy ảnh có tính năng này thì bạn hãy sử dụng nó vì trong nhiều trường hợp nó thật sự hiệu quả, nhất là khi chụp bầu trời vào ban đêm và dĩ nhiên là máy ảnh cũng sẽ mất thêm một khoảng thời gian để xứ lý nhiễu hạt.
Nguồn: Tổng hợp