Vụ Samsung phải thu hồi toàn bộ 2,5 triệu smartphone Galaxy Note 7 đã bán ra thị trường là chuyện chưa từng có tiền lệ trong làng smartphone. Chưa bao giờ, một smartphone vừa mới ra mắt lại phải hứng chịu quyết định nghiệt ngã như vậy.
Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, đây không phải là lần đầu tiên Samsung gặp phải những sự cố chết người như vậy. Và ngay cả đại địch của họ – Apple cũng đã từng ngậm đắng nuốt cay không kém với chính dòng smartphone biểu tượng iPhone.
1. Samsung:
Chỉ mới mở bán trên thị trường được 3 tuần, song Samsung đã xác nhận được 35 trường hợp Note 7 bị bốc cháy hoặc phát nổ. Một vài người dùng đã bị thương, chưa kể là các tổn thất nhẹ về tài sản. Sức ép lớn đã buộc Samsusng phải quyết định thu hồi toàn bộ 2,5 triệu chiếc Note 7 đã bán ra khắp thế giới, bởi tỷ lệ “rủi ro” quá cao, lên tới 24/1 triệu máy.
Rất nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã cấm cửa Note 7, bao gồm cả hàng không Việt Nam. Ủy ban bảo vệ người dùng Mỹ cũng đang làm việc với Samsung để ban hành lệnh thu hồi sản phẩm chính thức, đồng nghĩa với việc bất cứ ai tiếp tục bày bán Note 7 đều bị coi là phạm pháp. Theo ước tính, Samsung có thể tốn tới 1,5 tỷ USD chi phí cho đợt thu hồi này, và doanh thu của hãng từ Galaxy Note 7 sẽ tổn thất ít nhất 4,5 tỷ USD.
Tệ hơn nữa, sự cố này đã đẩy giá cổ phiếu Samsung xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Chỉ trong vài ngày, giá trị vốn hóa thị trường của đại gia Hàn Quốc đã bốc hơi mất 14.3 tỷ USD. Đấy là chưa kể những mất mát không dễ gì đo đếm được bằng tiền, như là uy tín, hình ảnh thương hiệu của Samsung.
“Đây thực sự là một quyết định đau đầu của chúng tôi. Nhưng dù đau thì vẫn phải làm, vì sự an toàn của người dùng”, một quan chức cấp cao của Samsung cho biết. Hiện không ai biết khi nào thì Note 7 mới được thay pin xong và bán ra thị trường trở lại, nhưng chắc chắn, nó sẽ không còn thu hút người dùng như hồi mới ra mắt nữa. Sẽ rất khó để Samsung thuyết phục khách hàng rằng họ đã hoàn toàn khắc phục được sự cố.
Nhưng đây không phải là lần đầu Samsung có những quyết định thu hồi đầy cứng rắn. Năm 1994, Samsung đã gặp phải một sự cố rất lớn. Khi ấy, hãng vừa ra mắt một trong những chiếc ĐTDĐ đầu tiên của mình – một sản phẩm mang tính cách mạng về công nghệ tại thời điểm cách đây hơn 20 năm. Thế nhưng cũng giống như Note 7, chiếc điện thoại này có tỷ lệ lỗi rất cao: hơn 11,8% thiết bị xuất xưởng bị lỗi. Hãng đã phải tiến hành họp khẩn và quyết định thu hồi toàn bộ 150.000 chiếc điện thoại đã bán ra thị trường.
Số điện thoại này được chất thành đống lớn ngay trước sân chính của nhà máy Gumi và bị thiêu hủy trước sự chứng kiến của hàng nghìn nhân viên. Việc thu hồi và thiêu hủy toàn bộ đợt sản phẩm này đã khiến Samsung tổn thất hơn 5 tỷ won, tương đương 4,5 triệu USD. Tại thời điểm năm 1994 thì đó thực sự là những con số gây choáng váng.
2. Apple
Sự thành công của iPhone có thể khiến người ta nhanh chóng quên đi những scandal và tai tiếng trong quá khứ của nó. Nếu như có tấm gương nào mà nhìn vào, Samsung có thể tạm tin rằng tương lai sẽ không sập cửa với mình, thì đó chính là đại địch Apple của họ.
Năm 2010, Apple chính thức trình làng iPhone 4 một cách đình đám. Sản phẩm này có thiết kế mới mẻ so với iPhone 3S và được kỳ vọng rất cao. Táo khuyết không ngần ngại gọi iPhone 4 là con dế hoàn hảo.
Thế nhưng rất nhanh chóng, sau khi bán ra thị trường, những lời phàn nàn về iPhone 4 đã tới tấp đổ về, tập trung vào khả năng thu sóng di động của thiết bị quá tệ. Khởi nguồn của mọi chuyện nằm ở việc ăng ten thu sóng đã được thiết kế lại dưới dạng đường viền bao quanh máy, và khi người dùng cầm máy theo những tư thế nhất định, điện thoại sẽ không thể bắt sóng được nữa.
Mọi việc càng rùm beng hơn khi cách phản ứng ban đầu của Apple không mấy tích cực. Thay vì nhận lỗi về mình, hãng lại đổ lỗi cho người dùng… cầm không đúng cách. Trước làn sóng giận dữ của dư luận, sau đó 2 tháng, cố Giám đốc điều hành Steve Jobs đã phải công khai xin lỗi khách hàng toàn thế giới.
Và dù không chính thức thu hồi toàn bộ iPhone 4 đã bán ra thị trường – một việc làm có thể khiến Apple tổn thất hàng tỷ USD chi phí – hãng cũng phải tốn không ít tiền để xoa dịu người dùng. Apple phải tặng miễn phí một loại case đặc biệt tăng khả năng thu phát sóng dành cho những ai đã và đang dùng iPhone 4, với giá tiền khoảng vài chục USD/case, hoặc trả 15 USD cho mỗi người dùng.
Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng Mark Papermaster đã bị buộc thôi việc sau sự vụ này, vì Apple cho rằng ông là người phải chịu trách nhiệm chính.
Nhưng đấy không phải là lần duy nhất iPhone bị chỉ trích về chất lượng. Đến tháng 9/2014, iPhone 6 Plus tiếp tục bị tố dễ dàng cong vênh, nhất là khi người dùng nhét điện thoại trong túi quần. Các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra thủ phạm: Chất liệu nhôm mềm mà Apple sử dụng để chế tác thân máy không đủ cứng cáp để chịu đựng một áp lực bề mặt lớn như của iPhone 6 Plus, do đó, nó dễ dàng bị uốn cong khi có ngoại lực đủ lớn tác dụng.
Thế nhưng Apple lại tiếp tục có cách ứng xử gây thất vọng. Hãng này cãi rằng tỷ lệ iPhone 6 Plus bị cong là rất hiếm và chỉ có 9 trường hợp được ghi nhận trong tuần mở bán đầu tiên. Không có sản phẩm nào bị thu hồi, dù vậy, nhưng đến iPhone 6s Plus, Apple đã âm thầm thay đổi chất liệu nhôm mới cứng hơn để ngăn sự cố cong vênh tái diễn.
3. LG
Năm ngoái, LG trình làng smartphone cao cấp G4 với nhiều kỳ vọng. Nhưng chỉ vài tháng sau, con dế này bị người dùng phàn nàn về tình trạng đột tử không lý do: máy đột ngột tắt nguồn khi đang sử dụng bình thường và không thể khởi động lại. Thế nhưng phải mất đến vài tháng sau, đầu năm nay, LG mới chính thức thừa nhận lỗi của G4 là “sự cố phần cứng” và thông báo sẽ sửa chữa, bảo hành miễn phí toàn bộ các điện thoại G4 mắc lỗi.
May cho LG là doanh số tiêu thụ của G4 không lớn và đây cũng không phải là sản phẩm quá Hot trên thị trường nên mức độ gây chú ý không nhiều như Galaxy Note 7 của người đồng hương Samsung. Hơn nữa, mọi sự bảo hành chỉ được tiến hành sau khi G4 đã hiện diện trên thị trường gần 9 tháng nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ của sản phẩm.
Trong quá khứ, LG cũng từng phải thu hồi khoảng 30.000 chiếc điện thoại di động 830 Spyder của mình, sau khi nhiều người dùng phàn nàn về khả năng thu sóng và chất lượng cuộc gọi của sản phẩm này. Các sản phẩm được bán ra thị trường trong khoảng thời gian từ tháng 9-11/2008.
4. BlackBerry
Năm 2009, khi chưa đến nỗi xẹp lép như bây giờ, Dâu đen cũng từng gặp sự cố đau đầu tương tự: nhà mạng NTT Docomo của Nhật từng quyết định ngừng bán BlackBerry Bold tại Nhật do lỗi nóng máy. Khi ấy, RIM khẳng định pin không phải là thủ phạm, bất chấp các báo cáo trước đó của báo giới và các tổ chức bảo vệ người dùng. RIM cũng khẳng định sẽ điều tra nguyên nhân và hứa hẹn sẽ nhanh chóng khắc phục sự cố để có thể bán sản phẩm trở lại. Tổng cộng đã có khoảng 30 trên tổng số 4000 smartphone Bold bán ra tại Nhật bị lỗi này, nhưng trước đó, Bold cũng đã từng gặp rắc rối tương tự tại Anh. Nhà mạng Orange của xứ sở sương mù cũng đã hoãn xuất xưởng Bold vì lỗi phần mềm.
Thiên Ý