Nexomon: Extinction có thể là cái tên khá xa lạ với nhiều người chơi, nhưng nó kỳ thực là hậu bản của tựa game mobile Nexomon đã phát hành cách đây khá lâu. Đây là game nhập vai với đề tài bắt thú và “cày” cho chúng tiến hóa khi đạt đến cấp độ nhất định. Mặc dù chủ đề này đang bị những tựa game Pokémon thống trị trong nhiều năm nay, nhưng nhà phát triển VEWO Interactive cũng có thêm vài ý tưởng thú vị, giúp tạo sự khác biệt so với những “người anh em thiện lành” khác. Một trong số đó là câu chuyện kể hấp dẫn với nút thắt thú vị, hệ thống nhiệm vụ phụ và những pha “cà khịa” hài hước.
Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm vốn xuất thân là game di động sau đó mới chuyển nền sang PC, Nexomon: Extinction chỉ được phát hành trên các nền tảng PC và console ở thời điểm bài viết. Việc phát hành nhiều nền tảng là lợi thế không nhỏ của những cái tên vốn thường bị mang tiếng là ăn theo hào quang và công thức thành công của Pokémon. Nexomon: Extinction lấy bối cảnh hậu tận thế khi loài người bị các quái vật xâm chiếm nhiều thành phố, khiến nhân loại suýt nữa rơi vào cảnh diệt vong. Để sinh tồn, loài người phải học cách thuần hóa chúng và bảo vệ họ khỏi những cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Nexomon: Extinction đã yêu cầu bạn chọn một số đặc điểm nhân vật điều khiển với mức độ tùy biến thấp. Cho dù người chơi lựa chọn thế nào, các nhân vật đều có chung xuất phát điểm là lớn lên ở cô nhi viện và bắt đầu cuộc phiêu lưu với Nexomon đầu tiên. Đó là lựa chọn khá khó khăn vì không phải con số ba như “tiêu chuẩn chung” mà lên tới chín Nexomon, tương đương chín thuộc tính khác nhau. Trò chơi không giải thích rõ về sự khác biệt giữa các thuộc tính của Nexomon trong phần lớn mô tả, dễ khiến người chơi mới lúng túng và gặp khó khăn trong việc quyết định con thú quan trọng đầu tiên.
Đáng chú ý, các Nexomon đều có thể bắt được ngay từ đầu trải nghiệm miễn là bạn có đủ khả năng. Chúng có nhiều hình dáng, kích cỡ và chia thành 9 thuộc tính như nói trên. Tạo hình các Nexomon khá đa dạng, từ ngớ ngẩn cho tới dễ thương hay thậm chí “chanh sả” cũng có đủ. Thông qua trải nghiệm chiến đấu và thăng cấp, Nexomon sẽ học được các kỹ năng chiến đấu mới hay tiến hóa thành thế hệ mạnh hơn. Mỗi Nexomon đều có ưu và khuyết điểm tương khắc lẫn nhau, buộc người chơi phải mang theo bầy thú đa dạng để chiến đấu với các tamer hoặc những Nexomon hoang dã khác. Và vì đời không là mơ!
Thuần hóa hay chính xác hơn là bắt Nexomon hoang dã không phải chuyện đơn giản. Nexomon hoang dã có chỉ số phần trăm cơ hội bắt thành công dựa trên nhiều yếu tố. Ngoài việc cần phải có vật phẩm Nexotrap phù hợp và tấn công khiến nó gần cạn máu, người chơi còn phải biết lấy lòng con thú bằng đồ ăn mà chỉ có trời mới biết nó thích gì trong lần chơi đầu tiên. Đó là chưa kể còn có còi (whistle) để hỗ trợ tăng tỷ lệ bắt được tùy vào số lượng mà bạn sở hữu. Còn một yếu tố nữa là minigame QTE nhưng sau nhiều lần thực nghiệm thử và sai, tôi có cảm giác nó chỉ để làm màu chứ không thật sự ảnh hưởng đến cơ hội thuần hóa Nexomon thành công.
Một tính năng cũng khá thú vị, góp phần tăng thêm tính chiến thuật trong trận đấu giữa các Nexomon là thanh thể lực. Mỗi con thú đều có thanh thể lực. Sử dụng kỹ năng chiến đấu sẽ làm giảm thanh này tương ứng. Nếu để cạn thanh thể lực, Nexomon trở nên vô dụng và không có khả năng chiến đấu, đòi hỏi người chơi phải luân phiên chuyển qua lại cho con thú được nghỉ ngơi. Thiết kế này hạn chế tình trạng người chơi cày cuốc vài Nexomon yêu thích thành vô đối trước mọi đối thủ. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa trải nghiệm game khá nặng tính cày cuốc, nhất là khi bạn chỉ có thể mang theo tối đa 6 Nexomon tham gia chiến đấu.
Vấn đề ở chỗ, Nexomon: Extinction hướng đến lối chơi khá nặng tính cày cuốc từ thiết kế game, nhất là ở thời gian đầu trải nghiệm. Một trong số câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” là bạn sẽ đối đầu với rất nhiều tamer trên đường ở khắp mọi nơi, với số lượng khá dày đặc. Họ thường đứng ở những vị trí lắt léo như gài bẫy người chơi. Nếu di chuyển không cẩn thận, gần như chắc chắn bạn sẽ đụng độ các tamer hết lần này đến lần khác. Ngay cả khi bạn thắng, sau một thời gian dù “gặp nhau làm ngơ” nhưng họ vẫn thách đấu lại và cứ thế, rất khó vui vẻ không quạu. Trong khi đó, người chơi không có tùy chọn từ chối thách đấu.
Đáng nói, hệ quả những trận đấu này thường kết thúc bằng việc quay lại nơi cứu hộ cho các Nexomon. Nếu không muốn quay lại, bạn phải dùng vật phẩm hồi máu cho chúng với số lượng lớn. Thế nhưng, vật phẩm này giá bán không rẻ và đa phần chỉ có thể mua tại các thành phố. Điều này làm trải nghiệm liên tục bị gián đoạn rất bực mình. Đó là chưa kể ở thời điểm ban đầu, tiền bạc rất thiếu thốn và người chơi cần dành tiền để mua Nexotrap cũng đã rất tốn kém. Nó biến trải nghiệm mở màn trở nên thảm họa với người chơi mới, ở thời điểm mà bạn chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về cơ chế gameplay và các thông tin cơ bản.
Thậm chí, gần như trận nào kết thúc cũng cần hồi máu do độ khó ban đầu tương đối cao. Nếu không chịu khó cày cuốc cho các Nexomon, khả năng cao là bạn phải luôn chiến đấu với đối thủ vượt nhiều cấp khá thường xuyên. Một đòn tấn công của kẻ thù có thể “bay” mất hơn nửa cây máu của Nexomon phe ta, biến những trận tái chiến cùng các tamer dễ trở thành “giọt nước tràn ly” với những ai thiếu kiên nhẫn. Tuy sau này người chơi có thể dịch chuyển nhanh, nhưng các vị trí dịch chuyển nhanh không phù hợp trong nhiều trường hợp, dễ tạo cảm giác ức chế không hề nhẹ ngay cả khi bạn không xem “cày cuốc” là điểm trừ của game.
Đồ họa của Nexomon: Extinction nhìn khá đẹp với những gam màu nóng, mang nhiều nét tương đồng với những tựa game Pokémon gần đây nên khá quen thuộc. Dù vậy, nó cũng có nhiều nét riêng. Từ tạo hình và chuyển động của cây cỏ cho đến những đòn tấn công của Nexomon trong chiến đấu đều nhìn khá ngầu. Hình đại diện các nhân vật theo phong cách anime nhìn khá lạ và khác biệt. Thậm chí, việc sao chép ý tưởng chẳng hạn như tạo hình các Pokémon rồi gọi đó là Nexomon tưởng chừng sẽ xảy ra, nhưng ở đây chúng tôi không làm thế. Kỳ thực, thiết kế các con thú nhìn rất khác, không phải lấy cảm hứng từ Pokémon như tôi hình dung ban đầu.
Đó là chưa kể những Nexomon siêu cấp gọi là Tyrant có thể khiến bạn hết hồn chim én vì tạo hình khổng lồ của chúng, xứng đáng hai chữ: huyền thoại. Nexomon: Extinction cũng có một số thay đổi về “thuật ngữ chuyên ngành”, chẳng hạn trainer (người huấn luyện) giờ đây gọi là tamer (người thuần hóa). Thay vì đi đánh dạo khắp nơi để săn gym badge, nay bạn phải chiến đấu để thăng hạng nghiệp chướng, à nhầm, nghiệp đoàn (guild) mới được mọi người thừa nhận. Nếu hạng thấp, việc đơn giản nhất như xộc vào nhà thiên hạ “kiếm chác” cũng không thể thực hiện. Người dân sẽ hô hoán và đuổi bạn như đuổi tà trước khi kịp “táy máy”.
Ở góc độ người chơi, điểm cộng lớn nhất của Nexomon: Extinction là “nhân tố” Coco với mức độ “tổ lái” cực gắt và những câu “cà khịa” đi vào lòng người không tha một ai. Từ cà khịa nhà phát triển cho đến nhân vật chính và các NPC, không chừa người nào với giọng điệu vô cùng “bình dân học vụ”, đọc lên là hiểu chứ không cần bóp trán suy nghĩ. Có những khoảnh khắc không khí đang trầm lắng hay pha tí rùng rợn, một câu nói của Coco cũng nhanh chóng làm thế giới bùng cháy, à nhầm, bừng sáng thấy rõ. Điều thú vị là nhân vật này chẳng bao giờ mang đến cảm giác phản cảm cho những lời thoại có tính “cà khịa” cao đó.
Sau cuối, Nexomon: Extinction mang đến một trải nghiệm nhập vai khá hấp dẫn với vài tinh chỉnh, cùng những ý tưởng mới và thú vị so với nhiều cái tên khai thác cùng chủ đề. Nếu bạn chưa từng chơi game Pokémon trên các hệ máy của Nintendo hoặc muốn thay đổi chút không khí, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc. Thậm chí ngay cả trường hợp ngược lại, “nhân tố” Coco có thể sẽ mang đến làn gió mới mà “đàn Pokémon” của Game Freak cũng phải trầm trồ. Không đùa đâu!
Nexomon: Extinction được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!