Neversong là tuyệt tác game phiêu lưu hành động 2D với đồ họa vẽ tay xuất sắc và câu chuyện kể đi vào lòng người cùng nhiều khía cạnh khác.
Nếu say mê game Flash vào thời kỳ hoàng kim của nền tảng “oan gia” cách đây khoảng một thập kỷ, có thể bạn đã từng biết tới Coma của nhà phát triển Thomas Brush. Neversong có thể ví như hậu bản của tựa game nói trên, nhưng nội dung độc lập và không còn dùng công nghệ Flash nữa. Trò chơi có quy mô phát triển lớn hơn, kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé Peet để giải cứu cô bạn Wren bị bắt cóc. Trải nghiệm game khá tăm tối theo đúng nghĩa đen từ bối cảnh, câu chuyện kể cho tới thiết kế màn chơi đều phản ánh rõ nét cảm giác này.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Neversong đã đưa ra cảnh báo nội dung kể về việc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, khuyên bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ trong những trường hợp như thế. Thông điệp này khiến tôi lo ngại trò chơi sẽ tăm tối như trải nghiệm My Lovely Daughter nhưng không phải vậy. Tuy được thiết kế để mang đến cảm giác tăm tối không chỉ ở cách sử dụng gam màu đập ngay vào mắt, nhưng trải nghiệm game có lời thoại khá hóm hĩnh trên nền nhạc piano vui tai.
Neversong có sự chăm chút rất kỹ lưỡng, từ khâu xử lý âm thanh cho đến hình ảnh đều rất ấn tượng. Đơn cử như hiệu ứng ánh sáng và màu sắc trong từng khung cảnh đều để lại cho tôi khá nhiều cảm xúc. Môi trường màn chơi tạo cái không khí độc đáo và ấn tượng so với những tựa game cùng thể loại mà tôi từng chơi. Ngay cả tạo hình nhân vật cũng vậy, mang đến cảm giác rất lạ nhưng để lại nhiều dấu ấn nhất phải kể đến những con boss mà người chơi phải đối mặt trong trải nghiệm.
Lối chơi của Neversong pha trộn một chút giữa đi cảnh kiểu metroidvania và giải đố nhẹ nhàng, nhưng có sự cân bằng rất tốt và không tập trùng vào khía cạnh nào quá đà. Người chơi cũng chiến đấu, thu thập vật phẩm mới cho mục đích đi cảnh, nhưng trò chơi không tập trung nhiều ở khía cạnh mở khóa khu vực mới hay thu thập vật phẩm như dòng game metroidvania. Dù bạn vẫn thường quay đi quay về trong trải nghiệm, nhưng yếu tố vay mượn từ thể loại metroidvania không bao giờ gây khó chịu hay lấn áp với những cơ chế gameplay khác.
Nếu đã từng chơi một tựa game khác của cùng nhà phát triển là Pinstripe, bạn sẽ cảm thấy khá quen thuộc với cái không khí trải nghiệm so với Neversong. Tuy nhiên, câu chuyện kể lần này của nhà phát triển Thomas Brush mang đến cảm giác trải nghiệm mới mẻ hơn, để lại trong tôi nhiều suy ngẫm ngay cả sau khi kết thúc. Có lẽ không dư thừa khi nói rằng nội dung của trò chơi chắc chắn không phù hợp với số đông. Thế nhưng điểm trừ lớn nhất của Neversong hóa ra lại là một vấn đề không lớn như tôi nghĩ.
Vấn đề chủ yếu của trò chơi là do một số khía cạnh được đơn giản hóa theo cách mà tôi muốn nó phức tạp hóa, trao cho người chơi nhiều việc để làm hơn. Đơn cử như mỗi khi đánh boss, Peet sẽ học được bài nhạc để mở khóa vật phẩm mới nhưng ngoài mục đích nói trên, chúng không có công dụng gì khác nữa khiến tôi cảm thấy hơi đáng tiếc. Một số lựa chọn thiết kế game cũng có phần làm thay đổi nhịp độ chơi một cách đáng ghét, nhưng không phải “chuyện đại sự”. Chỉ tiếc là thời lượng chơi khá ngắn.
Sau cuối, Neversong mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động vô cùng xuất sắc. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi nằm ở câu chuyện kể có thể không phù hợp với tất cả và thời lượng chơi tương đối ngắn. Ngoài hai vấn đề đó ra và trừ khi bạn không thích trải nghiệm 2D, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game rồi đó.
Neversong hiện có cho PC (Windows, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác