Neoverse là game đấu thẻ bài thú vị khi kết hợp cùng yếu tố roguelike trong xây dựng bộ bài đấu. Trò chơi lấy bối cảnh ở ba thời đại khác nhau, với bộ ba nhân vật chính đều là nữ mang tạo hình gợi cảm với chút yếu tố fan service. Thông qua trải nghiệm game, người chơi có thể mở khóa trang phục cho các nhân vật hoặc mua các bộ trang phục “hot” hơn theo những chủ đề khác nhau. Bên cạnh các bộ bài có tính chiến thuật cao, bạn còn có thể tùy biến phụ kiện bằng cách mua và trang bị cho nhân vật. Điều thú vị là những trang bị này cũng được thể hiện bên ngoài tạo hình của nhân vật.
Neoverse không có cốt truyện cụ thể mà kỳ thực nếu có, tôi không nghĩ bạn sẽ quan tâm đến ngoài việc bị hút mắt vào tạo hình xinh tươi của dàn nhân vật điều khiển. Trò chơi có tổng cộng ba chế độ chơi với ba lựa chọn nhân vật điều khiển khác nhau, đòi hỏi bạn phải trải nghiệm trong thời lượng nhất định để mở khóa. Mỗi nhân vật đều có điểm mạnh và yếu riêng. Cụ thể, cô nàng điệp viên Naya là chuyên gia về phóng xạ, dùng nó để gây sát thương cho kẻ thù sau mỗi lượt bất kể màn chắn của chúng. Ngoài bộ bài ban đầu, nhân vật này còn có bộ bài thiên về tấn công tập thể.
Claire là hiệp sĩ chính nghĩa (paladin). Mặc dù nghe cái tên và lớp nhân vật thấy có gì đó sai sai, nhưng đây lại là nữ hiệp sĩ “thần thánh” với khả năng hồi máu như ma cà rồng. Nhân vật này khá phù hợp cho những ai trải nghiệm Neoverse lần đầu, nhưng đáng tiếc là bạn phải trải nghiệm Naya một thời gian mới mở khóa được Claire. “Tuyệt chiêu” của nhân vật này là dùng điểm đức tin (faith) để nhận những thẻ bài mạnh, giúp tăng màn chắn, máu hay thậm chí gây sát thương khủng đến kẻ thù. Claire có tạo hình gợi cảm hơn hẳn hai nhân vật còn lại nên rất dễ hút mắt người chơi nam giới.
Ngược lại, nhân vật cuối Helena lại là người triệu hồi (summoner), có khả năng kêu gọi ba sinh vật khác nhau hỗ trợ chiến trận. Người chơi sử dụng thẻ bài để điều khiển các sinh vật này chiến đấu. Mỗi sinh vật có thiên hướng riêng. Chẳng hạn rồng và chim ưng mạnh về thủ trong khi sư tử “bá đạo” về công. Đáng chú ý, hệ thống chiến đấu trong Neoverse khá giống Slay the Spire với vài khác biệt thú vị. Về cơ bản, mỗi loại thẻ bài khác nhau được phân biệt bằng màu sắc, còn sức mạnh và độ hiếm được tính bằng sao nên rất dễ để nhận diện bài “đỏ” hay “đen”.
Trò chơi sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt quen thuộc của thể loại đấu bài. Bạn nhận được 5 thẻ bài trong mỗi lượt với mặc định là 5 mana. Mỗi thẻ bài có lượng mana yêu cầu cụ thể, nhưng bạn có thể sử dụng các thẻ bài khác nhau để tăng số lượng mana theo yêu cầu chiến thuật. Vấn đề ở chỗ, những thẻ bài này được chia ngẫu nhiên nên việc quản lý cả bộ bài đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm game. Tuy nhiên, trong khi kẻ thù có thể chiến đấu và tung đủ đòn tấn công như thẻ bài của người chơi, bạn không bao giờ biết chúng sử dụng những thẻ bài gì.
Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Neoverse mang cảm giác như chiến đấu trong game nhập vai vậy. Thay vì lựa chọn các kỹ năng, phép thuật hay hành động cơ bản nhất định, bạn chọn các hành động chiến đấu từ những thẻ bài được trò chơi rút ra ngẫu nhiên từ bộ bài dày công xây dựng từ trước. Kết thúc trận chiến, bạn tiếp tục chọn trận khác để tham chiến với lượng máu duy trì kéo dài trong suốt một số màn chơi nhất định. Khi đạt đủ số lượng trận chiến quy định của chế độ chơi, nhân vật được dịch chuyển đến bối cảnh mới và đụng độ những kẻ thù mới.
Một trong những điểm cộng đáng chú ý của Neoverse là kẻ thù đa dạng, trải dài trong suốt ba thời kỳ của trải nghiệm game. Thậm chí, bạn còn có dịp chiến đấu với thần Ares và vua Theseus trong thần thoại Hy Lạp. Đáng chú ý, bạn có thể kích hoạt các trạng thái đặc biệt khi thỏa điều kiện nhất định. Cụ thể, Parry là khi màn chắn của bạn bằng đúng sát thương mà kẻ thù gây ra khi tấn công, khiến chúng rơi vào “ô mất lượt” trong lượt tiếp theo. Ngược lại, Precision là khi sát thương bạn gây ra cho kẻ thù bằng đúng số HP còn lại của chúng và cái kết là tiền thưởng.
Tiền này dùng để mua vật phẩm, ngọc kỹ năng và thẻ bài mới từ Data Store. Chưa kể, tùy vào thứ tự sử dụng các loại thẻ bài mà bạn có thể kích hoạt Combo và nhận về một số phần thưởng nhất định có tính hỗ trợ chiến đấu. Không chỉ dừng ở đó, lựa chọn nhiệm vụ cũng có tính tưởng thưởng rất cao, dễ khiến người chơi “máu me” và tạo nên giá trị chơi lại rất hấp dẫn. Mỗi trận chiến sẽ có phần thưởng khác nhau khi bạn hoàn thành nhiệm vụ (mission) gắn liền với trận đó. Những phần thưởng này rất hữu dụng trong chiến đấu và xây dựng chiến thuật từ bộ bài.
Đơn cử như bạn được quyền gỡ bỏ một thẻ bài không cần thiết khi cấp đã cao, tăng máu cho nhân vật hay thậm chí tiến hóa thẻ bài hay vật phẩm nào đó và nhiều nữa. Cảm giác tưởng thưởng khá thỏa mãn và là điểm cộng lớn nhất trong trải nghiệm Neoverse, kết hợp đầy hào hứng với ba chế độ chơi khác nhau trong trải nghiệm game. Đơn cử như chế độ chơi Adventure đòi hỏi bạn phải vượt qua 20 trận đấu thử thách để hoàn thành. Khi đó, trò chơi sẽ mở khóa Transcendental Universe với mức độ thử thách cao hơn, tương tự Ascension trong Slay the Spire.
Hunter thì mang nhiều cảm giác trải nghiệm sinh tồn hơn. Người chơi thu thập tài nguyên từ kẻ thù bị đại bại và “nhận thưởng” sau một số trận nhất định. Bạn phải sử dụng lượng tài nguyên này trong suốt 20 trận đấu của chế độ này. Thử thách nhất chắc chắn là chế độ chơi cuối cùng: Challenge. Chế độ này mang đến những trận chiến “hoành tráng” nhất, đòi hỏi tính toán chiến thuật cẩn thận và khó lòng phù hợp với người chơi mới hoặc các “tay mơ”. Tham gia các trận chiến trong cả ba chế độ chơi thưởng cho bạn trophy, một loại tiền tệ dùng để mua trang bị ban đầu.
Điểm trừ lớn nhất của Neoverse là cảm giác điều khiển không ngon và còn thiếu trực quan trên console. Thay vì thiết kế lại phần điều khiển cho phù hợp với tay cầm, nhà phát triển Tinogames lại chọn giải pháp vô cùng lười biếng là mô phỏng lại thao tác di và nhấp chuột từ PC. Không những vậy, cơ chế điều khiển còn vướng phải tình trạng rườm rà trong thao tác điều khiển khá khó chịu. Phần lớn các tương tác đòi hỏi nhiều thao tác kéo cần analog, vừa mất thời gian vừa làm gián đoạn trải nghiệm, bất kể chọn thẻ bài bằng cần analog hay dàn nút d-pad trái và phải.
Đồ họa tuy hấp dẫn và “mát mắt” ở khía cạnh fan service, nhưng chưa đến mức gây ấn tượng trong tạo hình nhân vật. Dù vậy, mỗi nhân vật đều có số lượng trang phục khá nhiều. Đó là chưa nói đến vài bộ theo chủ đề riêng được bán dưới dạng DLC thu phí. Mức giá của chúng cũng hợp lý chứ không khiến bạn “cháy ví” nên có thể xem là điểm cộng khích lệ. Ngược lại, nhạc nền khá ít và dễ nhàm chán khi trải nghiệm kéo dài. Tuy nhiên, nếu bạn chơi trong thời lượng ngắn khoảng trên dưới một tiếng mỗi lần thì nó không phải vấn đề đáng chú ý.
Sau cuối, Neoverse mang đến một trải nghiệm đấu thẻ bài hấp dẫn khi kết hợp thú vị giữa yếu tố nhập vai, roguelike và fan service vào cơ chế gameplay. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là nội dung đa dạng, nhiều chế độ chơi và cơ chế phần thưởng đầy thỏa mãn. Điểm trừ lớn nhất của game chủ yếu là bản console do thiết kế điều khiển chưa thuận tiện và thiếu trực quan. Nếu yêu thích thể loại này, đây kỳ thực là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
Neoverse hiện có cho PC (Windows, macOS) và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác