Neo Geo là tên thương hiệu của các dòng sản phẩm phần cứng chơi game ra mắt từ năm 1990 đến 2004, do công ty Nhật Bản SNK thiết kế và phát triển. Neo Geo có khi còn được viết cách điệu là Neo-Geo hoặc viết liền nhau thành NeoGeo. Thương hiệu này nổi tiếng với nhiều series game song đấu 2D và một số series game đi cảnh hấp dẫn, hài hước.
Gia nhập thị trường game từ năm 1990, SNK đưa ra hai sản phẩm phần cứng dùng cartridge (băng cắm) là Neo Geo MVS và Neo Geo AES, với cấu hình khá mạnh ở thời điểm ra mắt mang đến đồ họa 2D nhiều màu sắc và âm thanh chất lượng cao. Cả hai sản phẩm này tính tương thích lẫn nhau chỉ có thể nói là “hoàn hảo”, dù hướng đến hai đối tượng người chơi khác nhau.
Neo Geo MVS là phiên bản điện tử thùng (còn được gọi là điện tử xu, hay điện tử xèng do tính chất dùng vật như đồng xu để chơi), thường được đặt ở các khu trung tâm mua sắm hoặc game center lớn. Trong khi đó, Neo Geo AES là phiên bản game console dành cho gia đình, tương tự như Sega Genesis, Super NES hay TurboGrafx-16 ở thời điểm đó. Tuy nhiên, do giá game và máy console khá cao nên Neo Geo AES gần như không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ của mình và thất bại trên thị trường game console. Ngược lại, Neo Geo MVS lại khá thành công ở thị trường Nhật và Bắc Mỹ nhờ lượng game hấp dẫn về gameplay và đồ họa đẹp.
Năm 1994, SNK ra mắt Neo Geo CD như một nỗ lực tiết giảm giá thành khi sử dụng đĩa CD để chứa game. Tuy nhiên sản phẩm này lại không được đón nhận nồng nhiệt chủ yếu vì tốc độ truy xuất chậm chạp của ổ CD-ROM. Đến năm 1997, SNK tiếp tục ra mắt Hyper Neo Geo 64 để thay thế cho Neo Geo MVS đã quá già cỗi, tuy nhiên sản phẩm này cũng không thành công và có rất ít tựa game được phát hành cho nó. Chính vì vậy mà một phiên bản game console gia đình dựa trên phần cứng của Hyper Neo Geo 64 không bao giờ được ra mắt nữa.
Đến năm 1999, theo trào lưu Game Boy của Nintendo, nên SNK cũng tung ra chiếc máy chơi game cầm tay đầu tiên của hãng là Neo Geo Pocket màn hình đơn sắc, nhưng không thành công nên chỉ được bán ra tại Nhật và một số thị trường châu Á hạn chế. Không nản chí, SNK tiếp tục ra mắt Neo Geo Pocket Color với màn hình màu và bán được khoảng hai triệu máy trước khi ngừng sản xuất vào năm 2001 do gặp nhiều khó khăn về tài chính, khiến toàn bộ thương hiệu Neo Geo cũng gặp vạ lây và kết thúc “huyền thoại” Neo Geo vào năm 2004.
Bất chấp việc thất bại với các dòng sản phẩm phần cứng mới từ năm 1994, các tựa game dành cho Neo Geo MVS và AES vẫn được nhiều người chơi yêu thích và đánh giá cao cho đến ngày nay. Phần nhiều trong số đó đều là những series game song đấu 2D rất nổi tiếng mà không ít người chơi vẫn còn nhớ như Fatal Fury, Art of Fighting, Samurai Shodown và King of Fighters. Đó là chưa kể đến một số tựa game khá nổi tiếng khác của thương hiệu Neo Geo, như series game đi cảnh bắn súng 2D Metal Slug mà người chơi Việt Nam còn gọi là Rambo lùn, hay series game chặt chém Sengoku.