Neo Cab là tựa game visual novel khá độc đáo khi kết hợp của yếu tố sinh tồn vào câu chuyện kể hấp dẫn đậm chất công nghệ trong trải nghiệm game.
Trò chơi lấy bối cảnh viễn tưởng trong tương lai khi công nghệ và tự động hóa trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, bao gồm cả việc thay thế tài xế taxi. Bởi lẽ, con người thường dễ gây tai nạn vì những sai sót rất người hơn là máy móc. Đó cũng là câu chuyện của Lina, một trong những người lái taxi cuối cùng khi công nghệ AI và máy móc đang dần thay thế con người trong cả giao thông vận tải ở nơi đây. Mọi chuyện bắt đầu khi Lina chuyển đến thành phố Los Ojos để sống cùng cô bạn thân Savy. Thế nhưng, mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch và nhiệm vụ của người chơi là phải vừa lái taxi kiếm sống vừa điều tra.
Ban đầu, Neo Cab mang cảm giác khá giống với Night Call mà tôi trải nghiệm gần đây. Thế nhưng, trò chơi nhanh chóng gây ấn tượng với cơ chế gameplay phức tạp hơn và đồ họa nhìn khá phong cách so với bất kỳ tựa game visual novel nào mà tôi từng trải nghiệm. Mặc dù có thêm các yếu tố sinh tồn, nhưng trải nghiệm game phần lớn là visual novel với lối chơi point and click để tạo nên câu chuyện kể. Người chơi sẽ chọn khách đi xe và điểm đến, nhưng nhiệm vụ của bạn chỉ đơn thuần là lựa chọn các lời thoại trong cuộc trò chuyện với khách. Điểm nhấn khác biệt của trò chơi là thiết bị FeelGrid, thể hiện cảm xúc của Lina bằng các màu sắc và gián tiếp gây tác động đến lựa chọn câu trả lời của người chơi.
Tùy thuộc vào cảm xúc của Lina mà bạn có thể bị hạn chế một số lựa chọn lời thoại. Đơn cử như khi nhân vật chính đang trong tâm trạng vui vẻ, người chơi không thể chọn những câu trả lời “phá hoại” cảm xúc của Lina. Cô gái sẽ đơn thuần từ chối lựa chọn nếu bạn cố tình nhấn chuột vào các câu thoại như thế, buộc người chơi phải đưa ra câu trả lời phù hợp với cảm xúc của nhân vật. Yếu tố này gây tác động không nhỏ đến trải nghiệm game, đặc biệt khi cảm xúc của Lina phụ thuộc khá nhiều vào những quyết định trước đó của bạn. Đây là một thiết kế mang tính nhân quả khá rõ rệt, mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn nhưng ngược lại, nó cũng khiến một số người chơi cảm thấy không thích vì bị cảm giác bị hạn chế khá khó chịu.
Yếu tố sinh tồn trong Neo Cab tuy không quá phức tạp, nhưng cũng đủ nhiều để gây chút khó khăn nếu người chơi không chú tâm vào trải nghiệm. Về cơ bản, Lina kiếm sống bằng nghề lái taxi và mỗi đêm bạn chỉ đón tối đa ba vị khách. Tiền khách sạn là 18 đô, tiền sạc điện cho xe tốn khoảng hơn 5 đô và ba cuốc xe mỗi đêm giúp bạn kiếm được khoảng dưới 30 đô tùy vào đánh giá của khách đi xe. Nếu để khách đánh giá cuốc xe quá thấp, khả năng game over là rất lớn nhưng trong suốt nhiều lần chơi, tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh éo le đó. Dù vậy, đánh giá của khách hàng cũng có sự tác động từ những lựa chọn lời thoại của người chơi.
Điểm nhấn trong trải nghiệm Neo Cab là ở các cuộc đối thoại giữa Lina và khách đi xe. Đội ngũ biên kịch đưa vào rất nhiều câu chuyện đáng chú ý, mang những thông điệp về các vấn đề trong xã hội hiện nay rất thú vị. Đây là một trong những visual novel hiếm hoi mang đến cho tôi cảm giác khá hào hứng khi dám khai thác vào những vấn đề hiện thực cuộc sống hiện đại và công nghệ như thế. Đơn cử như công nghệ gây tác động tiêu cực và tích cực đến cuộc sống của con người như thế nào trong câu chuyện về “mắt thần giám sát” ghi hình lại toàn bộ cuộc trò chuyện lẽ ra không nên có của Lina và khách đi xe. Hay như câu chuyện về một nữ hành khách được người mẹ bảo bọc một cách thái quá. Mọi câu chuyện đều rất đời thường và mang tính thời sự.
Cách xây dựng các nhân vật trong Neo Cab cũng rất thú vị. Khách của Lina không những mang đến những câu chuyện kể trong cuộc sống với những thông điệp đáng chú ý, mà họ cũng là người cung cấp thông tin cho bạn hiểu thêm về thế giới trong game. Đội ngũ phát triển đã tạo nên một thế giới hấp dẫn, đặt ra rất nhiều câu hỏi và thổi hồn cho mỗi nhân vật cảm giác “rất người”. Họ có quan điểm riêng, chẳng hạn như thừa nhận hoặc không chấp nhận công nghệ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày như thế nào. Tương tự, trò chơi cũng cho người chơi thấy được niềm vui khi làm một tài xế taxi công nghệ, gặp gỡ nhiều người và cố gắng kiếm tiền từ họ thú vị như thế nào khi mục đích của bạn là kiếm sao và tiền từ đánh giá của họ.
Tất cả những điều này mang đến một trải nghiệm sâu sắc hơn tôi hình dung ban đầu, tất nhiên là theo nghĩa tốt và là điểm cộng lớn nhất của Neo Cab. Tôi thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy tên tiếng Việt không dấu xuất hiện trong đầu trải nghiệm hay hai từ bánh mì được viết bằng tiếng Việt “chuẩn không cần chỉnh” rất rõ ràng trong trò chơi. Dù vậy, trải nghiệm game vẫn tạo cho tôi cảm giác trái chiều khi tính năng FeelGrid hay chính xác hơn là yếu tố cảm xúc của nhân vật ảnh hưởng đến gần như toàn bộ mọi thứ, từ lựa chọn câu trả lời cho đến cả kết thúc. Vấn đề ở chỗ, nhiều lúc yếu tố này mang cảm giác như “bốc thăm trúng thưởng” vì cảm xúc có vẻ “sớm nắng chiều mưa” đặc trưng “là con gái thật tuyệt” của Lina hơn.
Sau cuối, Neo Cab mang đến một trải nghiệm visual novel khá đặc biệt và hấp dẫn ở nhiều khía cạnh. Nếu yêu thích thể loại này, đồ họa mang phong cách rất riêng với tông màu đặc trưng cùng các yếu tố sinh tồn được pha trộn hài hòa vào trải nghiệm game, là những lý do cần và đủ để bạn không nên bỏ qua cái tên đáng chú ý này. Chưa kể, trò chơi còn có giá trị chơi lại khá cao.
Neo Cab được phát hành cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác