Mushihimesama hay còn có tên khác Bug Princess là game shoot ’em up với bối cảnh độc đáo và artwork ấn tượng. Mặc dù không có tuổi đời dài bằng series game R-Type, nhưng đó là một trong những cái tên để lại nhiều dấu ấn vào giữa thập niên 2000 của nhà phát triển Cave. Đây là cái tên mà những tín đồ bullet hell không thể không biết khi đang giữ kỷ lục Guinness cho danh hiệu nhà phát triển xuất sắc nhất của thể loại game bắn súng danmaku. Nhà phát triển này cũng là “cha đẻ” của series game DoDonPachi nổi tiếng.
Có thể bạn đã biết Mushihimesama là một trong những game bullet hell hiếm hoi được phát hành vượt thời gian qua nhiều thế hệ console khác nhau. Trò chơi ra mắt lần đầu trên arcade vào năm 2004 rồi sau đó mới được chuyển nền lên hệ máy PlayStation 2. Nhiều năm sau, tựa game này lại có cuộc định cư mới trên iOS nhưng tiếp tục “lạc trôi” qua nền tảng Xbox 360 và tạm dừng chân với PC không lâu sau đó. Đến nay, cái tên kinh điển này bất ngờ đổ bộ lên hệ máy của Nintendo với đầy đủ nội dung từ nhiều lần phát hành nói trên.
Khác với phần lớn các game bullet hell khác mà tôi từng trải nghiệm, Mushihimesama có hẳn bối cảnh vô cùng độc đáo bắt đầu với thế giới hoang sơ. Khi những vùng sa mạc rộng lớn lâu năm biến thành những khu rừng trù phú, nơi này trở thành nhà của các động vật chân đốt khổng lồ với lớp vỏ cứng gọi là Koujuu. Chu kỳ sống tự nhiên của chúng tạo thành môi trường lý tưởng cho nhiều thế hệ Koujuu, nhưng lại tạo thành thứ độc tố Miasma khiến loài người chỉ có thể sống thưa thớt ở những nơi thôn làng xa xôi và hẻo lánh.
Nhân vật của người chơi là công chúa Reco. Do vô tình làm việc đắc tội khiến người dân làng Hoshifuri phải chịu vạ lây, cô gái trẻ đã cưỡi bọ vàng khổng lồ Kiniro vào rừng Shinju để giải quyết hậu quả do mình gây ra. Sở dĩ tôi tiết lộ toàn bộ bối cảnh của Mushihimesama vì thông tin này không được đề cập rõ ràng trong trải nghiệm. Thế nhưng, nếu không biết trước thì cái kết của trò chơi có thể gây khó hiểu với không ít người chơi mới. Hơn nữa, đây chỉ là bối cảnh dẫn đến toàn bộ những gì mà bạn trải nghiệm trong game.
Với bối cảnh nói trên, không có gì lạ khi Mushihimesama xây dựng môi trường màn chơi mang nhiều màu sắc ‘fantasy’. Kẻ thù mà bạn phải đối đầu là đủ loại côn trùng cả quen thuộc lẫn xa lạ trong cuộc sống. Điểm chung là chúng rất khổng lồ và đa dạng, từ bọ cánh cứng đến bươm bướm cùng nhiều tạo hình mà tôi không phải nhà côn trùng học để biết chúng là con gì. Mỗi loài lại sở hữu những cơn mưa đạn và cách di chuyển khác nhau, mang đến trải nghiệm rất hào hứng không chỉ ở khía cạnh hình ảnh mà cả mức độ thử thách.
Mặc dù là tựa game khá kinh điển, nhưng chuyển động xuất sắc của kẻ trong Mushihimesama khiến người viết khá ấn tượng. Môi trường màn chơi tuy vẫn không tránh khỏi cảm giác đồ họa cũ kỹ nếu bạn bỏ công săm soi thật kỹ, nhưng trong trải nghiệm lại có mức độ chi tiết rất cao. Thiết kế môi trường vô cùng đẹp mắt và đa dạng dù số lượng màn chơi không nhiều. Bù lại, trò chơi có nhiều chế độ khác nhau với cách phối nội dung khéo léo. Mỗi chế độ chơi lại chia làm ba thiết lập độ khó, phù hợp với nhiều nhóm người chơi.
Đặc biệt, Mushihimesama còn cho phép người chơi xoay trải nghiệm theo chiều dọc hay Tate Mode. Thiết lập này cho phép bạn tận dụng hết không gian màn hình cho trải nghiệm đặc trưng của trò chơi, tương tự giải pháp trong Capcom Arcade Stadium dành cho các game shoot ’em up. Thậm chí, người chơi cũng có thể phóng to và thu nhỏ khung hình trải nghiệm chính trong bất kỳ trường hợp nào. Kỳ thực, tôi khá ấn tượng trước sự tinh tế của nhà phát triển Cave trong thiết kế tính năng và tinh chỉnh trải nghiệm thuận tiện.
Mushihimesama chia trải nghiệm thành bốn chế độ: Novice, Normal, Arrange và Ver 1.5. Cả Novice và Normal đều là trải nghiệm arcade kinh điển. Khác biệt giữa hai chế độ chơi này là Novice thân thiện với người chơi mới của thể loại shmup do tính thử thách thấp hơn. Hào hứng không kém là chế độ chơi Arrange, cho phép người chơi chuyển đổi qua lại các loại vũ khí bất kỳ lúc nào trong trải nghiệm chứ không cố định như các chế độ chơi còn lại. Ver 1.5 thì có nhiều cải tiến so với nguyên bản của chế độ Normal.
Ver 1.5 là chế độ chơi hấp dẫn nhất với nhiều tinh chỉnh thú vị về mặt gameplay. Đơn cử như hệ thống Max Power dành cho những ai thích hỏa lực vừa mạnh lại vừa thử thách. Chưa hết, chế độ chơi này còn thay cả nhạc mới và hòa âm lại đầy hào hứng, đi kèm với hệ thống tính điểm mới thử thách người chơi hardcore thích tích điểm. Ngoài ra, bạn còn có thể tập luyện các màn chơi với chế độ Training, so tài điểm số với chế độ Score Attack có sẵn hay thậm chí xem lại lượt chơi trước đó để tự rút kinh nghiệm.
Ngoại trừ Arrange, các chế độ chơi đều có ba thiết lập độ khó Original, Maniac và Ultra được thiết kế phù hợp với trình độ nhiều nhóm người chơi. Thử thách nhất là Ultra, đặc biệt khi đánh boss ở giữa và cuối màn. Những khoảnh khắc này có mưa đạn xuất hiện khắp mọi nơi, khiến việc né tránh cũng đủ làm người viết toát mồ hôi hột. Thiết lập độ khó cao nhất cũng đi kèm với vấn đề khác. Mỗi khi cơn “bão đạn” xuất hiện trên màn hình là tốc độ game chậm lại, ít nhất là trên Mushihimesama phiên bản Switch mà tôi trải nghiệm.
Ở góc độ người chơi, tôi không rõ đây là thiết kế chủ ý của nhà phát triển hay vấn đề hiệu năng. Trong những tình huống đạn bay gần như toàn bộ màn hình, tốc độ game khi đó tuy giảm nhưng vẫn giữ tốc độ khung hình ổn định suốt khoảnh khắc đó, không tăng giảm thất thường mang đến cảm giác giật hình gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác trải nghiệm của người chơi. Không những vậy, những tình huống như thế hiếm khi tạo cho tôi cảm giác ức chế hay bất ngờ mà nó chuyển tiếp khá liền mạch trong trải nghiệm game.
Một điểm cộng thú vị của Mushihimesama mà tôi hiếm thấy ở các game shmup khác là đạn của kẻ thù chỉ có duy nhất màu hồng. Thiết kế tưởng chừng rất đơn giản này giúp trải nghiệm công bằng hơn, người chơi không phải loạn thị với nhiều màu đạn khác nhau cùng xuất hiện trên màn hình. Ngay cả đạn của nhân vật chính dù có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào vũ khí mà bạn chọn, nhưng cũng hoàn toàn tách biệt màu sắc với màu đạn hồng nổi bật của kẻ thù. Nó giúp trải nghiệm hiếm khi mang đến cảm giác thiết kế bất lợi cho người chơi.
Nếu có điểm trừ gì đáng chú ý, có lẽ là bom mà nhân vật điều khiển thả xuống không rơi cố định theo khoảnh khắc bạn bấm nút. Thay vào đó, bom này rơi theo đường di chuyển của Reco. Nếu muốn thả bom xuống vị trí nhất định, người chơi phải để nhân vật đứng yên đến khi bom phát nổ. Vấn đề ở chỗ, điều này gần như nhiệm vụ bất khả thi trong trải nghiệm đặc trưng của Mushihimesama khi mưa đạn xuất hiện khắp nơi. Một điều cũng hơi đáng tiếc là hậu bản Mushihimesama Futari không được kèm theo thành bộ sưu tầm hoàn chỉnh.
Sau cuối, Mushihimesama mang đến một trải nghiệm shoot ’em up xuất sắc gần như hoàn hảo ở nhiều khía cạnh. Điểm cộng đáng chú ý nhất của trò chơi là vô cùng thân thiện với người chơi mới lẫn hardcore của dòng game danmaku. Nếu yêu thích thể loại luôn được xem là thử thách này, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không thể không chơi.
Mushihimesama hiện có cho PC (Windows), Nintendo Switch và Xbox 360.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!