Moons of Madness là tựa game kinh dị hiếm hoi gần đây không lấy cảm hứng từ những tác phẩm của H.P. Lovecraft và kết quả là một trải nghiệm “ám ảnh kinh hoàng” hấp dẫn, đáng chào đón và nhân rộng.
Moons of Madness đặt người chơi nhập vai nhân vật Shane Newehart, một kỹ sự làm việc cho tập đoàn Orochi với nhiệm vụ giám sát và bảo dưỡng các công trình trên một cơ sở nghiên cứu trên sao Hỏa. Sau một cơn ác mộng giống như điềm báo, công việc hàng ngày của nhân vật chính bỗng như bị đảo lộn khi có điều gì đó bất thường diễn ra ở đây. Vậy là bạn biết kết quả rồi đấy, người chơi cùng nhân vật chính bắt đầu tìm hiểu “điều gì đó” và cái kết bất ngờ thú vị, nhất là nó không có dính gì đến những tác phẩm của Lovecraft.
Trong khoảng một giờ đầu trải nghiệm, Moons of Madness làm khá tốt việc giới thiệu đến bạn những yếu tố cơ bản và cách sinh tồn trên sao Hỏa. Nhân vật của người chơi có một thiết bị đeo ở tay gọi là biogage, có thể quét mọi thứ quanh môi trường màn chơi để tìm kiếm manh mối và kết nối tương tác điều khiển với các hệ thống nhất định, như camera an ninh để tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tuy nhiên, hệ thống này thỉnh thoảng gây phiền phức không nhỏ khi ưu tiên kết nối hơn là hiển thị thông tin dò đường đến mục tiêu nhiệm vụ. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải di chuyển nhân vật ra một vị trí khác, ảnh hưởng không ít đến khí thở vốn chiếm một vai trò quan trọng trong việc sinh tồn trong suốt trải nghiệm tương tự Narcosis.
Đồ họa ấn tượng là điểm cộng đầu tiên đập vào mắt người chơi. Cảnh vật và mọi thứ trên sao Hỏa được xây dựng cực kỳ chi tiết và đẹp mắt. Tuy nhiên, game có vẻ khá nặng về đồ họa và thỉnh thoảng có tình trạng giật hình nhẹ. Tôi chỉ không biết đó là do trò chơi tự động save game hay tải dữ liệu mới. Dù vậy, vấn đề này không gây nhiều ảnh hưởng trong trải nghiệm trừ khi bạn khó tính. Ngoài ra, Moons of Madness còn có một số lỗi vặt về hình ảnh, nhưng chỉ xảy ra một hai lần trong suốt trải nghiệm nên tôi cũng không đặt nặng. Tuy trải nghiệm game được thiết kế khá tuyến tính, nhà phát triển lại làm khá tốt việc sắp đặt kết cấu nên không tạo cảm giác rối. Bạn thường phải hoàn thành một nhiệm vụ này rồi mới có thể làm tiếp nhiệm vụ kế.
Điều thú vị là cách thiết kế này kết hợp rất tốt với cốt truyện hấp dẫn xuyên suốt trải nghiệm. Đây cũng là một điểm cộng khác của Moons of Madness. Về cơ bản, cứ mỗi vấn đề mới phát sinh cũng là lúc người chơi lại khám phá thêm một “điều gì đó” đang “ẩn mình chờ thời”. Thậm chí, tôi phải có lời khen ngợi dành cho đội ngũ biên kịch vì tạo nhiều ngạc nhiên trong nút thắt nội dung. Chưa kể, phần lớn trải nghiệm đều mang đến những khoảnh khắc “kinh dị” bất ngờ và đáng khen ngợi, không tạo cảm giác lạc quẻ hay “rẻ tiền” như không ít tựa game cùng thể loại khác. Đội ngũ biên kịch chấp bút nên một câu chuyện hấp dẫn, xây dựng dựa trên những tình tiết mang cảm giác khá tự nhiên.
Mặc dù Shane không hề đơn độc trên sao Hỏa mà còn có đồng nghiệp ở cơ sở nghiên cứu, nhưng biên kịch luôn tìm được cách để tách rời nhân vật khỏi mọi người, thừa cơ tiêm nhiễm vào mắt người chơi những hình ảnh hù dọa mà chỉ một cái chớp mắt đã biến mất. Không những vậy, đồng nghiệp Declan thường xuyên rót vào tai bạn những câu chuyện kể nhuốm màu rùng rợn. Sự “tập kích” người chơi luân phiên giữa hai yếu tố này dần dần gieo vào lòng bạn những cảm giác bất an, góp phần giúp những pha kinh dị về sau phát huy tác dụng và ngày càng “bùng nổ”. Thế nhưng, điều đáng tiếc là nhà phát triển Rock Pocket Games lại quyết định tập trung nhiều hơn vào phần giải đố thay vì mở rộng yếu tố kinh dị đang làm rất tốt nói trên.
Bên cạnh tuyến truyện chính đang diễn ra mà người chơi phải tìm hiểu, Moons of Madness còn “ném” cho bạn vô số tài liệu được đặt rải rác khắp môi trường màn chơi, bổ sung vào những chỗ trống của nội dung chính. Phải nói là biên kịch xử lý rất khéo léo và phần kịch bản cũng đã làm rất tuyệt, góp phần không nhỏ trong việc cuốn hút người chơi tiếp tục trải nghiệm và khám phá để đào sâu đến tận cùng câu chuyện. Thậm chí nếu không nói ra, có lẽ bạn sẽ nghĩ mọi thứ đều do đội ngũ biên kịch hư cấu ra, nhưng kỳ thực nếu chịu khó kiểm tra lại, nhiều người chơi sẽ ngạc nhiên khi biết mọi thứ đều là những vấn đề khoa học rất nghiêm túc. Phát hiện này khiến tôi cảm thấy trò chơi xứng đáng một điểm cộng khác về tính khoa học.
Yếu tố giải đố cũng mang đến cho Moons of Madness một điểm cộng khác ở khía cạnh này. Các câu đố đều có tính logic hợp lý, không gây khó chịu và bực bội như nhiều tựa game cùng thể loại khác gây nên mỗi khi bạn tìm ra lời giải cho một câu đố và nhận thấy nó khá phi lý hoặc chỉ có trong tưởng tượng. Tuy nhiên, tần suất câu đố liên tục và quá dày làm trải nghiệm liên tục bị gián đoạn, ít nhiều cũng là một điểm trừ nhỏ. Không những vậy, việc người chơi phải liên tiếp giải đố trong suốt trải nghiệm cũng góp phần làm giảm đi tố chất kinh dị và căng thẳng mà nhà phát triển đã xây dựng khá tốt nói trên. Phải chi họ tiết giảm khía cạnh giải đố và tăng các phân đoạn kinh dị lên một chút để dung hòa và cân bằng trải nghiệm game thì tốt hơn.
Sau cuối, Moons of Madness mang đến một trải nghiệm kinh dị và giải đố khá hấp dẫn và rùng rợn, xây dựng khá tốt các khía cạnh thiết kế game. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là cảm giác thiếu cân bằng giữa yếu tố giải đố và kinh dị, có thể khiến không ít người chơi thích bị hù cảm thấy hơi thất vọng, đặc biệt khi các phân đoạn kinh dị xây dựng rất tốt nhưng không nhiều. Dù vậy, ngay cả khi mật độ câu đố quá dày đi nữa thì đây vẫn là một trải nghiệm kinh hoàng đáng sợ mà những ai yêu thích thể loại này khó có thể bỏ qua.
Moons of Madness hiện chỉ có trên PC (Windows). Trò chơi dự kiến phát hành bản PlayStation 4 và Xbox One vào tháng 1/2020.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác