Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook là game nhập vai khám phá hầm ngục với hệ thống chiến đấu theo lượt nặng tính cày cuốc. Trò chơi có sự kết hợp thú vị cùng yếu tố sinh tồn và bếp núc, tạo thành trải nghiệm hấp dẫn khi xét ở khía cạnh chiều sâu chiến thuật. Tuy nhiên, game cũng có vài điểm trừ khó hiểu. Một trong số là cốt truyện gần như chỉ để cho có và cơ chế bếp núc chưa được khai thác hết tiềm năng, đọng lại người viết cảm giác khá lẫn lộn.
Cụ thể, Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook mở đầu với nhân vật chính sắp chết đói giữa Sealed Land “đây là đâu”. Sau khi tìm được bãi trại với xác của sinh vật lạ, nhân vật chính không có lựa chọn nào khác nên phải ăn thứ thịt đó để sinh tồn và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Thế nhưng, con boss đầu tiên đã lập tức tiễn bạn về trại dưỡng sức. Người chơi khi đó được chọn thêm ba nhân vật nữa để tạo thành party đi săn thịt quái vật cứu đói. Vậy là công cuộc cày cuốc bắt đầu trong các màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán.
Tuy nhiên, thuật toán tạo màn chơi trong Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook không mang đến cảm giác đa dạng mà chỉ ngẫu nhiên theo kiểu ngẫu hứng một chút, thậm chí thua kém rất nhiều so với void* tRrLM2(); //Void Terrarium 2 của cùng nhà phát triển. Ngoài kết cấu màn chơi thay đổi rất nhỏ, trải nghiệm game hiếm khi mang khác biệt trong cách mà bạn khám phá và di chuyển. Hầu hết vẫn là vòng lặp gameplay: chiến đấu với kẻ thù, thu thập chiến lợi phẩm từ chúng; cứ thế lặp lại đến khi bạn tiếp cận tầng cuối và đụng độ boss.
Tiêu diệt được boss thì bạn mở khóa điểm dịch chuyển mới làm khởi điểm tiếp theo. Dù thiết kế màn chơi tương đối nhỏ nhưng số lượng kẻ thù lại dần tăng và đôi lúc tạo cảm giác rất bất công. Không hiếm lần party của người viết chỉ vừa tiếp cận tầng mới, chưa kịp nhìn kết cấu bản đồ đã bị kẻ thù lao vào đánh úp. Đáng nói, Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook gần như chẳng có cốt truyện. Ngoài phân đoạn mở đầu vừa đề cập ở trên, trải nghiệm chỉ xoay quanh chiến đấu trong các màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên chia tầng.
Càng lên tầng cao thì độ khó của quái càng thử thách. Bù lại, người chơi có thể hạ trại nghỉ ngơi ở cổng dịch chuyển giữa các tầng, giúp nhân vật phục hồi sức khỏe và xua tan đói khát. Đặc biệt, nếu bạn không quyết định không leo tầng mà quay về trại thay vì nghỉ ngơi rồi tiếp tục cuộc hành trình, toàn bộ nhân vật trong party sẽ quay về cấp độ 1 trong cuộc phiêu lưu kế tiếp. Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook còn có hệ thống ngày và đêm cho bạn chọn lựa với khác biệt chủ yếu là mức độ hung hăng của kẻ thù.
Người chơi cũng có thể nấu món ăn để buff hoặc debuff cho các thành viên trong party và chế tác đồ phục vụ cho việc sửa chữa trang bị. Thức ăn không chỉ là công cụ điều chỉnh chỉ số cơ bản của nhân vật, nó còn mang đến kỹ năng chiến đấu cho nhân vật đó. Hầu hết các vật phẩm mà bạn thu thập được khi đi tầng đều là các nguyên liệu bếp núc. Thế nhưng, ngay cả ý tưởng này cũng không được đội ngũ phát triển đặc biệt chú trọng. Người viết hầu như không bận tâm đến khía cạnh bếp núc hay chế tác như trải nghiệm series Atelier Ryza.
Bạn có thể chọn các công thức có sẵn để game tự động chọn nguyên liệu một cách ngẫu nhiên và nấu món cho bạn. Chính vì vậy mà khía cạnh bếp núc không tạo cảm giác tưởng thưởng, nhất là ở đầu trải nghiệm. Đó là chưa kể cốt truyện cho có và thuật toán tạo màn chơi ít đa dạng, cộng với tạo hình kẻ thù không phong phú khiến cảm giác trải nghiệm Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook khá chậm rãi, đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn đến khi mở được càng nhiều khu vực mới mà trong game gọi là Orgonne với party gồm các nhân vật cấp cao.
Với thiết kế như thế, nhiều khả năng người chơi không đủ kiên nhẫn đến khi thời điểm Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook thật sự tỏa sáng. Đó mới là vấn đề lớn nhất của trò chơi. Không những vậy, đội ngũ phát triển cũng chưa tận dụng tốt các cơ chế gameplay để mở rộng trải nghiệm hào hứng hơn. Chẳng hạn xây dựng cốt truyện hấp dẫn hay phát triển thuật toán tạo màn chơi phong phú hơn để đẩy mạnh giá trị chơi lại. Thiết kế khía cạnh bếp núc đơn giản cũng góp phần làm giảm sự hấp dẫn của trải nghiệm ở đầu trò chơi.
Sau cuối, Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook tuy mang đến một trải nghiệm khám phá hang động hấp dẫn, nhưng không dành cho tất cả. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế các cơ chế gameplay đơn giản, chưa tận dụng và mở rộng những ý tưởng này trong trải nghiệm game, cộng với lối chơi nặng tính cày cuốc. Bù lại, những điểm cộng của game là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố gameplay với dàn nhân vật dễ thương và hàng loạt mở khóa có mức độ tưởng thưởng cao. Bạn đã biết “lựa chọn của trái tim” chưa?
Monster Menu: The Scavenger’s Cookbook hiện có cho PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!