Monster Hunter World: Iceborne là bản mở rộng tuyệt vời, bổ sung thêm rất nhiều nội dung đáng giá cho tựa game hành động nhập vai Monster Hunter World vốn đã “đỉnh cao” về trải nghiệm.
Mang tiếng là bản mở rộng, nhưng Monster Hunter World: Iceborne không thiết kế để mang đến một “cuộc đi dạo” như trải nghiệm ban đầu trong Monster Hunter World. Bản mở rộng này rất quy mô về nội dung và có thời lượng chơi tương đương với phần chơi gốc. Cách duy nhất để bạn trải nghiệm bản mở rộng này là phải hoàn thành phần chơi ban đầu trước, vốn có thời lượng trải nghiệm khoảng vài chục tiếng tùy vào nhịp độ chơi và trình độ “thợ săn” của người chơi.
Iceborne tiếp nối nội dung ngay sau kết thúc của Monster Hunter World, bổ sung thêm cốt truyện và địa danh mới, quy mô tương đương phần chơi gốc. Số lượng quái vật mới được đưa vào không hề nhỏ, cùng rất nhiều cập nhật nội dung và tinh chỉnh giúp cải thiện trải nghiệm tốt hơn. Đây là một bản mở rộng khá bất ngờ khi xét ở bản thân tựa game gốc được xây dựng quá tốt và không có gì để chê. Thậm chí, tôi cũng sẽ chẳng phàn nàn nếu Capcom biến bản mở rộng mới này thành phần tiếp theo của Monster Hunter World. Cảm giác trải nghiệm tuy có nhiều khác biệt và cũng hấp dẫn không kém, nhưng họ quyết định không làm thế. Nếu có giải thưởng về bản mở rộng hay nhất, tôi nghĩ Monster Hunter World: Iceborne sẽ được vinh danh. Ấn tượng như vậy đấy!
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Monster Hunter World: Iceborne là Clutch Claw, một cái móc câu mà tôi nghĩ có lẽ đội ngũ phát triển đã cải tiến từ cơ chế tương tự mang đến những trận chiến hoành tráng với quái vật khổng lồ trong Dragon’s Dogma. Món “đồ chơi thợ săn” mới này làm thay đổi rất nhiều trong game, từ yếu tố chiến thuật khi đại chiến với quái vật cho tới cảm giác trải nghiệm tươi mới. Đặc biệt, nó rất phù hợp với lối chơi đặc trưng của Monster Hunter World mà không tạo cảm giác khiên cưỡng. Clutch Claw không chỉ đơn thuần là một tiện ích mới cho các thợ săn, mà gần như trở thành một công cụ không thể thiếu trong những chuyến đi săn quái vật ngay từ lần đầu tiên bạn cầm nó trên tay.
Không những vậy, tất cả các vũ khí cũ dù vẫn mang cảm giác chiến đấu quen thuộc, nhưng đều có thêm một hay hai “trò” mới, hỗ trợ chiến đấu tốt hơn cho lối chơi của mỗi người. Cảm giác chiến đấu là điều khá quan trọng trong Monster Hunter World: Iceborne và những cập nhật mới không hề làm thay đổi điều quan trọng này. Nếu bạn quen dùng một loại vũ khí nào đó, mọi thứ sẽ vẫn thế nhưng chỉ tốt hơn, không nhờ vài “trò” mới của mỗi loại vũ khí thì cũng nhờ công cụ Clutch Claw vô cùng hữu dụng nói trên. Trang bị cũng có sự thay đổi chỉ số rõ rệt trong Master Rank. Những thứ High Rank từng là trang bị yêu thích của tôi trong Monster Hunter World, nay không khác gì “ve chai” khi lên Master Rank.
Kỳ thực, Master Rank cũng chính là một điểm nhấn khác trong bản mở rộng Monster Hunter World: Iceborne. Master Rank “nâng tầm” thử thách cho người chơi và cũng là một trong những lý do khiến bản mở rộng này thật sự đáng giá. Lũ quái vật Master Rank không chỉ “máu trâu” hơn mà “cào cấu” bạn cũng đau hơn. Chúng có nhiều đòn tấn công mới so với “phiên bản” High Rank, đòi hỏi người chơi phải có chiến thuật tấn công mới khi đối đầu với chúng. Thậm chí, nếu bạn nghĩ Master Rank chỉ khó tương đương G Rank trong Monster Hunter 4 Ultimate thì hãy nghĩ lại. Với thâm niên săn quái vật trong series Monster Hunter từ thời PSP đến nay, tôi cho rằng Master Rank khó hơn hẳn G Rank một bậc.
Nói một cách khác, độ khó trong bản mở rộng mới tăng cao so với trước rất nhiều, ngay cả với những người chơi kỳ cựu của series Monster Hunter. Đơn cử như lũ High Rank trước đây chỉ tốn khoảng một phút “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”, đám Master Rank sẽ khiến bạn “trầy vi tróc vẩy” nhiều hơn 96 lần. Lũ quái vật cũng vậy, chúng không đơn thuần là những con quái vật bạn từng biết mà ít nhiều đều có thay đổi. Đơn cử như Legiana có thể “bèo bọt” với bạn nhưng đừng nghĩ Shrieking Legiana cũng vậy. Nó có những đòn tấn công khác biệt với những ai tưởng “em ấy” chỉ là một con Legiana “đổi màu” nhãi nhép. Thế nhưng, con quái vật “nhãi nhép” này không dễ để hạ gục trong lần đầu đối mặt hay vài lần sau đó đâu.
Hay như Viper Tobi-Kadachi cũng thế, không phải Tobi-Kadachi trong “bầy đàn” của hệ sinh thái mà bạn tưởng đã biết rất rõ. Tên cũ nhưng chỉ cần thêm một từ vào đã mang đến những thử thách mới hấp dẫn và đầy bất ngờ. Lũ quái vật mới mang đến một trải nghiệm mới mẻ ngoài mong đợi. Boss nhất là trùm cuối lại là một câu chuyện hoành tráng khác nên tôi sẽ để dành phần hấp dẫn đó cho bạn trải nghiệm. Chỉ biết là cái cảm giác đó rất đặc biệt khi cuối cùng bạn cũng hạ được một con quái vật dù khá chật vật, hiếm thấy trong tựa game nào như cách mà Monster Hunter World: Iceborne mang đến. Nó thậm chí cũng có phần khác với tựa game gốc khi đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn với “con mồi” nhiều hơn.
Điều này thật sự đúng với bản chất của kẻ săn mồi và con mồi. Đơn cử như Glavenus, một con quái vật hai chân với thanh kiếm ở đuôi là một trong rất nhiều trận chiến gây cho tôi cảm giác phấn khích không hề nhỏ khi lần đầu “đụng độ”. Cảm giác khi “thu hoạch” cái xác của nó rất khó diễn tả thành lời. Đó không phải trải nghiệm dễ dàng trong lần đầu tiên cũng như bao lần đầu khác. Thế nhưng, những kinh nghiệm tích lũy sau khi “đấu kiếm” với nó khiến tôi thấy phấn khích, cảm giác như kỹ năng săn quái đã có tiến bộ rõ rệt, thật sự rất hào hứng. Mỗi cuộc chiến trong game đều mang đến những cảm giác chiến đấu khác nhau, đòi hỏi chiến thuật khác nhau nhưng đều có điểm chung là hấp dẫn và không kém phần kịch tính.
Cảm giác “lên tay” trong trải nghiệm cũng là điều mà Monster Hunter World: Iceborne đã làm rất tốt, giống như tựa game gốc của bản mở rộng này. Khi bạn hoàn thành các nhiệm vụ để có đồ chế tác ra trang bị Master Rank lần đầu tiên và nâng cấp các công cụ đi săn, cảm giác nhân vật mạnh hơn thể hiện rất rõ ràng khi người chơi đụng độ với những con quái vật mạnh mà trước đó khá chật vật để chiến thắng. Tất nhiên mọi thứ không lập tức dễ dàng, nhưng đó vẫn là cảm giác hết sức phấn khích và vô cùng hào hứng khi mọi công sức bạn bỏ ra, cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng và theo người chơi trong suốt trải nghiệm. Đây là điều đã làm nên cảm giác gây nghiện trong trải nghiệm Monster Hunter World và Iceborne kế thừa tốt hơn rất nhiều.
Không chỉ mang đến trải nghiệm tuyệt vời trong gameplay, các khía cạnh khác của Monster Hunter World: Iceborne cũng đều là những điểm cộng của bản mở rộng này. Từ quần xã sinh vật mới ở khu vực Hoarfrost Reach cho đến đồ họa vẫn tiếp tục ấn tượng trên PS4 Pro. Đây cũng là một trong những bản DLC hiếm hoi trên thị trường hỗ trợ HDR, mang đến những khoảnh khắc hình ảnh tuyệt vời. Trên PS4 Pro, ưu tiên độ phân giải (Prioritize Resolution) sẽ cho độ phân giải cao hơn, về mặt lý thuyết sẽ giúp hình ảnh nhìn nét hơn nhưng ti vi 65 inch trở lên mới tận dụng được độ nét cao hơn này. Tôi thường ưu tiên tốc độ khung hình (Prioritize Framerate) để mang đến cảm giác chiến đấu mượt mà hơn, nhưng ưu tiên chất lượng đồ họa (Prioritize Graphics) cũng là một lựa chọn đáng chú ý nếu bạn muốn hình ảnh sống động hơn một chút.
Sau cuối, bản mở rộng Monster Hunter World: Iceborne mang đến một trải nghiệm ấn tượng với nhiều cập nhật đáng giá và cải thiện gameplay cho một tựa game vốn đã rất tuyệt vời. Phàm cái gì đã rất tuyệt vời thì ít ai nghĩ đến việc cải thiện nó, nhưng những gì mà người chơi nhận được trong trường hợp này thật sự bất ngờ và cảm giác trải nghiệm game hào hứng và phấn khích hơn mong đợi chính là kết quả của sự bất ngờ đó. Nếu yêu thích series Monster Hunter nói chung và Monster Hunter World nói riêng, đây chắc chắn là bản mở rộng mà bạn sẽ vô cùng hối tiếc nếu bỏ lỡ trải nghiệm.
Monster Hunter World: Iceborne hiện chỉ được phát hành cho PlayStation 4, đòi hỏi bạn phải sở hữu và hoàn thành game gốc Monster Hunter World để trải nghiệm. Bản PC dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!