Monster Boy and the Cursed Kingdom là tựa game đi cảnh mang tinh thần của series game kinh điển Wonder Boy vào cuối thập niên 80 với lối chơi hấp dẫn và đồ họa vẽ tay đẹp tuyệt. Sau một thời gian dài phát hành trên các nền tảng console, giờ đây người chơi PC cũng được trải nghiệm tựa game này với một số cập nhật đáng chú ý như hỗ trợ màn hình ultrawide và không khóa tốc độ khung hình.
Phần lớn người chơi trong nước có lẽ không biết đến Wonder Boy do series này ngày xưa chỉ phát hành trên các hệ máy chơi game của Sega. Dù vậy, đây là một trong những series lâu đời nhất của Sega, từng ra mắt trên khá nhiều nền tảng console lẫn arcade. Đặc biệt, bản remaster của Wonder Boy III: The Dragon’s Trap từng được phát hành trên nhiều hệ máy, trong đó có cả nền tảng di động.
Nếu như Wonder Boy: The Dragon’s Trap chỉ là bản remaster, “đại tu bổ” yếu tố nghe nhìn và giữ nguyên hoàn toàn thiết kế màn chơi thì Monster boy and Cursed Kingdom lại là một câu chuyện khác. Tựa game này được phát triển mới với sự hợp tác của “cha đẻ” của series Wonder Boy là nhà thiết kế game người Nhật Nishizawa Ryuichi, mang nhiều cảm giác quen thuộc của series này và một chút cảm giác hiện đại hơn của dòng game metroidvania. Nội dung game xoay quanh nhân vật Jin và ông chú phù thủy Nabu vì một lý do gì đó đã biến toàn bộ dân cư trong thế giới game thành thú.
Để giải cứu tất cả mọi người trong đó có cả nhân vật chính, người chơi sẽ cùng Jin trải qua những hình dạng thú khác nhau và tận dụng sức mạnh đó trước khi cả thế giới biến thành “đấu trường thú”. Mỗi dạng thú sẽ mang đến những sở trường lẫn sở đoản riêng, đòi hỏi người chơi phải linh hoạt chuyển đổi để vượt qua các rào cản trong không gian màn chơi. Đơn cử như hình dạng thú đầu tiên là heo (lợn) với khả năng dò tìm bí mật, nhưng lại không thể mang kiếm và khiên. Ngược lại, hình dạng ếch có khả năng dùng lưỡi dài như một cái móc câu để bám vào những địa hình hiểm trở hoặc tấn công các loại côn trùng.
Ngoài ra còn ba nhân vật nữa, nhưng tôi nghĩ sẽ hay hơn khi để dành bí mật về những nhân vật đó cho bạn trải nghiệm. Nói ra hết sẽ mất hay. Điều thú vị là người chơi có thể hóa thân thành bất kỳ nhân vật nào trong trải nghiệm, tất nhiên là sau khi đã mở khóa được nhân vật đó. Thậm chí, bạn cũng có thể sử dụng phép thuật đi kèm để hỗ trợ cho yếu tố đi cảnh và chiến đấu với những kẻ thù khác bên cạnh đánh boss. Điểm nhấn đánh chú ý là Monster Boy and the Cursed Kingdom có thiết kế màn chơi khá rộng lớn, được thiết kế rất tốt dù không kém phần phức tạp. Thế nhưng, nhờ có kết cấu rõ ràng nên một kẻ “mù đường” như tôi thường không lâm vào tình trạng mù mờ về việc phải đi đâu để tới một địa điểm nào đó.
Chưa kể, màn chơi còn ẩn chứa rất nhiều bí mật để thưởng hậu cho những ai chịu khó khám phá mọi ngóc ngách. Phần thưởng trong Monster Boy and the Cursed Kingdom không quá đa dạng, thường xoay quanh việc giúp trải nghiệm “dễ thở” hơn, chẳng hạn nâng số lượt sử dụng phép thuật hay máu cho nhân vật chính, đi kèm với đó là hệ thống chuyển dịch nhanh giúp bạn dễ dàng quay lại những địa điểm cũ để tìm kiếm bí mật bị bỏ sót trước đó, nếu muốn. Hệ thống trang bị cũng khá đa dạng, có thể tìm từ những kho báu nằm ở dọc màn chơi hoặc tìm mua tại các cửa hiệu với đủ mọi trang bị, từ vũ khí, khiên hay giáp cho tới giày lẫn nhẫn, kèm theo hệ thống nâng cấp khi người chơi thu thập được đủ ngọc, mang nhiều cảm giác một tựa game nhập vai.
Không ít trang bị trong số này đều có tính hỗ trợ, đơn cử như giày cho phép nhân vật đi trên nham thạch nóng chảy hay bộ giáp chống độc v.v… Điều này cũng đồng nghĩa bất chấp yếu tố đồ họa vẽ tay kiểu hoạt hình nhìn có vẻ hơi trẻ con với nhiều tông màu rực rỡ, trải nghiệm Monster Boy and the Cursed Kingdom không dễ dàng như bạn tưởng, đặc biệt là trải nghiệm trên PC điều khiển bằng bàn phím. Có màn chơi như khu vực núi lửa được thiết kế độ khó tăng vọt khá bất ngờ, không chỉ riêng màn chơi mà còn do kẻ thù hoặc boss hiếu chiến hơn trước đó. Tuy nhiên, trong bản cập nhật đầu tiên cho PC thì nhà phát triển đã giảm độ khó khu vực này xuống bằng cách tăng lượng máu được hồi khi bạn sơ ý để nhân vật “lọt hố”.
Dù vậy, điều đó vẫn không giúp trải nghiệm dễ dàng hơn như mong đợi. Càng về sau, trải nghiệm càng có nhiều cạm bẫy chết người cũng như số lượng checkpoint giảm xuống, rất dễ khiến người chơi “nóng máu nổi mụn” nếu bất cẩn, khá là ức chế. Tuy nhiên, một điểm cải tiến dễ nhận thấy so với các bản console phát hành năm ngoái là dãy menu tròn của trò chơi có thêm lựa chọn tiện lợi hơn, nếu bạn không thích thiết lập mặc định trước đó. Cá nhân tôi vốn đã quen với trải nghiệm từ bản Nintendo Switch nên không cảm thấy cần thiết phải điều chỉnh lại, nhưng nhiều người chơi mới có thể sẽ hài lòng hơn với tùy chọn này với thao tác nhấn và giữ nút để “quẹo lựa” và nhả nút ra để xác nhận lựa chọn.
Tính năng đáng chú ý khác của bản PC là khả năng hỗ trợ màn hình ultrawide. Về lý thuyết, nó giúp mang đến trải nghiệm “siêu rộng” rất hấp dẫn, giúp người chơi bao quát được màn chơi theo phương ngang tốt hơn trong nhiều tình huống đi cảnh. Tuy nhiên, tính năng này chỉ xuất hiện trong những cảnh “về thành dưỡng sức”, còn toàn bộ trải nghiệm đi cảnh vẫn là khung hình wide thông thường với hai cạnh bên được “che phủ” bằng hình artwork của nhân vật mà bạn đang sử dụng. Có lẽ nhà phát triển không muốn tạo sự bất công trong trải nghiệm giữa “người giàu” và “kẻ nghèo”, dù sao vẫn hơi đáng tiếc.
Mặt khác, do không khóa tốc độ khung hình nên trải nghiệm trên PC cực kỳ mượt mà nếu cấu hình máy của bạn “đủ khủng” để đạt được tốc độ khung hình cao. Thế nhưng, đồ họa bản PC tuy nhìn sắc nét nhưng dường như chất lượng đồ họa chỉ có độ phân giải cao hơn, chứ cảm giác nhìn vẫn không khác biệt mấy so với bản Nintendo Switch có cấu hình kém hơn rất nhiều, nhất là cảnh nền. Nhạc nền thì khỏi phải bàn, toàn là những tên tuổi nổi tiếng sáng tác nên không có gì để “ý kiến”. Monster Boy and the Cursed Kingdom khá đa dạng giai điệu, lúc nhẹ nhàng và khi thì sôi động, rất phù hợp với trải nghiệm trong mỗi màn chơi. Đây là một điểm cộng không nhỏ giúp tạo cảm xúc và không khí trải nghiệm phù hợp cho người chơi.
Sau cuối, Monster Boy and the Cursed Kingdom mang đến một trải nghiệm đi cảnh tuyệt vời và hấp dẫn, không chỉ ở khía cạnh nghe nhìn mà cả góc độ gameplay. Dù vậy, vấn đề lớn nhất của trò chơi là hitbox vẫn không được giải quyết trong bản PC. Nó khiến người chơi khó thực hiện những pha nhảy hay tấn công chính xác như mong đợi, thậm chí tạo ra những tình huống nhân vật đứng kiểu “nửa giò” như lơ lửng trên một bề mặt khá hài hước. Chưa kể, cảm giác trải nghiệm bằng bàn phím trên PC kém linh hoạt hơn do thiết kế ban đầu dành cho console sử dụng tay cầm. Thế nhưng, nếu yêu thích thể loại này và không ngại một chút thử thách, bất kể bạn là người chơi cũ hay mới của thể loại đi cảnh, đây vẫn là một tựa game rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
Monster Boy and the Cursed Kingdom được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.