Microsoft Flight Simulator là game mô phỏng lái máy bay với đồ họa và yếu tố mô phỏng chân thật đến tuyệt vời, nhưng đó là trải nghiệm không dành cho số đông.
Microsoft Flight Simulator là series game có tuổi đời rất dài, “già” hơn cả hệ điều hành Windows ra mắt lần đầu năm 1985 tận 3 tuổi. Mặc dù nhiều tuổi như vậy, nhưng số lượng game của series này không nhiều do được phát hành rải rác. Phiên bản gần nhất của series này là Microsoft Flight Simulator X: Acceleration phát hành vào gần cuối năm 2007. Điều thú vị là các phần chơi trong của dòng game này thường được dùng làm phần mềm huấn luyện cho các phi công lái máy bay do tính mô phỏng chân thật của nó.
Phiên bản năm 2020 cũng không hề ngoại lệ, nhưng được nâng cấp với những công nghệ mới nhất. Đáng chú ý là dữ liệu game được xây dựng từ đời thật, lên đến hơn 2 triệu GB và được tải về theo trải nghiệm của người chơi. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề lớn nhất của Microsoft Flight Simulator, nhưng tôi sẽ đề cập đến nó ở cuối bài. Vấn đề to hơn cái bánh xe bò cần lưu ý là bạn không thể yêu cầu hoàn tiền một khi đã mua và bắt đầu cài đặt trò chơi. Tất cả chỉ vì thiết kế bộ cài đặt không giống ai của game.
Microsoft Flight Simulator không phải là trải nghiệm dành cho tất cả, trừ khi bạn thích cảm giác hay muốn được làm phi công lái máy bay hoặc ngắm danh lam thắng cảnh thế giới từ trên cao. Trò chơi có nhiều phiên bản với sự khác biệt lớn nhất là ở số lượng máy bay mà người chơi có thể điều khiển, cùng với lượng sân bay bổ sung mà phiên bản “rẻ tiền” nhất không có. Điểm cộng lớn nhất là những nội dung thêm này được tái hiện rất chính xác về mặt hình ảnh, mang nhiều cảm giác khác biệt khi nhập vai phi công lái máy bay.
Đơn cử như mẫu máy bay dân dụng 787-10 Dreamliner hai lối đi tiết kiệm nhiên liệu nhất trong ngành hàng không của hãng Boeing không có trong phiên bản “nhà nghèo”. Tương tự, sân bay quốc tế Dubai “chanh sả” cũng không dành cho “con nhà nghèo” cùng nhiều cái tên tiềm năng khác. Điều này cho thấy tiền bản quyền hình ảnh của những sân bay và máy bay chiếm một phần không nhỏ trong chi phí sản xuất game. Chỉ an ủi là các mẫu máy bay và sân bay đi kèm trong phiên bản ít tiền nhất đều có chất lượng “sao y bản chính” cực cao.
Đồ họa ấn tượng là điều mà người chơi có thể thấy ngay từ đầu trải nghiệm. Mức độ chi tiết có lẽ vượt xa bất kỳ tựa game mô phỏng nào mà tôi từng chơi trước đây. Thậm chí, nếu chụp hình thiết bị bên trong máy bay và so sánh với hình trên mạng, bạn sẽ nhận ra mức độ “copy” thuộc hàng đẳng cấp. Nó giống thật đến mức người chơi có thể chụp screenshot để đi lòe bạn bè không biết gì về Microsoft Flight Simulator nữa kìa. Đó là chưa kể các thiết bị bên trong buồng lái có thể tương tác thông qua trải nghiệm game.
Thời tiết là một trong những hiệu ứng khiến tôi ấn tượng nhất bên cạnh đồ họa hớp hồn của Microsoft Flight Simulator phiên bản 2020. Trò chơi gần như tái hiện lại hoàn hảo những khoảnh khắc thời tiết mà phi công có thể gặp phải khi cất cánh lên giữa trời. Cảm giác ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao qua buồng lái rất khó tả. Bạn thậm chí cũng có thể chụp lại cảnh mặt đất ở những góc nhìn từ buồng lái và dễ dàng lừa được rất nhiều tin rằng đấy là hình chụp từ máy bay. Mức độ chi tiết không khác gì cảnh thật ngoài đời.
Microsoft Flight Simulator có tutorial rất chi tiết, nhưng một khi hoàn thành “khóa học hướng dẫn”, người chơi phải tự thân vận động. Đó mới là vấn đề. May mắn là những ai chỉ muốn ngắm cảnh tại gia có thể bật chế độ autopilot cho máy bay tự lái đến địa điểm mà bạn thiết lập sẵn, nhất là khi thực hiện những chuyến bay dài. Nếu muốn tự lái và giải quyết vấn đề “tổ lái”, tránh trường hợp như cơ trưởng Chesley Sullenberger trên chuyến bay 1549 định mệnh của hãng hàng không US Airway, bạn vẫn có thể làm điều đó dù không dễ.
Mặc dù từng có kinh nghiệm không chiến trong Ace Combat 7: Skies Unknown, nhưng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn khi làm quen với điều khiển máy bay trong Microsoft Flight Simulator. Nó không đơn giản như tôi hình dung. Yếu tố mô phỏng có vẻ được xây dựng giống đời thật ở nhiều khía cạnh, đòi hỏi bạn phải dành nhiều chú ý vào phần tutorial ban đầu. Sở dĩ tôi nghĩ như vậy vì nếu đó chỉ là trải nghiệm game thuần túy, chẳng ai thiết kế điều khiển phức tạp và nhiều thứ phải nhớ như thế cả. “Dễ dãi” không hề áp dụng trong tựa game này.
Trò chơi có thiết lập độ khó tương tự như dòng game Forza Motorsport. Đó không chỉ đơn thuần là lựa chọn giữa dễ hay khó mà là mức độ hỗ trợ (assist) nhiều hay ít. Nếu bạn là phi công đã có chứng chỉ lái máy bay, assist chắc chắn không cần thiết. Tuy nhiên, người chơi thông thường như tôi không thể có được trải nghiệm tuyệt vời nếu tắt tính năng này. Tính năng này vẫn chưa là gì so với hàng loạt thiết lập khác nhằm mục đích mang đến cảm giác lái máy bay chân thật hơn, nhưng nó khó lòng dành cho tất cả phi công người chơi.
Thế nhưng, một khi máy bay cất cánh lên trời cao, tôi không nghĩ bạn sẽ còn động lực lái máy bay. Lúc đó có khi chỉ lo ngắm cảnh hoặc tìm đến những danh lam thắng cảnh thế giới mà bạn đã hoặc chưa từng tới. Vì đó sẽ là một trải nghiệm khá nhàm chán nếu chỉ điều khiển máy bay bằng chuột và bàn phím hay thậm chí tay cầm console, mà không phải là bộ điều khiển HOTAS chuyên dụng cho những tựa game lái máy bay. Ở góc độ người chơi, Microsoft Flight Simulator không giống như một trải nghiệm game mà còn hơn thế nữa. Đó là đam mê.
Đam mê nào cũng rất tốn kém. Nếu không sẵn sàng chịu chi và đầu tư cho nó, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với đam mê của mình. Trải nghiệm Microsoft Flight Simulator cũng vậy. Nếu không tậu bộ điều khiển HOTAS đầy đủ gồm nhiều thành phần, trải nghiệm sẽ rất tẻ nhạt khiến giá trị của trò chơi giảm đi rất nhiều. Chỉ có một trường hợp mà tôi có thể loại trừ là khi bạn chỉ dùng autopilot để thỏa sức ngắm cảnh đẹp khó cưỡng qua buồng lái máy bay. Đó cũng là một cách trải nghiệm, nhưng Google Earth không tốn tiền.
Đáng nói, một khi đã “trên tay” bộ điều khiển HOTAS, bạn gần như chẳng có lý do gì để trải nghiệm Microsoft Flight Simulator bằng chuột và bàn phím hay tay cầm chơi game thông thường nữa. Vấn đề ở chỗ, các bộ điều khiển HOTAS thường có mức giá không rẻ và rất khó kiếm ngay cả tại các cửa hàng chuyên dụng trong nước. Đa phần phải đặt hàng từ nước ngoài với mức giá khá đắt, không phải là lựa chọn hấp dẫn với phần lớn người chơi Việt. Chưa kể vấn đề khi cần bảo hành nếu sản phẩm có hư hỏng gì trong quá trình sử dụng.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Microsoft Flight Simulator nằm ở cách mà trò chơi tái hiện những hình ảnh dưới mặt đất khi bạn ngồi trong buồng lái. Về cơ bản, nhà phát triển sử dụng dữ liệu từ Bing Maps của Microsoft cùng với hệ thống AI để tái hiện bằng hình ảnh mà bạn thấy. Thông tin này được phát sinh từ các máy chủ Azure của Microsoft với lượng dữ liệu khá đồ sộ. Khi bạn trải nghiệm, dữ liệu sẽ được tải về từ server theo tốc độ đường truyền và tái hiện theo thuật toán nhất định hoặc dựa trên hình ảnh thật có sẵn.
Điều này cũng đồng nghĩa nếu đường truyền internet của bạn không đủ nhanh hoặc dữ liệu bản đồ đó chưa được cập nhật trong Bing Maps, khả năng cao thứ mà bạn nhìn thấy chỉ là hình ảnh do AI “tự bịa” để lấp đầy màn hình. Đó là lý do chỉ những thành phố lớn hoặc nổi tiếng có sẵn hình ảnh thật như nước Mỹ mới chính xác, đến mức bạn có thể lái máy bay tìm nhà người quen ở đó. Những nơi không có dữ liệu thật hoặc vì đường truyền không đủ nhanh tải về mà do AI dựng nên, khung cảnh nhàm chán cứ như ở xứ khỉ ho cò gáy nào đấy.
Càng bay cao hơn, công nghệ AI càng có xu hướng ít can thiệp vào hình ảnh hơn, nhưng bạn sẽ không còn được thấy mọi thứ dưới mặt đất ở khoảng cách thật gần với mức độ chi tiết cao nữa. Kỳ thực, cảm giác khi máy bay lên độ cao nhất định khá giống khi bạn là hành khách trên những chuyến bay của các hãng hàng không về mặt hình ảnh. Người chơi cũng có thể nhìn mây mà đoán thời tiết, thời gian hay thậm chí các luồng không khí gây nhiễu động mà thỉnh thoảng di chuyển bằng máy bay tôi vẫn gặp phải. Ấn tượng hình ảnh không chỉ dừng ở đó.
Khoảnh khắc khi bay đêm rất khác biệt so với bay ban ngày. Nó mang đến cảm giác rất lạ so với khi bạn ngồi trong những tòa nhà cao vài chục tầng nhìn xuống phố. Đặc biệt, Microsoft Flight Simulator có hỗ trợ TrackIR nhưng chỉ với những mẫu webcam nhất định. Công nghệ này giống như phiên bản rút gọn của hệ thống Kinect ngày xưa, giúp theo dõi chuyển động đầu của bạn. Khi người chơi quay đầu sang hướng nào, khung cảnh buồng lái trên màn hình cũng di chuyển theo tương ứng, mang đến trải nghiệm lái máy bay giống thật hơn.
Trò chơi cũng khá linh hoạt trong yếu tố mô phỏng theo nghĩa đen. Chỉ với vài thao tác đơn giản truy cập vào menu, bạn hoàn toàn có thể áp đặt thời tiết hay thông tin chuyến bay theo thời gian thật bất kỳ lúc nào, không hề có màn hình chờ tải dữ liệu. Chẳng hạn chuyển thời tiết từ mưa gió bão bùng sang nắng rực rỡ trong chớp mắt. Thế nhưng, thời gian chờ tải dữ liệu rất lâu vào những lúc khác, nhất là khi mới vô game lại là điểm trừ rất lớn. Tôi chỉ không biết nó có liên quan đến tốc độ đường truyền internet không.
Sau cuối, Microsoft Flight Simulator mang đến một trải nghiệm mô phỏng lái máy bay vô cùng ấn tượng, nhưng đáng tiếc không phải dành cho số đông. Trò chơi có kế hoạch hỗ trợ thực tế ảo và các bản mở rộng trong tương lai thông qua nhà phát triển Asobo Studio (first party) và các nhà phát triển bên thứ ba, cho thấy tiềm năng giá trị chơi lại rất lớn trong tương lai. Hy vọng bạn đã có câu trả lời cho bản thân trước khi quyết định rút hầu bao và nếu có thì ở mức độ nào.
Microsoft Flight Simulator hiện có cho PC (Windows). Phiên bản Xbox Series X dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác